Chúng ta chỉ mới nói nhiều đến ô nhiễm môi trường tự nhiên. Còn một thứ môi trường nữa cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đó là ô nhiễm trong đạo đức, lối sống, nó tạo ra thói ích kỷ và vô cảm. Đó cũng là căn nguyên sâu xa của tình trạng ô nhiễm môi trường tự nhiên mà chúng ta đang phải đối mặt.
Tuy chưa đến mức hoảng loạn về ô nhiễm môi trường như ở Trung Quốc nhưng với vô vàn lý do, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã ở mức báo động. Có thể nói không ngoa: Ra ngõ gặp... ô nhiễm.
Chỉ nhìn vào thành phố Hà Nội- Thủ đô được coi là văn minh của nước Việt, cũng đã thấy rõ điều đó. Ô nhiễm rác thải, nước thải, ô nhiễm bụi, tiếng ồn bủa vây cuộc sống hàng ngày của người dân.
Sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên khi nhiều khách nước ngoài phàn nàn về tình trạng trên và cũng chẳng sợ mất đi niềm "tự hào dân tộc" khi chúng ta tự nhận Việt Nam là một trong những nước, và Hà Nội là một trong những thủ đô bị ô nhiễm môi trường. Bởi chỉ có có sự nhìn nhận khách quan, trung thực hiện trạng ô nhiễm môi trường, thì mới có đủ quyết tâm và tỉnh táo để tìm ra các giải pháp "cứu" môi trường ở đất nước ta. Sẽ là quá muộn, nếu không kịp thời có những giải pháp đúng, vì rõ ràng ô nhiễm môi trường là "cái chết được báo trước"!
Vì sao độ "ác tính" cao hơn?
Ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường là cấu trúc cơ bản, hợp lý và hài hòa bảo đảm sự tồn tại, ổn định và phát triển của một quốc gia. Trong đó, con người có vai trò quyết định cho tính bền vững và sự ổn định của kinh tế và môi trường. Ở đây, ta thấy yếu tố kinh tế do quan hệ giữa con người với tự nhiên (đất, nước, không khí, và các loại tài nguyên), và tác động của con người làm cho sự phát triển kinh tế nhanh hay chậm, lành tính hay... ác tính.
Từ nhận định trên, có thể thấy quan hệ con người với tự nhiên có tính tự phát sẽ dẫn đến tàn phá môi trường. Điển hình là dưới thời chủ nghĩa tư bản từ thế kỷ 20 trở về trước, càng lùi xa càng đậm nét hoang dã và tàn bạo.
Và ở nhiều nước ngày nay, người ta đã tận dụng các thành quả khoa học kỹ thuật và công nghệ ứng dụng vào quá trình tác động môi trường sống nên sức tàn phá kinh khủng hơn.
Quan hệ xã hội góp phần gián tiếp nhưng rất quyết định vào quá trình lao động sản xuất và tái sản xuất theo hướng thiện hay ác. Có nghĩa là nó góp phần vào sự hủy diệt môi trường nhanh, rất lãng phí hay từ từ và có phần phục hồi, tái tạo nhất định. Đó là chế độ chính trị (dân chủ hay độc tài), quan hệ phân phối lợi ích, nền tảng văn hóa, hệ thống pháp luật và năng lực quản lý của bộ máy công quyền.
Chế độ xã hội chủ nghĩa một thời theo mô thức của Liên Xô - Đông Âu trên lý thuyết là sử dụng lao động, tài nguyên và phân phối có kế hoạch nên sự phá hoại môi trường ít hơn. Thậm chí, thể hiện quan điểm rất đúng đắn, họ đã từng khuyên can ta chưa nên khai thác bôxit Tây Nguyên mà hãy chờ đợi khi có công nghệ tiên tiến sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, đỡ tổn hại đến môi trường.
Hay nói cách khác, "đời cha không ăn mặn" thì coi như có của để dành cho các thế hệ đời sau.
Lợi ích nhóm "tầm thế giới"
Môi trường là vấn đề chung của cả thế giới chứ không riêng gì của Việt Nam . Quá trình công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa cũng là quá trình tàn phá môi trường dẫn đến tình hình thế giới phải có những hội nghị bàn về việc phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng vv...Tại các hội nghị này, không phải các nước đều thống nhất là phải có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường mà còn có sự đùn đẩy cho nhau vì lợi ích nhóm ở... tầm thế giới.
Công nghệ xanh đã được đề cập tối thiểu từ sau đại chiến thế giới lần thứ II. Trước đó, đã có những công trình nghiên cứu về sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triểu .... nhưng vẫn ỳ ạch, chậm phát triển. Mãi gần đây, trước nguy cơ của khủng hoảng năng lượng mới bắt đầu tập trung vào việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sạch để nâng cao hiệu suất (cũng là để tăng hiệu quả, giám giá thành, ...) của những nguồn năng lượng tái sinh.
