Con người thường tiếc nuối quá khứ và kỳ vọng tương lai. Nhưng quá khứ, tương lai là hai phạm trù khó nắm bắt. Ngày, tháng được xem là cách đo lường cho hai phạm trù này, tuy vậy, trong ý niệm ấy có mặt đủ cả ba yếu tố quá khứ, hiện tại, tương lai. Họ thường lãng quên hiện tại, quên mình đang hiện hữu và đang đối đầu với bao đổi thay của nội tại, hoàn cảnh. Một kiếp con người quá ngắn ngủi so với vô tận của thời gian. Bởi con người không ý thức hiện tại một cách trọn vẹn nên dễ dàng tạo nghiệp, lo toan với những chướng duyên vốn là kết quả của nghiệp quá khứ, mờ mịch với ngả rẽ tương lai. Nói chung, tâm chúng sanh luôn duyên theo những ý thức phóng túng, những giá trị chân thực của bản thân bị đánh rơi như một nốt trầm trong cung nhạc.
Giá trị chân thực của mỗi chúng sanh chính là trí tuệ siêu xuất ẩn chứa trong tâm thức, nếu biết khơi mở chúng ta sẽ thu được những lợi ích đem lại hạnh phúc cho cuộc sống. Nhưng để có những điều tốt đẹp ấy ta phải có một sự nổ lực bởi chính ta. Đức Phật dạy :
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ưước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Nếu ta hỏi rằng đâu là thực thể của quá khứ, hiện tại, tương lai, rồi chúng ta đòi một đáp án thì có lẽ đáp án chưa tìm thấy mà chiếc thân ngũ ấm này đã trả về cát bụi. Bởi lẽ, nếu ta cho ký ức là quá khứ, thì quá khứ luôn không tồn tại trong một chổ nhất định mà luôn ở dạng biến động. Tâm lý của chúng ta luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh, thân chúng ta luôn phát triển trong một môi trường vay mượn.
Tuy nhiên, ta thường nghĩ đến ta, bảo thủ ta nên tạo cho mình hải đảo và tự hào về nó. Đức Phật giải thích: “Và này các Tỳ kheo. Thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy” (thọ, tưởng, hành, thức cũng tương tự như vậy). Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là năm yếu tố được mệnh danh là ngũ uẩn hay ngủ ấm (Pãnca Skandha) để chỉ cho thân chúng sanh. Gồm có; sắc (rùpa), thọ (vedannà), tưởng (sammjnã), hành (sạmskãra), thức (vijnnãna). Sắc chính là tính vật lý của thân thể, các nhân tố còn lại thuộc tâm lý. Cả năm pháp này cũng không có một điều gì gọi là chắc chắn, trên sắc đó, không bao giờ tìm thấy một sự ổn định mà nó là một sự vận hành logic.
Tâm lý và cơ thể của chúng ta luôn ở trên một tung độ, những ký ức về sắc chẳng qua như những tiệm cận tiếp xúc. Ta không thể nhớ hết những gì trải qua trong khoảng thời gian trước đó. Chính vì sự đổi thay hiện hữu trong từng ý nghĩ, sắc của mười tuổi thì khác với sắc mười một hay mười hai tuổi, tâm cũng vậy. Nhưng vì sao chúng ta nhớ về sắc? Chính chấp thủ đã làm nên điều đó, không chấp nhận những hoại diệt hay biến đổi mà thường ưu ái vị ngọt của sắc, chính điều đó đã đem lại niềm hân hoan, nhưng khi hân hoan sanh khởi sự thay đổi của ngũ uẩn vẫn có mặt. Niềm hân hoan sẽ đi qua nhanh chóng, chúng ta sanh khởi tiếc nuối, trở nên bi lụy trước đổi thay của cuộc đời. Cuộc sống không có nghĩa với kẽ mang tâm hồn chán nản. Những gì đi qua không bao giờ quay lại, ta chưa từng thấy ai sống đến “thập cỗ lai hi” rồi cải lão hoàn đồng cả. Những người yêu chuộng cái sắc giả tạo, ao ước trường sanh như Thành Cát Tư Hãn, Tần Thủy Hoàng rồi cũng đành ôm hận thiên thu.
