Một là bài viết của Nhà vật lý vĩ đại Einstein do bạn Nguyễn Thế Tuyển (CHLB Đức) dịch trong cuốn Europa 2 Munchen 1967, và một bài viết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Một người là nhà bác học, nhà khoa học tự nhiên vĩ đại và nổi tiếng toàn nhân loại, một người là "đứa con của nông dân"- nhà thơ có tên tuổi và được hâm mộ ở VN. Một người đã ở thì quá khứ, một người đang ở thời sung mãn nhất của thì hiện tại.
Dù lĩnh vực khác nhau, ở hai tầm thời đại lịch sử hoàn toàn khác nhau, và dù mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng cả hai bài viết đều bàn về dạy người. Đủ biết giáo dục vẫn luôn là mối bận tâm, là niềm day dứt mà thiết tha của con người, dẫu là nhà bác học hay đứa con của nông dân, khi trái đất vẫn tiếp tục sinh ra trẻ em.
Albert Einstein: Đào tạo một nhân cách hay một chuyên gia?
Nếu chỉ đào tạo con người thành chuyên gia thì không thể trọn vẹn, vì như vậy chẳng khác gì biến con người thành một loại máy móc hữu ích, chứ không đào tạo họ trở thành một nhân cách phát triển hài hoà. Mục đích cơ bản nhất của giáo dục là mang lại cho con người những cảm xúc sống động về giá trị thực tế của cuộc sống, về sự đồng cảm.
Giáo dục phải dạy người ta cảm nhận được cái đẹp, cái nhân bản, cái thiện. Một nền giáo dục đánh mất yếu tố này, chỉ vì quá chú trọng đào tạo kiến thức chuyên môn, sẽ chỉ tạo ra những con người có thể so sánh với loài động vật được huấn luyện tốt, vì nó đã quên nghĩa vụ đào tạo toàn diện để có những nhân cách người phát triển phù hợp thời đại.
Người học phải biết cách phân tích những nguyên nhân cốt lõi, kể cả những ảo tưởng của con người, tạo được quan hệ với những cá nhân hay cộng đồng đang sống xung quanh mình. Thế hệ trẻ nhất thiết phải được tiếp xúc trực tiếp với người dạy mình để tạo nên ý thức, chứ không chỉ thông qua sách giáo khoa tốt. Cảm nhận được tính nhân văn thì những mảng kiến thức về lịch sử hay triết học sẽ không còn khô khan nữa.
Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng khác của giáo dục- đào tạo là bồi dưỡng cho giới trẻ có suy nghĩ độc lập, tự tin xét lại những mệnh đề. Mục đích này dễ bị quên lãng nếu bắt học sinh học quá tải rất nhiều môn. Sự quá tải trong đào tạo thường dẫn đến những nông cạn đáng sợ. Nền giáo dục phải tổ chức làm sao cho người học cảm thấy cái mình học được là món quà đầy giá trị, chứ không phải thở phào vì qua được một cửa ải khó khăn.
Ví dụ một sinh viên trường y cần phải được đào tạo không những có đầy đủ kiến thức chuyên môn và hiểu biết tổng quát, đó mới chỉ là nền tảng để một bác sĩ là nhà khoa học hay chuyên viên kỹ thuật, anh ta còn phải là nhà tâm lý tuyệt vời, thấu hiểu được cái đau, cái vui của con người để tính nhân bản dồn hết vào việc chữa bệnh. Đó chính là khái niệm nhân cách.
Nguyễn Quang Thiều: Khi những đứa trẻ biết yêu một tổ chim trong tán lá
Tôi hoàn toàn tin rằng nếu bây giờ chúng ta đặt câu hỏi: “Sản phẩm của nền giáo dục là gì ?” cho ngài Bộ trưởng GD đến một cô giáo trường mầm non, chúng ta đều nhận được một câu trả lời như nhau: “Sản phẩm của nền GD là con người”. Câu trả lời đó là hoàn toàn như một chân lý. Nhưng khi chúng ta thực thi sứ mệnh này, chúng ta lại quên đi những gì chúng ta phải làm để có được một “sản phẩm người” đúng nghĩa.
Có bốn yếu tố để làm ra được những “sản phẩm người”. Đó là gia đình, nhà trường, xã hội và thiên nhiên. Nếu thiếu một trong bốn yếu tố này, chúng ta không thể tạo ra một “sản phẩm người” hoàn thiện. Nền GD Việt Nam trên lý thuyết về tính mục đích không sai nhưng đời sống hiện thực của nó lại đang mắc một số sai lầm nghiêm trọng.
Tôi đã từng đặt câu hỏi nhà trường là của học sinh hay của thầy cô? Câu trả lời chính xác, nhà trường đang nằm trong sự “độc tài” của thầy cô. Đấy là một sai lầm chết người. Nhà trường chúng ta đang bắt học sinh thực thi những “tham vọng” của mình. Một trong những nguyên nhân đẻ ra “tham vọng” này là chủ nghĩa thành tích để tiến thân, và thiết lập ra một quan hệ nhiều tính thương mại với học sinh và phụ huynh.
Nhà trường không gì khác, là một thế giới cho sự sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ. Nơi đó, những đứa trẻ bắt đầu được khám phá, được sáng tạo bản thân và thế giới xung quanh trong sự quan sát, định hướng và gợi mở của thầy cô. Nhưng chúng ta đang từng ngày đóng sập những cánh cửa của trí tưởng tượng và sáng tạo của những đứa trẻ bằng những bài giảng vô cảm, đầy lý trí ấu trĩ. Hiện tượng ngày càng nhiều những đứa trẻ sợ đến trường và khi tan trường mang cảm giác như được giải thoát là có thật. Và đó chính là sự “phản bội” lại tính mục đích của mọi nền giáo dục.
