Khổ, vui trong đời sống ngũ dục

Đời sống thế gian là đời sống hưởng thụ ngũ dục lạc (cũng gọi ngũ dục trưởng dưỡng, gồm có tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, địa vị, ăn uống hưởng thụ, ngủ nghỉ), tùy nhân duyên phước báo mà mỗi cá nhân có điều kiện hưởng thụ ngũ dục nghèo nàn hay sung mãn, con người xem hưởng thụ ngũ dục như là nhu cầu của đời sống và là điều kiện mang lại hạnh phúc.

Ngũ dục lạc là năm đối tượng con người thường tiếp xúc được Đức Phật đề cập đến rất nhiều trong kinh điển. Đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử phải có thái độ thận trọng đối với ngũ dục, Ngài không khuyến khích truy cầu ngũ dục, hưởng thụ ngũ dục, cũng không khuyến khích lìa bỏ ngũ dục một cách triệt để để sống đời sống khổ hạnh ép xác, vì hai lối sống cực đoan ấy đều không đưa đến an lạc, hạnh phúc. Đức Phật khuyến khích đời sống thiểu dục, tri túc (ít ham muốn, ít tham cầu; biết đủ, biết tiết độ) để có được sự thảnh thơi an lạc, tránh được những hệ lụy, bất an, những lo lắng, thất vọng, sợ hãi… nói chung là những phiền não khổ đau.

Tiền bạc (tài), của cải là phương tiện trao đổi, sử dụng hữu ích của đời sống; ăn uống (thực), ngủ nghỉ (thùy) là nhu cầu cần thiết của con người; sự hưởng thụ dục lạc (sắc) là nhu cầu thọ dụng, thụ hưởng của đời sống vật chất và tinh thần của thế gian. Về cơ bản, con người là chúng sinh cõi dục, do dục mà sinh ra, do dục mà hiện hữu, con người cần có ngũ dục để đáp ứng các nhu cầu ăn, mặc, ở, bệnh, nghỉ ngơi, giải trí, hoạt động đi lại, giao tiếp, thưởng thức, cảm thụ v.v… Con người không thể sống mà không ăn, không uống, không ngủ, không giải trí, thư giãn sau khi làm việc; không thể sống an ổn khi không có nhà để ở; không thể sống vui, sống khỏe khi không có thuốc men, phương tiện trị liệu mỗi khi ốm đau bệnh tật v.v…

Nói sâu rộng về dục lạc thì sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp bao gồm tất cả dục lạc thế gian trong đó có ngũ dục trưởng dưỡng. Đây là những gì khiến con người sinh tâm tham ái, chấp thủ, muốn sở hữu, dễ đắm say sa đọa. Sắc là các màu sắc, hình dáng mà mắt tiếp xúc; sắc làm sinh khởi sắc dục, trong đó có lòng ham muốn nam sắc, nữ sắc là đầu mối dẫn chúng sinh luân hồi trong cõi dục; Thinh là các âm thanh tai con người nghe thấy; Hương là những mùi hương do mũi ngửi; Vị là cảm giác do lưỡi nếm; Xúc là cảm giác do tiếp xúc, va chạm; Pháp là bóng dáng của trần cảnh còn lưu lại trong tâm thức, ví dụ như hồi ức, hoài niệm hoặc tưởng tượng về hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hương vị, xúc chạm mà mình yêu thích, mê say; những thứ này khiến cho con người mê đắm, mong cầu, muốn sở hữu.

Tâm mong cầu, tham muốn các dục cũng là động lực thúc đẩy đời sống vận động và phát triển thêm đa dạng, phong phú. Tuy nhiên sự an lạc, hạnh phúc chân thật, vững bền không thể xây dựng trên nền tảng dục vọng, nói cụ thể là sự ham muốn, tham đắm các dục, bởi các dục không thể làm thỏa mãn những tham muốn, dục vọng vô cùng tận của con người, nếu có chăng chỉ là sự thỏa mãn tạm thời, ngắn ngủi. Vì thế sự tham muốn, mong cầu về các dục khiến cho con người khổ não nhiều hơn là an vui.