“Và này các tỳ kheo, thế nào là ước vọng tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; (thọ, tưởng, hành, thức cũng tương tự). Như vậy, này các Tỳ kheo, là ước vọng tương lai.
Tương lai, một phạm trù trái ngược với quá khứ, sự trái ngược ấy cũng là giả nói để phân biệt. Ở đây, sắc của quá khứ chính là sự suy luận trong tâm lý chúng sanh. Họ ao ước về sau họ sẽ như thế này, như thế kia nhưng họ không bao họ biết được sư thay đổi của sắc luôn đưa đến những điều bất xứng ý. Vì sao? Vì sắc vốn vô thường, vô ngã, các nhân duyên tạo nên sắc thường chống lại nhau. Nội tại đã như vậy, hoàn cảnh thay đổi tác động lên sắc làm cho sắc biến đổi kéo theo sự biến đồi tâm lý. Sắc quá khứ dù thay đổi nhưng con người đã từng trải qua, tương lai thì chỉ tâm suy diễn. Đương nhiên những điều tốt đẹp thường là đối tượng, tuy có mang tính tích cực nhưng hoàn toàn không mang lại sự ích lợi thiết thực ngay hiện tại. Tóm lại, sắc quá khứ đã qua hay tương lai chưa đến đều không được chấp nhận dưới cái nhìn tuệ tri của đức Phật.
Để làm rõ mục đích đức Phật chọn hiện tại làm mục tiêu thuyết giáo, ta xét hai phần trong cùng một vấn đề. Thứ nhất, những chúng sanh phàm phu với tâm tham luyến luôn “quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã có sắc ,hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc”. (thọ, tưởng, hành, thức cũng tương tự). Thứ hai, vị hành giả với trí tuệ của tâm thuần thục pháp của bậc Thánh, nên “Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là không tự ngã, không quán tự ngã trong sắc” (thọ, tưởng, hành, thức tương tự).
Đối tượng quán chiếu xuyên suốt cả bài kinh là sắc. Dù yểm ly hay tham ái cũng ở nơi đó. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tâm của con người, chấp nhận sắc như một phương tiện để tu tập thì giải thoát, tham đắm thì khổ đau. Ái luôn xuất hiện một khi chưa được đoạn tận, hiện tại khi chúng sanh khởi tâm truy tìm hay ước vọng, quán ngã trong sắc chính là hiện thân của ái thủ. Khi ái thủ có mặt tức khổ đau có mặt. Đức Phật tán thán những vị biết trụ tâm không ái nhiễm trong sắc, biết sắc, chấp nhận sắc với thái độ tích cực. Hay nói cách khác là người sử dụng hiện tại làm phương tiện tốt nhất để khơi mở trí tuệ siêu việt. Sống không vướng bận với những lo toan vu vơ, cho tương lai hay ngậm ngùi về quá khứ, an tịnh trong sự thay đổi của chính mình và hoàn cảnh. Từ ý thức như vậy, con người sẵn sàng đón nhận sự thật của cuộc đời bằng thái độ nhẹ nhàng. Ta trút bỏ gánh nặng cho chính ta. Đức Phật đã cho chúng ta thấy chân giá trị của cách sống, cách tìm thấy hạnh phúc trong thực tại. Ở đâu ư? Chính ngay nơi bản thân chính mình.
Chúng ta tuy cách xa Phật nhưng có phước báu của thân người, giáo pháp vẫn còn nguyên giá trị giải thoát, tự ta làm ta khổ đau thì chính ta tìm ra hạnh phúc. Hãy thương chính mình, giải thoát mình bằng giáo pháp trí tuệ ta đang thừa kế.
Nguồn: Trung Bộ kinh Tập 3, kinh Nhứt Dạ Hiền Giả số 131. Dịch giả HT Thích Minh Châu, VNCPHVN ấn hành 1992.