Bây giờ chúng ta hãy trở lại đất sống dạt dào tình yêu của mình, một đất sống ong bướm trần gian thấm đẫm tình yêu giữa lòng vũ trụ khả ái vô cùng. Mateo Aleman nói về tình yêu như sau: “Khi đã yêu người ta chẳng cần để lâu, phải suy nghĩ, phải chọn lựa; nhưng ngay từ cái nhìn đầu, nhìn một cái thôi cũng đủ để cho hai lòng giao hợp, hay cái người ta thường gọi là tương cảm máu huyết, một sự tương cảm thường được một sự ảnh hưởng của các sao kích thích.”
Đó là sự tương cảm của ma lực huyền bí vũ trụ, bởi lẽ con người cũng như ong bướm chỉ là diện mạo minh nhiên cái mối tình mặc khải tha thiết chẳng ngừng của càn khôn, và một Chamfort đã nói: “Khi một người đàn ông và người đàn bà yêu nhau mãnh liệt, tôi thiết tưởng dù có trở ngại gì ngăn cách đi nữa, chẳng hạn chồng, cha mẹ,v.v… đôi tình nhân kia vẫn là của nhau, do định luật thiên nhiên họ vẫn thuộc về nhau theo lẽ trời, bất chấp các luật lệ và công ước của con người.”
Tình yêu đem lại hạnh phúc dạt dào cho con người, song con người không thể đến với tình yêu như một gã tay chơi sẵn túi rủng rẻng tiền bước vào tiệm ăn để thưởng thức các món ăn như súp Tầu, trứng cá Nga, hay mì ống Italia… Ngược lại con người đến với tình yêu một cách đầy trách nhiệm và bổn phận. Chúng ta hãy nghe Kant bàn về bổn phận của tình yêu: “Tình yêu là cảm tính đã vơi bớt đi nhiều, nó chính là bổn phận, bổn phận của luân lý hoặc là sự thực thi khát vọng đạo đức của chúng ta… Tình yêu là con đường của những mối giao kết tự thân. Nó là một kinh nghiệm, bởi nó chúng ta có được một cái nhìn vượt xa lý tính và cuối cùng nó dẫn chúng ta thâm nhập vào một thế giới tự ẩn dấu sau cái vỏ của mình. Một thế giới mà siêu hình học trở nên một nhận thức mơ hồ nhưng hoàn toàn vô minh” (F. Tomlin ‘Les Grands Philosophes de l’Occident’, Paris 1951, tr.204).
Tình yêu là tài sản vô giá của cuộc đời, nó là nguồn hạnh phúc dạt dào vô biên cho cuộc đời, bởi thế bạn và tôi – chúng ta phải thực hiện một bổn phận trọn vẹn, đầy đủ và cao cả nhất để tìm kiếm lấy nó, giữ lấy nó, nuôi dưỡng nó trong ngọn lửa khát sống bất tận. Hãy ấp ủ, dưỡng sinh và tôn vinh tình yêu đời đời.
Song tình yêu không chỉ là quả ngọt mà Chúa đã ban cho A-đam và Êva ở vườn Địa Đàng, mà tình yêu còn là một trái cấm đắng cay, buốt giá và đau khổ; đó chính là vực thẳm khổ đau cứ nhẫn tâm đào sâu mãi xuống đáy vực hun hút vô tận của mình để chanh vanh chiều cao với các tầng trời của hạnh phúc tình yêu. Tình yêu hun đúc con người trong ngọn lửa say sưa hạnh phúc bao nhiêu, thì tình yêu cũng thiêu trụi con người trong chính ngọn lửa đau đớn đó! Tình yêu càng đam mê dữ dội cháy bỏng bao nhiêu thì càng có nguy cơ dẫn đến những bi kịch thê thảm bấy nhiêu! Tình yêu đang thiêu đốt cuộc sống nồng nàn ở khắp nơi, nhưng ở khắp chốn tình yêu cũng đang cấy mầm ươm cây cho những bi kịch thống khổ của một Romeo và Juliet, một Ô-ten-lô và Đet-đê-mô-na, một Ocphe và Ơ-ri-đix… Tại sao vậy?