Đối với các dục, con người khao khát mong cầu, tìm kiếm, con người sống trong tâm trạng bồi hồi, băn khoăn khắc khoải, lo lắng không yên trong chờ đợi; khi đã có được rồi thì ý niệm sở hữu, gìn giữ cho riêng mình, không muốn những gì có được vuột khỏi tầm tay, không muốn tiêu hao mất mát, tâm lý đó làm cho con người bất an; đến khi các dục suy giảm hoặc không còn nữa (bởi vô thường) thì tâm tư khổ não, thể xác hao gầy vì đã quen đắm mình trong nó, vì tâm tham ái, quyến luyến, muốn chiếm hữu mãi mãi. Sự mong cầu các dục nếu như không toại nguyện cũng dẫn đến thất vọng khổ đau…

Tóm lại là, chưa được thì mệt mỏi kiếm tìm, hy vọng, mong cầu, đợi chờ khắc khoải; hy vọng mong cầu mà không được cũng buồn phiền khổ não, được rồi thì sợ mất, mất rồi thì khổ đau. Bản chất của đời sống vốn vô thường, không có gì tồn tại vĩnh viễn với thời gian, các dục cũng vậy, dù cho có được như mong muốn thì cũng bị suy hao, mất mát theo thời gian. Trong kinh Tám điều giác ngộ của bậc đại nhân (Bát đại nhân giác) có dạy: “Nhiều ham muốn, tham cầu là khổ, sinh tử nhọc nhằn đều từ ham muốn, tham cầu mà sinh ra. Ít tham muốn, không tạo nghiệp (vô vi) thì thân tâm an vui tự tại”(Đa dục vi khổ, sinh tử bì lao tùng tham dục khởi. Thiểu dục, vô vi, thân tâm tự tại).

Đời sống với các dục cũng mang đến niềm vui, hạnh phúc cho con người, chẳng hạn như người ta cảm thấy thích thú khi ăn ngon mặc đẹp; sung sướng khi ở nhà cao cửa rộng; thoải mái khi đầy đủ phương tiện, tiện nghi; vui vẻ hạnh phúc khi có vợ đẹp con xinh, có nhiều tiền của v.v… Tuy nhiên, một khi tham đắm các dục như: quá bận tâm chuyện ăn ngon mặc đẹp, nhà cửa sang trọng, địa vị danh tiếng, tiền bạc của cải, sống đua đòi, tranh cạnh… thì con người dễ bị lệ thuộc, dễ trở thành nô lệ cho các dục, bị các dục ràng buộc, sai sử, chi phối, lao tâm khổ trí, phiền não muôn mối.

Các dục thường mang đến nhiều hệ lụy, bất an cho con người khi con người rơi vào quyền lực của nó, nô lệ cho nó: Vì tham đắm sắc dục mà hạnh phúc gia đình đổ vỡ, thân bại danh liệt, tài sản bị phá tán, thân thể hao mòn, bệnh tật; Vì tham lam của cải mà con cái có thể làm những chuyện thương luân bại lý, bất hiếu với cha mẹ; vì tranh đoạt của cải mà nồi da xáo thịt, huyết nhục tương tàn, anh em trở mặt với nhau; Vì tham tiền bạc, lợi lộc mà bạn bè bất nghĩa; Tệ nạn xã hội, người ta sanh tâm trộm cắp cướp giật cũng vì tối mắt bởi tiền tài, của cải, cũng vì sa đọa trụy lạc, cờ bạc rượu chè; Tham nhũng, tham ô, lừa đảo, chiếm đoạt, phạm pháp, tội tù, bị tha hóa, biến chất cũng vì mê muội tiền tài, danh vọng địa vị, sắc đẹp; Văn hóa, đạo đức suy đồi cũng vì đời sống chạy theo vật dục.

