Thân phận con người

Nói về thân phận con người, có nhiều quan niệm khác nhau; nhưng phần lớn mang tính bi quan, vì cảm thấy con người bị chà đạp, thấp kém, khổ đau. Thật vậy, một số tôn giáo nói rằng con người do Thượng đế tạo ra và Ngài toàn quyền sử dụng con người, hoặc tống người ta vào hỏa ngục, hoặc ân sủng cho lên thiên đường. Đó là quan niệm thứ nhất.

Quan niệm thứ hai thấy con người bé nhỏ giữa vũ trụ bao la, nên luôn lo sợ tất cả, trước mắt là sợ rắn rít, bò cạp đều giết được mình. Và từ tâm sợ hãi với thân phận con người bé nhỏ, yếu đuối, bất lực mà nhìn lên cảm thấy thế giới thần linh bao phủ con người, nên nghĩ rằng con người phải nương tựa vào thần linh, cao nhất là Thượng đế, cho đến mặt trời, mặt trăng, thần sông, thần núi đều có thể che chở mình, hay hại mình. Do đó, phát sinh ra quan niệm thứ ba là sùng bái thần linh. Với những quan niệm như trên, xem con người là sản phẩm của tạo hóa và chỉ là sinh linh bé nhỏ nên con người luôn lo sợ trước tất cả mọi hoàn cảnh xảy ra.

Nhưng may mắn cho loài người, có Đức Phật ra đời và dạy rằng niềm tin như vậy là mê tín, mù quáng, cũng như Vô Não nghe tà đạo bảo giết người thì được lên thiên đường mà cũng tin theo.

Đức Phật nhìn cuộc sống con người với tuệ giác mà Ngài đã chứng đắc và chúng ta nhờ nương theo tuệ giác của Phật chỉ dạy mà phát triển cuộc sống an lành, giải thoát của chính mình. Đó là quan niệm thay đổi lớn lao nhất và tốt đẹp nhất Đức Phật đã đưa cho loài người, Ngài nói rằng con người có thể quyết định tất cả, có thể làm Thượng đế nếu biết tạo cho mình tư cách và khả năng của Thượng đế, hoặc cũng có thể chỉ có mạng sống nhỏ bé nếu tự tạo cho mình thân phận kém cỏi.

Chúng ta có thể nhìn thân phận con người ở hai mặt, vật chất và tâm linh. Nhìn ở dạng vật chất, Đức Phật nói chúng ta có thể phát huy khả năng đến đỉnh cao, tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp theo ý mình, tức trở thành Thượng đế. Thật vậy, tổ tiên ông cha của chúng ta ở thời kỳ xa xưa gọi là thời đồ đá, đã biết đập vỡ đá để chế ra những dụng cụ thô sơ như búa, rìu. Nghĩa là về phương diện vật chất, con người đã có lối thoát cho cuộc sống dễ dàng hơn, thể hiện trí khôn con người đã phát sinh.

Đức Phật dạy rằng con người là tối linh, có trí khôn vượt hơn các loài khác; nếu không thông minh, chắc chắn con người không tiến hóa được, mà muôn đời vẫn là con ong, cái kiến. Rõ ràng con người từ thời kỳ sơ khai với thân phận ăn lông ở lỗ đã phát triển cuộc sống lần lần cho đến thời đại văn minh khoa học ngày nay. Điều này cho thấy con người đã tự trải qua cuộc sống tiến hóa do chính đôi tay và khối óc của con người làm nên, chứ con người không phải là sản phẩm của Thượng đế. Chúng ta nhận thấy lời Đức Phật dạy từ nghìn xưa vẫn có giá trị tương ưng với sự hiểu biết của nhân loại ở thời đại văn minh tột bậc ngày nay.

Về sự tiến hóa tâm linh của con người quan trọng hơn, khoa học chưa chứng minh được, nhưng không chối cãi được. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng tâm sinh ra tất cả các pháp. Vì vậy, cần tịnh hóa tâm mình và phát huy năng lực của tâm thành trí tuệ sáng suốt hoàn toàn; đó là việc mà con người thực hiện được. Tâm làm chủ là như vậy.

