Chuyển đổi nhân quả

Kinh sách phát triển và Thiền Ðông Ðộ cho rằng độ hết chúng sanh, hoặc chẳng nghĩ thiện, nghĩ ác thì thành Phật. Vậy thành Phật rồi còn phải tu nữa hay không?

Khi độ hết chúng sanh rồi có làm chủ được thân tâm hay không? Và có chấm dứt tái sanh luân hồi chưa? Cách thức làm chủ bằng cách nào?

Ðây, chúng tôi xin nhường lại cho tổ Bách Trượng trả lời quí vị, tổ Bách Trượng dạy: “Chẳng muội nhân quả”. Ở đây, quí vị phải hiểu câu nói này, đau là phải chịu đau, chết là phải chịu chết, chứ không thể nào làm chủ được nó. Chỉ chẳng mê muội trước nó là đủ, vì mê muội trước nó là sợ hãi, là buồn khổ, rên la, kêu khóc, v.v... Ý của Tổ nói, đứng trước các pháp ác tâm không hề dao động là đủ (chẳng mê muội).

Chúng tôi xin lập lại câu nói này, để cho quí vị dễ hiểu hơn. Nghĩa là quí vị chẳng sợ hãi trước cơn đau bệnh; trước cái chết; trước các tai nạn khổ sở là đủ, nghĩa là đừng sợ hãi các ác pháp. Vì quí vị thấy nó là huyễn giả, không thật, là không. Mọi sự vật, mọi hoàn cảnh xảy ra đều là huyễn giả không thật có. Do hiểu biết như vậy, quí vị sẽ không sợ hãi. Vì thế, nhị tổ Pháp Loa bệnh đau rên hừ hừ mà không làm chủ được cái đau, nên khi tổ Huyền Quang hỏi, Ông trả lời theo kiểu tổ Bách Trượng: “Gió thổi qua khe trúc”.

Tổ Bách Trượng mượn thuyết định mệnh, để chứng minh Thiền Tông không làm chủ nhân quả. Câu chuyện Bách Trượng giả hồ, chúng tôi xin lưu ý quí vị, tổ Bách Trượng mượn thuyết định mệnh chứ không phải là thuyết nhân quả. Còn đạo Phật thì chuyển nhân quả và làm chủ nhân quả, nên nó không là số mệnh, định mệnh được.

Ví dụ, cùng hai đứa bé nhức răng ôm khóc, một đứa con nhà giàu, một đứa con nhà nghèo. Ðứa bé con nhà giàu được cha mẹ đưa đến nha sĩ chữa trị hoặc nhổ chiếc răng hư, đứa này không còn đau nhức, chạy chơi vui cười. Còn đứa bé con nhà nghèo, cha mẹ không có tiền  đưa bé đi nha sĩ nên phải chịu đau nhức, khóc mãi suốt ngày này sang ngày khác.

Kính thưa quí vị, người giàu có là do phước báo hữu lậu, biết bố thí, cúng dường đúng chánh pháp nên chuyển nghiệp nhân quả được, huống là chúng ta, tu pháp môn giải thoát vô lậu thì phước báo vô lậu không thể nghĩ lường, như muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào thì sống, không có luật định mệnh hay luật nhân quả nào cấm cản sự làm chủ sống chết của chúng ta được nữa.

Kính thưa quí vị, xin quí vị lưu ý chỗ này, lúc nãy tổ Bách Trượng dùng thuyết định mệnh, còn qua câu chuyện chúng tôi vừa kể về hai đứa bé là thuyết nhân quả, mà thuyết nhân quả thì làm chủ được, vì nó di chuyển và thay đổi được. Còn thuyết định mệnh thì không thay đổi được, vì nó cố định. Cho nên, dù có làm Phật thì cũng không làm chủ được cái nhân quả.

Như vậy thì quí vị đã phân biệt được luật nhân quả và luật định mệnh phải không? Hai thuyết này khác nhau chứ không giống nhau, nó chỉ giống nhau ở hành động nhân quả thiện ác mà thôi. Số phận có sự cố định đó là thuyết định mệnh, còn số phận có sự thay đổi được đó là thuyết nhân quả. Ví dụ như Ðức Phật, ông Xá Lợi Phất, ông La Hầu La... tự tại nhập Niết bàn là sự chứng minh thuyết nhân quả.

Bởi vậy, người tu theo đạo Phật đến Tứ Thiền xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì không còn nghiệp đau, nghiệp chết tác dụng được, vì thọ đã bị triệt tiêu trong định Tứ Thiền. Như vậy mới gọi là làm chủ sanh tử.

Làm chủ sanh tử là làm chủ nghiệp, làm chủ nghiệp là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh.

Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh là xả thọ. Xả thọ tức là đoạn ái, đoạn ái tức là chấm dứt sự đau khổ, còn chấm dứt sự tái sanh luân hồi thì phải thực hiện lậu tận trí. Như trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên Phật dạy: “Vì có thọ mới có ái”. Cho nên, khi thọ diệt thì ái phải đoạn tận. Ở đây, quí vị đã hiểu rõ.

Kính thưa quí vị, đến đây quí vị biết Tứ Thiền là một pháp môn rất quan trọng của đạo Phật, trong sự làm chủ sống chết. Phật dạy 37 phẩm trợ đạo đều giúp cho pháp môn này, để cho quí vị thành tựu giải thoát cá nhân của quí vị ra khỏi cuộc đời đầy đau khổ, và còn ra khỏi thân đau khổ này.

Chúng tôi xin quí vị lưu ý chỗ này thêm: Thọ là then chốt của nghiệp ái. Chúng ta tự hỏi nghiệp để làm gì? Nghiệp để cho ai? Xin trả lời, nghiệp để cho thọ. Ái để làm gì? Ái để cho ai? Xin trả lời, ái để cho thọ. Vậy, chúng ta tu hành dùng Tứ Thiền xả thọ, thì nghiệp và ái còn tác dụng vào đâu. Cho nên, gọi là diệt nghiệp đoạn ái. Diệt nghiệp là làm chủ thân tâm; đoạn ái là chấm dứt tái sanh luân hồi. Con đường của đạo Phật dạy chúng ta tu hành quá rõ ràng, không giống như Thiền Ðông Ðộ và kinh sách phát triển.

Vả lại, chúng ta đã biết, muốn nhập Tứ Thiền thì phải tịnh chỉ hơi thở. Hơi thở là mạng sống của con người, khi nhập định Tứ Thiền tịnh chỉ được hơi thở, tức là làm chủ được mạng sống của mình, một loại thiền định làm chủ sự sống chết rất rõ ràng và cụ thể, mà trong thế gian này chúng ta không ngờ lại có một pháp môn mầu nhiệm như vậy.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích Tạo Duyên Giáo Hóa Chúng Sinh, TG. 2011, tr. 181-185
*****
Hỏi: Kính bạch Thầy, con hỏi về cái chuyển nhân quả thưa Thầy. Trong cuộc sống, có nhiều tình huống như những việc xảy ra va chạm, nếu hai đối tượng đều xả thì nhanh. Còn mà nếu đối tượng mà, ví dụ như ở gia đình chẳng hạn, những va chạm trong cuộc sống, mình xả, mình cố chuyển nhưng mà nó sân, nó cố chấp hoài thì mình làm sao thưa Thầy?

Đáp: À, đối với những người ngoài đời họ không biết tu đó thì có cái mình nhẫn người ta thôi, mình thấy họ là ác thì mình nhẫn người ta, mình không có đương đầu với họ nữa.

Bởi vì mình đương đầu thì mình bị trôi dạt ở trong nhân quả rồi. Cho nên tiến tới thì trôi dạt, còn mình chịu thua mình đứng lại thì mình chìm xuống, tức là mình để âm thầm sự đau khổ trong lòng của mình. Cho nên, tốt hơn là mình xả ngay. Thôi bây giờ những người ác là mình tránh, mình không chơi với họ nữa, mình biết họ không thể nào mà nhiếp phục được, không thể nào nói họ nghe được, thì tốt hơn những người ác đó mình không đến chơi nữa, mình không có thân nữa, mình không có liên hệ với họ nữa, mình tránh xa họ ra, cứ mỗi lần mình tìm cách tránh.

Bởi vì đối với người tu mà mình gần những người ác thì mình sẽ bị thiệt thòi rất lớn, họ nói nặng, nói nhẹ mình cũng không dám nói họ gì hết. Cho nên mình biết rồi, những người đó mình tránh xa, mình không thể nào giúp cho họ trở thành người thiện được hết, thậm chí như giáo pháp của Phật họ còn không nghe huống hồ là mình. Cho nên những người ác là mình nên tránh, đừng có gần họ nữa, thấy họ ác là mình tránh.

Cho nên, đức Phật nói có những điều mà cần phải tránh để đem lại sự vô lậu cho mình; có những điều mình cần phải thọ dụng để nó không có lậu hoặc. Cho nên, những điều cần nên tránh thì mình xét thấy mình nên tránh người đó. Trong xã hội người ác nhiều lắm mấy con, mình nên tránh, mình không cảm hóa họ được thì mình nên tránh.

