Dân ta là dân rất hiếu danh, mà
hiếu hư danh, tật đó dẫu người nông nổi xét xã hội mình cũng đủ biết. Từ trên
xuống dưới từ thấp chí cao, từ anh khố rách trong làng cố cầu cạnh cho được
chức trương tuần phó lý để được người ta khỏi gọi là bố đĩ, bố cu cho đến bậc
phú thương nơi thành thị thi nhau mà mua lấy tiếng ông bá ông hàn để ra mặt
thượng lưu trong xã hội, cậu cả cậu hai luồn lót hàng chục hàng trăm để được
gọi là thầy thông thầy phán, hết thảy đều như có cái ma lực nó run rủi, phải cố
chuốc lấy chút danh tiếng hão mới mãn nguyện.
Không có lòng danh dự mà có tính
hiếu danh thời dễ táng thất lương tâm. Quỵ lụy khúm núm trước mặt người trên,
châu tuần(1) nơi quyền quý để cầu sự nọ, khấn việc kia, ví phải đập đầu xuống
đất mà lạy cũng cam tâm. Xét cái danh dự phổ thông trung xã hội, cái danh dự
hàng ngày hiển hiện ra trong cuộc giao tế(2), thời phải chịu rằng người mình ít
có thật.
(Phạm Quỳnh,Danh dự luận, Nam phong, 1919)
(1) loanh quanh chầu chực nơi nào
đó.
(2) quan hệ trao đổi tiếp xúc với
nhau.
Sống không lý tưởng
Có chí mà không làm nổi, đó là vì
tài lực không đủ thật không đáng trách. Nhưng trong chúng ta, đáng trách là
hạng người sau: sống ở đời, không có mục đích gì cao hết. Họ không có một cuộc
đời lý tưởng. Họ không coi một thứ gì là đáng ham chuộng, ngoài sự làm tôi đồng
tiền mặc dầu phải quăng bỏ liêm sỉ bán rẻ nhân cách.
Ngoài ra, lại còn một hạng cho ai
cũng là người võ vị, việc gì cũng là việc không đáng làm, ngất ngưởng qua ngày,
hững hờ đoạn tháng, để đồng tiền huyết hãn(1) của cha, mẹ, vợ, con vào vòng
trời hoa đất rượu, phung phí tuổi giàu sức khoẻ vào những cuộc đỏ đen suốt
sáng, mây khói thâu canh. Họ chỉ cốt sống để tìm những thỏa mãn về vật
dục(2)...
(Hoa Bằng, Hư sinh, Tri Tân, 1943)
(1) huyết: máu, hãn: mồ hôi, ngày
nay hay nói mồ hôi nước mắt.
(2) mọi ham muốn vật chất.
Mong tìm yên lành, hóa ra bảo thủ
Trải qua các đời, dân ta chịu sự
cai trị của vua quan, không có thể dùng tâm và mưu cho nước, nước tự nó sống
còn. Trên có vua hiền tướng giỏi thì tạm thời yên ổn. Bất hạnh là không có vua
hiền tướng giỏi thì cả nước loạn ly, nhân dân lầm than. Từ xưa đến nay, sở dĩ
có ít ngày được bình trị(1), mà có lắm cuộc loạn ly, nguyên nhân là ở đó.
Dân nước ta có ưu điểm là an
phận, thành thực, nhẫn nại. Không biết lợi dụng những ưu điểm ấy thì sẽ sinh ra
ba cái tệ. Một là bảo thủ mà không biết tiến thủ. Hai là dựa vào người mà không
biết tự lập. Ba là yên thân mình nhà mình, mà không biết ái quần ái quốc. Không
trừ ba cái tệ đó thì dù có vua hiền tướng giỏi cũng chỉ bình trị nhất thời mà
thôi, sao có thể chống chọi với các nước lớn được. Ngày nay phải nghĩ đến tự
cường thì ngày sau mới tự cường được.
(Quốc dân độc bản, tài liệu do Đông Kinh Nghĩa thục soạn năm 1907)
(1) xã tắc trong cảnh thái bình,
có trên cô dưới, trật tự kỷ cương đâu vào đấy.