Theo Phật, có thiện tâm sở và ác tâm sở; còn tâm vương muôn đời không thay đổi. Phật dạy rằng Phật tánh, hay bản tánh sáng suốt của con người vẫn thế, khi chúng ta thành Phật, Phật tánh này không tăng, mà khi chúng ta trầm luân trong sinh tử vì bị nghiệp và phiền não che mờ thì Phật tánh này cũng không giảm.

Khi mang thân ngũ uẩn, chúng ta đã có năm bức màn ngăn che; cho nên Phật dạy phải tháo gỡ lần năm bức màn này. Cứ bớt một phần vô minh là một phần trí tuệ sinh ra và bỏ được hoàn toàn năm bức màn ngăn cách này, chúng ta sáng suốt hoàn toàn. Trên bước đường tu, việc phá vô minh, chứng được Pháp thân thì mỗi người đều khác nhau. Người phá được một phần vô minh là La hán, phá được hai phần vô minh là Bích chi Phật, phá được nhiều hơn nữa là Bồ tát và phá được hoàn toàn vô minh là Phật. Đó chính là sự thăng tiến tâm linh rất quan trọng.

Phá một phần vô minh thành La hán, thành Thánh, nên không phạm sai lầm, không còn tham vọng chi phối, họ không bao giờ có khổ đau và cũng không ai có thể làm họ khổ đau. Vì vậy, chưa đắc La hán chưa ra khỏi sinh tử, chúng ta phải nỗ lực tối đa, không ngừng phát huy đời sống tâm linh để đạt đến mức độ tu chứng này, để không bị trầm luân sinh tử, không bị xã hội chi phối, không bị dục vọng sai khiến. Phá được tụ vô minh thứ nhất là phá được kiến hoặc, mới thành Thánh quả, thấy không sai lầm.

Tôi nghiệm ra ý này. Khi chưa biết tu, thường nghĩ tại sao mình bị nghèo nàn, bệnh hoạn, xấu xí, tại sao thân phận con người lại như vậy. Nếu Thượng đế sinh ra ta như thế thì rõ ràng Ngài bất công. Tại sao ông kia làm tổng thống, còn mình làm nô lệ. Không bằng lòng tình trạng bất công này thì mình nổi giận, chống đối và lao vào việc tội lỗi để mong đạt được kết quả tốt. Và sự chống đối cao nhất của tôi là năm 1963, chống chính phủ Ngô Đình Diệm; nhưng bình tâm nhìn kỹ, thấy phần nhiều việc chống đối đều phát xuất từ lòng sân hận. Đó là điều cấm kỵ nhất đối với người tu hành; vì Phật dạy chúng ta nhẫn, chứ không phải sân. Sân là chúng ta lạc vào cảnh giới của A tu la, phải thọ quả báo. Vì vậy, ít nhất tôi phải bị ba tháng tù. Ở trong khám, tôi nhận ra mình đã đi lệch hướng, bỏ Phật sau lưng mà chạy theo vọng trần. Ở trong trại giam, sống trong cảnh hoàn toàn tối tăm, nhưng tâm tôi đã sáng ra, biết được sai lầm của mình, nên sửa đổi; còn không biết cứ lao theo những việc chống đối khác nữa. Có một thầy nói với tôi rằng ông bị ở tù từ thời Pháp cho tới ngày nay, đến bốn lần. Vị này là tấm gương cho tôi soi rọi lòng mình, tâm mình như thế nào mà ở thời kỳ nào cũng bị tù tội. Chúng ta còn nhớ kinh Địa Tạng nói rằng có những người ở địa ngục này mãn thì qua địa ngục khác, cứ như vậy muôn đời phải đau khổ. Do vậy, kinh Bát Đại Nhân Giác nhắc chúng ta rằng: "Phá địa ngục muôn trùng kiên cố, thoát thành sầu cùng khổ ấm duyên”.

