Ở đời, lời khen, tiếng chê là chuyện không có gì đáng bàn nhiều. Song, quan trọng là khen, chê như thế nào cho đúng mực.
Cách nhìn nhận, suy xét cực đoan về khen, chê sẽ không được xã hội, dư luận chấp thuận, đồng tình vì nó thực sự mang đậm màu sắc chủ quan. Sẽ dẫn tới hiện trạng thiếu công bằng khi đánh giá, nhận xét sự việc con người. Dẫn tới người ráng sức nhiệt tâm với công việc không được cấp lãnh đạo, quản lý để ý tới. Đấy cũng chính là lúc kẻ cơ hội nhảy vào kể lể công trạng thành tích và bàn cân nghiêng hẳn về bọn chúng. Hậu quả tài sản công bị thất thoát, “góp phần” làm nghèo đất nước, do người quản lý không biết lắng nghe lời nói phải, thẳng thắn của những người từng bị nhận xét, đánh giá thấp kém so với khả năng của họ.
Khen chê đúng mực biểu hiện ở chỗ việc tốt, người tốt được kịp thời phát hiện, khen ngợi. Người được khen sung sướng, tự hào tự biết mình phải biết phát huy, cố gắng hơn để khỏi phụ lòng tin yêu của mọi người. Mà thực ra đã là người tốt thì chẳng bao giờ tự kiêu tự mãn, phần nhiều họ rất khiêm tốn. Người tốt kể ra thì không ít, nhưng mục đích của đề tài khen - chê này, chúng tôi muốn bày tỏ suy nghĩ, quan niệm về cách khen, chê nên không muốn đưa ra dẫn chứng cụ thể.
Khen như thế, còn chê? Chê vùi dập, cho tiệt cái giống xấu, dồn người ta vào chân tường đôi khi gây tác dụng ngược: nảy sinh lòng thù hận, trả thù, hành vi tiêu cực. Nhưng như thế không có nghĩa không được chê bai. Có những cá nhân, tập thể phải đứng trước vành móng ngựa vì thói đua đòi, háo danh, ham lợi, thích làm giàu trên lưng người lao động chân chính. Có những công ty ma, lừa đảo người lao động đi nước ngoài. Có những vụ người thực thi luật thì lại phạm tội do ăn đút lót, bao che cho kẻ buôn lậu, trốn thuế. “Thói hư tật xấu” nếu không có những “cái roi” của lương tâm, của pháp luật quật vào thì sự lì lợm bản chất của nó khó được sửa đổi, buộc chúng ta phải tạm thời chung sống với chúng.
Khen chê là điều rất nên làm dù ở lĩnh vực nào của đời sống xã hội. Cốt lõi của sự đúng mực trong đánh giá, nhận xét. Khen đúng, khen phải làm động lực thúc đẩy sự việc, khích lệ nhân tố mới. Còn khen theo lối “bình quân” ai cũng được khen chẳng khác nào “hoà cả làng”. Chung quy để đạt được sự hoàn mỹ trong quan niệm cũng như cách xử lý lối khen, chê vẫn phải dựa chính vào yếu tố khách quan. Một khi những yếu tố chủ quan còn chen chúc chật chội trong những cái đầu cá nhân thì không mong được gì sự khen chê đúng mực.
Phạm Đức Rục