Cách đây gần 10 năm, khi nhà phê bình, nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn công khai phê phán "thói xấu người Việt", ông đã từng bị dư luận phản ứng mạnh mẽ. Người đồng tình không ít nhưng phần lớn vẫn là ý kiến phản đối ông vì cái nhìn phiến diện.
Thế nhưng, thật bất ngờ, vẫn là quan điểm cũ khi nhận định về tính cách, điểm mạnh yếu của người Việt, thậm chí có phần gay gắt hơn khi cho rằng: "Bệnh gian và tham của người Việt không thể chữa được", tuyên bố này của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn những ngày gần đây lại được dư luận quan tâm và ủng hộ. Thậm chí nhiều người còn thay ông "vạch" thêm nhiều thói xấu khác của người Việt hiện đại và "hiến" nhiều phương thuốc đặc trị căn bệnh mà nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn khẳng định là "không có thuốc chữa" này.
Thuốc chữa bệnh gian, tham? Tôi nghĩ là có...
Trước những nhận xét của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn về tính xấu của người Việt, độc giả Nguyễn Văn An đánh giá rằng: “Đúng! Nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã hết sức dũng cảm khi chấp nhận bị "ném đá", khi dám "vạch áo cho người xem thẹo". Nhưng đáng buồn thay, hình như giữa xã hội quá thừa vật chất, quá vội vã do nhịp sống của cái gọi là "thời hiện đại" này nên mỗi người hình như ít dành lại những phút lắng lòng để tự soi rọi mình, để tự cảm nhận ngày hôm nay mình đã làm những gì tốt - xấu, hay biết tự vấn lương tâm khi trót làm gì sai trái với gia đình - xã hội.
Không tự nhận biết, không tự cảm nhận và không tự nhìn ra những thói hư tật xấu của chính mình... chính là điều nguy hại cho sự phát triển của xã hội bởi người ta vẫn nói mỗi cá nhân - gia đình chính là tế bào của xã hội”.
Cũng đồng tình với ông, độc giả Thu Hương viết: “Đọc bài này thấy bóng dáng của rất nhiều người mình "quen biết" trong đó. Và như thế Việt Nam muôn đời không phát triển được, dậm chân tại chỗ thôi".
Trong đánh giá của mình, ông Vương Trí Nhàn đã chỉ ra một phần dẫn đến tính gian tham đó là do lỗi hệ thống. Độc giả Lê Minh cũng cho rằng đúng như vậy: “Tôi đã nghe, xem, đọc và viết của nhiều chuyên gia nói về văn hóa người Việt! Một câu, có lẽ nhiều phần đúng căn cơ đó là lỗi hệ thống. Vậy cái nguyên nhân này có phải đã làm ảnh hưởng đến đạo đức người Việt không thưa ông? Bệnh nói dối, như lời nhận xét của ông nó đã trở thành “hệ miễn dịch” được coi đó là vấn nạn khó chữa? Đúng - Ta cứ nhìn vào những hiện tượng xã hội thì ta mới thấy điều đáng buồn là: Ở góc độ nào người ta cũng tìm cách nói dối để tồn tại, để có lợi cho mình trên các hoạt động bản thân kể cả chính trị, văn hóa, hay danh vọng, từ trong bản báo cáo thành tích đến việc dối trá để nâng vị trí mình lên. Người ta tìm cách lấp liếm, nịch nọt trên, lừa dưới, lấp liếm cái sai và không bao giờ thừa nhận nó...
Độc giả Đỗ Anh Văn đưa ra giải pháp: Cần phải diệt tận gốc thói hư cũng như những mầm mống gây nên những thói hư đó chính bằng sự nghiêm minh của luật pháp, độc giả này viết: “Sẽ không thể nào chữa được nếu không thay đổi bản tính của trẻ. Ngay từ trong bụng mẹ, trẻ đã nghe bố mẹ bàn tới những cách thức lươn lẹo trong xã hội, lên lớp vỡ lòng bố mẹ chạy vạy, đút lót xin cho con vào học ở những trường điểm… Lớn lên, bệnh của những đứa trẻ đó lại càng nặng hơn nhưng nó lại không có những tấm gương tốt thật sự để học hỏi mà lại có những chương trình truyền hình như là "Hỏi xoáy đáp xoay" hỏi sao trẻ không lươn lẹo? buông câu nào cũng hàm ý cũng khác thường...