Ai biết phá được cái khổ của thân tứ đại, phá được ngũ ấm sẽ ra khỏi sinh tử. Đức Phật dạy rõ điều này. Chúng ta bị nhốt trong nhà ngũ ấm. Vì vậy, phải phá ngũ ấm, đầu tiên là phá sắc ấm trước. Chúng ta làm sao phát huy tâm linh và đạo đức để không bị vật chất chi phối. Thử ăn mặc đơn giản và sống đạm bạc để xem mình có cần nhiều vật chất hay không. Có người chỉ cần một ít tiền cũng sống được, trong khi có người đòi hỏi vài chục triệu mới đủ sống thì ai hơn ai. Người bị vật chất và tham vọng chi phối quá nặng, bao nhiêu cũng không đủ, nếu biết thoát ly vật chất, họ sẽ được nhẹ lần.

Phá được sắc ấm, chủ yếu là không bị đói khát, nóng lạnh chi phối. Có người hiểu lầm rằng đắc Thánh quả thì thân vật chất không còn bị nóng lạnh đói khát. Không phải như vậy. Người tu nếu nhịn ăn lâu, thân thể cũng bị khô kiệt. Chúng ta thấy những vị Thiền sư đắc đạo không ăn để cho thân khô gầy đến chết, thành xá lợi. Bình thường nhịn lâu hơn 100 ngày thì chết, nhịn uống nước 10 ngày thì chết. Vị  Thánh La hán vượt ngoài sống chết, vì đã sống với đời sống tâm linh, thân tứ đại của họ có chết, nhưng đời sống tâm linh không chết. Họ nhập định, không biết đến thân vật chất, vì đã sống được với thân thứ hai là đời sống tâm linh.

Tu hành, bước vào cửa đạo, tức phải có đời sống tâm linh; đừng kẹt vật chất mà muôn đời khổ đau. Để một chân ở vật chất và bước một chân vào tâm linh, thì người này còn ăn uống, nhưng ăn thực phẩm nào cũng được, ngủ qua đêm là xong. Còn kẹt vào việc ăn uống, ăn ngon sẽ sinh tâm vui mừng, ăn dở thì bực bội, khổ sở. Phật nói con người phàm phu hết vui đến khổ là vậy. Theo Phật, chúng ta thoát ly được khổ đau, dù chư Thiên có đem thức ăn đến cho, mình vẫn thấy bình thường.

Còn một chân ở ngoài, nghĩa là chúng ta còn thân tứ đại. Đối với bậc Tổ sư như Ngài Đạt Ma, thân tứ đại ví như chiếc giày rách bỏ lại trong kim quan, Ngài quảy một chiếc về Tây Trúc; nói cách khác, về Tây Trúc với chân linh muôn đời trong sáng hoàn toàn.

Đối với chúng ta, nếu một chân đi vào tâm linh, một chân ở trần thế, thì khi hết duyên hành đạo ở Ta bà, chúng ta rút luôn cái chân ở thế giới này  để về cõi chư Thiên hay về Cực lạc tùy theo nhân hạnh mình đã tu tạo được. Vì vậy, thân phận vĩ đại không phải ở trần gian bị lệ thuộc trần gian và chết bị lệ thuộc ma quỷ.

Đầu tiên phá được ngũ ấm, đoạn được kiến hoặc phiền não là mười điều do mắt thấy tai nghe. Đoạn được kiến hoặc thì ví như người gỗ ngắm chim vẽ. Người tu cũng vô tâm như vậy. Thực tập pháp này, tôi cảm giác mình cô độc giữa rừng người. Vì mình vô tâm thì người xung quanh tốt hay xấu, có hại mình, mình cũng không biết; đó là một chân đã bước vào cửa Không.

Bước được một chân vào cửa Không, mới tiếp nhận được tinh ba của pháp Phật, pháp thân chúng ta mới lớn lên. Còn hai chân đứng ở trần thế rất nguy hiểm; vì như vậy, thân bị vật chất trói buộc, tinh thần thì toàn là khổ đau, tham sân si, sẽ dẫn đến cuộc sống sân hận và đòi hỏi của chúng ta mỗi ngày nhiều hơn. Do vậy, những tâm xấu chỉ đạo những việc làm xấu tự phát triển mãi, thì tu lâu vẫn khổ, vì không bước chân được vào đạo. Hòa thượng Thanh Từ nhắc rằng nếu còn ở ngoài cổng chùa sẽ có đủ thứ chuyện; nhưng bước vào cổng chùa là cửa Không, tâm hoàn toàn an lạc.