Từ chối mọi cuộc cải cách
Tầng lớp trên ở nông thôn, các kỳ
mục(1) trong làng, phản đối mọi cuộc cải cách thực sự và sâu sắc. Đây là những
người đã trả giá trong hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm để củng cố địa vị xã hội
của mình. Họ đã ở tuổi có thể bình thản ngồi xếp bằng trên những manh chiếu
trải giữa đình để đánh giá cung cách người ta phục vụ họ ăn uống ra sao. Nếu có
ai dám nghĩ đến chuyện thực hiện một cuộc cải cách nào đó thì người ấy chắc
chắn chuốc lấy những mối hiềm thù không thương xót.
(Nguyễn Văn Huyên vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ năm 1939)
(1) những người có điển sản hoặc
từng có phẩm hàm và chức vụ tập hợp lại làm nên hội đồng kỳ mục, có nhiệm vụ đề
ra các chủ trương chung của làng xã.
Không hình thành nổi một dư luận sáng suốt
Ngoài tinh thần độc tôn bè đảng,
còn một trở lực nữa ngăn cản mọi công việc cải cách ở thôn quê tà dư luận trong
làng, một thứ dư luận mạnh mẽ, ác nghiệt và mù quáng. Nhiều việc cải cách đã
quyết định rồi đành bỏ dở chỉ vì người thừa hành sống trong làng xóm, không thể
chịu đựng được những dị nghỉ chế giễu mà hàng chục hàng trăm người nhắc lại ở
khắp đầu làng cuối ngõ. Đã không có quyền bắt mọi người im, lại sống luôn với
những người đó, hương chức tránh sao nổi ảnh hưởng của dư luận và sau vài ba
tháng làm việc, người hăng hái đến đâu cũng đành “dĩ hòa vi quý", bỏ hẳn
những ý định của mình để sống theo nếp cũ.
(Vũ Văn Hiền việc cai trị ở thôn quê, năm 1945)
Mưu lợi trên sự kém cỏi của dân
Người nước ta không hiểu cái
nghĩa vụ ăn ở với loài người đã đành, đến nghĩa vụ của mỗi người trong nước
cũng chưa hiểu gì cả. Phải ai tai nấy, ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị
tai nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt bỏ qua, hình như người
bị nạn khốn ấy không quan hệ gì đến mình.
Dân không biết đoàn thể, không
trọng công ích, là bởi ba bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc
ham quyền tước, ham bả vinh hoa của các triều vua, mà sinh ra giả dối nịnh hót,
chỉ biết có vua chẳng biết có dân.
Dẫu trôi nổi, dẫu cực khổ thế nào
mặc lòng, miễn là có kẻ mang đai đội mũ ngất ngưởng ngồi trên, có kẻ áo rộng
khăn đen lúc nhúc lạy dưới, trăm nghìn năm như thế cũng xong. Dân khôn mà chi!
dân ngu mà chi! dân lợi mà chi! dân hại mà chi! Dân càng nô lệ, ngôi vua càng
lâu dài, bọn quan lại càng phú quý.
Chẳng những thế mà thôi,
"một người làm quan, một nhà có phước", dầu tham dầu nhũng, dầu vơ
vét dầu rút ưa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình, dầu lấy của dân mua
vườn sắm ruộng xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai. Người ngoài thì khen đắc
thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mồi phú quý không đua chen
vào đám quan trường sao được?!
(Phan Chu Trinh, Đạo đức và luân lý Đông Tây, năm 1925)
Tuỳ tiện trong quản lý
Việc quản trị dân xã là ở trong
tay mấy người tổng lý, chánh phó lý cựu chánh phó tổng cựu, xã tuần, phần thu.
Bọn đó quanh năm trông vào khoán ước của làng mà đình mà đám mà thu mà bổ, mà
xà xẻo bớt đầu bớt ngọn, mà bắt vạ kẻ nọ kẻ kia.