Tình yêu giống như nhiều chuyên gia ái tình lọc lõi đã quan sát, ngay từ thời khắc đầu tiên nó đã bị đặt vào giữa cảnh ngộ éo le (nỗi đau thứ nhất của tình yêu). Tình yêu là cái con người khao khát nhất, vậy mà người ta tìm đến nó bằng thái độ rụt rè, bẽn lẽn và giấu mặt. Con người có thể truy cầu những dục vọng khác một cách rất tự nhiên, họ có thể nói “tôi đang đói”, “tôi khát quá”, song chẳng mấy khi người ta thấy một trinh nữ thốt lên “tôi đang khát tình đây”, thậm chí nàng còn đón nhận tình yêu bằng cách chối đẩy người bạn tình mà nàng vẫn thầm yêu trộm nhớ. Đây là tình cảm mà người ta vẫn thường gặp trong tình yêu “Người ta yêu nó đồng thời sợ nó... Cái thiện cảm đầy ác cảm và cái ác cảm đầy thiện cảm” (Kierkegaard ).
Trong cuộc sống, chúng ta thấy rất nhiều kẻ gieo rắc những ác cảm đầu tiên cho nhau đã yêu nhau tha thiết, còn những kẻ gây được cho người khác cảm tình nhỏ nhoi nào đó thì cảm tình đó mãi mãi chỉ là ánh sáng nhợt nhạt chẳng bao giờ lớn lên để biến thành tình yêu. Ngược lại khi tình yêu đã phai tàn thường chẳng muốn nhìn mặt nhau nữa, tình yêu càng mặn mà bao nhiêu thì sự ghét bỏ càng dữ dội cay độc bấy nhiêu. Yêu – Ghét nếu nhìn theo nhãn quan triết học, thì chúng không phải là hai mà chỉ là hai cực vận động trong một con đường duy nhất của đồ thị ái tình mà thôi: yêu chẳng qua là cái ghét đã bị lấp đầy bởi ái tình trồi lên, ghét chẳng qua là tình yêu đã sụt lở tụt xuống khỏi những nấc thang tình ái. Và Nietzsche đã đặt một nền tảng hết sức cạn kiệt cho mặc cảm trái nghịch của ái tình: “Kẻ tình nhân muốn sáng tạo bởi hắn khinh bỉ. Biết gì về tình yêu kẻ không biết khinh bỉ chính cái mà mình yêu nhất.”
Tình yêu không phải thứ nhựa dính ươn hèn mong kết dính con người vào một ái tình sán vào nhau ve vuốt cọ xát, mà tình yêu là đôi cánh bay bổng toàn diện của hai tâm hồn! Tình yêu phải giúp con người thánh hoá chính bản thân và người bạn tình của mình trong ngọn lửa hun đúc viên thành nóng chảy sự đau đớn! Chính vậy mà Nietzsche đã rú lên như thể tình yêu đang bị hạ cấp, bị kéo xuống thành quầy bia ôm biến tướng thoả thuê cơn dan díu vuốt ve máy móc của giá trị con người chỉ biết kề cận, sát cánh và qui hướng nhục thể: “Hãy chết đi những kẻ yếu, những kẻ bại: nguyên lý duy nhất của chúng ta về tình yêu với loài người. Hơn nữa hãy giúp cho kẻ đó sớm siêu sinh.”
Theo ý tưởng của Nietzsche, thì chỉ có những kẻ hùng mạnh về thể xác và tâm hồn mới có nổi một tình yêu đích thực mãnh liệt. Còn tình yêu với những kẻ yếu ớt suy nhược chỉ là cuộc dan díu âm dương của một đôi giầy, đôi dép.
Nguyễn Hoàng Đức