Thái độ bắt chước rập khuôn

Một câu chuyện cổ đầy ý nghĩa như sau: Có một thương gia, hằng ngày ông ta buôn bán và tối về thường lên cái điện thờ của riêng để ông tọa thiền và làm lễ các vị thánh thần. Lúc bấy giờ có một con chó rất mến chủ nên hễ ông đi đâu là nó đi theo đó. Khi ông vào điện thờ nó cũng vào theo. Ông sợ con chó vào làm ô uế chỗ trang nghiêm nên ông xích con chó ngoài lan can cho đến khi thời khóa lễ kết thúc. Thế là đêm nào ông hành lễ thì phải xích con chó. Đứa con ông ta lúc bấy giờ còn nhỏ nên thấy đó như một thông lệ và cho rằng đó có lẽ là một nghi lễ gì đó của cha.

Về sau cha mất, đứa con kế thừa sự nghiệp và cả nghi lễ. Thế là hằng ngày cũng đi buôn bán và tối lại hành lễ. Anh ta nghĩ rằng việc buộc chó vào lan can có lẽ là một nghi thức bắt buộc đầy bí ẩn và thiêng liêng. Có thể vì điều này mà nó phù hộ cho gia đình anh thịnh vượng chăng?. Dĩ nhiên lúc này anh ta không có một con chó mến chủ và theo chân. Cho nên anh rất vất vả xuống nhà dưới buộc một con chó và kéo lê lên để xích vào lan can. Khiến con chó vẩy vùng và kêu la inh ỏi. Anh ta lại hoan hỷ cho rằng mình đã rất thành tâm và xứng đáng là kẻ thừa kế.

Câu chuyện là một thí dụ nhỏ đã cho ta thấy sự bắt chước, kế thừa cái gọi là truyền thống nhưng không hiểu rõ ý nghĩa đích thực. Chúng ta đã rất khổ cực để thực hành những nghi lễ có tính cách lỗi thời và phi nghĩa. Nhưng cái cách “xưa bày nay bắt chước” đã trờ thành một hệ thống liên tục và chúng ta dù vất vả chịu đựng cũng phải làm theo. Chúng ta đã không tìm hiểu rõ ý nghĩa và rập khuôn để trở thành một tục lệ, một hũ tục, một tập quán… có tính cách mê tín.

Bất cứ việc gì của hiền thánh ngày xưa làm điều có nguyên nhân và đầy ý nghĩa. Nhưng mọi sự kiện xảy ra chỉ có tính cách hợp thời và không bao giờ bất biến với thời gian. Mọi sự vật luôn thay đổi. Cho nên việc thực hành một nghi lễ tôn giáo rập khuôn là hoàn toàn không hợp lẽ. Không gian mỗi nơi mỗi khác, thời gian là sự biến dịch không cùng, cho nên cố chấp giáo điều sẽ là sự ngăn ngại cho quá trình tiến hóa, giác ngộ và giải thoát.

Giáo điều là một lý tưởng hóa cao thượng, nhưng qua sự biến đổi của thời đại, chính cái giáo điều đã khiến người ta đã rất khổ sở. Nghi thức, nghi lễ tôn giáo đã trở thành những tròng ách và gánh nặng có tính cách ám thị tâm thần. Người ta lo sợ mình thực hành không rập khuôn và bị chỉ trích, phê phán thậm chí là tội lỗi. Sợi xiềng xích bằng sắt có thể cắt đứt nhưng sợi xiềng xích vô hình muôn đời khó thoát khỏi. Cho nên tâm thái nhà thiền phủ nhận giáo điều và xem trọng trực giác là vì thế.

Cuộc sống vốn quý báu và thiêng liêng. Tự do tâm thức vốn là ước mong tiến hóa ngàn đời của nhân loại. Chính đức Phật và các bậc thánh hiền đã ca ngợi sự giải thoát, tuyên thuyết sự giải thoát và mong rằng tất cả được giải thoát. Nhưng môn đệ của các Ngài lại lấy đó làm tôn chỉ để rồi tự trói buộc mình.

Ước hẹn với cuộc sống hiện tại là cuộc tình đầy thiêng liêng giữa con người với thế giới vạn hữu. Nhưng chúng ta thường quay lưng lại với sự sống hiện tại, quay lưng lại với cái đang là để tự nhốt mình vào một lý tưởng hóa không thực tế. Chúng ta thường ca ngợi sự tự do trên ngôn từ mà quên mất cái tự do hiện thực. Chúng ta thường quan trọng hóa nghi lễ tôn giáo hơn là xúc cảm với sự sống. Chúng ta thường tự đè nén sự tự do thực tại để tôn vinh một tự do trong giáo thuyết. Cuộc đời của thi sỹ Bùi Giáng là hiện thân của sự tự do thực tại. Ông hẹn ước và đùa giỡn với hiện tại trên khắp nẽo phố thị, đồng nội, non ngàn. Ông ăn uống, ngủ nghỉ, ca hát, nhảy múa tự nhiên để ngợi ca tình yêu và sự sống. Ông đã không thuộc về một tôn giáo nào, không thuộc vào hệ phái, đảng phái nào, ông chính là sự sống tự do và cái chết của ông nằm trong trạng thái mãn nguyện.

Thông Nhã
Previous Post
Next Post