Ngụy biện và Chân lý

Thời đại số, các thông tin cứ nhan nhản, nhà nhà làm báo, người người viết báo. Quyền lực thứ tư đi đến tận hàng cùng ngõ hẻm, khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm văn hóa tinh thần được đáp ứng tối đa.

Tuy vậy, như đồng tiền hai mặt, bất cứ cái gì tích cực cũng đều có mặt trái tiêu cực của nó. Dân chủ trong việc xây dựng thông tin thì cũng dân chủ trong việc tiếp nhận thông tin, tự do trong việc truyền bá sản phẩm thì cũng tự do trong việc thẩm định và đánh giá sản phẩm.

Trước tình hình các báo lá cải cùng những bài viết được xuất bản còn nhanh hơn cả mì ăn liền, đang hàng ngày hàng giờ truyền dẫn trên mạng internet, mình xin chia sẻ vài kỹ năng cần thiết nhằm thẩm định lại những thông tin bạn thâu nhận được, vừa biết cách phân biệt đâu là tin thật, đâu là tin giả, đâu là ngụy biện, đâu là treo đầu dê bán thịt chó, đâu là câu view và đâu là đọc tí cho giãn cơ miệng...

Mình chỉ tóm lược vài ý tưởng chính, được viết dựa trên tác phẩm Tư tưởng của các Triết gia vĩ đại, do W.S.Sahakan và M.L.Sahakan viết, Lâm Thiện Thanh và Lâm Duy Chân dịch, nxb TPHCM ấn hành năm 2001. Bạn nào muốn biết chi tiết thì tự tìm đọc tác phẩm nhé.

1. Các hình thức ngụy biện chủ yếu

Ngụy là không thật, biện là lý luận. Ngụy biện là lý luận sai lầm so với các sự kiện thực tại. Có thể bắt đầu từ tiền đề sai lầm, có thể có tiền đề đúng nhưng đánh tráo khái niệm trong quá trình biện luận nhằm đưa ra một cái kết tưởng là khách quan, nhưng kỳ thực lại là chủ quan.

Người ta ví ngụy biện lươn lẹo như giun như trạch, dễ gây nhầm lẫn nhưng lại khó phát hiện. Thiếu sự tỉnh táo trong suy tư dễ bị rơi vào ngộ nhận lầm tưởng.

Về cơ bản, có ba hình thức ngụy biện chủ yếu: vọng ngôn, lộng thuyết và tạp biện. Ba hình thức này có thể được những ngụy biện gia đan xen nhau, có thể sử dụng một cách độc lập trong từng hoạt cảnh cụ thể. Do vậy, sự phân biệt chỉ là tương đối.

- Vọng ngôn: nhóm ngụy biện này thường lạm dụng ngôn từ, tương tự như một hình thức chơi chữ để đánh lừa người đọc. Chúng có thể thể hiện qua các hình thái như kích động tâm lý, sử dụng ngôn từ mơ hồ, lập lờ, lý luận nước đôi, sử dụng biến nghĩa của các thành phần trong câu nhằm lái chủ đề theo ý tưởng chủ quan (tu từ), quy kết một bộ phận thành cái tổng thể (thường dùng một bộ phận được đa số thừa nhận là đúng rồi quy kết cho rằng tồng thể chứa bộ phận đó cũng đúng), chiết giải cái tổng thể thành cái bộ phận (cho rằng cái gì đúng với tổng thể thì cũng đúng với từng bộ phận cấu thành) hoặc trích lược một ý kiến, một nhận định ra khỏi ngữ cảnh rồi đem gắn đoạn trích đó sang một ngữ cảnh khác nhằm làm thay đổi ý nghĩa của nó.

- Lộng thuyết: lập luận đi khỏi trọng tâm vấn đề cần thảo luận, chủ yếu dựa trên cảm tính chủ quan hay kiến thức sai lầm để dẫn dắt và biện minh cho một quan điểm hay một luận điểm nào đó. Chúng có thể thể hiện qua các dạng sau: vô can luận (chứng minh hay phản chứng sai lệch trọng tâm vấn đề), bất trí luận (cho những gì đang ở dạng khả năng hay tiềm năng là sự thật, cho là đúng chỉ vì không ai chứng minh nó sai, vô hiệu hóa một luận điểm bằng cách chứng minh một phần lý lẽ của nó là sai), trần tình luận (thay vì đưa ra chứng cứ hay lập luận bằng lý lẽ, người ta lại khơi dậy những tình cảm thuần túy, giả dụ thay vì chứng minh bị can vô tội, người ta lại nêu gia cảnh bị can có công với cách mạng, đáng thương...), biện danh luận (lập luận dựa trên uy tín thẩm quyền hay tiếng tăm của một ai đó, giả dụ thay vì chứng minh lý thuyết đó là đúng, người ta lại đưa một câu nói của nhà lãnh tụ nào đó đã từng ca ngợi lý thuyết đó), áp chế luận (dùng đến quyền lực thay cho lý lẽ), xúc xiểm luận (chuyển vấn đề đang bàn luận sang soi mói đời sống riêng của người tranh luận), khích động luận (trốn tránh vấn đề cần tranh luận bằng cách kêu gọi, kích động xúc cảm của quần chúng).

