Chúng ta sống bởi chúng ta không giống nhau!

Cuộc sống thật muôn màu, và ở đâu, khi nào ,cuộc sống cũng "cần được phong phú hơn" bởi chính những giá trị muôn màu của nó. Hãy sống để cảm nhận, và cảm nhận để cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Chúng ta sống bởi chúng ta không giống nhau...

Chúng ta vốn hiếm khi được gặp nhau và giữa chúng ta không thể tồn tại một nền văn hoá chung vĩnh cửu. Xét cho cùng chúng ta quen sống thu hẹp.

Điều cần thiết thứ nhất là chúng ta cần tìm ra tiếng nói chung. Rất dễ để có được tiếng nói chung với những người cùng tư tưởng, nhưng trên thực tế những người như vậy không nhiều. Tuy nhiên, cũng không hẳn quá khó để có thể nói chuyện với những người có suy nghĩ hoàn toàn khác. Cần học cách đánh giá người khác theo hướng họ là những cá thể, chứ không phải để họ trở nên giống mình, bởi đơn giản nếu chúng ta cứ giống nhau như đúc thì cuộc sống sẽ mất đi cái ý nghĩa vốn có của nó. Chúng ta sống bởi chúng ta không giống nhau!

Xã hội loài người tồn tại và phát triển trên nền tảng sự khác nhau giữa các cá thể và nhờ vào thực tế là không ai trong xã hội đó tự tạo ra được dù là một phần của chân lý mà là tất cả chúng ta đang cùng nhau kiến tạo ra con đường vươn tới chân lý đó.

Chúng ta quen sống với cái công thức dân chủ cổ hủ “sức mạnh của số đông” tồn tại từ thế ký 18. Tất nhiên, số đông có sức mạnh của nó, nhưng mỗi cá nhân trong số chúng ta đều thuộc về thiểu số nhất định. Hay nói cách khác nếu không là một thực thể đơn nhất, thì cá nhân đó cũng không thể là con người, và, nếu chẳng ai cần đến mình nữa, thì hơn hết chính anh ta cũng không cần đến bản thân mình.

Chúng ta tự nhận thấy rằng, thật dễ dàng hơn để nói chuyện với những người giống mình. Nhưng vấn đề ở chỗ ta cần nói chuyện với những người như vậy để làm gì, nếu họ đã vốn chẳng khác gì mình? Sự khác nhau tối thiểu mà tạo hoá ban tặng cho loài người là sự khác nhau về giới. Hãy hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả chúng ta đều thuộc về một giới. Khi đó sẽ không có những thảm kịch tình yêu, không ai phải chết vì đấu súng, không cần thiết phải may quần áo nam và nữ. Chúng ta sẽ không cần đến nhau, không thể sống như những thực thể sinh học, và tất nhiên, cuộc sống trên hành tình này sẽ biến mất.

Thế nên chúng ta phải biết tôn trọng người khác và trao cho họ cơ hội được “khác”. Điều này không hoàn toàn có nghĩa là những người đó sẽ đối nghịch với xã hội. Kinh nghiệm sư phạm chỉ ra rằng, con người càng thiếu tôn trọng đối với sự khác nhau giữa họ, thì càng khó hoà hợp hơn. Xã hội không đơn thuần là tập hợp những cá thể, mà là một dàn nhạc giao hưởng mà ở đó mỗi nhạc cụ thể hiện cá tính độc lập của riêng mình. Nhưng hãy tưởng tượng, liệu có cần thiết nếu cả một dàn nhac khổng lồ chỉ chơi một nốt nhạc? Dàn nhac bao gồm những chất giọng khác nhau trong cùng một thể thống nhất đến tuyệt diệu. Tất nhiên, như tính muôn màu, sự đơn màu cũng rất cần thiết, bởi nhờ đó mà cuộc sống sẽ tạo ra những hình mẫu khác nhau. Ví như, ngôn ngữ là thực thể vừa giống và khác nhau. Sự giống nhau ở tất cả các ngôn ngữ là nhờ nó mà con người có thể giao tiếp với nhau, nhưng nó cũng mang tính cá nhân sâu sắc. Vậy ở đâu đặc tính của ngôn ngữ được thể hiện rõ nét hơn cả? Trong thi ca! Chính thi ca là loại hình ngôn ngữ mà có thể diễn tả rõ nét tính cá thể và tính khác biệt so với tất cả.