Các khoán ước ít khi biết tự đời
nào để lại. Cũng có khi là do một chuyện mộng ảo huyền hồ(1) mà lập nên. Cũng
có khi là công nghiệp(2) của một người hách dịch một thời, nhân lúc có thần thế
mà đặt cho làng mình một lệ để lưu truyền mãi mãi. Được lệ hay thì dân làng
nghìn năm được nhờ thói tốt. Phải lệ dở thì dân làng vạn đại phải noi(3) tục
hủ, lụn bại phong tục đi.
(Nguyễn Văn Vĩnh, Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã, năm 1914)
(1) do những cớ ngẫu nhiên, vớ
vẩn
(2) việc làm
(3) tuân theo
Co mình trong hủ lậu
Kìa những kẻ ham mê đàn sáo, đầu
hồ(1), bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù thủy ngày ngày
dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng, chả kể làm gì. Những
hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tý được cái tiếng quèn đã vội khủng khỉnh ta đây
kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo(2), ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư
ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh. Hạng kém hơn
nữa thi chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bực cất nhắc mấy người, chứ không
hề biết đến vấn đề nào khác. Có một ông nào đã nói với các bạn hậu tiến(3):
"Các thầy muốn ra làm quan, thì phải cẩn thận, đừng đọc sách mới, xem báo
mới”, nếu không biết đến sách báo mới thì thôi, chớ đã biết đến mà lại bưng bít
che lấp đi khiến cho không nghe không thấy chuyện gì, để tự mình lại củng cố
một căn tính nô lệ, nhân cách như thể thiệt nên lấy làm đau đớn!
(Văn minh tân học sách, 1904)
(1) đầu hồ: một trò chơi của
người xưa, ném một cái thẻ xuống một miệng trống rồi tính điểm, được "Đại
Nam quốc âm tự vị” miêu tả là "một cuộc chơi lịch sự”.
(2) thế đạo: đạo lý ở đời.
(3) hậu tiến: đây chỉ có nghĩa
lớp người thuộc thế hệ sau, chữ không phải người kém cỏi.
Văn chương nặng về chơi bời đùa giỡn
Ở nước ta, kẻ học khi chưa đỗ thì
chăm về văn khoa cử, khi đỗ rồi thì chăm về văn thù ứng(1). Có những người nổi
tiếng mà nhan nhản những bài hết tự tặng người này lại dâng người khác, té ra
trời phú cho ông ấy cái văn tài lỗi lạc là để đi thù phụng thiên hạ. Vậy nếu
tôi nói một ngàn năm nay người An Nam làm văn chữ Hán chỉ chuyên có hai lối
khoa cử và thù ứng và trong văn học chỉ sở trường một cách “jeu de
mots"(2) mà thôi, thì cũng chẳng quá nào!
(Phan Khôi, Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta, 1939)
(1) thứ văn thơ làm khi giao tiếp
khoản đãi nhau.
(2) chơi chữ.
Lười biếng và hay nói hão
Tật đầu sổ là tật lười, tật làm
biếng. Lười suy nghĩ thích nhàn nhã, thích ngồi không. Nếu máu chúng ta chạy
mạnh thì tất chúng ta phải xung xăng làm cái nọ cái kia chớ vô vi thì chịu sao
nổi. Vậy thì trong văn học thôi ta đừng dùng cái khẩu khí hát cô đầu nữa mà
phải thế này: cúc cung tận tuỵ.
Thứ hai là tật "một tấc đến
giời". Ngồi mà thanh tịnh vô vi thì dễ hiểu vũ trụ lắm: Ta cho vũ trụ là
thế nào thì vũ trụ sẽ thế ấy chớ chi. Nhưng sự thật là ta phải đi nghiên cứu tìm
tòi mới hiểu vũ trụ được. Một tật nữa là não(1) huyền hoặc, não chuộng thần
quyền. Gần đây trong thơ văn có cái mốt nói chuyện Liêu Trai. Có những thi sĩ
nhất định lấy hồ ly làm vợ và nếu buông cụ Bồ Tùng Linh ra thì họ không biết
nói gì.
