Càng tiến hóa, càng kém?

Trên những tấm áo phông ở nhiều nước có in các bức biếm họa khác nhau, chúng ta đôi khi có thể nhìn thấy cảnh tiến hóa của nhân loại, từ những chú khỉ khom khom tới con người hiện đại. Tuy nhiên, hình ảnh con người hiện đại lại được miêu tả như một  kẻ cóm róm ngồi trước màn hình máy tính và say mê vào mạng.

Trong sự đùa cợt đầy tính châm biếm này có một phần sự thật. Theo tạp chí Nga Itogi, công nghệ cao của thời nay, thành tựu vĩ đại của trí tuệ loài người, có thể sẽ kết liễu chính con người có trí tuệ. Quá đà trong thế giới ảo, chúng ta đang góp tay làm xuất hiện trong bộ gien của các thế hệ tương lai những thông tin có thể làm cho con người ngày càng thoái hóa đi.

Siêu não

Cách đây không lâu, các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành chương trình nghiên cứu sâu các thư tịch cổ viết về những khả năng siêu phàm của một số kỳ nhân một thuở. Thí dụ như chuyện về những người lực sĩ hoàng gia có thể một ngày chạy mấy trăm cây số để kịp mang về cho nhà vua những quả mận chín ngon tươi, hoặc chuyện về những chiến binh có thể đi bộ vượt qua những đoạn đường thiên lý.

Theo nhận định của các nhà khoa học, đó không phải là chuyện "nói trạng" cho vui mà chính là bằng cớ để chúng ta hôm nay hiểu rằng, những người sống trong thời cổ đã có một thể lực phi phàm thế nào. Hiện giờ chỉ những vận động viên xuất chúng mới có được thể lực tương tự như thế, còn đại bộ phận nhân loại chỉ leo lên hai ba tầng cầu thang đã thở chẳng ra hơi.

Nếu mọi sự cứ tiếp diễn như vậy thì chẳng bao lâu nữa khả năng tự đi từ điểm A tới điểm B sẽ trở thành hiếm có. Tác giả của hệ điều hành máy tính nổi tiếng UNIX Bill Joy trong các giả định của mình đã đưa ra những ý tưởng còn mạnh mẽ hơn. Hơn một thập niên trước đây, Joy đã tuyên bố rằng, với tốc độ phát triển hiện nay của kỹ nghệ robot, kỹ nghệ nano và công nghệ gien, phần lớn các cơ quan trên cơ thể con người sẽ trở nên vô dụng.

Trong tiểu  luận Vì sao chúng ta  không cần cho tương lai đăng trên tạp chí Wired tháng 4/2000, Joy đã bày tỏ sự lo lắng của mình đối với sự phát triển tự phát và không được ai kiểm soát của công nghệ cao và coi đó là nguồn gốc đe dọa toàn bộ nhân loại. Theo Joy, quá trình tiến hóa dưới ảnh hưởng của tiến bộ công nghệ sẽ dẫn tới việc những phát triển tiếp theo chỉ hữu ích đối với não cùng những hệ thống duy trì sự sống cần thiết cho các hoạt động của não.

Những lý thuyết như của Joy hiện "hằng hà sa số" và tất cả đều xuất phát từ một tiền đề: con người sớm hay muộn sẽ hy sinh thân xác mình cho cái trí tuệ, rồi sẽ nhờ những công nghệ cao trở nên tối thượng.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến khác thế. "Trong hai trăm năm qua ở nền móng của mọi hệ tư tưởng trong xã hội chúng ta, dù đó là xã hội chủ nghĩa hay tự do chủ nghĩa, luôn có một căn cốt chung, - TS triết học người Nga Aleksey Rutkevich, Trưởng khoa Triết, thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia - Học viện Kinh tế cao cấp ở Moskva, nhận định. - Đó là ý tưởng rằng, chúng ta đang sống trong thời đại tiến bộ - nó diễn ra không ngừng không nghỉ, và con người chỉ càng ngày càng tốt lên thôi. Điều này gợi nhớ tới điều không tưởng về việc dường như loài người sẽ chuyển thành những sinh vật thiên giới đầy quyền năng sáng tạo. Đáp lại chuyện này chỉ là một bức tranh có phần thực tế hơn là, không phải mọi việc đều quá ổn thỏa".

Thời gian gần đây các chuyên gia ngày càng tranh luận nhiều hơn về việc, càng chìm sâu vào thế giới của máy móc, thông tin và không gian ảo, con người càng  bị suy giảm khả năng chính yếu nhất là tư duy.

