Làm ăn hay làm người?

Nghề quan trọng nhất trên đời này, theo nhà tư tưởng vĩ đại thời khai sáng Jean Jacques Rousseau, là “nghề làm người”! Một khi đã làm được người thì không gì là không thể làm được.

Không biết từ bao giờ, hễ nhắc đến “kinh doanh” nhiều người lại thường liên tưởng tới “buôn gian bán lận”?! Và người ta cũng đề cập đến “kinh doanh hướng thiện” như là một mong muốn, đòi hỏi bức xúc của xã hội đối với những người làm nghề kinh doanh.

Theo tư tưởng của Rousseau, vấn đề được giải quyết một cách rất đơn giản: Mỗi người kinh doanh trước hết phải là một con người đúng nghĩa và chỉ cần như vậy! Nói cách khác, mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ liệu mỗi người có làm tốt trước hết cái nghề được xem là “nghề gốc”, nghề quan trọng nhất của mọi nghề: NGHỀ LÀM NGƯỜI hay không.

Từ con người đúng nghĩa…

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây có những giá trị chung về con người mà hàng ngàn năm không thay đổi. Đó là đã là con người thì phải “vô hại” và “hữu ích”, tức là không hại người và phải có ích với người.

Đó là những giá trị căn bản nhất mà vĩ nhân nào, dân tộc nào, thời đại nào cũng dạy cho con người ta. Khổng Tử, một người thầy lớn trong lịch sử Phương Đông, khuyên: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác). Còn người Phương Tây thì quan niệm: “Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình”. Tuy có khác nhau về tâm thế (thụ động hay chủ động) nhưng tựu trung lại đều hướng tới giá trị của con người: sống thì phải hữu ích và vô hại.

Để có thể là con người đúng nghĩa thì cần phải có “năng lực làm người” hay còn gọi là “nền tảng văn hóa”. Đó là phải có cái đầu có khả năng phân biệt phải-trái, tốt-xấu, giả-chân, thiện-ác, cái gì đáng trọng-cái gì đáng khinh…, biết phân biệt ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai, và đặc biệt là biết sống vì cái gì. Đó còn là phải có trái tim giàu lòng trắc ẩn, biết rung lên trước cái đẹp, biết thổn thức trước nỗi đau, và biết phẫn nộ trước cái ác.

Những khả năng này hình thành nên một cái gọi là “hệ điều hành” cuộc đời, mà nếu như được cài đặt vào con người thì cuộc sống sẽ ít thù oán, bạo lực, chém giết, chiến tranh; kinh doanh sẽ không còn chỗ cho bất lương, gian lận… Và giáo dục (bao gồm giáo dục ở nhà trường, giáo dục trong gia đình và giáo dục ngoài xã hội) chính là công cụ để cài đặt “hệ điều hành” này cho mỗi người.

Đến làm ăn lương thiện

Doanh nhân là một con người có năng lực làm người thì sẽ có một doanh nghiệp tử tế và lương thiện. Tuy nhiên, điều này chưa đảm bảo một cách bền vững cho một nền kinh doanh lương thiện vì thường một người tử tế nếu kinh doanh trong môi trường chụp giật thì dần dần cũng sẽ trở nên chụp giật. Ngược lại, họ không tử tế nhưng vào môi trường đàng hoàng thì dần dần cũng trở nên đàng hoàng. Ví dụ, một doanh nhân thuộc diện rất “có vấn đề” trong làm ăn ở một quốc gia kém phát triển nào đó, nhưng nếu sang Mỹ hoặc sang Nhật làm ăn thì dường như họ cũng buộc phải đàng hoàng tử tế hơn.

Nếu như mỗi cá nhân và doanh nghiệp tử tế là điều kiện cần thì thể chế, cơ chế và môi trường kinh doanh là điều kiện đủ để có một nền kinh doanh hướng thiện. Ở cấp độ vĩ mô, nhà nước cần phải có những biện pháp để mọi doanh nhân và doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư làm ăn tại Việt Nam, đều phải coi trọng và nỗ lực hướng thiện, coi đó là chuyện sống còn của doanh nghiệp mình.

Với doanh giới, ngoài việc mỗi doanh nhân thực thi trọn vẹn “nghề làm người” thì cả cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có thái độ rõ ràng đối với những kẻ “buôn gian bán lận”, làm hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại… Những câu chuyện đau lòng trong xuất khẩu tôm, cá ba sa, hay thanh long… mấy năm trước là minh chứng cho việc một số “con sâu” làm rầu “nồi canh”. Không chỉ các nước sở tại lên án, tẩy chay những doanh nghiệp bất lương đó mà chính cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tiên phong trong chuyện này để bảo vệ hình ảnh và thanh danh của nghề kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Theo lẽ thường, người ta gần mực thì đen, gần đèn thì sáng nhưng có những người đặc biệt, có nền tảng văn hóa tốt, có “hệ điều hành” tốt và đủ mạnh thì “gần mực không đen” hay nói cách khác “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nghĩa là với những doanh nhân có nền tảng văn hóa vững chắc, những người có bản ngã thì bất kể kinh doanh ở môi trường nào, họ vẫn giữ được phẩm cách của mình, vẫn là những doanh nhân làm ăn đàng hoàng, tử tế.

“Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt”, đúc kết chua chát của dân gian có lẽ cần phải được đính chính lại thành “Thật thà thẳng thắn thường thắng to”. Trong kinh doanh, sẽ không thể “thắng to”, “thắng lâu” và được xã hội thực sự nể trọng nếu chỉ bằng ảo ảo, lọc lừa và gian dối. Ngược lại, với lương tâm và thiện tính, thời nay, một người bán rau cũng có thể trở thành triệu phú đô-la nếu như anh ta giải quyết được vấn đề rau “tử tế” cho hàng chục triệu người dân thành phố.

Tiền tài, địa vị và danh vọng là rất quan trọng, nhưng có những thứ còn quan trọng hơn, đó là, rốt cuộc “mình sống vì cái gì?”. Như cổ nhân đã dạy, “mục đích lớn nhất và quan trọng nhất của con người sinh ra trên đời, đó là sống cho ra một con người!”, và như vậy “làm người” quan trọng hơn “làm ăn”!

Previous Post
Next Post