Tản mạn trên triết lý của Immanuel Kant (1724-1804)

Immanuel Kant
“Con người là sống với lý tính, trong xã hội cùng đồng loại, triển khai  khoa học triết lý và nghệ thuật để hiện thành với văn minh và đạo đức” (I.Kant) Cốt yếu của triết lý là tìm hiểu lịch trình và tuyên dương sự hiện thành đó của loài người. Sự hiện thành trong xã hội tất nhiên đặt những vấn đề chính trị. Ngược lại với Karl Marx, Immanuel Kant không quan niệm chính trị như là đưa ra lý thuyết để trên cơ sở đó cải thiện xã hội loài người cho đạt tới một lý tưởng hoàn mỹ xa xôi nào.

Theo tôi hiểu qua Karl Jaspers (1*), triết lý của I.Kant về chính trị xã hội có duy nhất một hoài bão minh triết cho toàn thể nhân loại, cho mọi người biết đảm nhận phận làm người. Một minh triết cho chúng ta mỗi người thoát ly những không tưởng, những lý thuyết không đâu, một phần nào như thuyết trung dung của đạo Khổng để nhận ra sự hữu hạn của bản thân, nhận ra cái gì vừa đúng và cái gì không quá viển vông trong ước vọng của một công dân trong xã hội.

Người, con vật có lý tính, biết suy tư thông hiểu rằng chỉ có thể tồn tại và phát triển với cộng đồng. Sự kiện tất yếu của đời sống cộng đồng là tổ chức xã hội có hệ thống có trật tự. Cái nghịch sự tự nhiên (antinomie) là mỗi người lại là một “chủ thể siêu thoát” (un ego transcendantal) chỉ có thể hiện thành toàn diện với tự do của lý chí. I.Kant hiểu rằng không bao giờ có thể có một vương quốc thánh thiện ở trần gian (un royaume de Dieu sur terre), một xã hội tuyệt vời tương giao và tương hữu, mà công dân  lại tự thấy hạnh phúc tự do và không cảm thấy trật tự xã hội là một gánh nặng phải đeo mang. Minh triết của I.Kant dung hòa, đối diện cái nghịch sự tự nhiên đó.

Chính bản thân con người cũng là một nghịch sự. Với lý tính, mỗi người là một chủ thể siêu thoát, nhưng vẫn chịu sự đòi hỏi của xác thịt, cuồng nộ dục vọng, ham muốn không đâu, tư hữu chiếm đoạt, tự kiêu leo đầu kẻ khác. Cho nên nhìn qua lịch sử của nhân loại, hí trường nhân sinh thế giới, ta thường phải thấy đây đó “những điên rồ, mù quáng tham vọng, độc ác tàn bạo, tư thù, quá khích phá hoại” (I.Kant).

Tuy nhiên với lý tính, con người biết suy tư. Triển khai với lịch sử, I.Kant nhận định có sự tiến bộ của những cá nhân, tự kiềm chế những lệch lạc bất tất của xác thịt. Bản năng dục tình (l’instinct sexuel) không còn là bản năng của súc vật, chỉ thỏa mãn xác thịt trong phút chốc, mà là với tư duy để lại dư âm tình cảm, biến sự đòi hỏi xác thịt thành lời tình tự của tình yêu. Hay nữa với suy tư, các cá nhân cũng tự hiểu rằng sống cộng đồng, ngoài ra chấp nhận những trật tự cốt yếu của xã hội, còn phải biết tử tế và lễ độ, dù có thể không được trả đáp như thế bởi một số người xung quanh, nhưng vẫn là một điều kiện tất yếu để cuộc sống của chính minh cao sang và trang trọng

Đó là nhận định triết lý về sự hiện thành của cá nhân từng người. Nhận định triết lý (philosopher) không phải là từ học hỏi những văn bản lý thuyết triết học xưa và nay, mà là suy luận với lý tính của chính mình, chính mình hiện thành trong giòng lịch sử của nhân loại. Suy luận về chính trị xã hội, con người có thể tự hỏi “lịch sử xã hội của loài người bắt đầu từ đâu và sẽ trở về đâu”; theo I.Kant đó là câu hỏi siêu hình học (métaphysique, không có giải đáp) của lý trí, không khác gì tự hỏi “có phải loài người là sáng tạo của thượng đế và tới một ngày nào đây sẽ bị hủy diệt”. Theo I.Kant, suy diễn về chính trị xã hội, cũng chính là suy diễn về sự hiện thành sinh động của loài người. Khái niệm xã hội, không khác gì khái niệm “loài người”, một tổng thể hỗn hợp brown-ian, tồn tại với thời gian, có thăng trầm, có khủng khoảng, có thảm họa, có đấu tranh, có nhầm lẫn, có tội ác…

Tuy nhiên, ta cũng có thể tự hỏi theo giòng lịch sử, xã hội loài người có tân tiến hay càng suy đồi. Nhìn qua lịch sử, ta có thể nghĩ xã hội tân tiến. Nhưng làm sao tân tiến mãi được, vì xã hội tân tiến là càng ngày lại càng phải phù hợp với nguyện vọng của công dân, những chủ thể tự do với nhu cầu luôn luôn thêm phức tạp và đa dạng. Xã hội có thể tân tiến, nhưng theo I.Kant nhận định, không có một hệ thống xã hội nào có thể đảm bảo  ngày mai xã hội sán lạng hơn và không rơi vào một thảm họa hay một khủng khảo nào, do luật bù trừ của thiên nhiên, do nhầm lẫn mù quáng của chính con người. Phận làm người, làm công dân của xã hội, cũng như trong cuộc sống của chính mình điển hình như tảng đá Sisyphe chúng ta cứ phải khuân vác mãi lên cao để rồi lại để lăn xuống chân đồi, cùng xã hội thăng hoa rồi lại phải tìm cách thoát khỏi sự suy đồi, sự khủng khoảng tinh thần hay vật chất.

Nhưng không vì thế mà chán chường thoái vị. Minh triết của I.Kant chính yếu là triết lý chính trị, một minh triết con người phải có để duy trì hiện thành sinh động tự do và hợp lý. Hợp lý trong cái nghĩa suy tư, ý thức với lý tính sự phù du, bất lực của bản thân, nhưng tìm ra sự sáng tạo vượt qua sự tù túng cổ hủ trong từng giây phút hiện sinh. Minh triết vượt qua mọi đại ngôn lý thuyết, thật sự tức thời hiện đại, đối diện và diễn giải với nghệ thuật, với lẽ phải của tâm tư lý chí mọi hiện tượng, lêch lạc hay bất tất, mọi thử thách của cuộc đời riêng tư và xã hội.

Để kết luận, tôi xin nhắc lại lời I.Kant nhắn nhủ những chính trị gia, những kẻ đoạt được quyền uy lãnh đạo thì hãy tôn trọng với lương tri những quy luật thực tế của xã hội, trước những hiện tượng hiện thành xã hội phải biết thu nhận lẽ phải, lắng nghe ý từ minh triết của những triêt gia đồng hành, vượt qua những nhầm lẫn, nhận ra sự thật từ bỏ những giả dối, những mù quáng của chính bản thân.

Còn riêng chúng ta mỗi người hãy có hoài bão siêu thoát và ôm mang lương tri thiện chí, quy luật đạo đức của công dân một xã hội, một đất nước:

“Bầu trời đầy sao trên đầu tôi
Và quy luật đạo đức ở trong tôi” (I.Kant)

Ngô Văn Tao
1*)  Karl Jaspers:  Les Grands philosophes : Kant - 2009,Librairie Plon-Paris
Previous Post
Next Post