Và cái thứ nhất, đối với người đó mình nên im lặng như Thánh, nhưng mà giải quyết được tâm mình, đừng để vì sự việc đó mà khổ đau, ray rứt mình. Thì mấy con nhớ vấn đề đó là chuyển đổi nhân quả đó. Nghĩa là mình chuyển về mặt hình thức của nó, đương đầu với người đó thì mình tránh, mình không gặp, gặp thì nó có nhiều cái nó xảy ra.

Cái thứ hai là mình chuyển đổi tâm mình, đừng vì cái người đó mà mình buồn giận, phiền não, chịu đựng trong lòng của mình, mình cố gắng xả tâm mình cho hết.

Không chơi là nó không có xảy ra nữa, và đồng thời giải quyết tâm mình, tất cả những gì họ tranh chấp với mình, tất cả những gì mà họ đã mạt sát mình, mình xả ngay liền, và từ đây về sau thì không để xảy ra những điều đó nữa. Thì cái đó đúng là chúng ta đã chuyển đổi nhân quả của tâm và chuyển đổi nhân quả của hoàn cảnh.

Chứ còn mình cứ sống chung đụng là mình không chuyển đổi hoàn cảnh. Thí dụ như ở đây có người đó họ đối với mình họ có cái ác cảm, thấy không được cứ dời nhà đi chỗ khác, mặc dù rất khó khăn khi rời nhà đi chỗ khác là mình phải tốn hao, nhưng mình muốn tâm mình được an ổn thì mình nên dời nhà đi chỗ khác. Như bà Mạnh Mẫu, muốn con mình trở thành một người con tốt, cho nên ba lần dời nhà. Cho nên, mình muốn được yên ổn thì mình không những ba lần mà bảy lần hoặc mười lần dời nhà cũng được. Thấy ở gần cái ông ác này thôi tui đi kiếm đất chỗ khác mua dời nhà chỗ khác ở, nhất định là phải tránh những người ác. Chứ còn mấy con ở xóm mà mấy ông rượu chè, mấy ông ác thì thôi chắc chắn là mình chịu không nổi rồi.

Cho nên, trong cái vấn đề học đạo đức của đạo Phật, chúng ta biết cách thức cần phải tránh né những điều ác, những người ác, hoàn cảnh ác. Ở những nơi nào đó mà mình sẽ bị nhiễm những ác pháp, cũng như bây giờ các con ở cái chỗ mà người ta đâm giết với nhau, riết rồi mấy con cũng phải đâm giết thôi, cho nên mình tránh nơi đó, nơi ác mình tránh thì nó sẽ đem lại hạnh phúc của mấy con, đem lại sự bình an cho chính mình.

Cho nên, mình đừng nghĩ rằng ở đây nó hợp với tôi, ở đây là dòng họ, cha mẹ tôi hồi nào tới giờ ở đây. Mà bây giờ có bao nhiêu người ác ở đây thì thôi tôi tránh đi, tôi bỏ xứ sở tôi đi, tôi tìm chỗ nào mà có người tốt, người bình an tôi ở. Hoặc là cái người đó dù có xấu đi chăng nữa họ cũng còn đỡ hơn là những người quá cực ác. Cho nên, mình càng tránh càng tốt. Ở trên quê hương nơi nào cũng là nơi ở được hết, chứ không phải chỉ có quê cha đất tổ.

Cũng như Thầy thành lập Trung Tâm An Dưỡng, đâu có nghĩa là nơi đây mà Thầy thành lập Trung Tâm An Dưỡng, nghĩa là trên đất nước, chỗ nào cũng có thể thành lập Trung Tâm An Dưỡng được hết. Đối với Thầy, chỗ nào thuận duyên là chỗ ấy Thầy đến, chớ không phải riêng chỉ có Tu viện Chơn Như này không. Ờ nói bây giờ, chỗ này sanh trưởng Thầy, rồi chỗ này Thầy tu tập từ đó Thầy chứng đạo, hãy duy trì. Thầy nghĩ rằng, trên mảnh đất quê hương của chúng ta, đất nước Việt Nam thì bất cứ chỗ nào cũng là mảnh Thánh địa mà nơi đó có người tu tập được, chớ không phải riêng gì chỗ đó để mà chúng ta chiêm ngưỡng.

Vì nơi đó, nơi đất nước đó đã sanh trưởng Thầy, nơi đó Thầy ra đời, Thầy viết lại sách đạo đức, Thầy gợi người ta tu tập thì nơi đó, bất cứ trên đất nước của chúng ta nơi nào cũng là được cả hết, chứ không riêng gì chỉ có Trảng Bàng - Tây Ninh này mới là Trung Tâm An Dưỡng. Đó, thì cái duyên nó ở đâu thì Thầy làm đó.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích Lớp Chánh Kiến, bài 041-(LCK-021B)
Previous Post
Next Post