Tôi nghĩ về một ngày

Hôm qua không trở lại, ngày mai chưa tới, chỉ có lúc này. Lúc này tai ta đang nghe mọi thanh âm, mắt của ta nhìn mọi sắc màu, miệng của ta nếm mọi vị, mũi của ta cảm nhận đủ hương, da của ta đang nói rằng trời nóng hay lạnh... Và đầu ta thì cố gắng rỗng không? Bản năng con người là lười biếng và luôn có xu hướng quay về với bản năng ấy, chính vì thế nên luôn tồn tại mâu thuẫn giữa lý trí với nhu cầu được thỏa mãn. Bạn ơi! Cuộc sống đang trình diễn với ta, đồng hành cùng ta và âm thầm cướp mất của ta khoảnh khắc! Nắng vẫn rót mật vàng xuống từng con sóng nhấp nhô phập phồng theo nhịp thở trẻ thơ. Gió vẫn hát khúc tình ca cho những chiều hoang vắng và mưa thì thầm cùng tri âm trong đêm lạnh về cuộc hành trình của giọt nước...

Nhưng ta đã làm gì? Phải chăng ta đang vô tâm đón nhận và sử dụng những tặng phẩm ấy một cách thản nhiên như thể đó là nhiệm vụ của thiên nhiên phải phục tùng ta. Thật ấu trĩ. Điểm đến của mọi sự vận động là hướng tới sự toàn bích, hay nói cụ thể hơn là sự cân bằng, sự công bằng. Anh bạn tôi đã từng biện hộ "Mày nghĩ đi, mày không bị mù, mày không điếc nên mày thấy được muôn màu, nghe được muôn tiếng, thử hỏi những điều đó thiên nhiên có ban tặng công bằng cho những người khiếm thính, khiếm thị hay không?", tôi chống chế "Nhưng thiên nhiên đâu có làm cho họ mù, họ điếc!".

Một học giả Trung Quốc đã công phu soạn ra cuốn sách "99 khoảnh khắc đời người" để nói về những trạng thái tâm lý và thể chất của một con người trong một đời. Tất nhiên là có rất ít, nếu tôi không muốn nói hiếm hoi có ai trải qua đủ 99 khoảnh khắc ấy. Khoảnh khắc này, trạng thái tâm lý này là hệ quả và là nguyên nhân của khoảnh khắc, của trạng thái tâm lý kia. Chuyện tưởng như đơn giản nhưng vô cùng khó khăn khi ta nghĩ và thực hành nó.

Vòng đời một con muỗi có khác nhau, trong khi muỗi cái sống gần 30 ngày để lo hút máu, giao phối và đẻ trứng rồi chấm hết, thì muỗi đực chỉ sống được 2 - 3 ngày và thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là truyền giống. Nó có biết buồn, biết vui, cảm thấy thất vọng, thành công... hay chỉ là bản năng. Gần ba mươi ngày có đủ để kiếm 3 giọt máu chăng? Tôi không biết, bạn không biết. Ta chỉ biết rằng ta có cảm xúc và đang tồn tại như một phần của cuộc sống và thế giới, có đủ mọi mối quan hệ, sự tác động dù chỉ là nhỏ nhất của thiên nhiên cũng ảnh hưởng đến ta, chưa kể là sự thay đổi của người này cũng tác động đến người khác trong môi trường xã hội. Chính vì thế, ta là duy nhất và không thể thay thế, ta cũng có một vai trò trong sự vận hành của vũ trụ và xã hội. Tại sao ta lại thờ ơ với trách nhiệm và quyền lợi ấy? Gần ba mươi ngày của con muỗi nó có cho là ngắn không?

Không! Ngắn là so với chúng ta. Chúng ta so với sự tồn tại cuả vũ trụ này thì sự tương quan ấy chưa thể bằng một giây trong 30 ngày của con muỗi. Sự khác biệt trong vòng đời giữa muỗi đực và muỗi cái nói cho chúng ta biết một điều rằng, ý nghĩa của sự tồn tại nằm ở chức năng và những thành tựu ta làm được chứ không phải nằm ở ngắn hay dài, bởi vì giá trị của ta nằm ở sự đánh giá trong mối tương với người khác. Có người làm cả ngàn bài thơ mà chẳng có ai nhớ đến, trong khi chỉ cần một "Ông đồ" của Vũ Đình Liên cũng đủ lưu danh cùng nền văn học nước nhà. Có người cả đời mang danh là tri thức nhưng chẳng có một cống hiến nào đem lại kết quả cho đời, trong khi chỉ cần một tia chớp tuổi xanh, Galoa đã trở thành nhà toán học vĩ đại có tên được đặt cho một ngọn núi lửa trên mặt trăng.