- Tạp biện: các dạng ngụy biện khác không thuộc hai nhóm trên. Có thể kể tên một số biểu hiện tiêu biểu sau: bất chấp ngoại lệ, phổ quát hóa ngoại lệ, kết chuỗi nhân quả, tiền hậu bất nhất, phức vấn, lập luận vòng tròn, đối chiếu bất đồng, thẩm quyền bất xứng, chấp gốc bỏ ngọn, loại suy sai lầm, chứng cớ khiếm khuyết, nhân cách hóa, tiền đề mâu thuẫn, giả định phi thực...

2. Một số tiêu chuẩn xác định chân lý

Tiêu chuẩn xác định chân lý là thước đo chuẩn mực dùng để đánh giá sự chân thực của các ý tưởng, các nhận định, các luận điểm. Một số tiêu chuẩn được nêu ở đây không hẳn là đúng và có giá trị như nhau, nhưng nó đã từng được dùng để kiểm tra tính xác thực của nhận định trong quá khứ, nên khi chọn lựa một chuẩn mực nào đó, chúng ta cũng cần phải xác định rõ phạm vi ứng dụng của từng tiêu chuẩn.

- Tập quán: một số quan niệm rằng tuân thủ theo thói thường sẽ tránh cho họ khỏi những hành vi thái quá. Chẳng hạn câu nói "nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc" chính là đang dùng tập quán làm chuẩn mực cho nhận định và hành vi.

- Truyền thống: những gì đã tồn tại qua nhiều thế hệ nhất định phải có giá trị và ý nghĩa nào đó. Quan niệm như vậy chính là đang dùng truyền thống như một tiêu chuẩn xác định độ tin cậy của quan điểm.

- Thời gian: cái gì càng tồn tại lâu dài thì cái đó càng đáng tin. Cơ sở của nó chính là dùng thước đo thời gian như là công cụ kiểm thảo tính xác thực của một câu nói hay một thông tin. "Cây kim trọng bọc, lâu ngày cũng lòi ra" chính là một dạng dùng thời gian làm tiêu chuẩn.

Cả ba tiêu chuẩn trên, về cơ bản đều có phần đúng, nhưng phản bác nó cũng rất dễ. Bởi tập quán hay truyền thống thường chỉ có tính chất địa phương, nên giá trị của nó cũng khoanh vùng trong từng khu vực. Thời gian hẳn là thước đo hữu hiệu, nhưng lịch sử đã từng chứng minh, có những luận điểm đã từng tồn tại cả nghìn năm, nhưng chưa hẳn là chân lý, chẳng hạn niềm tin về Chúa trời trong suốt nghìn năm trung cổ ở Tây Âu...

- Cảm tính: dùng cảm xúc tức thời làm thước đo, cho phép cảm tính làm chủ bản thân khi cần đưa ra những quyết định tức thời.

- Bản năng: bản năng có thể được coi là một dạng cảm tính phổ quát, trong khi tiêu chuẩn cảm tính ở trên có giá trị tức thời thì bản năng dường như sâu sắc hơn. Chẳng hạn đói thì phải ăn, khát thì phải uống. Tuy vậy, ngoài những nhu cầu thiết yếu, hầu hết các bản năng tự nhiên đều có tính mơ hồ, tầm ứng dụng hạn hẹp và không cho ra những phát hiện mới.

- Linh cảm: là một cảm giác đột phát dựa trên một ý niệm mơ hồ, bất định.

- Trực giác: tiêu chuẩn cho rằng sự phát xét không cần đến quá trình suy luận. Nó là một dạng chân lý được giả định là xuất phát từ một trí tuệ chưa được khai phá.

