Người muôn năm cũ

Mỗi năm vào mùa lá rụng, nhìn những cánh lá vàng rắc đầy đường, tôi lại thấy buồn. Một nỗi buồn mênh mang, thật khó tả. Thế là một đời lá nữa lại trôi qua, nhường chỗ cho những chồi non. Kiếp người cũng như chiếc lá, thật ngắn ngủi. Chỉ khác dư ảnh của đời người thì còn mãi trong ký ức đời sau.

Cứ mỗi lần có dịp trở về thành phố quê hương, là tôi lại không quên tìm đến cái nơi ấy - nơi có cây bàng cổ thụ giờ chỉ còn trơ khấc những cành khô. Tôi thường tựa lên cái thân cây mốc thếch xù xì, vuốt ve lên từng cục u tròn lẳn của nó, như muốn gần gũi một người thân. Trong lòng tôi lại vang lên tiếng gọi như từ cõi xa xăm “Bà ơi, bây giờ bà đang ở đâu. Bà có còn khổ nữa không?”.

Dạo ấy, tôi chỉ là một con bé 6 tuổi hay lon ton theo mẹ đi chợ. Chợ đông, mẹ sợ tôi lạc, nên thường gửi lại cho một bà già ở căn lều bên cổng chợ. Bà tuy già nhưng còn khoẻ. Tôi cũng thích ở lại xem bà tráng bánh cuốn. Bánh cuốn của bà chỉ bán cho người nghèo, vì không có nhân. Cả ngày bà chỉ tráng chừng một rổ con để lên chiếc chõng tre. Bà bảo chỉ bán chừng ấy cũng đủ cho bà có tiền mua gạo, mua rau qua ngày. Tôi ngồi xem bà tráng bánh, thỉnh thoảng lấy cho bà gáo nước, đẩy hộ bà thanh củi khi bà bận tay. Được bà sai, tôi thích lắm, vì cảm thấy mình được người khác cần. Như để trả công, bà thường cho tôi những chiếc bánh tráng đứt, bảo tôi ăn. Lúc đầu mẹ không bằng lòng, nhưng thấy tôi thích, đành thôi. Bây giờ nhớ lại cái bánh không nhân ấy, tôi vẫn thèm.

Như đã thành thói quen, sau khi lớn lên đi chợ một mình tôi vẫn thường rẽ vào ngôi nhà của bà. Bà già hơn, không còn tráng bánh được nữa. Chiếc chõng vẫn còn đó, nhưng để trên là vài cái bát cũ kỹ, bên cạnh là một vò chè xanh ủ trong chiếc thúng lót trấu. Cả ngày bà chỉ đun có một nồi chè xanh thôi, nhưng có hôm đi chợ rẽ vào tôi vẫn còn thấy bà loay hoay chưa ủ được nồi nước. Lưng bà còng hơn, bưng nồi nước thật khó khăn. Trong mảnh sân sau nhà bà là một đống lá bàng khô. Bà bảo bây giờ bà không có tiền mua củi nữa, bà phải đi quét lá bàng về đun. Cây bàng to lớn trước cổng chợ như một nhà hảo tâm, cứ mỗi mùa lá rụng trút thật nhiều lá khô cho bà. Bà gom lá cất trữ cho cả mùa lá không rụng nữa. Mỗi lần rẽ vào nhà bà, tôi lại mua cho bà bó củi cành khô. Bà cảm động lắm, cười móm mém. Đôi mắt già nua, nhăn nheo vẫn ánh lên lung linh. Bà xuýt xoa: “Cháu tốt quá, ở lại ăn cơm với bà nhá”. Lúc đó tôi chỉ muốn khóc, vì bà làm gì có cơm. Nồi cơm của bà là nồi hạt bo bo ninh nhừ hoặc nồi khoai luộc ăn với cá quẩn khô (thứ cá bây giờ người ta chỉ cho mèo ăn). Có lần tôi đem cho bà mấy cái áo cũ của mẹ để bà mặc trong mùa đông. Bà cứ giơ lên ngắm mãi, bảo để dành lúc nào thật rét mới mặc kẻo lúc rét quá lại không chịu được.

Tôi không hỏi bà, nhưng được người trong chợ kể rằng bà đã ở trước cái cổng chợ này lâu lắm rồi. Bà từ đâu đến không ai biết. Không chồng, không con. Trước kia chỗ nhà bà là một cái miếu hoang. Bà tá túc trong đó dọn dẹp hương khói. Lâu dần người ta cũng cho bà dựng một căn lều để ở. Với tôi, bà từ đâu đến không quan trọng, tôi chỉ thấy bà là một người đàn bà  nghèo khổ và đơn côi. Tôi thấy thương bà như một người ruột thịt.

Rồi tôi phải đi học xa. Chỉ một năm không gặp bà, thế mà khi hè trở về tôi đã không còn thấy bà nữa. Căn lều cũng đã biến mất thay bằng một dãy nhà ngói của ban quản lý chợ. Cây bàng đã thay lá, nhưng dường như nó cũng thưa thớt hơn. Mảnh sân đầy lá rụng đã mục nát. Tôi thẫn thờ đứng bên cây bàng, tựa vào cây như bấu víu một người thân cuối cùng. Hỏi không ai biết, vì bà đâu có ai là người thân. Bà đi đâu, ai để ý làm gì?

Vài năm sau nữa tôi có dịp trở lại, tất cả đã lại thay đổi nhiều hơn. Khu chợ đã thành một bãi đất trống tan hoang, người ta đang xây dựng một siêu thị lớn. May mà cây bàng không nằm trong bản thiết kế ấy. Nó vẫn được ở lại, nhưng đứng chơ vơ lạc lõng giữa một khoảnh đất mênh mông bộn bề bụi cát.

Đã qua mùa lá rụng mà những chồi xanh sao vẫn chẳng thấy đâu.

Previous Post
Next Post