Mỗi phần mỗi phận

Nếu đưa một người sống ở đầu thế kỷ XX sang cuộc sống hôm nay hẳn đầu người ấy sẽ bị vỡ tung vì lượng thông tin phải thu nhận hàng phút.  Các nhà khoa học ở Trường Đại học Tổng hợp California đã tính toán được rằng, tính trung bình một người Mỹ mỗi ngày "tiêu thụ" khoảng  34 gigabyte (34 triệu byte) dung lượng thông tin. Não của họ phải nhận và xử lý hơn một trăm nghìn từ. Và đó chưa phải là giới hạn vì mỗi năm dung lượng này sẽ tăng thêm 5,4%.

Tuy nhiên, khi xem xét thì hóa ra là, phần lớn dung lượng "thông tin" mà con người "tiêu thụ" lại ở những lúc họ xem truyền hình hay chơi trò điện tử trên máy tính - tức là những thu nhận rất xa cách với tri thức đích thực. Ngay cả đối với tin tức thời sự cũng vậy - hiện giờ chúng ta hình dung về thế giới xung quanh chủ yếu qua các tít bài. Rất ít người thấu hiểu bản chất của các sự việc đang diễn ra. Và hình như họ cũng không quá quan tâm tới việc này.

Nhà văn Mỹ Nicholas Carr trên cơ sở kinh nghiệm của chính mình đã xác định được rằng, việc sử dụng máy tính và mạng Internet làm thay đổi hoàn toàn phương thức tư duy của chúng ta, mà lại không phải theo hướng tốt lên. Carr đã viết cuốn sách Internet làm thay đổi suy nghĩ, đọc và ghi nhớ  của chúng ta như thế nào, khi để ý tới việc ông dần dà đánh mất khả năng cô đúc và phân tích nhưng lại có thể ngấu nghiến tiếp nhận hàng tấn thông tin. Tình huống quen thuộc với nhiều người trong chúng ta: đọc lướt các dòng tin, kiểm tra e-mail, trao đổi vài ba thông báo qua mạng... Không có những động tác mang tính thủ tục buổi sáng này, nhiều người giờ đây đã không thể bắt đầu một ngày làm việc bình thường.

Sau ba năm tiến hành các nghiên cứu tâm lý, hành vi và thần kinh, Carr đã đưa ra một kết luận không lấy gì làm khả quan. Những tưởng rằng, bộ não của chúng ta sẽ học được cách làm việc trong điều kiện đa nhiệm vụ và sẽ dễ dàng chuyển từ việc này sang việc khác. Thế nhưng, theo ý kiến của Carr, điều này diễn ra chỉ gây nên tác hại đối với chiều sâu của nhận thức.

Trong cuốn sách của mình, Carr dẫn ra một thí dụ điển hình trong việc đọc tài liệu. Người đọc tài liệu in trên giấy sẽ nghiên cứu thông tin từ đầu tới cuối trang. Còn nếu phải đọc trên máy tính theo chế độ online thì chắc gì anh ta sẽ đọc được tới cuối và có thể chỉ lần theo các ý chính...

Và theo quan sát của nhà văn, càng về sau thì anh ta càng dành ít thời gian hơn cho từng trang. Và dĩ nhiên là như thế thì anh ra sẽ chỉ thu nhận được một phần nhỏ thông tin và cũng chỉ theo cách rất đại khái. Hơn thế nữa, việc cố gắng phân tích một cách ít nhiều sâu sắc đối với một sự kiện quan trọng nào trên mạng rất khó được khách đọc chấp nhận: vì đã được nghe quá nhiều về sự kiện đó nên khách đọc đơn giản là không thể phân tách và nhận thức được thông tin mới trong văn bản.

Chính vì thế nên một số phương tiện thông tin đại chúng mang tính phân tích, chuyên xử lý các phản hồi của khách đọc, đã bị vấp ngày một nhiều với các comment kiểu như : "Chẳng có gì mới, tôi đã nghe hoặc đã đọc điều này trên mạng…".

"Ý thức của tôi hiện nay buộc phải nhận thông tin theo cách mà mạng cung cấp cho tôi, tức là dưới dạng dòng chảy chuyển động nhanh của các phân tử, - Carr lý giải. - Trước đây con người đã có thể bình tĩnh ngụp lặn vào trong biển cả thông tin, còn giờ anh ta chỉ có thể lướt trên mặt sóng, như những chàng trai chơi trò lướt ván…".

