Ông kỹ sư và cái đinh vít

Có vị kỹ sư đang đi trên chiếc xe hơi, ông ta thấy cái đinh vít giữa đường, ông buộc tài xế dừng xe lại và bước xuống lượm cái đinh vít bỏ vào trong túi áo, rồi lên xe và tài xế tiếp tục lái xe đưa ông về nhà để nghỉ.

Từ ấy, anh tài xế cứ miên man suy nghĩ về hành động lượm cái đinh vít của ông kỹ sư. Anh ta cho rằng, ông ấy bần tiện, một cái đinh vít rơi giữa đường mà cũng buộc tài xế dừng xe lại để lượm bỏ vào trong bọc. Và cũng từ đó, lòng quý trọng của anh tài xế đối với ông kỹ sư cũng mất dần.

Hôm ấy, anh tài xế đến chùa và đem chuyện ấy kể cho tôi nghe với giọng điệu đầy châm biếm. Nhưng, tôi chỉ nhìn anh ta và mỉm cười, rồi sau đó tôi nhắc cho anh ta lời Phật dạy rằng: Khi ta dùng cơm mà trong cơm có những hạt lúa, thì ta lựa những hạt lúa ấy ra, cúp vỏ bỏ đi, lấy hạt cơm sống trong đó mà dùng (Phạn trung hữu cốc, khử bì thực chi).

Như vậy, ông kỹ sư kia là một Phật tử thuần thành đang áp dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống của mình đó chứ?

Ông kỹ sư không phải tiếc cái đinh vít mà tiếc công lao có mặt của cái đinh. Cái đinh ấy là công lao của rất nhiều người mà không phải một người và rất nhiều vật liệu có mặt trong đó, chứ không có một cái đinh nào đơn thuần mà có mặt cả, nên nó phải được đem sử dụng có lợi ích mà không thể phí phạm.

Cũng vậy, Đức Phật có tiếc gì một hạt lúa nằm trong tô cơm, nhưng trong bát cơm có hạt lúa, thì không được vứt nó đi mà phải lượm nó lên, bóc vỏ bỏ đi lấy lọm mà ăn, là vì Ngài trân quý công lao của người lao động, công lao có mặt của hạt lúa và hạt cơm. Bát cơm ta đang ăn và hạt lúa trong cơm ta đang bóc vỏ để ăn là công lao của bao nhiêu người, của bao nhiêu loài, bao nhiêu nhiên liệu và bao nhiêu thời gian, mới có thể hình thành cho ta hạt lúa, hạt cơm ấy, nên hạt cơm, hạt lúa ấy phải được sử dụng cho đúng với công lao của nó mà không nên phí phạm.

Ta phí phạm đối với cái gì là do ta không thấy công lao ở trong cái ấy, nên ta sống vô ơn và thiếu thủy chung đối với nó.

Trong cuộc sống, ta muốn biết ơn những cái lớn, ta phải thấy công lao từ những cái nhỏ; và nếu con người mình sống có thuỷ chung, thì ta đã có thuỷ chung ngay trong những cái nhỏ, trong những việc nhỏ.

Tôi nói với anh tài xế, nếu đất nước có phước, thì đất nước mình sẽ có được nhiều kỹ sư như vậy, và anh rất có phước, anh mới làm tài xế cho những vị kỹ sư ấy.

Bởi lẽ, cái đinh vít mà ông kỹ sư còn quý đến như thế, huống gì là anh?

Anh tài xế mắt sáng lên, nhoẻn miệng cười và chào tôi tạm biệt!

Nguồn: phatviet.com
Previous Post
Next Post