Nhưng chung quy tôi cho rằng vẫn có thuốc chữa cho bệnh này. Thời xưa, có nước luật pháp nghiêm tới mức ra đường thấy tiền rơi người ta không dám nhặt, không hề có tham quan, dân gian. Nếu chúng ta có những cơ chế và luật pháp khiến mọi người không thể luồn lách, nó bắt mọi người phải làm ăn trung thực thẳng thắn, đó chính là môi trường giúp cho trẻ sống không có tiêu cực, trong tâm hồn trẻ sẽ không có lừa lọc và giả dối. Làm được điều này mới có thể giáo dục trẻ thành những người có ích, có tinh thần mà ở đất nước chúng ta hay ngưỡng mộ đó là Nhật Bản.
Những liều thuốc "đặc trị"
Độc giả Trần cũng cho rằng, trước tiên phải quan tâm giáo dục con trẻ: "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", chỉ còn cách là giáo dục cho những trẻ em mới lớn thôi! Để giúp lứa tuổi này có được thói quen, suy nghĩ tốt và đúng đắn. dù biết phải mất hàng trăm năm nhưng muộn còn hơn không”.
Quan điểm này được độc giả Binbin tán thành: “Tôi đồng quan điểm tác giả. Cấp trên nói xạo cấp dưới, cấp dưới nói dối cấp trên, bạn bè đồng cấp nói dối nhau, nhiều công bộc nói dối dân, đầy rẫy ngoài xã hội, đừng tự dối mình nữa.
Tôi có một cháu mới học lớp bốn, sau khi thấy người lớn nói dối đã hỏi tôi: “Sao chú đó nói dối mà bắt con nít tụi con không được nói dối???”.
Trong khi đó, độc giả Hữu Trần bình luận, nếu muốn thay đổi trước hết phải cải tiến hai ngành là giáo dục và hành pháp: “Có hai thứ ngành mà có thể cải tiến được đó là giáo dục và hành pháp. Nhưng tiên quyết là có vị lãnh đạo nhân phẩm tốt nếu không thì không thể có hai cái ngành đó tốt được. Có lãnh đạo tốt thì mới có người quyết tâm thay đổi thì đất nước và xã hội mới thay đổi. Công cụ để thay đổi là giáo dục nhưng nếu môi trường xã hội không tốt hay nói một cách khác là bộ phận hành pháp mà làm không đúng lý, xã hội không công bằng dựa trên nền tảng pháp quyền thì giáo dục cũng không làm được. Hành pháp mà không ổn thì đạo đức xã hội suy đồi, niềm tin xã hội suy giảm. Do đó, hãy hỏi các vị có tốt không? Có muốn thay đổi xã hội tốt lên không? Và điều này chỉ cần nhìn vào hai ngành giáo dục và hành pháp là biết ngay như thế nào!”
Nói về sự gian tham của người Việt, độc giả Việt Anh phân tích: “Khi đất nước ta ở thời bao cấp, một thời vốn của cải xã hội chỉ vừa đủ phân phối để bảo đảm sự tồn tại hàng ngày của mỗi con người, hoàn cảnh tự nhiên khiến con người sống thật thà, trong sáng và nhân từ hơn. Nếu có anh nào tham lam, gian dối chiếm đoạt nhiều hơn, ắt sẽ có người khác phải chết đói, sự việc sẽ rất rõ ràng, làm cho người ta không dám nghĩ tới sự tham lam, gian dối.
Nhưng từ khi kinh tế, xã hội nước ta đã phát triển, người dân có của ăn của để, cũng từ đó nhiều người có chức có quyền, có vị trí dễ dàng tham lam gian dối mới sinh ra suy nghĩ làm thế nào để tận dụng thời cơ, phát huy tối đa vị trí công việc của mình để đạt được địa vị, tiền bạc, vật chất hơn người khác, cứ thế thói hư tật xấu sản sinh ra mọi nơi mọi lúc và ở mọi ngõ ngách của xã hội. Những người như vậy họ không bao giờ tự nghĩ là mình xấu, mà họ tự bào chữa nếu ai ở vị trí của họ thì cũng vậy !? Cộng vào đó, xã hội còn thiếu sự giáo dục về chuẩn mực đạo đức và phát huy lòng tự trọng của mỗi con người; kỷ cương, luật lệ chưa nghiêm, quản lý kinh tế xã hội còn nhiều kẽ hở khiến cho cái xấu vẫn còn nhiều đất sống và phát triển. Dù sao chúng ta vẫn có quyền hy vọng những cái tốt, cái chuẩn mực của xã hội một ngày nào đó sẽ được đánh thức và thắng thế".