(Xuân Diệu, Sinh viên với quốc văn, 1945)
(1) não ở đây là một lối suy
nghĩ, nay hay thay bằng "óc”
Tính ỷ lại
Tục ngữ có câu rằng Tháp đổ đã có
Ngô xây - Việc gì vợ góa lo ngày lo đêm. Tháp đó là tháp của ta, ta không xây
được hay sao? Nghểnh đầu nghểnh cổ trông ngóng, nếu Ngô không sang thì vạn tuế
thiến thu chắc không bao giờ có tháp. Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm,
nghiễm nhiên một đống bù nhìn rồi hẳn. Hỏi vì cơn cớ làm sao? Thì chỉ vì ỷ lại.
Câu tục ngữ ấy thật vẽ đúng tâm
tình người nước ta. Nếu ai cũng lo gánh vác một phần trách nhiệm của mình thì
có gánh gì không cất nổi. Nhưng tội tình thay, anh nào chị nào trong óc cũng
chất đầy một khối ỷ lại. Anh Cột trông mong vào chú Kèo, cô Hường trông mong
vào thím Lục, mà chú Kèo, thím Lục lại ỷ có anh Cột, cô Hường rồi. Rày lần mai
lữa, kết cục không một người làm mà cũng không một người phụ trách nhiệm.
(Phan Bội Châu - Cao đẳng quốc dân 1928)
Quá tin ở những điều viển vông
Mê tín sinh ra những việc nực
cười. Ngày giờ nào cũng là trời bày định mà bảo rằng có ngày dữ ngày lành; núi
sông nào cũng là đất tự nhiên mà bảo rằng có đất tốt đất xấu; vì nấu ăn mới có
bếp mà bảo rằng có ông thần táo; vì che mưa gió mà có nhà mà bảo rằng có ông
thần nhà; cho đến thần cửa thần đường, thần cầu tài, thần cầu tử, trăm việc gì
cũng trông mong vào thần; kết quả thần chẳng thấy đâu, chỉ thấy những cửa nát
nhà tan, của mòn người hết, tin thần bao nhiêu thì tai họa bấy nhiêu...
(Phan Bội Châu – Cao đẳng quốc dân 1928)
Tư tưởng gia nô
Xem lịch sử nước ta tư xưa đến
nay hơn ba nghìn năm, chỉ có gia nô mà không có quốc dân. Quyền vua có nặng,
nặng không biết chừng nào; gia dĩ (1) quyền quan lại hứng đỡ quyền vua mà từng
từng áp chế. Từ cửu phẩm kể lên cho đến nhất phẩm, chồng càng cao, ép càng
nặng, đến dân là vô phẳng thân giá (2) lại còn gì.
Thằng này là con ngựa thằng nọ là
con trâu buộc cương vào thì cắm cổ cứ đi, gác ách vào thì cúi đầu cứ lủi. Gặp
Đinh thì làm nô với Đinh, gặp Trần thì làm nô với Trần, gặp Lê Lý thì làm nô
với Lê Lý.
Phận con hầu thằng ở, được đôi
miếng cơm thừa, canh thải, đã lấy làm hớn hở vênh vang; tối năm (3) đứng đầu
ruộng mới được bát cơm ăn, suốt đêm ngồi bên bàn khung cửi mới được tấm áo mặc,
mà mở miệng ra thì “cơm vua áo chúa"; đồng điền này, sông núi nọ mồ hôi
lẫn nước mắt cày cấy mở mang, nhưng mà “chân đạp đất vua", lại giữ chặt
một hoạt kê vô lý (4). Cái tư tưởng gia nô! Cái trí thức gia nô! Bệnh gia
truyền làm nô đó không biết tự bao giờ để lại, bắt ta phải gông đầu khoá miệng,
xiềng tay xiềng chân, chịu gánh gia nô cho già đời mãn kiếp.
