Đói ăn vụng, túng làm càn là một trong những câu tục ngữ cửa miệng của người mình. Đời sống khó khăn xui người ta làm liều, bất chấp lương tri và những luật lệ thông thường. Không còn phải trái, nên hay không nên, chỉ có cuồng vọng, chỉ có ý thích. Bởi lẽ tiểu xảo, tiểu trí nên trong lịch sử xã hội không có những đám lục lâm cỡ lớn. Song cướp vặt thì lại quá phổ biến. Đã hình thành cả một lối sống mà người xưa đã dùng bốn chữ “vô sở bất chí” để gọi. “Vô sở bất chí” tức là không việc gì không dám làm!
Ghi lại những ký ức từ con người và phong vị của xứ sở, ngoài nếp sống nghiêm cẩn và những trò chơi tao nhã như thả thơ, đánh thơ, như chén trà bên sương sớm… Nguyễn Tuân còn xếp vào Vang bóng một thời truyện Ném bút chì. Có lúc, truyện được gọi bằng một cái tên đẹp: Một bọn bất đắc chí, nhưng bóc đi cái phần lãng mạn thì nội dung của nó là tả sinh hoạt của một bọn cướp.
Làng Vũ Đại mà Nam Cao tả nhều truyện ngắn cũng có cướp, nạn cướp vùng đồng chiêm trũng hoành hành như một thế lực ngang ngược. Ngược lại, những cảnh cướp vặt ở vùng ngoại ô Tô Hoài khá thê thảm. Nhân vật Thoại trong Quê người, ngày tết đi bắt những con chó sợ pháo, bị người ta đánh cho một trận nhừ tử, phải bỏ làng mà đi.
Sách Luận ngữ từng cho rằng việc người ta không làm bậy trong cảnh nghèo khó hơn là không như khi giàu sang (Bần nhu vô oán, nan; phú nhi vô kiêu, dị - Hiến vấn, đoạn 11).
Cái điều mà Khổng tử xưa từng lo quả không thừa. Đây là một đoạn đối thoại trong Bơ vơ, Nguyễn Công Hoan viết năm 1936:
- Tại sao mày phải làm ăn cướp? Sao không kiếm nghề lương thiện mà làm ăn?
Chúa Cụt mỉm cười:
- Bẩm tại con đói (…). Đời không cho con được ăn ở hiền lành, nên bất đắc dĩ con mới phải ăn cướp.
- Mày nói lạ.
- Bẩm thật con đi ở mà người ta không nuôi, con làm gì người ta cũng không cho làm, gia đình nào cũng hắt hủi con. Người đời đã chẳng tử tế với con, tất con phải là kẻ thù của họ. Để có những thứ cần để sống, con chỉ còn cách bắt buộc ấy.
Thế giới hiện đại mở ra cho con người bao khát vọng tốt đẹp, nhưng lại không mang lại cho họ khả năng đạt tới cái lý tưởng đó. Trong triết học phương Tây, có một ý niệm gọi là chủ nghĩa hư vô. Người ta cảm thấy chúa đã chết và người ta có thể làm bất cứ việc gì!
Trong sự càn rỡ của người mình có thoáng qua một chút hư vô như vậy. Cũng liều bán váy chơi xuân, câu thơ Tú Xương mang dáng vẻ một sự thách thức sang trọng.
Nhiều truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhân vật tướng cướp. Họ được hình thành như một bộ phận của xã hội. Theo cách miêu tả của nhà văn trong Cánh buồm nâu thuở ấy, chất thơ của cuộc sống tồn tại ngay trong hành động của đám người đứng ngoài luật pháp này.
Nhưng đó là trong những hoàn cảnh lý tưởng. Sự thực là ở ta, sự càn rỡ thường khi hiện ra tầm thường hơn, thấp hèn hơn.
Khi sang Nga, lúc đầu tôi ngạc nhiên thấy cảnh dân đi câu mà nếu chỉ câu được cá bé (dưới mức cân nặng nào đó), người ta buộc phải thả. Sau biết rằng ở nhiều nước có luật lệ như vậy.
Ở Việt Nam thì khác. Cả những con tôm con như cách nói dân gian “mới bỏ vú mẹ” cũng không được tha. Cá không chỉ bị đánh bằng lưới mà còn bằng mìn, bằng điện, những hành động phải được mệnh danh là tàn sát thiên nhiên.
Đầu thế kỷ 20, một người Pháp Roland Meyer kể rằng trên đất Lào có những người Việt trong cơn điên cuồng kiếm sống, đào cả đình chùa của người ta lấy gạch bán từng thước khối. Ông ta gọi những người này là một thứ “cặn bã”.
Nhà văn Lê Thanh khi kể lại chuyện này trên Tri ân số ra 22/4/1942 tỏ ý rất đau đớn.
Khi mới hình thành, sự liều lĩnh càn rỡ được ngụy tạo bởi một cảm giác tự do và cách khẳng định quyền được tồn tại. Người ta cần nó để vượt thoát khỏi tình thế quẫn bách. Về sau, một thói quen hình thành, con người coi việc xấu là tự nhiên, không đói cũng ăn vụng, không túng cũng làm càn.
TT&VH số ra ngày 6/10/2007 có bài nói về nạn đào trộm trống đồng ở Đắk Lắk. Một thôn có tới 30 trống bị đào trộm. Người ta sử dụng cả máy dò kim loại. Nếu biết thêm rằng khi một trống đồng được đào lên tức là cả không gian văn hóa chung quanh bị phá vỡ, sẽ thấy cách nói của người Pháp ở trên có lẽ không hẳn là quá đáng.
Tham nhũng. Ăn cắp, cướp giật. Lấn chiếm đất công. Bán hàng giả. Những vụ đua xe trái phép. Những đám học sinh công khai mang “phao” vào phòng thi. Cái càn rỡ hiện nay có bao nhiêu bộ mặt. Nó len lỏi trong từng hành động của con người bình thường, khi họ dễ dãi buông thả cho bản năng thấp kém của chính mình.