Nước Mỹ là nơi biết bao người dân mơ ước về “tuổi trẻ vĩnh hằng”. Sự ám ảnh về tuổi trẻ của họ bắt nguồn từ sự phát triển của công nghệ, đi cùng với nó là truyền thông trong thế giới hiện đại. Dale Archer viết về điều này trên Psychology Today. Và ta nhận ra, đây không chỉ là câu chuyện của riêng người dân Hoa Kỳ.
Nền văn hóa hiện nay của chúng ta đang bị ám ảnh với vẻ ngoài trẻ trung, dù là ngoại hình hay các hành động biểu hiện điều đó. Thật khó tin rằng ông cha ta ngày xưa từng đeo những bộ tóc giả nhuộm xám để trông như già đi và uyên thâm, từng trải hơn. Không còn như vậy nữa! Hàng loạt việc làm từ nhuộm tóc tới tiêm Botox, dùng thuốc Viagra hay kem chống nếp nhăn, và liên tiếp những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ - tất cả là một cuộc đua. Cuộc đua để lưu giữ tuổi trẻ vĩnh hằng.
Hàng ngày, chúng ta bị dội bom bởi vô số hình ảnh trên các tạp chí, quảng cáo, vô tuyến và internet. Các tranh ảnh đó đều chú trọng vào hình thức, vào vẻ ngoài; không hề bộc lộ về trải nghiệm hay sự thông thái nào hết. Hầu như mọi nhân vật nổi tiếng, từ các chính trị gia tới các diễn viên, phát thanh viên truyền hình đều đã làm “gì đó” trên khuôn mặt hay cơ thể họ. Điều đó phản ánh mặt văn hóa còn nông cạn của chúng ta, nơi mà tất cả những gì quan trọng đều có thể được diễn giải chỉ trong 140 ký tự hay ít hơn thế (twitter).
Có rất nhiều lý do giải thích tại sao nước Mỹ lại ám ảnh bởi tuổi trẻ như vậy. Nhưng có lẽ sự phát triển của công nghệ là lý do xác đáng nhất. Hãy thực tế: Những người già nhìn chung thường chậm chạp và không ham kết nối như giới trẻ. Bao nhiêu người trên 60 mà bạn biết có sử dụng Twitter, Facebook hay một chiếc smartphone đời mới? Nhưng vấn đề này có phải là điều xấu không?
Thế giới ngày càng tăng tốc, sự thông thái của tuổi già giờ có thể Google một cách dễ dàng. Thế giới analog giờ đã bị thay thế bởi thế giới số. Ai cần phải hỏi lời khuyên từ một ông già trong khi chỉ cần bỏ ra chưa đầy 30 phút trên máy tính là đã có thể trở thành “chuyên gia ăn liền” về bất kỳ một lĩnh vực nào đó? Chẳng ai còn thời gian để sống chậm lại và thực sự hiểu biết sâu sắc về điều gì nữa. Vì sao? Vì nó sẽ tốn hàng ngày trời, hàng tuần, và thậm chí là hàng tháng!
Cách thu nhận thông tin nhanh chóng này đang tạo ra một ấn tượng rằng: chỉ cần một mẩu kiến thức, hay một bài nói chuyện ngắn ngủn thôi cũng đã đủ độ hay ho. Nó cổ súy người ta một lối suy nghĩ tạm bợ: chỉ cần đọc lướt hoặc xem video trong 10 phút cũng tương đương với sự uyên bác có được sau hàng năm trời kinh nghiệm.
Có một quan niệm như sau: Thà làm ba việc một lúc còn hơn bỏ thời gian ra làm một việc cho thật hoàn hảo. Sự đốt cháy giai đoạn chưa từng có này chính là hậu quả của smartphone hiện hữu khắp nơi, của hệ thống vô tuyến 500 kênh, của trò chơi điện tử… - những thứ giải trí tạm thời, cùng với vòng xoáy truyền thông 24/7 cung cấp lượng thông tin khổng lồ không hồi kết.
Cùng với sự phát triển của công nghệ là khao khát săn lùng tuổi trẻ. Điều đã gia tăng nhanh chóng tới mức lệch lạc. Tại sao lại thế? Trong khi trước đây mái tóc hoa râm, những nếp nhăn vẫn là minh chứng cho lòng kiên nhẫn, cho nhận thức bản thân, và cho sự thông thái, sáng suốt uyên thâm? Trong “Sự im lặng của bầy cừu”, Hannibal Lecter đã nói với Clarice thế này: “Chúng ta bắt đầu bằng cách thèm muốn những điều ta chứng kiến mỗi ngày”.
Quảng cáo cùng với truyền thông xã hội đang dựng nên chân dung của tuổi trẻ với những mỹ từ: gợi cảm, quyến rũ, đầy tương tác và những giao lưu… Dễ dàng nhận ra điều đó khi nhìn lại những quyển tạp chí, những bộ phim, trò chơi, chương trình truyền hình. Chỉ trong năm 2011, người Mỹ đã bỏ 10,4 tỷ USD để phẫu thuật thẩm mỹ. Mỗi năm có hơn 1,2 tỷ USD tung ra để hút mỡ, 800 triệu USD để giúp mọc lại tóc và 11 tỷ USD dành cho việc mua vitamin cùng các sản phẩm hỗ trợ. Trên đời này ta không còn hy vọng nhận được lời khen ngợi nào hay hơn thế: “Chao ôi! Trông cậu trẻ ra nhiều quá!”.
Không nghi ngờ nào về việc trẻ trung đồng nghĩa với nhanh nhẹn, vui vẻ và đầy hứng khởi. Nhưng luôn có thời gian, thời điểm cho tất cả mọi thứ. Sống vội vã trong thời gian dài sẽ lấy đi của ta tính hướng nội, sự thấu hiểu chính mình cùng những suy nghĩ sâu sắc – điều đáng lẽ phải đồng hành với ta khi ta trưởng thành và già đi.
Ta có thể cố gắng níu kéo tuổi xuân thêm chút ít trong khi cuộc sống vẫn trôi chảy không có nghĩa đó là cách sống tốt nhất. Frank Sinatra đã nói rất hay trong ca khúc “It was a very good year” như sau: “Giờ đây thời gian trôi nhanh quá. Ta đã bước vào mùa thu cuộc đời. Ta sẽ nghĩ về đời mình như rượu nho, từ những thùng ngon ngọt. Từ khi đầy ắp tới lúc cạn kiệt, chúng vẫn ngọt ngào và trong trẻo làm sao. Và thế, hẳn đã là một năm tốt lành”.
Dale Archer (Psychology Today)
Dịch: Hạnh Dung