Khi cái ảo lên ngôi, thảm họa văn hóa trở thành thú vui

Nhìn vào hiện trạng của các gameshow truyền hình hiện nay về âm nhạc, những người có tâm với nghệ thuật chỉ còn biết thở dài ngao ngán.

Chưa bao giờ như lúc này, toàn bộ nền nghệ thuật Việt Nam, từ văn học đến âm nhạc, từ hội họa đến phim ảnh lại bị cái ảo ám ảnh và xâm hại đến như vậy. Cái ảo tung hoành khắp mọi nơi, khiến cái thực bị nhạt nhòe. Nó làm chao đảo nhiều nấc thang giá trị chuẩn mực của cuộc sống. Nó làm lệch góc nhìn của người đọc, người nghe, người xem trước những sản phẩm văn hóa thấp về cả nội dung lẫn hình thức.

Nổi cộm nhất vẫn là trong lĩnh vực âm nhạc. Vì thực tế cho thấy, việc xây dựng một thế giới ảo trong âm nhạc bằng những trò chơi truyền hình dễ dàng hơn mọi thứ. Những người được tung hô cũng trở thành nạn nhân của loại hình truyền hình nặng về tính thương mại này.

Dễ nhận thấy rằng, các nhà sản xuất luôn kiểm soát được chương trình mà họ thực hiện. Có nghĩa là họ kiểm soát cả nhân vật (hoặc thí sinh) và các giá trị mà họ tạo ra từ chương trình. Nhưng thông thường, sự kiểm soát đó lại có xu hướng bất cần khán giả. Không có gì minh chứng về sự chọn lựa của khán giả dành cho thí sinh của cuộc thi ngoài số lượng tin nhắn bình chọn được công bố một cách mờ mịt, thiếu minh bạch. Không có gì khẳng định về tính giá trị của một giọng ca để định hướng khán giả yêu thích và quan tâm ngoài sự tung hô rất ngọt ngào của những người trong cuộc. Mỗi lần kết thúc những gameshow âm nhạc, không ít khán giả “chết lặng” trước kết quả trên màn hình vì không thể hiểu được sự phán quyết của ban giám khảo.

Rồi từ những nghi hoặc và tò mò ấy của khán giả, truyền thông mạng vào cuộc nhân danh tất cả vì sự cập nhật thông tin. Những chi tiết mới, những tình huống “thâm cung bí sử” của các chương trình truyền hình được các trang báo điện tử mổ xẻ tưởng như không còn gì để bàn luận thêm nữa. Mối quan hệ “đôi bên cùng thắng” trở thành phương thức kinh doanh hợp lý giữa các nhà sản xuất và truyền thông. Trong khi từ giám khảo đến thí sinh, từ nhà sản xuất đến ban tổ chức tìm cách “tổ chức, sản xuất” ra những sự việc gây sốc để thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả thì truyền thông cũng với mục đích “lôi kéo” người đọc đã tranh thủ ra sức loan tin, thậm chí là thực hiện “phóng sự điều tra” về các scandal đã xảy ra.

Như vậy, môi trường âm nhạc Việt Nam có vẻ đang rất “hot” với phương thức S.P.R. (Scandal Public Relation). Đây là một hình thức truyền thông biến thể từ P.R. (Public Relation - truyền thông đại chúng). Ở nước ngoài, nó bị xem là thiếu đạo đức nghề nghiệp và cực kỳ rẻ tiền. Nói một cách đơn giản dễ hiểu là môi trường nhạc Việt đang “phát triển”, đang sống bằng thị phi nhiều hơn là bằng những sáng tạo nghệ thuật hoặc bằng những sản phẩm có giá trị. Giờ đây, khán giả nhắc nhiều đến cô ca sĩ X, chàng ca sĩ Y với những sự cố phản cảm, với những phát ngôn gây sốc, chứ ít nhớ đến họ vì những bài hát mà họ đã thể hiện.

Cái ảo lên ngôi. Thảm họa văn hóa trở thành thú vui thu hút đám đông. Hậu quả đã được lường trước ấy đòi hỏi sự ý thức nhân văn và trách nhiệm cộng đồng của các nhà tổ chức và kể cả truyền thông. Mọi chương trình truyền hình ở nước ngoài luôn có trách nhiệm với người xem, nhưng ở Việt Nam, dường như các nhà sản xuất lại không nghĩ nhiều về cái mà họ đã tạo ra. Để rồi, nhìn vào hiện trạng của các gameshow truyền hình hiện nay về âm nhạc, những người có tâm với nghệ thuật chỉ còn biết thở dài ngao ngán.

XUÂN TIẾN (CÔNG AN TPHCM)
Previous Post
Next Post