Rất nhiều bút mực đã viết về sự quí giá của tình bạn và niềm vui mà nó mang tới cho cuộc sống chúng ta. Nhưng tôi muốn biết đã từng có có sự suy nghĩ nghiêm túc nào xem tình bạn là gì, ngoài sự quen biết đơn thuần không. Tại sao một số người chúng ta biết là bạn bè chúng ta và những người khác chỉ là những người chúng ta quen biết? Tại sao một người bạn đích thực lại quá quan trọng đối với sự tồn tại của chúng ta?
L.K.
L.K. thân mến,
Như bạn chỉ ra, niềm khao khát tình bạn luôn luôn ở trong chúng ta nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có bạn. Trong thực tế, điều đầu tiên mà những kinh nghiệm riêng của chúng ta, cũng như nhiều triết gia vĩ đại, cho chúng ta biết về tình bạn đích thực là nó rất hiếm hoi. Rất nhiều sự kết giao thoạt tiên có vẻ như tình bạn, chỉ để phai nhạt và biến mất theo thời gian. Những sự kết giao này thiếu cái có thể được gọi là “những điều tiên quyết”. Trong khi cố gắng thiết định chúng là gì, chúng ta phải bắt đầu bằng cách phân biệt giữa những quan hệ ngẫu nhiên và tạm thời và những quan hệ thiết yếu và lâu dài.
Ở đây Aristotle dành cho chúng ta sự trợ giúp rất quan trọng khi ông chỉ ra rằng có ba loại tình bạn: tình bạn dựa trên:
(1) Vị lợi,
(2) Niềm vui,
(3) Đức hạnh.
Tình bạn vị lợi và tình bạn niềm vui cùng đi với nhau, và hiển nhiên là loại phổ biến nhất. Mọi người đều có kinh nghiệm về chúng. Người ta “thân thiện” với những người cộng tác làm ăn, những người hàng xóm, thành viên của quỹ xe dùng chung, và thậm chí những người quen tình cờ trên xe lửa, tàu thuyền, máy bay. Kiểu lịch sự này, ở chừng mực nào đó, là một dạng tình bạn, tình bạn vị lợi, thuận tiện cho nhau. Tương tự, người ta “thân thiện” với những người cùng chơi gôn, những người xa lạ ở buổi tiệc cốctay, và những người mới quen đãi đằng họ. Đây cũng là một dạng tình bạn, tình bạn vì niềm vui, hai bên cùng hưởng thụ.
Những dạng tình bạn bậc thấp này không nhất thiết là xấu, nhưng chúng không đầy đủ. Một trong những nhược điểm của chúng bắt nguồn từ việc chúng lệ thuộc vào hoàn cảnh và biến đổi theo hoàn cảnh. Đó là lý do tại sao chúng có thể nhanh chóng nảy sinh cũng như nhanh chóng biến mất. Trái lại, khi Sách châm ngôn của Cựu Ước nói, “Bạn bè thương nhau mọi thời mọi lúc,” nó muốn ám chỉ đến một dạng tình bạn cao thượng không lệ thuộc vào hoàn cảnh. Để vượt qua những tác động của thời gian và tình huống ngẫu nhiên, nó phải dựa trên những phẩm chất cố hữu của những cá nhân liên quan. Một tình bạn được neo giữ như vậy không thể là tình bạn thoáng qua được.
Tình bạn đích thực, do vậy, vượt qua (mặc dù nó thường cũng có) cả sự vị lợi lẫn niềm vui thích. Đối với Aristotle, một tình bạn như thế phải dựa trên đức hạnh, trên tính cách đạo đức tốt. Chỉ như vậy nó mới có thể kéo dài. Hơn nữa, nó phải phát triển từ từ, bởi vì nó đòi hỏi sự quen thân, sự hiểu biết, và – cuối cùng – sự tin cậy lẫn nhau.
Aristotle tiếp tục nhận xét:
“Loại tình bạn này, vì vậy, hoàn hảo về mặt thời gian và mọi mặt khác, và trong tình bạn đó mỗi người nhận được từ người kia, về tất cả mọi mặt, chính những gì anh ta đã cho đi, hay một cái gì gần giống như thế; đó là điều phải xảy ra giữa những người bạn”.
Tình bạn hoàn hảo, vì vậy, cũng đòi hỏi một sự bình đẳng phần nào về địa vị. Montaigne, phát biểu về những loại quan hệ con người, đã khẳng định điều này khi nói:
“Quan hệ của con cái đối với cha mẹ đúng hơn là sự tôn trọng: tình bạn được nuôi dưỡng bằng sự cộng thông mà nó không thể tồn tại giữa họ, vì sự bất bình đẳng quá lớn”.
Cha mẹ không thể là bạn của con cái mình cũng như thầy giáo không thể là bạn của học trò mình. Vì yếu tính của tình bạn là sự thỏa thuận tương giao: cho và nhận cái gì như cái mà anh cho. Cha mẹ chăm lo sự phát triển đúng đắn của con cái họ và thầy giáo hướng dẫn sự hình thành tâm trí học trò họ. Con cái và học trò không thể đáp lại như vậy.
Đến đây sẽ rõ vì sao tình bạn thực sự đòi hỏi nhiều hơn là chỉ đơn thuần có “cái gì đó chung”. Chính cái mà mọi người có chung sẽ quyết định loại tình bạn mà họ sẽ có. Tình bạn đích thực đòi hỏi ít nhất một tính cách đạo đức lành mạnh từ sự phong phú mà từ sự phong phú đó các cá nhân có thể cho và nhận được tình cảm quí báu này. Và những cá nhân càng cho nhiều, càng thực hiện một kiểu vị tha thực sự, họ càng trở nên những người bạn tốt. Một người tử tế sẽ không chỉ làm cho bạn anh ta điều gì bạn anh ta sẽ làm cho anh ta, nhưng sẽ làm nhiều hơn, nếu cần.
Những điều tiên quyết này khó được thực hiện, cho nên tình bạn đích thực chắc chắn là hiếm hoi. Do vậy, có được một người bạn đích thực là một trong những thành công đáng ca ngợi nhất trong đời. Montaigne kể câu chuyện về Cyrus, vua xứ Ba Tư. Khi được hỏi ông có chịu đổi con ngựa quí, mà trên lưng nó ông vừa thắng một cuộc đua, lấy một vương quốc không, Cyrus trả lời, “Không, xin nói thật lòng, nhưng tôi sẽ trao tặng nó với tất cả trái tim tôi để bằng cách đó tôi có được một người bạn đích thực, nếu tôi có thể tìm ra bất kỳ người nào xứng đáng với sự kết giao đó.”
Theo "Nhung tu tuong lon trong nhung tac pham vi dai" cua TS Adler