Tuy nhiên, trong cái gốc của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, ở con người Việt Nam luôn tồn tại mâu thuẫn bởi bệnh hiếu danh không đồng hành cùng khát vọng khám phá và năng lực sáng tạo (đã bị quy định bởi lối sống ưa hài hòa, nương vào thiên nhiên). Nếu ta là giọt nước thì cũng là giọt nước làm xao động mặt hồ say ngủ, cũng là thành phần của con sóng dạt dào giữa đại dương không ngừng thở, đừng làm một giọt nước nhạt nhòa giữa ao tù phẳng lặng.

Có bao giờ ta tự hỏi "Tại sao ta lại được sinh ra ở đời này không? Rồi ta sẽ như thế nào theo dòng thời gian bất tận này?...?". Những học thuyết của các tôn giáo có ảnh hưởng gì đến ta không? Bạn nghĩ là còn tồn tại kiếp sau, có thế giới bên kia và phung phí đời này? Trước mắt là phung phí lời nói và sức khỏe (điều này tôi đã đề cập ở bài bàn về chữ Tín và chữ Nhẫn).

Ta là duy nhất và không thể thay thế nên ta phải tự quyết định và chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Đừng bao giờ tìm kiếm nguyên nhân và sự giải thích từ tha nhân, tha lực. Điều đó chẳng những không đem lại cho ta kết quả cải thiện, ngược lại nó sẽ làm ta yếu đuối hơn.

Một ngày là như thế nào? Bạn thích bắt đầu từ những tia nắng ban mai, tiếng chim hót trong sương sớm và kết thúc bằng một giấc ngủ an lành? Có bao giờ bạn tạm nhẩm tính xem ta đã được trải qua một ngày như thế chưa? Đời người, nói một cách chính xác, chỉ là một khoảnh khắc. Đừng sử dụng khoảnh khắc ấy để làm đau người khác, làm đau thiên nhiên, đừng cố dùng khoảnh khắc quý báu ấy để đeo đuổi cái trường cửu của nhu cầu mang tính bản năng. Nỗi đau sẽ nối tiếp và lâu dài mà niềm vui thì gián đoạn. Sự đánh đổi bằng việc đem đời người hữu hạn để đeo đuổi cái trường cửu của xúc cảm đã và sẽ đem lại cho ta niềm an ủi và nỗi đau. Tiền là một người bạn không trung thành, nhưng thật khổ sở vì chúng ta có mong muốn biến nó thành kẻ trung thành. Hãy cần mẫn góp nhặt những mảnh vụn của niềm vui rơi vãi trong từng khoảnh khắc của cuộc sống để thấy rằng ta còn có thể mĩm cười. Một người đồng nghiệp lâu năm của tôi có một lời khuyên rất mộc mạc mà chí lý: "Khi ta chưa có những gì mình thích thì hãy thích những gì mình đang có".

Luật "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, đã được các diễn đàn bàn rất nhiều, nhưng chỉ thấy bàn về tiết kiệm vật chất và thời gian, tuy nhiên tôi chưa thấy ai nói về tiết kiệm thời gian làm người. Phung phí sức khỏe đang trở thành vấn đề nhức nhối trong giới trẻ hiện nay. Nghĩa là chúng ta chỉ bàn về cái kết quả mà chưa xem xét về cái nguyên nhân. Chưa xem xét vấn đề trên mối tương quan với nền tảng văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước của Việt nam.

Sự thật thì trần trụi nhưng chúng ta cứ cố gắng thi vị hóa bằng mọi mỹ từ có thể. Đừng đánh lừa chính mình. Hãy chủ động đón nhận. Chủ động chọn lựa và yêu quý với chọn lựa ấy bởi vì cuộc sống này luôn luôn bắt ta phải lựa chọn trong từng khoảnh khắc và lựa chọn sẽ làm nên số phận của ta. Cần phải có một quá trình rèn luyện kiên trì để đạt được những lựa chọn phù hợp với bản thân bạn nhé.

Cao Văn Đức
Previous Post
Next Post