Trong ngũ uẩn, phá sắc uẩn để đi vào được cửa Không, không bị vật chất chi phối, là có đời sống tâm linh. Nhưng được như vậy rồi, quán sát lại, thấy nghiệp chướng phiền não trần lao dẫy đầy là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến và 20 tùy phiền não là phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.

Trên bước đường tu, tôi quán sát xem trong những phiền não kể trên, có tên nào loại trừ được thì loại bỏ liền; đuổi được một tên giặc ra khỏi tâm mình, liền cảm thấy nhẹ. Phiền não căn bản chưa triệt tiêu được, thì mình đẩy học trò của nó trước, tức là chặt rễ cây và đem 11 thiện tâm sở vào là tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại, để mình có đạo quân Hiền Thánh. Thiết nghĩ mình tu hành, không làm cho cuộc đời này tốt thêm thì cũng không nên làm xấu thêm, không giúp được ai thì cũng không nên làm cho người khác đau khổ. Những lỗi lầm quá khứ, kiếp này chúng ta trả, những việc sai lầm hiện tại chúng ta không tạo; như vậy cuộc sống tương lai của chúng ta sẽ được tốt lần, là thăng tiến trên đường đạo.

Thiện tâm sở mà tôi thường thực hiện và phát huy là tâm bất hại. Nghĩa là trên từ Phật, Thánh nhân, cha mẹ, thầy, cho đến loài chúng sinh hạ đẳng như con kiến, con muỗi, mình cũng không làm tổn hại. Khi thiện tâm sở của chúng ta sinh ra được như vậy, sẽ thấy cái gì cũng dễ thương, muôn loài đều đáng thương, cần được chúng ta giúp đỡ. Từ đó, tâm từ bi của chúng ta nảy sinh được thì Phật hộ niệm cho chúng ta. Còn chúng ta mong Phật gia hộ, nhưng mình không có tâm nào giống Phật, làm sao Phật phò hộ được; ví như hai khối kim loại ráp với nhau mới truyền điện được, một khúc gỗ và miếng kim loại nối với nhau thì điện không thể truyền qua được. Chúng ta không có tâm thương người, làm thế nào tình thương của Phật truyền đến mình được. Vì vậy, tu hành trên nền tảng của tâm bất hại, chúng ta mới phát huy được đức tính tốt của mình.

Đối với tâm tham, sân, si thì luyện cho được vô tham, vô sân, vô si. Để không tham, Phật dạy phải xả, là bỏ bớt. Phật bỏ tất cả để được tất cả; chúng ta bỏ một phần thì được một phần, bỏ nhiều thì được nhiều, còn cố giữ thì sẽ bị mất trắng. Nhận thức như vậy, chúng ta không khởi vọng tâm tham đắm; vì tham những gì không phải của mình sẽ khổ nhiều, không thấy đúng hoàn cảnh của mình mà muốn làm trên sức mình, phải thất bại. Người đời cũng thường nói: Chim tham ăn sa vào lưới/ Cá tham mồi mắc phải lưỡi câu.

Chúng ta đã vượt được kiếp cầm thú, mang thân người là có điều kiện tu hành, phải nhân cơ hội tốt đẹp của con người để phát huy lên ở tầng cao hơn. Không tham thì bước đầu trong cuộc sống, cái gì của ta, ta giữ; không phải của ta, ta bỏ. Thậm chí,  cái của ta dù có bỏ vẫn là của ta; không phải của ta mà cố giữ cũng mất.

Cái của ta là tình thương chân thật giữa người và người, giữa người và vật. Mình thương ai thì họ sẽ thương lại mình. Mình không thương người mà muốn người thương mình, hoặc có tham vọng bắt người làm nô lệ, làm sao được. Phải trải rộng tình thương. Không phải phước của mình mà ép cho thành của mình, không thể nào giữ được. Thực tế cho thấy nhà giàu năm thê bảy thiếp, nhưng đó là dục vọng, không phải tình thương chân thật, nên họ luôn bị khổ đau.