- Thiên khải: tương tự như trực giác nhưng thiên khải được quy kết về một năng lực siêu nhiên, thần bí. Trong tôn giáo, người ta hay dùng đến khái niệm Thần khải hay Mặc khải để kết thúc mọi tranh biện.

- Luật đa số: tiêu chuẩn dựa trên số đông hay tỷ lệ phần trăm nhằm quyết định những đề xuất cần được lựa chọn. Luật đầu phiếu, phương pháp thống kê xã hội học... chính là ứng dụng tiêu chí này để cho ra những kết luận cần thi hành.

- Tri thức nhân loại: theo tiêu chuẩn này, sự kiện cả nhân loại có chung một niềm tin đủ chứng minh niềm tin ấy là đúng. Tuy vậy, tiêu chí này phải được đặt trong tính mở, nếu không, chúng có thể trở thành những tri thức giáo điều kinh viện.

- Chủ nghĩa duy thực thuần phác: sự vật chỉ thực hữu khi các cảm giác thể hiện và diễn tả chúng. Tiêu chuẩn này quan điểm rằng chỉ có những đối tượng được cảm nhận trực tiếp bằng giác quan mới là chứng cứ có giá trị. Hầu hết các phiên tòa đều đòi hỏi chứng cứ được cảm nhận bằng giác quan. Còn trong khoa học, đặc biệt là trong các lĩnh vực xã hội, tiêu chí này không hẳn là đúng.

- Sự tương hợp: tiêu chuẩn này cho rằng một ý tưởng tương thích với đối tượng của nó thì tất đúng. Tiêu chí này tương đối chuẩn xác nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để xác định được đối tượng để biết chúng có tương thích hay là không? Vậy hóa ra tiêu chí này chỉ đơn thuần là định nghĩa về chân lý chứ không hẳn là tiêu chuẩn để xác định chân lý.

- Thẩm quyền: không hiểu về toán học, phải hỏi Ngô Bảo Châu; muốn nghiên cứu triết học Đức, phải vác sách tới nhà Bùi Văn Nam Sơn.... Tiêu chí này cho rằng ý kiến của các chuyên gia đã từng có thành công nhất định ở lĩnh vực mình phụ trách được nhìn nhận như là bằng chứng xác thực. Nhưng đừng có nghĩ Ngô Bảo Châu nói gì cũng đúng, đừng có nghĩ cứ là Bùi Văn Nam Sơn là phải biết hết và biết đúng về mọi lãnh vực. Chỉ đơn cử sơ sơ thế để thấy rằng thẩm quyền trong khoa học cũng là một nguồn tham khảo tốt, nhưng Eisntein mà cứ viện dẫn mãi về Newton thì làm gì có thuyết tương đối.

- Tiêu chuẩn thực dụng: một ý tưởng hiệu dụng phải được nhìn nhận là ý tưởng đúng. Nhiều bạn hay bảo: nói thì rất hay mà có làm được không?... Đấy, hầu như chúng ta bị tiêu chuẩn thực dụng chi phối dữ dội. Tiêu chí này chỉ thừa nhận những ý tưởng mà ý tưởng ấy phải được ứng dụng trong thực tế và đem lại lợi ích cụ thể. Tuy nhiên, cứ theo tiêu chí này thì nghệ thuật chắc đã chết ngỏm từ lâu mất rồi. Chưa hết, đôi khi có những ý tưởng được ứng dụng tốt trong thực tế, nhưng hoặc là ngẫu nhiên, hoặc là được kết hợp bởi những ý tưởng khác, mà ý tưởng được xem xét chỉ góp vai trò nhỏ, nhưng nhiều khi ta cứ lầm tưởng cho đó là ý kiến tuyệt vời.

- Nhất quán cục bộ: miễn sao nó đúng và không đòi hỏi liên quan với nhau. Ví dụ "Tuyết màu trắng", "Chì là kim loại nặng"... Tất cả chúng đều đúng, nhưng chẳng liên quan gì nhau, nên cũng chẳng cho ta một kết luận nào mới mẻ cả.

- Nhất quán tổng thể: tiêu chuẩn này phản ánh mối liên kết giữa các nhận định, trong đó những dữ kiện được đưa ra kết thành một chuỗi mắt xích, gắn bó mật thiết với nhau. Trong toán học hay logic học đặc biệt quan tâm đến tiêu chí này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao xác định được tiền đề giả định của nó là đúng hay sai?!

