Đa số chúng ta, dù có thừa nhận hay không, đều đạo đức giả. Chúng ta đánh giá người khác khắt khe hơn nhiều khi đánh giá bản thân mình.
Để tìm hiểu điều này, một nghiên cứu mới đây đã đề nghị người tham gia thực hiện 2 nhiệm vụ. Một được mô tả là tốn thời gian, còn việc kia, dễ dàng và nhanh gọn hơn nhiều. Các tình nguyện viên sẽ phải chia việc cho bản thân mình hoặc cho người bên cạnh. Họ có thể làm việc này hoặc là độc lập hoặc là trên máy tính (theo đó máy sẽ phân việc ngẫu nhiên).
Kết quả là, 85% người tham gia bỏ qua lựa chọn của máy tính và tự chọn cho mình công việc đơn giản hơn - cũng có nghĩa là nhường việc khó khăn cho một người khác.
Hơn thế nữa, họ đều cho rằng quyết định của mình là công bằng. Tuy nhiên, khi 43 tình nguyện viên khác xem những người này ra quyết định tương tự, họ cho rằng điều đó là bất công.
Nhóm nghiên cứu sau đó "cưỡng ép nhận thức" bằng việc yêu cầu các tình nguyện viên ghi nhớ nhanh những chuỗi số dài. Trong nhiệm vụ rất khó khăn, cấp bách này, các tình nguyện viên trở nên công bằng hơn. Họ nghĩ rằng nhiệm vụ của mình cũng chỉ kinh khủng như của những người khác.
Điều này chứng tỏ chúng ta chỉ đạo đức qua trực giác, nhưng "khi chúng ta có đủ thời gian để nghĩ về nó, chúng ta lập tức tranh luận việc tại sao chúng ta không làm một việc dễ dàng hơn", trưởng nhóm nghiên cứu Piercarlo Valdesolo từ Đại học Northeastern, cho biết.
Nhóm nghiên cứu phỏng đoán rằng bản năng đạo đức là kết quả của chọn lọc tiến hóa đối với những người sống theo nhóm. Việc công bằng sẽ làm củng cố mối quan hệ thuận lợi hai chiều và nâng cao cơ hội sống sót của chúng ta.
T. An (theo LiveScience)