Áp lực của chủ nghĩa thành tích bội tăng trong mỗi gia đình học sinh. Gánh nặng của những bảng điểm như những chiếc ách kéo gương mặt trong sáng của những đứa trẻ xuống. Cả nhà trường và phụ huynh mở căng mắt săn lùng những con số thoả mãn họ trong từng trang học bạ, mà lẽ ra, họ phải nhìn không chớp mắt sự chuyển động của ánh sáng trên gương mặt chúng, lắng nghe mọi cung bậc trong giọng nói chúng.
Chúng ta đang chăm sóc những đứa trẻ như những sản phẩm công nghệ siêu cấp chứ không phải chăm sóc thế giới tâm hồn chúng. Nhiều người trong chúng ta, cả thầy cô và những bậc cha mẹ, không nhận ra một điều rằng: Những đứa trẻ đang sống trong một thế giới cô độc. Thân xác chúng ở bên cạnh chúng ta và nằm dưới sự cai quản của chúng ta, nhưng tâm hồn chúng đã và đang tìm đến một thế giới tinh thần khác. Không ít những đứa trẻ trở nên hoang mang và lạc đường trong cuộc kiếm tìm đầy cạm bẫy, nhiều rủi ro đó.
Bạn hãy thử nhìn lại xem mỗi ngày, những đứa trẻ đang sống trong một thế giới ngôn ngữ nào trong ngôi nhà chúng? Sự thật không thể chối cãi là chúng đang sống trong một thế giới của ngôn ngữ thực dụng. Những câu chuyện kể đêm đêm, những thì thầm chia sẻ và những gợi mở tâm hồn từ người lớn chúng ta cho những đứa trẻ hình như đã chết tự lâu rồi, cả ở trong ngôi nhà và trong mái trường. Cái chết đó mang theo cái chết của tâm hồn trẻ nhỏ.
Ngày ngày, những đứa trẻ phải đi qua một đời sống xã hội trên một con đường đầy thói ích kỷ và thiếu ý thức. Một thành phố với những dòng xe chen lấn, rác rưởi vứt đầy đường, những quán nhậu đầy kẻ say tối ngày, với những kiến trúc xấu xí, với những cái cây còn sót lại ốm yếu, với những dòng chữ, con số hỗn loạn và vô cảm trên những bức tường, với những dòng người di chuyển căng thẳng, khó tìm thấy sự chia sẻ, thân thiện…
Những đứa trẻ bị bao vây tứ phía bởi sự vô cảm và chủ nghĩa thực dụng của người lớn.
Trong trí tưởng tượng của mình, tôi thấy bầy trẻ chạy về thiên nhiên để thoát khỏi một đời sống mà chính chúng phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm. Đó có lẽ là một nhu cầu bản năng kỳ diệu. Nhưng thiên nhiên đang trở nên hoang tàn và lùi xa chúng. Có bao nhiêu người lớn trong xã hội chúng ta nói cho những đứa trẻ về vẻ đẹp của một cái cây, của một cánh bướm, của một cơn mưa, của một đầm nước, của đám mây, của một cánh đồng…?
Chúng ta đang lấp những hồ nước, chúng ta đang lấn chiếm những công viên, chúng ta đang xoá những khu vườn, chúng ta đang chặt những cái cây, chúng ta đang săn lùng khoái trá và hung bạo những con chim và những động vật khác. Tâm hồn của mỗi đứa trẻ lớn lên như một cái cây non. Nó cần đất, cần nước, cần gió, cần nắng trời, cần những ánh sao đêm, cần những ngọn gió đổi mùa…Nó cần cả những gì mơ hồ nhất, cả những gì mà nhiều người lớn chúng ta luôn luôn nhạo báng, đó là sự hão huyền.
Chúng ta có thể chỉ mất một năm để dạy cho một thanh niên biết lắp ráp một chiếc xe hơi hiện đại nhất, mất bốn năm để có một cử nhân, mất hai năm tiếp theo để có một thạc sỹ và hơn một chút để có một tiến sỹ…Nhưng chúng ta có thể phải mất cả đời để tạo dựng một tâm hồn đẹp cho một con người. Chúng ta đã và đang lên tiếng về nhân cách và tâm hồn của thế hệ trẻ, đặt những câu hỏi đầy tính báo động nhưng chúng ta lại không chịu nhận ra chính chúng ta là những kẻ trực tiếp làm ra những “sản phẩm người” đầy lo sợ và chứa đựng quá nhiều đe dọa.
Chúng ta đã và đang mất quá nhiều thời gian dạy những đứa trẻ bằng mọi cách “mua” được một điểm 10, để lọt được vào một trường ĐH mà không biết dạy chúng làm thế nào để yêu một tổ chim trong một tán lá. Đó là sai lầm cơ bản nhất trong nền giáo dục. Khi những đứa trẻ biết yêu một tổ chim trong tán lá, chúng sẽ biết yêu một con người trong một ngôi nhà, và biết đau nỗi đau của con người...
Không có một học viện nào có thể dạy hết cho những đứa trẻ tất cả những gì sẽ xẩy ra với chúng trong cuộc đời để chúng có thể nhận biết và tìm cách ứng phó. Nhưng nếu chúng ta tạo dựng được một tâm hồn đẹp và cao thượng cho chúng, thì trên nền tảng vững chắc của cái Đẹp, chúng sẽ nhận ra cái Ác và biết phải làm gì khi bị cái Ác cám dỗ.
Chỉ khi đó, GD mới hoàn thành sứ mệnh dạy người của mình.
Nguồn: Tuần Việt Nam