- Kết cấu chặt chẽ: kết cấu chặt chẽ nói đến sự lý giải nhất quán và có tính hệ thống đối với toàn bộ sự kiện thuộc về kinh nghiệm và tri thức. Để đảm bảo tiêu chuẩn này, người ta phải sắp xếp tất cả sự kiện vào đúng vị trí, sao cho mối tương quna được thể hiện một cách nhất quán và chặt chẽ như những bộ phận hữu cơ của một thể thống nhất. Nó bao hàm các đặc điểm: lý lẽ, hệ thống, tổng thể, tương quan và nhất quán.

Trong số các tiêu chuẩn vừa nêu, kết cấu chặt chẽ được coi là tiêu chuẩn toàn diện hơn cả. Tuy nhiên, làm sao để có tri thức tổng thể khi nhận thức của con người vốn dĩ đã không hoàn hảo?!

Thôi thì hãy tự bằng lòng với tri thức đã có ở thời điểm hiện tại, mở rộng nhận thức không ngừng, biết gắn kết chặt chẽ tri thức với kinh nghiệm cũng hy vọng khả dĩ chạm vào cánh của của thực tại tối hậu.

***

Trên đây là một số dạng thức ngụy biện và những tiêu chuẩn xác định chân lý đã từng được sử dụng trong lịch sử. Và thông qua vài ý tưởng vừa nêu, chúng ta thử dùng chúng để phân tích về một bài báo đã và đang gây hoang mang cho không ít độc giả: "VTV vạch trần sự giả dối của ‘nhà ngoại cảm’ Phan Thị Bích Hằng" và tự trả lời vài câu hỏi sau trước khi vội vã  "hoang mang" nha các bạn:

- Cụm từ "vạch trần" có hàm nghĩa kích động cảm xúc và niềm tin không? 
- Từ sự "vạch trần" sự giả dối của nhà ngoại cảm có khiến người đọc liên tưởng đến sự phủ định cõi âm - đối tượng mà các nhà ngoại cảm dựa vào không?
- Câu chuyện xoay quanh về một vụ nhầm lẫn xương người và xương động vật ---> dựa trên chứng cớ ADN, đã đủ quy kết nhà ngoại cảm giả dối không?
- Dựa trên 1 bộ hài cốt/ 10 nghìn bộ đã được Phan Thị Bích Hằng tìm kiếm---> Viện Pháp y quân đội đã đủ cơ sở để kết luận tất cả những lần tìm kiếm trước đó có kết quả xác thực = 0 chưa?
- Đâu là động cơ cho những lần giả mạo? Vì danh? Vì lợi? hay vì cái gì khác?
- Đằng sau cụm từ "vạch trần", trong phạm vi bài báo này, nghĩa là sự thật đã được các nhà báo phơi bày. Vậy sự thật ở đây là gì? Sự thật không có cõi âm? Sự thật các nhà ngoại cảm nói láo? Sự thật 1 bộ xương tìm kiếm đã bị nhầm? Sự thật các nhà ngoại cảm đã lợi dụng niềm tin để trục lợi? Hay sự thật tất cả những bộ xương đã từng được tìm kiếm trước đó đều là xương động vật???

Còn rất nhiều bài báo khác nữa, chẳng hạn Vụ hủ tiếu gõ dùng chuột cống làm ngọt nước, ca sỹ này đánh ghen nhưng kỳ thực chỉ là trích đoạn của một clip nhạc, các bài báo thể thao xuyên tạc phát biểu của người trong cuộc nhằm thể hiện yêu/ghét chủ quan của mình...., mà nếu tôi có thời gian, có khi kể cả tháng vẫn chưa hết.

Đấy, bạn thấy đấy, trước khi tiếp nhận một thông tin nào đó trên báo chí, vấn đề xử lý nó như thế nào là cả một quá trình dài hơi. Đừng ngỡ nhà báo nói, Viện pháp y quân đội nói, kết quả khoa học nói... nghĩa là tất cả đều đúng nhé.

Trả lời được những câu hỏi trên, tôi tin rằng, bạn sẽ không còn hoang mang bởi bất kỳ thông tin nào trên báo chí nữa. Bởi rằng, cái gì đã được suy tư qua lý tính, cái đó bao giờ cũng đem đến cho bạn sự tự do. Chỉ có niềm tin mù quáng mới khiến bạn bị xỏ mũi, khiến bạn hoang mang, khiến bạn đổ vỡ, khiến bạn thất vọng....

Tái bút

Nhớ đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng
Và nếu có có hết bệnh, cũng đừng vội vàng cho đó là thuốc tốt
Nhớ nhé!!

Previous Post
Next Post