Hỷ xả là cái đức rất cần thiết và
quý báu cho cuộc sống hiện tại của chúng ta. Muốn được vui, muốn được tươi đẹp,
sống lâu thì chúng ta phải tu hạnh hỷ xả.
Người nào ôm lòng phiền hận thì đau khổ
Nếu chúng ta có tài vật dư dả nên
vui vẻ xả, giúp cho những người bần cùng đói rách. Của cải do mồ hôi nước mắt
mình tạo, mình cảm thấy đủ hay dư thì vui xả cho những người nghèo thiếu hay
những người ít ỏi hơn. Đó là hỷ xả tài vật bên ngoài.
Tuy vậy cũng hơi khó làm, vì có
nhiều người, kẻ khác thấy họ dư mà bản thân họ lại thấy thiếu. Có một đồng muốn
hai đồng, có hai đồng muốn mười đồng, có mười đồng muốn ba mươi đồng, muốn cho
đến ngày tắt thở mà vẫn thấy chưa đủ. Như vậy làm sao xả được? Cho nên muốn hỷ
xả chúng ta phải học Phật.
Phật dạy ít muốn, biết đủ. Chúng
ta biết đủ thì mới xả được, không biết đủ thì không thể nào xả được. Người
không biết đủ giống như cái túi không đáy, bỏ vào bao nhiêu tuột hết bấy nhiêu,
bỏ bao nhiêu cũng không đầy, do cái bệnh không biết đủ, như vậy làm sao mà xả?
Ví dụ mỗi ngày buổi trưa chúng ta
ăn ba chén cơm là đủ no, dù có đồ ăn ngon, chúng ta cũng ăn ba chén, phần dư
thì giúp cho người, hoặc cho vật. Dù đấy là phần dư của mình, nhưng cũng là một
lối xả. Chớ nên ăn ba chén vừa no, thấy đồ ăn ngon, ăn thêm nữa, như vậy là phí
phạm, vì lượng thức ăn chừng đó là đủ, ăn thêm là dư.
Đó là nói về cái ăn, còn bao
nhiêu cái khác. Chẳng hạn như cái mặc, chúng ta có ba bộ đồ đủ để mặc, thêm bộ
thứ tư là dư rồi nhưng có bộ thứ tư thấy chưa đủ, mua thêm bộ thứ năm cũng thấy
chưa đủ nữa.
Như vậy chừng nào mới đủ để xả?
Không biết đủ thì không bao giờ xả được. Muốn xả phải biết đủ, biết đủ mới xả
được, của dư đem giúp người không một chút luyến tiếc. Đó là tâm hỷ xả, vui vẻ
giúp người chớ không bị bắt buộc.
Hỷ xả tài vật tuy khó nhưng dễ
hơn hỷ xả cố chấp phiền muộn ở tâm. Khi có người làm phiền mình thì gương mặt
buồn hoặc nhăn nhó. Muốn hết phiền phải tập xả; xả này là tha thứ, là bỏ qua.
Phiền ở đây là phiền não và sân
hận, hai thứ đó chất chứa trong lòng, mình phải buông xả nó đi. Người nào ôm
lòng phiền hận thì đau khổ, đau khổ từ hiện tại cho đến mai kia, chớ không phải
đau khổ trong hiện tại thôi.
Vì vậy, khi biết mình đang ôm
lòng phiền hận người này kẻ khác thì phải vui vẻ bỏ, nghĩa là bao nhiêu cái
phiền muộn đang chứa chấp trong lòng phải hỷ xả hết. Muốn xả của cải chúng ta
phải biết đủ.
Muốn bỏ phiền hận phải làm sao?
Muốn bỏ phiền hận trong lòng,
chúng ta phải thấy cuộc đời là vô thường, cái chết đang kề cận, ôm phiền hận
làm gì.
Do nghĩ cái chết sắp đến nên
chúng ta buông xả được phiền hận. Phiền hận chỉ làm khổ mình, khổ người, không
lợi cho ai cả. Quán xét như vậy chúng ta buông hết, không buồn giận ai, lo tu
cho tâm an ổn.
Chúng ta thấy cuộc đời như ảo
mộng, ngày nay có mặt đây, ngày mai đã mất rồi. Sống trong tạm bợ mong manh,
mình tạm bợ, người tạm bợ... Vậy tại sao không thương nhau, nâng đỡ nhau?
Nếu chúng ta biết mình là người
bị kêu án tử hình và những người xung quanh cũng bị kêu án tử hình thì đâu có
buồn giận nhau. Trong cuộc sống hằng ngày khi lẫn lộn chung chạ nhau, có dẫm
lên nhau hay có làm phiền toái nhau cũng bỏ qua.
Phải nghĩ đến cái chết, chớ để
tâm buồn giận. Nghĩ đến cái chết, chúng ta mới thấy cuộc đời là tạm bợ, sống
không có cái gì bảo đảm. Vậy buồn giận nhau để làm gì? Hãy buông xả hết những
gì chứa chấp trong lòng. Có ai ở đời mãi đâu mà giận với hờn.
Chúng ta đã học Phật, vậy có tập
được hạnh buông xả chưa? Đi chùa cúng Phật có còn giận hờn bạn bè anh em không?
Nếu ai còn phiền giận thì ngay bây giờ hãy nguyện đức Phật chứng minh xả hết,
cho lòng trống rỗng không còn vướng bận việc gì.
Dù có buồn giận ai từ mười năm
hay hai ba mươi năm, ngày nay dứt khoát phải xả. Phiền hận là rắn độc, dại gì
chúng ta chứa rắn độc trong nhà. Nếu chứa rắn độc trong nhà thì sớm muộn gì
cũng bị nó cắn.
Thế nên khi biết phiền não là rắn
độc thì phải xả ngay, đuổi ra khỏi nhà, không dung chứa nó. Biết như vậy là tu
đó. Phiền hận thì không vui, hết phiền hận, tâm hồn rỗng rang trống trải thì
rất vui vẻ.
Muốn được vui vẻ, chúng ta phải
tập hỷ xả những vật bên ngoài, hỷ xả những phiền hận trong lòng. Trong ngoài
đều hỷ xả hết mới có cái vui chân thật. Sở dĩ đức Phật Di Lặc cười hoài là vì
Ngài hỷ xả, còn chúng ta buồn hoài là vì chúng ta cố chấp phiền hận.
Cố chấp phiền hận là nguyên nhân
của đau khổ, của bệnh tật, rất xấu xa đê hèn, dứt khoát phải xả bỏ. Mọi người
ai cũng muốn mình là người vui tươi, ai cũng muốn mình là người sung sướng,
nhưng tại sao lại chứa cái nhân đau khổ?
Có phải tự mình mâu thuẫn với
mình không? Khi nào giận ai, buồn ai là biết mình đang hại mình làm cho mình
xấu xa, làm cho mình đau khổ, làm cho mình bệnh hoạn.