(Phan Bội Châu - Cao đẳng quốc dân 1928)
(1) thêm vào đó
(2) giá trị con người
(3) quanh năm
(4) đại ý: Tự mình làm ra mà lại
bảo là do ơn người khác, thật là câu chuyện buồn cười
Không có can đảm là mình
Ông Dorgelès trong quyển Con
đường cái quan có nói đến thói hay bắt chước của người mình. Đại khái ông nói
rằng: "Ngày xưa người Tàu sang cai trị An Nam, người An Nam đều nhất nhất
theo Tàu cả. Nay người Pháp sang bảo hộ mới được gần một trăm năm, mà nhà cửa
đã theo Tây thời rất dễ dàng, nói đến tiếng An Nam thời khô khan, hình như phải
dịch tiếng mình ra tiếng nước ngoài… Khoa học có nói rằng giống thằn lằn hễ bám
vào cây nào thì lâu dần sẽ giống da cây ấy. Ở bên An Nam này thời không thế,
thằn lằn không đổi màu da mà chính cây đổi màu da để lấy màu da thằn lằn".
Câu nói đau đớn thay mà xét người
ta nói cũng phải.
...Người viết văn phải có can đảm
mà dịch những chữ nước ngoài ra. Mở đầu có hơi ngang tai, sau dần rồi cũng nghe
được. Cụ Nguyễn Du không can đảm sao dịch nổi chữ tang thương ra chữ bể dâu,
chữ thiết diện ra chữ mặt sắt(1)… Mà cũng lạ thay cho người mình không suy xét
kỹ: Người Tàu nói chữ vân cẩu tang thương có khác gì chữ mây chó chữ bể dâu
không. Ấy thế mà giá mình nói "Bức tranh mây chó vẽ người bể dâu”(2) tất
phần nhiều người cho là mách qué!
Người Tàu trước kia làm gì có
những tiếng cộng hòa, cách mạng, cá nhân, vật lý học, kỷ hà học(3)… Vì lòng sốt
sắng làm cho tiếng nước nhà giàu thêm lên, nên họ không ngại khó, rồi mới đặt
ra được cái tiếng ấy. Người mình thì không thế. Muốn dịch một chữ Pháp hay chữ
Anh ra tiếng nước nhà mà không dịch nổi, thì cứ việc mở ngay tự vị(4) Tàu ra,
trong ấy đã sẵn sàng cả rồi. Dù người Tàu có dịch sai chăng nữa cũng mặc cứ cắm
đầu cắm cổ mà chép, ai biết đến đó mà lo.
(Nguyễn Duy Thanh, Muốn cho tiếng An Nam giàu, báo Phụ nữ tân văn,
1929)
(1) hai câu nguyên văn trong
Truyện Kiều: "Trải qua một cuộc bể dâu” và "Lạ cho mặt sắt cũng ngây
vi tình”.
(2) một câu trong "Cung oán
ngâm khúc”. "Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”
(3) tức hình học.
(4) tức từ điển.
Chăm học nhưng chưa thoát khỏi tư cách học trò
Nước ta vẫn có tiếng là ham học,
nhưng cả nước ví như một cái trường học lớn, cả năm thầy trò chỉ ôn lại mấy
quyển sách giáo khoa cũ, hết năm này đến năm khác, già đời vẫn không khỏi cái
tư cách làm học trò! Ấy cái tình trạng nước ta, sự học từ xưa đến nay và hiện
ngay bây giờ cũng vẫn thế… Xưa khi học sách Tàu thì làm học trò Tàu, ngày nay
học sách Tây chỉ làm học trò Tây mà thôi... chưa mấy ai là rõ rệt có cái tư
cách - đừng nói đến tư cách nữa, hãy nói có cái hy vọng mà thôi - muốn độc lập
trong cõi tư tưởng cả. Như vậy thì ra giống ta chung kiếp(1) chỉ làm nô lệ về
đường tinh thần hay sao? Hay là tại thần trí của ta nó bạc nhược quá không đủ
cho ta cái óc tự lập.
(Phạm Quỳnh, Bàn về quốc học, Nam phong, 1931)
(1) suốt đời
Nguồn: chungta.com