Từ mấy năm qua trong đời mình, tôi đã có nhiều dịp để biết thêm những nghĩa trang đẹp đến mức chỉ mới nhìn qua, mà cứ nghe ngậm ngùi cho những không gian vẫn dành cho người còn sống. Những nghĩa trang đầy hoa, với những con đường thiệt nhiều những cội cổ thụ cao vút, tán lá thâm u suốt ngày lộng gió, như chứa hết những lời thì thầm của bao kẻ đã nằm xuống mà chưa đành lòng lìa bỏ chút hình hài còn gửi lại đây.
Tôi đã ngồi một mình trên chiếc băng đá cạnh một bia mộ bằng cẩm thạch trắng muốt chạm hình thiên thần tuyệt đẹp, như vừa lấy ra từ một viện bảo tàng nào đó. Trong làn gió trưa mang theo một tí mùi rong rêu từ bức tường đá nghĩa trang, tôi như chìm sâu vào cơn đại định của những trầm tưởng thật lạ…
Mươi năm trước, một hình hài đỏ hỏn chào đời ở đâu đó trên trái đất này với bao nhiêu là những lạ lẫm, nghi ngờ. Thằng bé ngày đó đã khóc vì sợ hãi, vì sự bất kham của cơ thể trước môi trường mới, những điều kiện sống chưa quen được. Nó đúng là người khách lạ trên tay người mà nó sẽ gọi là mẹ. Rồi thì nó lớn lên để một ngày biết yêu những người dưng, về sống ở những miền đất lạ, càng xa lạ càng khoái… Để một đêm khuya hay chiều mưa nào đó trên xứ người, nó chợt nhận ra một điều mà bao năm qua chính mình chưa từng ngờ tới, nghĩ đến: Thì ra nó vẫn một đời cô đơn. Nó, hay bao người khác, đều có chung một định phận hắt hiu kiểu đó. Vòng tay mẹ, rồi vòng tay người tình, trời ạ, hình như vẫn chỉ là những vòng rào ôm lấy một nghĩa trang quạnh hiu, từng luống hoa bao quanh một ngôi mộ đá lạnh lẽo. Chẳng ai hiểu ai, dù chỉ là một phút, nói chi là tri kỉ một đời.
Tôi ngẫu nhiên đưa mắt nhìn ra con đường lớn cạnh nghĩa trang. Một bà cụ ăn vận sang trọng đang dắt con chó nhỏ đi ngang. Một hình ảnh làm tôi nao lòng. Hom hem, cằn cỗi, mệt mỏi và cô độc, bà cụ trông như một nghệ nhân điêu khắc đang hoàn tất những đường nét sau cùng cho bức tượng nhân sinh. Bà vẫn đang một bóng trên quãng đường còn lại của đời mình. Sau những hẹn hò, gặp gỡ rồi thì gì cũng bỏ lại hết sau lưng. Bao nhiêu thân quen, rồi cả yêu đương gì đó, chi cũng là những giây phút đến rồi đi. Chẳng hiểu sao, tôi cứ nhìn theo dáng bà cụ rồi tự đoan chắc với mình rằng mãi đến tận giờ, bà vẫn giống hệt như hồi còn nằm ngo ngoe trên tay mẹ ở chỗ không biết mình là ai và yêu ghét trên đời là gì. Có sao sống vậy, được gì cầm nấy. Và quan hệ giữa bà với bao người chung quanh chỉ là mối liên lạc hữu cơ rồi cả vô cơ gì ấy giữa những cỏ rêu hoa lá trong một nghĩa trang đời để làm nên một chốn đi về cửa những vong hồn xiêu lạc.
Ngẫm lại bao phận người, tôi cứ nhớ đến tục lệ gõ mộ tìm chồng của bộ lạc Kabati bên Nam Phi. Đó là một cổ tục hơi buồn, nhưng cũng thiệt đẹp và nhiều ý nghĩa. Những góa phụ Kabati khi không cam tâm cô đơn suốt đời thường dựng lều bên mộ chồng để đêm đêm lấy gậy gõ vào đó cho đàn ông qua đường nghe thấy để họ biết đường mà tìm tới xem mặt. Ưng bụng thì lấy nhau, nếu chẳng ai ghé vào thì người góa phụ cứ ngồi đó mà gõ mộ chồng để tiếp tục chờ đợi. Tôi đọc thấy tục lệ kỳ lạ này của Phi Châu mà cứ nhớ lại chuyện người thiếu phụ quạt mồ mà Trang Tử ngày xưa đã gặp. Nhưng ngẫm kỹ thì đâu phải chỉ có góa phụ mới quạt mồ hay gõ mộ. Ai trên đời lại chẳng có lúc thèm nghe một tiếng lòng. Rồi cả khi nhận được lời đáp, mỗi người vẫn một cõi riêng, chẳng qua chắp vá cảm xúc mà sống cho qua một kiếp người thiệt nhiều những khoảng trống không sao lấp nổi. Ai cũng cô đơn vì một đời không tri kỷ. Nhưng thử hỏi chính mình còn chưa hiểu nổi bản thân thì làm sao có thể giao phó cho chuyện đó cho ai khác chứ!
Tôi bỗng thấm thía riêng mình với một câu chữ tiếng Anh. Tu học là một hành trình tìm đường (looking for the way). Một cuộc lên đường để tìm ra một lối đi. Chữ WAY đó hay lắm. Xé nhỏ ra từng chữ cái, W-A-Y, nó còn là một hành trình tự vấn. WHO ARE YOU (Anh là ai giữa muôn trùng thiên hạ) và WHERE ARE YOU (Anh đang ở đâu trong trời đất bao la này). Nhìn sang mấy chiếc thập giá trên những bia mộ trước mặt, tôi bỗng nhớ đến một câu nói hiếm hoi của Krishnamurti về Công giáo cho những người đang là hay chưa là một tín hữu Ki-tô: Hãy thánh hóa chiếc thập giá bằng cách hiểu rằng hình ảnh thập tự là minh họa cho lý tưởng xóa bỏ một cái TÔI. Hãy viết xuống một chữ I (Tôi) trong tiếng Anh rồi gạch ngang để xóa bỏ nó, ta sẽ có ngay một chiếc thập giá. Đó là một chiếc thập giá cần có cho thế giới hôm nay, bất kể châu lục nào, và cho toàn thể nhân loại, bất kể anh thuộc tín ngưỡng nào hay không có tín ngưỡng. Chiếc thập giá đó sẽ đem người ta về gần với nhau, để hiểu mình là ai, đang ở đâu và phải làm gì. Hình như là vậy!
Xin một đời thâm tạ những miền đất đã cưu mang tôi, cho tôi một cõi sống, và cũng chính ở nơi đây tôi muốn nói lời cảm ơn những nghĩa trang khắp nơi trên trần thế này, những nơi tôi đã học nhiều điều về nỗi chết. Đừng sợ buồn, đừng sợ vắng, mong bao người thiên hạ hãy một lần ghé lại một nghĩa trang nào đó để biết mình là ai và rồi sẽ đi về đâu. Hãy ghé lại để thấy bao toan tính hư vinh trên đời thật ra chỉ là những gì quá đỗi phù phiếm, mù sương. Tôi tin đó cũng là một cách thế tu hành. Vì như ở trên đã nói, cuộc tu là hành trình tìm kiếm một con đường (WAY): Who You Are, anh là ai giữa bao người và Where You Are, anh đang ở nơi đâu giữa cuộc trầm luân này!