Đức vua Trần Nhân Tông ra lịnh thả tất cả cung phi mỹ nữ hầu hạ ông và cung cấp tiền bạc, tạo điều kiện cho họ trở về lập gia đình. Đối với Ngài, những thứ đó không cần, Ngài bỏ một cách nhẹ nhàng và khoác áo Sa môn, sống cuộc đời thanh đạm, một y một bát, nhưng khuyến hóa được mọi người. Sống đúng theo tinh thần Phật dạy, Ngài đắc đạo và phát huy trí tuệ. Ngài vừa là bậc minh vương, vừa là vị anh hùng của dân tộc và trở thành vị Tổ thật sự của chúng ta. Thật vậy, Ngài viên tịch đã 700 năm, nhưng uy đức của Ngài đã tác động cho Giáo hội chúng ta và Nhà nước kết hợp tổ chức cuộc lễ kỷ niệm ngày Đức vua Niết bàn rất long trọng có gần 1.000 bài phát biểu. Hầu như mọi bài đều ca ngợi Đức vua Trần Nhân Tông về công đức tu hành, về việc trị nước lo cho dân hoàn toàn tốt đẹp. Vì vậy, Giáo hội chúng ta đề nghị mỗi chùa ở đất nước chúng ta nên thờ Đức vua Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông là vị Tổ duy nhất người Việt Nam. Thiết nghĩ chúng ta là người Việt Nam thì tôn thờ vị Tổ Việt Namlà điều hợp lý và Đức vua Trần Nhân Tông quả là bậc đầy đủ trí tuệ và hạnh đức xứng đáng để chúng ta tôn thờ là vị Tổ sư của chúng ta. Người Nhật cũng chỉ thờ các vị Tổ người Nhật, như Pháp Hoa tông thờ Ngài Tối Trừng, Chân ngôn tông thờ Ngài Đạo Nguyên, Tịnh độ tông thời Ngài Pháp Nhiên.

Đức Phật Thích Ca là một ứng Phật hiện hữu trong loài người và tu hành đắc đạo. Bước theo dấu chân Phật, quán sát xem Đức Phật Thích Ca Niết bàn, Ngài về đâu, theo dấu vết đó mà chúng ta trở về với Đức Phật vĩnh hằng bất tử, không phải trở về với Phật sanh diệt. Ngài không còn là Thích Ca, nhưng Ngài là bậc toàn năng, toàn giác và tĩnh lặng hiện hữu trong pháp giới. Nhận thức như vậy để chúng ta phát huy trí giác của mình, thăng hoa cuộc sống trầm mặc của mình, để tiếp cận được với Đức Phật vĩnh hằng bất tử ngay trên thế gian này và trở về thế giới chơn thường của Ngài sau khi xả bỏ thân tứ đại này.

Tóm lại, với thân phận con người bình thường, chúng ta phát huy đến đỉnh cao theo Phật để trở thành người toàn năng tự quyết định vận mạng của mình và thế giới mình đang sống theo hướng hoàn toàn tốt đẹp, cũng giống như Đức Phật Di Đà từ con người vươn lên, phát huy trọn vẹn tâm từ bi và phước đức trí tuệ mới xây dựng được thế giới Cực lạc.
Dù tu theo pháp môn nào, chúng ta cũng phải phát huy năng lực theo tinh thần Phật dạy để đạt được quả vị như Phật, như Tổ. Đặt nền tảng thăng hoa tuệ giác và đức hạnh trên bước đường xả kỷ vị tha, thì thân phận con người theo đạo Phật không còn nhỏ bé, nhưng tất cả mọi người đều có thể trở thành Phật, bậc toàn trí, toàn năng, toàn thiện mang đến cuộc sống thật sự an lạc, phát triển, hòa bình cho nhân loại trên trái đất này.

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
Previous Post
Next Post