Tản mạn Một cõi đi về

Điệu nhạc réo rắc vút lên, cung đàn trầm lạnh chạy dọc cõi bờ nhân thế, xuyên đọng trên đôi vai, dẫn người về nơi xa xăm trầm lặng. Bên kia con nước cứ lững lờ trôi đi, trôi đi... mặc cho mưa nguồn chớp bể, mặc cho sự thế xuống lên thay dòng. Từ nơi bùn lầy đen nghịt, bốc lên mùi hôi thúi của muôn ngàn rác rưởi, tưởi tanh. Lục bình trổ hoa; Và từ nơi ấy đã vang lên “một tiếng nói trong khiết và trầm lặng cất lên từ tất cả những thế hệ này, tất cả những nỗi khổ đau này, tất cả những niềm vui này, những cuộc tình, những trận chiến, những ý tưởng; Tiếng nói trong khiết và trầm lặng, vì tiếng nói chứa đựng tất cả những tội lỗi và tất cả những quằn quại bất an của con người đang tranh đấu; Tiếng nói vượt qua tất cả và leo lên cao”. Lục bình vẫn trổ hoa, tiếng hát cứ ngân “trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”.

Ra đi từ lúc đi ra
Giữa dòng nguyên mộng dấu xưa phai màu.

Vừa nhón chân, cả tam thiên thế giới ồ ạt kéo theo suốt một cõi đời chung; Không gian như dừng lại, thời gian như ngưng chạy để lắng nghe thân thể hình hài hòa nhập cùng vũ trụ uyên nguyên. Để rồi từng ngọn gió, cỏ cây, từng hạt cát reo lên tấu điệu vô thường, nâng bước. Rồi từ đó ta bước vội giữa bốn bề gió lặng mộng trường sinh nổi dậy mảnh xiêm hồng.

“Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng,
Mắt lưng chừng trong giọt máu phiêu linh”.

Trong chúng ta ai đã đi và đã đi cho trọn vẹn “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”, để rồi một mai trở về ta lại khóc với cuộc đi; bao lần nước khóc ngàn khe, bao lần mộng cháy vỡ nghe tiếng lòng. Đi, đi trong náo loạn nguyên tiêu, đi trong miên trường viễn mộng, đi trong Bát nhã hoa khai hay đi trong cô đơn tuyệt lộ; dù đi trong trường hợp nào chăng nữa ta phải đi bằng hơi thở, đi trong hơi thở. Ai đã đi trong hơi thở là đã đi từ một vĩnh cửu đến một vĩnh cửu. Một hơi thở ra cả vũ trụ bao bọc lo giữ, một hơi thở vào toàn thể thế giới tam thiên đại thiên phải nương theo; thì chốn nào chẳng phải là quê nhà.

Đâu phải một lần về là tịch mịch cô liêu, hải hồ mất dấu, đâu phải một lần về là mộng vỡ triền miên. Mà chúng ta, trong chúng ta đều có một nẻo về, nẻo về của im lặng. Im lặng là đánh đi thiện ác danh lợi, còn giữ lấy nó tức là đảo lộn hệ thống im lặng, đảo lộn cả nguồn mạch, cả bản thể. Ai ra về trong náo loạn?

Thôi thì dẫu đi hay dẫu về, dẫu cho “đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy”, dẫu cho “từng lời tà dương là lời mộ địa” thì vẫn “thấy trong ta hiện bóng con người”. Ta hãy về với con người hiện thực, một con người khóc cười trong cõi thế trăm năm và mãi nghe tiếng hát từ một cõi đi về.

Thôi thì ta hãy sống cho
Đầu non hoa cỏ cuối bờ cỏ hoa.

Previous Post
Next Post