Một thời đại dễ kết nối, đồng nghĩa với việc dễ dàng lãng quên những mối thâm tình, những giá trị lâu bền; trượt mãi trên một quán tính như thế, tâm hồn ta vuột lao vào vũng xoáy của cô đơn vì nhìn xung quanh thấy đâu đâu cũng chỉ là những chiếc mặt nạ…
Lướt trên các trang mạng xã hội như facebook, twitter… bạn sẽ nhận ra vô vàn những chia sẻ kiểu như “Tôi là kẻ lạc lối giữa cuộc đời”, “Cuộc đời thật hiu quạnh” hay đơn giản là lời than thở, đầy muộn phiền: “Tôi cô đơn!”. Hẳn không ngoại trừ nhiều bạn trẻ than thở chỉ để chém gió, câu like, thu hút sự chú ý của cộng đồng như miếng mồi nhử: “Tôi đang muốn kết bạn!”… Nhưng ở tầng nấc sâu hơn, nó cho thấy một thực trạng khá tiêu cực trong đời sống nội tâm của con người hiện đại.
Trong một xã hội rất đông người (cụ thể như các đô thị lớn Hà Nội, hay TP. Hồ Chí Minh…); một xã hội mà một phần không nhỏ nguồn lực được đầu tư cho các hoạt động cộng đồng như các tụ điểm giải trí, trung tâm thể thao, trung tâm thương mại; một xã hội mà mỗi một cá nhân dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, cho vui chơi như rủ bạn bè đi hát karaoke, đi mua sắm, đi du lịch, đi ăn hiệu, tham gia các trò chơi giải trí trực tuyến với các hãng truyền thông vân vân và vân vân… Thế nhưng, khi đối mặt với chính mình, khi mà nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Người về soi bóng mình/ Giữa tường trắng lặng câm…” (Ru ta ngậm ngùi) thì bỗng hốt hoảng tột độ, bỗng thấy mình cô đơn tột độ. Và, sự chán nản bắt đầu gặm nhấm cõi lòng.
Thế rồi, trải nghiệm cô đơn và “vô giá trị về bản thân” khi đối diện với chính mình, khiến con người hiện đại tìm mọi cách để trốn chạy những khoảnh khắc “một mình”; càng có xu hướng tìm đến những tụ điểm… để được cảm giác đông - vui. Tuy nhiên, nỗ lực ấy dường như quá mong manh và yếu đuối để con người có một nội tâm vui vẻ an nhiên, ngay cả khi “Người về soi bóng mình/ Giữa tường trắng lặng câm…”.
Bạn tôi, một người nổi danh trong giới điện ảnh nước nhà, một đạo diễn khá đình đám, anh chia sẻ: “Mình vừa lập facebook một cái, sau 3 ngày đã có 5.000 người kết bạn. Thời gian đầu thì âm ỉ tự sướng vì được nhiều người hâm mộ”. Thế nhưng chỉ hơn tháng sau thì anh đã cảm thấy nhàm chán, “vào trang của mình mà như đi vào hoang mạc, đọc những bình luận mà nhức hết cả đầu”. Rồi anh lặng lẽ “chìm” trên facebook, lặng lẽ chia tay phần lớn những người bạn ảo, để một ngày anh thốt lên “thật nhẹ nhõm”.
Câu chuyện tôi kể trên mang tính biểu dụ, nó cho thấy công cụ và công nghệ cao đang tiếp sức để con người hiện đại có cảm giác thật dễ dàng khi kết bạn và “bạn bè” trở thành một khái niệm vô cùng dễ dãi. Bây giờ, mọi người dường như quen tai với các cụm từ như: “bạn làm ăn”, “bạn nhậu”, “bạn chơi gôn”, “bạn chơi tennis”, “bạn mạng ảo”, rồi nữa “bạn… tình”….
Phổ cập từ “bạn” trở nên quá rộng, thì giá trị ý nghĩa của từ ấy ngày càng nông cạn và mong manh. Nhưng ít ai còn dành thời gian để ngẫm nghĩ đến sự “nông” và “mong manh” của các mối liên kết ấy. Một tâm thế xã hội hiện tại mà người viết cảm thấy (gần như là mặc định) đó là quan niệm “càng đông, càng vui”; “càng ồn ã càng vui”. Do đó, mọi sự được gọi là “chia sẻ” đều dựa trên tính đồng thuận về quyền lợi (bạn làm ăn, bạn chơi, bạn tình…), hiếm hoi để thấy được những mối tình bạn vô tư mà chân thành tri kỷ.
Các nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng, sự cô đơn không liên quan đến việc một người có bao nhiêu bạn. Sự cô đơn không phải là trạng thái ở một mình, mà là cảm giác (cá nhân) về trạng thái đó. Thế nên, người có nội tâm phong phú là người đó có thể “một mình” mà vẫn vui vẻ.
Thực ra, ám ảnh về nỗi cô đơn không phải là câu chuyện mới có ngày hôm nay. Trong âm nhạc, đã có những bài hát nổi danh vì những ca từ của nó mang thông điệp về nỗi cô đơn hoang mạc của cõi tâm hồn như: “Phố vẫn hoang vu từ lúc em đi” (Xin còn gọi tên nhau - Trường Sa) hay như “Có những khi về qua phố - phố chói chang không thấy mặt trời/ Có những khi về qua phố - phố quá đông không thấy mặt người” (Chuyện bình thường cuối cùng – Phú Quang) và nữa “Tôi cô đơn ngàn lần trước biển…”.
Với nghệ thuật, cô đơn là một nguồn cảm hứng vô tận, nó được đặt tên là “đẹp” để thăng hoa cho ra nhiều tác phẩm nổi danh và để đời. Nhưng, từ nghệ thuật bước sang đời sống, cô đơn mang một bộ mặt khác, u buồn và bi kịch hơn nhiều.
Điều này đã được chính những ca từ gióng lên những hồi chuông day dứt về một quan niệm sống “đông (thì tất nhiên sẽ) vui” mà không cần màng đến chiều sâu của mối quan hệ, độ chân thành và khả năng chia sẻ, lòng trắc ẩn. Thế nên, phố (biểu tượng cho sự đông đúc) vẫn hoang vu (vắng vẻ tình người) từ lúc em đi; để rồi, nhạc sĩ Phú Quang còn nhận thấy điều buồn bã hơn: “phố quá đông mà không thấy mặt người” – không thấy mặt người chỉ còn lại những chiếc mặt nạ biết cười, bạn có thấy giật mình không?
Một thời đại dễ kết nối, đồng nghĩa với việc dễ dàng lãng quên những mối thâm tình, những giá trị lâu bền; trượt mãi trên một quán tính như thế, tâm hồn ta vuột lao vào vũng xoáy của cô đơn vì nhìn xung quanh thấy đâu đâu cũng chỉ là những chiếc mặt nạ…
Hải Hồ
Hải Hồ
Xem thêm: Xã hội học của sự cô đơn