Những nhu cầu của con người sinh học thì giản dị, khi đói chỉ mong được ăn, khi khát mong được uống, khi mệt mong được nằm, khi bệnh mong được trị liệu, khi mưa nắng mong được có nhà cửa che thân, khi muốn học hành có thầy cô giáo và trường lớp, khi bị áp bức thì có khí cụ hay pháp luật bảo vệ. Những nhu cầu của con người sinh học như vậy đã trải qua hàng ngàn thế kỷ mà chưa có một chính quyền hay một thể chế xã hội văn minh nào có thể đáp ứng đầy đủ.
Xã hội ngày nay với văn minh khoa học tân kỳ con người đã chinh phục được mặt trăng, khám phá được những thiên thể từ trời cao, khám phá và khai quật những hầm mỏ nằm sâu tận lòng đất, đã sử dụng Internet để siêu tốc hóa mọi thông tin toàn cầu chỉ trong nháy mắt, biết đưa toàn bộ sinh hoạt của toàn thể thế giới thu hẹp trong một màn hình nhỏ, biết nhìn các thiên hà xa xôi qua viễn vọng kính Hubble và đã biết sử dụng máy gia tốc hạt cơ bản để giải quyết những nhu cầu sống của con người. Tuy vậy, nhưng hiện nay vẫn không giải quyết nổi những nhu cầu sinh học thực tế của con người xã hội.
Những đói nghèo, bệnh tật, thất nghiệp và bị áp lực bởi những công việc không những đã đè nặng mà còn khủng bố lên mọi sinh hoạt của con người.
Đối với những nhu cầu của con người sinh học mà không có bất cứ tổ chức xã hội nào có thể đáp ứng nổi, huống là những nhu cầu của con người tâm học.
Nhu cầu của con người tâm học là nhu cầu về cảm giác, nhu cầu về tri giác, nhu cầu về tư duy và nhận thức, với những nhu cầu ấy không có một nền văn minh khoa học tân kỳ nào có thể đáp ứng nổi.
Khởi đầu của sự sống là con người nhu cầu được ăn, nhưng khi đã có ăn, thì nhu cầu của con người không phải chỉ là ăn mà ăn ngon; khi con người đã có mặc thì không còn nhu cầu mặc mà mặc đẹp; khi đã có nhà ở, thì không còn nhu cầu nhà ở theo kiểu sinh học mà nhu cầu nhà ở đẹp và tiện nghi tân kỳ; khi con người đã biết đọc, biết viết, thì không còn nhu cầu đọc và viết mà nhu cầu sáng tác văn học, nghệ thuật để diễn tả nhận thức và tư tưởng của mình đối với những cảm nhận cuộc sống một cách sâu xa và tế nhị.
Như vậy, đối với những nhu cầu sinh học của con người không có một nền văn minh khoa học nào có thể đáp ứng, huống là những nhu cầu tâm học.
Những Nhà xã hội học xưa và nay thật ngây thơ đối với con người, khi họ nhận thức rằng, con người chỉ là những con vật cao cấp và có thể dùng thước đo khoa học để có thể đo được những nhu cầu tâm sinh học của nó. Và có thể đáp ứng cho nó một số điều kiện vật chất là nó có thể thỏa mãn, từ đó làm nẩy sinh chủ nghĩa thực dụng.
Thực dụng thì lúc nào và ở đâu tự nó vẫn là hữu hạn. Nhu cầu của con người là vô hạn, ngay cả con người sinh học. Vì con người sinh học được tạo nên từ con người tâm học. Nhu cầu của người tâm học đã vô hạn, tự nó kéo theo những nhu cầu vô hạn của con người sinh học vậy.
Nhu cầu của con người tâm học không hề dừng lại ở nơi cơm áo, gạo tiền mà nó tiến rất xa về những nhu cầu hiểu biết. Trước hết nó muốn biết nó là gì? Nó tồn tại như thế nào? Từ đâu mà nó sống và từ đâu mà nó chết? Đâu là cái sống và cái chết có ý nghĩa? Sau cái sống và sau cái chết là cái gì,..? Một loạt những nhu cầu tri thức của con người tâm học như vậy, chủ nghĩa nào có thể đáp ứng, duy tâm chăng, duy vật chăng, phi tâm phi vật chăng, hay vừa là tâm vừa là vật chăng, hay tất cả đều là hố thẳm tư tưởng chăng, hoặc hư vô chăng, hay không là gì cả chăng?
Tóm lại, những nhu cầu con người là những nhu cầu vô hạn. Vì sao? Vì con người sống trong tự tính duyên khởi và vô thường. Do vô thường, nên vô hạn. Do duyên khởi, nên vô ngã và vô cùng.
Do sống trong thế giới vô thường mà con người không nhận chân được thế giới ấy, nên con người đã chạy theo để đuổi bắt những giá trị và ý nghĩa của cuộc sống trong các pháp vô thường ấy, khiến cho tự nó đã đánh mất nó và tự nó đã phủ nhận nó thì không còn một ai khác, một chủ nghĩa nào khác có thể đáp ứng được những nhu cầu của nó, ngoại trừ khi nó biết nó là vô thường và biết những gì đang diễn ra chung quanh nó cũng vậy.
Do sống trong thế giới duyên khởi, vô ngã mà con người sống với tâm ý ích kỷ, chấp ngã, khiến cho lòng tham của con người không bao giờ ngừng nghỉ. Mỗi khi con người không biết dừng lại lòng tham của mình, thì không có một xã hội văn minh nào có thể đáp ứng nổi lòng tham của con người. Chính lòng tham của con người đã đốt cháy sự sống của chính nó. Và chính tính chấp ngã của con người đã biến đời sống của con người thành đời sống của chiến tranh, hận thù, nghèo nàn và lạc hậu.
Lời nói và những hành xử của con người chỉ trở nên dễ thương và thánh thiện, khi nào họ nhận ra được rằng, chính họ không thể hiện hữu đơn thuần mà hiện hữu trong sự tương quan, tương sinh. Tương quan và tương sinh giữa mình và mọi người; tương quan tương sinh giữa mình và muôn vật; tương quan, tương sinh giữa mình với mọi thời gian và mọi không gian. Và chỉ khi nào con người nhận ra được cái đó và sống với cái đó, thì con người sẽ có chân hạnh phúc.
Trích: “Mở Lớn Con Đường”
Tác giả: Thích Thái Hòa