Mọi việc có vẻ như cũng chẳng sao nhưng kiểu "đọc theo đường chéo" như thế trước đây chỉ được áp dụng cùng lắm cho việc xem tin tức trên các tờ báo buổi sáng, nhưng hiện nay đã trở thành phong cách phổ cập. Việc ngồi lì trước máy tính, theo nhận xét của các chuyên gia, buộc não của chúng ta phải làm việc theo kiểu khác: một phần này phải gia tăng cường độ đến lao lực, trong khi các phần khác lại "ngồi chơi xơi nước" nên thoái hóa dần đi. Vấn đề là ở chỗ, một khi đã tắt máy tính hay máy điện thoại di động đi rồi, chúng ta sẽ không thể quay trở lại với chế độ làm việc bình thường, trầm ngâm như cũ vì não của chúng ta đã không còn khả năng đó nữa.

Ở bệnh suy giảm trí nhớ cũng vậy. Nếu không có những dự báo nghiêm túc, theo ý kiến của các nhà khoa học, sau vài ba chục năm nữa, chúng ta có thể sẽ phải chấp nhận cả một "thế hệ ngỗng". "Chúng ta đang sống trong thời đại của dân nghiệp dư, - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội hậu công nghiệp Vladislav Inozemtsev ở Nga nói. - Hiện nay đại bộ phận chúng ta đang thu nhập thông tin một cách hời hợt, hình dung về mọi sự rất nông cạn. Đại đa số các chuyên gia sẵn sàng phát biểu ý kiến về bất cứ chủ đề gì, nhưng khi cần phải đi sâu thêm một chút thì sẽ thấy là rất rỗng. Nếp sống hiện đại đòi hỏi nhiều chuyên gia ngành hẹp, có thể xử lý tốt từng công việc cụ thể, nhưng trong mắt của đại bộ phận quần chúng, những chuyên gia như thế  rất "ngỗng ông", vì ngoài công việc chuyên môn, họ chẳng hiểu thêm cái gì cả". Trong những điều kiện như thế, liệu có thể nói gì tới một lao động trí tuệ đích thực có thể sản sinh những thành tựu lớn?

Thế kỷ mới cần những ý tưởng mới

Ngoài mạng Internet và các công cụ hòa mạng mà chúng ta thiếu chúng thì sẽ trở nên bất lực như thiếu nước và điện, tác động tới tâm lý đám đông còn có công thức tiêu dùng đầy hiệu quả. Vấn đề của nó là ở chỗ nó không kích thích trí tưởng tượng để buộc phải sáng tạo ra những cái mới, mà lại đẩy chúng ta đi theo một kịch bản đã định sẵn. Và người chỉ nhờ đánh bàn phím là có đủ mọi thứ cần thiết, bắt đầu tư duy theo những khuôn sáo thay vì bước ra ngoài các hạn định có sẵn.

"Triết gia Đức Nietzsche đã vẽ nên hình ảnh con người thế hệ cuối và nền văn minh hiện đại đang sản sinh là mẫu người đó. Rồi sẽ tới ngày của một thế hệ động vật tiện nghi có thể thỏa mãn mọi nhu cầu nhờ kỹ nghệ nhưng lại không tự làm ra thứ gì cả", - TS triết học người Nga Aleksey Rutkevich nhận xét.

Nhà nghiên cứu về lý thuyết tiến hóa Oliver Curry ở Trường Kinh tế London từng thử xây dựng mô hình phát triển của nhân loại trong điều kiện tất cả các sản phẩm công nghệ và khoa học mới đều được sử dụng phổ cập. Theo kịch bản của Curry, tới thế kỷ XXX sẽ tồn tại một thiểu số hoàn thiện mà các đại diện của nó sẽ là hậu duệ của tầng lớp tinh hoa hiện nay - họ sẽ được lấy ra những gien tốt nhất, còn đồng thời những người tiêu dùng đại chúng sẽ chỉ được sống trong những điều kiện bó buộc của mình và càng ngày càng bị thoái hóa.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội hậu công nghiệp Vladislav Inozemtsev nhận xét: “Ở Mỹ có tới 30% số dân sống chỉ nhờ trợ cấp xã hội, không tạo nên một kiến thức và ý tưởng mới nào, thậm chí còn không muốn vươn lên trên về trí tuệ và đẳng cấp xã hội".

Trở nên khác biệt hơn là một đẳng cấp không đông với những tri thức độc đáo và những khả năng mà các ông chủ thuê nhân công sẵn sàng trả cho lương rất cao. Điều đáng nói là ở chỗ, những thành viên tinh hoa đó lại ít tìm tới "thế giới ảo" hơn vì họ luôn phải bận bịu với công việc sáng tạo của mình.

Liệu đối với số đông, tương lai thoái hóa có thể là không đảo ngược được không? Có lối thoát, nếu hướng tiến trình phát triển theo lối đi bình thường, không phân biệt đẳng cấp, nếu có những ý tưởng mới trong phát triển cả khoa học lẫn xã hội. Đó đã là nhu cầu cấp thiết của thời đại

Previous Post
Next Post