Về sáng tạo và nghệ thuật trong cuộc sống cũng vậy, hoàn toàn nhầm tưởng khi nghĩ rằng, trước tiên phải đảm bảo cho con người những giá trị vật chất thiết yếu. Nghệ thuật là vậy… đối với những ai đã cảm thấy quá "no đủ". Nhưng nhân loại trong suốt lịch sử trường kỳ và buồn tẻ chưa khi nào tự cảm thấy “no nê”. Và vì vậy con người vẫn cứ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Việc này là rất cần thiết, và nó là quy tắc của cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống sẽ không cứ chung chung. Tư tưởng “trước tiên là bánh mỳ, còn sau đó mới là sáng tạo nghệ thuật” là một trong những sai lầm phổ biến nhất. Không sáng tạo, sẽ không có bánh mỳ.

Vậy là, thứ nhất cần phải có lòng tôn trọng đối với những người hoàn toàn khác tư tưởng với mình. Thứ hai, thiếu sáng tạo thì sẽ không có cuộc sống. Và còn một điều nữa mà chúng ta cần cho cuộc sống là Lòng bao dung.

Sự khác nhau giữa người có văn hoá và vô văn hoá có thể được nhận dạng bằng nhiều cách. Nhưng có một tiêu chí phổ biến – con người hay thể hiện sự xung khắc với những gì mình chưa hiểu: có thể là thích thú hay bực tức. Người có văn hoá tỏ ra thích thú, còn người không văn hoá thì tức giận. Vậy có thể nói con người mâu thuẫn trước những gì khó hiểu đối với mình. Trước câu hỏi "Sao ta lại không hiểu điều đó, mình là ai, thật có phải là một thằng ngu?", người thông minh nói: Đúng vậy, tôi ngu, tôi cần phải học, học nhiều hơn nữa, còn người ngu dốt lại nói: Không, tôi thông minh, người ta đánh lừa tôi mà. Lômônôxôv đã đưa ra một công thức vĩnh cửu - “những kẻ ngu dốt nhút nhát”. Những kẻ ngu dốt thì thường nhút nhát, hay hoài nghi, và họ cho rằng cả thế giới này đang đứng về phía đối lập với họ. Và điều đặc biệt là họ sợ những ai không giống họ.

Sự bao dung độ lượng không chỉ dành cho những ai đúng, thông minh, và có giáo dục, mà là cho tất cả. Và cho cả những ai nghĩ khác với mình, thậm chí nghĩ sai. Con người có quyền nghĩ. Tuy nhiên trong xã hội còn tồn tại những quy tắc về luân lý, đạo đức mà mọi người đều hiểu. Con người không có quyền giết chóc, tiếp tay cho giết chóc. Không thể chấp nhận bất kỳ lý lẽ biện hộ cho hành động đâm chém nào. Mà cũng không có sự giết chóc nào lại vì mục đích cao cả. Tất cả đều là tội lỗi.

Chúng ta đang cùng bơi trên một con thuyền. Ở đó có những người khác nhau: tốt, xấu; công bằng, bất công; khác nhau về chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo…. Và chúng ta hoặc bơi hoặc chết đuối. Lẽ dĩ nhiên trên con thuyền này, tranh luận, thảo luận là thiết yếu. Nghiêm cấm giết chóc, đổ máu, bởi nếu điều đó xảy ra, tất cả sẽ chết./.

Lược dịch bởi que_iem (bacgiangonline.net)
Previous Post
Next Post