Niềm vui và hạnh phúc do các dục mang lại không bền vững lâu dài, nó ngắn ngủi, tạm bợ, nhưng tác hại to lớn là khiến cho con người say mê đắm đuối, chìm đắm trong nó, quay cuồng trong nó dẫn đến nhiều hệ lụy và phiền não khổ đau. Như trong kinh Pháp cú có nói: “Những kẻ bị tư tưởng xấu ác làm tao loạn, cầu mong dục lạc thật nhiều, chính là tự trói mình thêm bền chắc” (PC.349), hay kinh Tám điều giác ngộ của bậc đại nhân cũng dạy: “Tâm không biết đủ, chỉ tham cầu nhiều, tăng thêm tội ác. Bồ-tát không như thế, các Ngài thường nhớ nghĩ pháp tri túc (biết đủ), an ổn vui cảnh nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp” (Tâm vô yểm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác. Bồ tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp).

Đức Phật dạy chúng ta nên thận trọng, phải hết sức tỉnh giác bởi các dục có sức hấp dẫn, lôi cuốn khiến cho con người mất hết tự chủ, mất hết sáng suốt; chớ nên buông mình trong đời sống dục lạc, phải thấy sự nguy hại đằng sau những đam mê trụy lạc. Là người đi trên con đường đạo đức, hướng đến đời sống cao thượng, thánh thiện, phải luôn ghi nhớ lời Phật dạy: “Những ai tham đắm, mê say, bị trói buộc bởi năm dục trưởng dưỡng, không thấy sự nguy hại của chúng, những người đó đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị ác ma sử dụng theo nó muốn. Những người đó như một con nai sống trong rừng bị sập bẫy nằm xuống, con nai ấy được hiểu là bị rơi vào bất hạnh, rơi vào tai họa, sẽ bị thợ săn sử dụng như nó (thợ săn) muốn. Khi người thợ săn đến, con nai không thể bỏ đi như nó muốn” (Kinh Trung bộ I).

Người trí, các bậc thánh hiền tâm tánh sáng suốt, thấy biết sâu xa, biết rõ nguyên nhân khổ vui, điều gì đưa đến khổ đau, điều gì mang lại an vui, hạnh phúc. Còn chúng sinh mê muội, lâu ngày đắm chìm trong các dục, đã quen lăn lộn giữa khổ vui, không có đủ trí tuệ sáng suốt, không có đủ ý chí nghị lực để thoát ly sự ràng buộc, sự tác động, chi phối của các dục. Nếu không giác ngộ lẽ vô thường và không ý thức được rằng những tham muốn, dục vọng là nguồn gốc của thất vọng, khổ đau, lo lắng, muộn phiền, sợ hãi… thì chúng ta mãi quay cuồng trong các dục, sống trong vòng lẩn quẩn khổ vui và con đường luân hồi sinh tử không bao giờ kết thúc. Vì thế chúng ta cần giác ngộ và gắng công tu tập.

Đức Phật dạy người mới phát tâm tu hành nên chuyển lòng dục theo con đường hướng thượng: ham muốn hoàn thiện nhân cách, ham muốn làm điều thiện, ham muốn rèn luyện trau giồi đạo đức, giới hạnh, từ bỏ những ham muốn tầm thường, từ bỏ ham muốn ngũ dục thế gian (tài, sắc, danh, thực, thùy), nỗ lực thành tựu phạm hạnh (đức hạnh thanh tịnh), hướng tâm đến con đường cao thượng, thánh thiện để đời sống hiện tại và vị lai an vui. Và hơn thế nữa, đối với những ai có ý chí xuất trần, cần luôn hướng tâm đến mục tiêu giác ngộ, giải thoát tối hậu.

Lòng dục hướng thượng gọi là thiện pháp dục. Trong Tứ như ý túc (Bốn pháp làm chỗ nương tựa để phát triển đầy đủ công đức, giới hạnh, thiền định, trí tuệ, thần thông diệu dụng như ý muốn, thuộc Ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Đạo đế), có Dục như ý túc là sự tha thiết mong muốn được tu tập, hành trì Chánh pháp, mong muốn thành tựu Giới, Định, Tuệ, vô ngại biện tài như ý muốn. Lòng mong muốn này là động lực giúp chúng ta mạnh dạn bước đi trên con đường tu tập, tìm cách thoát ly khỏi sự ràng buộc của ngũ dục thế gian, đạt đến mục đích ly khổ đắc lạc.

Previous Post
Next Post