Sau đại chiến thế giới lần thứ II, các quốc gia tập trung vào sử dụng năng lượng nguyên tử với các nhà máy điện nguyên tử vì đã có sẵn công nghệ xử lý các nguyên tố phóng xạ được vận dụng vào việc sản xuất vũ khí nguyên tử. Nói cách khác, các nhà tư bản tài phiệt không mặn mà trong việc chịu bỏ tiền đầu tư để sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tái sinh, tuy các nhà khoa học đã đi trước.
Đầy mâu thuẫn và nghịch lý
Theo cả nghĩa đen và bóng, chỉ riêng lĩnh vực phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam , luôn tồn tại mâu thuẫn và nghịch lý. Mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường thiên nhiên, một vấn đề mang tính chất sinh tử không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cà thế giới. Bởi vậy, người ta mới đúc kết thành thơ: "Nếu tàn phá hết thiên nhiên/ Sách đỏ lại sẽ ghi tên CON NGƯỜI"
Nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng hiện còn rất yếu kém, hạn chế. Các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Còn tồn tại khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện. Đặc biệt, trong chỉ đạo, điều hành, tư tưởng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường còn phổ biến.
Ý thức về bảo vệ môi trường vẫn chưa thành thói quen, nếp sống của nhân dân. Các thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước... chưa được loại bỏ, thậm chí một số nơi còn phổ biến.
Ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ sản xuất, kinh doanh, nhất là các hộ sản xuất, kinh doanh thuộc các làng nghề rất kém. Một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường, phần lớn vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường, thậm chí là tàn phá. Còn một bộ phận không nhỏ có tư duy thiếu tôn trọng thiên nhiên, hành vi thái độ ứng xử, lối sống, thói quen tiêu dùng thiếu thân thiện với môi trường, ý thức bảo vệ môi trường kém.
Nhiều quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung kịp thời, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi nghiêm trọng, điển hình như vụ ô nhiễm sông Thị Vải, chôn thuốc trừ sâu của công ty Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa vv... Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước chưa phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường, đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa theo kịp được các yêu cầu mới đặt ra, nhất là ở các địa phương, cơ sở.
Bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường dù đã được kiện toàn nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa phù hợp với việc phân cấp quản lý hiện nay. Việc phân công nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành, địa phương còn tồn tại nhiều bất hợp lý.
Sự phân tán các nhiệm vụ quản lý môi trường ra nhiều bộ ngành khác nhau làm cho vận hành trên thực tế thiếu hiệu quả vừa trùng lặp, vừa bỏ sót việc. Việc triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường của các bộ ngành không đồng bộ gây ra những hệ lụy không đáng có.
Giải pháp ở đâu?
Quản lý môi trường là tổng hợp các biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kỹ thuật, xã hội thích hợp nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống và phát triển bền vững kinh tế xã hội quốc gia.
Quản lý môi trường ở Việt Nam phải bắt đầu từ tư duy sống, văn minh thương mại và luật phát nghiêm minh, dựa vào trục điều hành cơ bản vĩ mô và vi mô đồng điệu và nhất quán. Cần tránh việc vận dụng pháp luật để bảo vệ môi trường để yêu sách nhũng nhiễu không đúng chỗ.
Ý thức bào vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp là quan trọng nhất. Để có ý thức và tôn trọng môi trường, phải có sự ra tay của luật pháp nghiêm minh, chế tài nghiêm khắc, chống tham nhũng, giáo dục thích đáng và hiệu quả.
Yêu cầu bảo vệ môi trường cần được quan tâm đúng mức trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong công tác quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, thủy điện. Công tác lập, thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải được coi trọng, nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 phải được bổ sung về nội dung và chất lượng của đánh giá môi trường chiến lược và chỉnh sửa đánh giá tác động môi trường thành công cụ hữu hiệu trong xem xét, phê duyệt các dự án và quản lý môi trường, tránh việc "lách luật", đầu tư quá tốn kém và bất chấp đến tác hại xấu đến môi trường như Dự án cảng tỷ đô Lạch Huyện - Hải Phòng.
Nâng cao chất lượng tư vấn của các đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, dự báo được xu thế biến động môi trường cũng như các tác động đến các vấn đề môi trường chính trong các kịch bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường, phát phát huy được vai trò của các đoàn thể trong việc giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường vv...
Thiên nhiên là cơ thể hữu cơ và vô cơ của con người ở ngoài con người. Kinh tế quốc gia phát triển lành mạnh là xuất phát từ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội lành mạnh. Chỉ có nền chính trị của dân, do dân, vì dân thật sự, thiết kế Nhà nước theo mô hình khoa học văn minh và người dân có trình độ giáo dục cao (tự giác) thì mới bảo vệ môi trường sống tốt cho đất nước và dân tộc.
Chúng ta chỉ mới nói nhiều đến ô nhiễm môi trường tự nhiên. Còn một thứ môi trường nữa cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đó là ô nhiễm trong đạo đức, lối sống, nó tạo ra thói ích kỷ và vô cảm. Đó cũng là căn nguyên sâu xa của tình trạng ô nhiễm môi trường tự nhiên mà chúng ta đang phải đối mặt.