Nghĩ về sống-chết

Không phải người ta không dự tri về những bất trắc xảy ra trong cuộc đời. Người ta đã chuẩn bị rất kỹ: viết di chúc, mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân mạng; lên xe hoặc lên máy bay thì tự động thắt dây an toàn—không thắt cũng được nhắc nhở hoặc ép buộc phải thắt bằng sự nghiêm phạt. Những chuẩn bị như thế đều cho thấy người ta luôn ý thức về một tai nạn, hoặc cái chết, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng khi tai nạn chưa xảy ra, nhiều lần, nhiều ngày như thế, ý thức kia lờn đi và nhường chỗ cho vô thức, để rồi, khi thắt dây an toàn, người ta chỉ thắt theo thói quen, và thắt để khỏi bị cảnh sát phạt tiền. Người ta thực sự không muốn nhắc đến cái chết dù rằng trong hành động mỗi ngày đều chuẩn bị cho cái chết.

Cuộc sống như thế có một vẻ mâu thuẫn một cách buồn cười. Chúng ta chuẩn bị rất kỹ cho một bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, xem ra thì giống như nhà đạo ý thức về vô thường; mà kỳ thực, những chuẩn bị này chỉ là để tiếp tục vui sống trong ảo tưởng về một cuộc đời chắc thật, bền vững. Chúng ta chuẩn bị, nhưng chẳng chuẩn bị gì cả. Hăm hở chạy theo những kéo lôi của ngoại cảnh và sự thúc giục của dục vọng bản năng. Thành tựu được tí ti đã mừng rỡ, huênh hoang; mất đi chút xíu đã buồn rầu, áo não. Kỷ niệm ngày sinh thì tưng bừng tiệc tùng, quà bánh, rượu chè, chúc tụng không ngớt—làm như là sự có mặt của mình trong cuộc đời đã thay đổi được thế giới tốt đẹp hơn, hoặc mang lại lợi ích cho muôn loài vậy! Ngày chết thì than khóc sầu bi thống thiết—làm như là sinh ra ở đời để mà bất tử trường sanh vậy! Sinh thì cười, tử thì khóc. Được thì mừng, mất thì khổ. Thắng thì vui, thua thì buồn. Sắc thân, cảm giác, tư tưởng, hành nghiệp và ý thức của chúng ta sao mà tội nghiệp, cứ bấp bênh bập bềnh như bèo bọt mây nổi!

Vậy mà rồi, sự sinh và sự tử, trong tư tưởng cũng như trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, trở thành chuyện lớn. Mà chuyện lớn ở đây lại không giống như chuyện lớn của thiền gia. Chúng ta không biết, hoặc giả vờ không hay biết, rằng ngày sinh chẳng qua là ngày đánh dấu một bước gần hơn với ngày tử. Ngày ấy, sau một năm dài, hẳn là thành kiến, tư dục sẽ nhiều hơn năm trước. Những vọng chấp về bản ngã và những thuộc tính của ngã hẳn là dày thêm một lớp. Có chi để mừng vui! Thế rồi, chuyện sinh-tử trong mọi thời đại, mọi xứ sở, luôn là cơ hội cho những thành tựu của thương nghiệp: thiệp chúc, quà tặng, bệnh phí, áo quan và những buổi tiệc vui, buồn…

Một triết gia phương tây từng nói, "hãy sống như thể ngày mai mình sẽ chết." Sống như thế nào mới gọi là sống? Hay là ý thức về cái chết của ngày mai như thế chỉ khiến chúng ta mất ngủ từng đêm vì không làm được gì xứng đáng ngày hôm nay?

Người Tây Tạng cũng thường chiêm nghiệm trước giấc ngủ, "ngày mai hay đời sau, chưa biết cái nào sẽ đến trước.” Thế nhưng, mỗi sớm mai thức dậy, chúng ta tiếp tục một ngày mới với những hăng say miệt mài tom góp, tích lũy, giành giật, tranh thắng, mưu lợi, thù ghét, hờn giận… đâu biết rằng một đêm dài kia có thể là khoảng thời gian bước vào đời sống sau trong mê mờ mộng tưởng.

Đó là nhận thức về vô thường và cái chết. Nhận thức như vậy không phải để buông xuôi, thụ động, hoặc vội vàng thụ hưởng để rồi gieo rắc nhân khổ cho mình và cho người, mà chính là để hướng về cái chân thường, bất diệt, bất sinh. Cái gì có sinh tất có diệt, có tụ tất có tán. Không làm gì có một cái sinh ra mà còn mãi. Cũng không làm gì có một cái mất đi mà vĩnh viễn tiêu tán. Nếu sinh là vô thường thì diệt cũng vô thường. Nếu vui là vô thường thì khổ cũng vô thường. Niềm vui thông thường của chúng ta mà thường hằng thì khi vui sẽ vui mãi; cũng vậy, nỗi khổ mà thường hằng thì khi khổ sẽ khổ suốt không bao giờ dứt. Nhờ vô thường mà có vui có khổ, có sự hết vui và hết khổ. Do đó, cũng nên cảm ơn vô thường, xem vô thường như người bạn thiết trong cuộc đời cũng như trong nẻo đạo.

Nhưng cũng đừng dể duôi khi gần gũi với người bạn thiết này, vì y có thể mang lại niềm vui đồng thời cũng làm cho ta khổ đau không ít nếu việc sinh-tử không được thấu đạt.

Nhà thiền thường nói "sinh tử đại sự" – sinh tử là việc lớn. Không phải là xem trọng cái ngày mình sinh ra hoặc là mừng ngày kỷ niệm tròn tuổi sinh ra, dù là một tuổi, ba mươi tuổi, năm mươi tuổi hay trăm tuổi, với tiệc mừng linh đình, hỉ hả. Cũng không phải lấy làm hệ trọng cái việc tử biệt, bày biện hình thức lễ nghi, chôn cất, xây mồ xây mả uy nghi bề thế. Sinh tử sở dĩ là việc lớn đối với người thế tục là vì nó chi phối hầu hết cuộc sống, bao gồm niềm vui nỗi khổ, thắng trầm, thành bại… từ lúc sinh ra cho đến khi chết; còn đối với nhà đạo thì nó không nằm ở nơi việc sinh hay tử mà chính là "thoát ly sinh tử." Đại sự của hành giả tu tập là vượt lên sống-chết chứ không gì khác. Cho nên, nói "sinh tử đại sự" là vì từ nơi sống-chết có thể liễu ngộ được tính chất không thực, huyễn hóa của mọi sự mọi vật; nói cách khác, từ nơi tính không mà vượt lên sống-chết, bởi vì bản chất của sống-chết vốn là không.

Đức Phật nói mạng sống nằm trong hơi thở. Nói vậy cho dễ hình dung. Còn nói một cách triết lý là sát-na sinh diệt—vạn hữu sinh diệt trong từng sát-na. Người đời đối với việc sống thì ham, đối với việc chết thì sợ; do đó mà bày tỏ cảm giác mừng-lo với sinh-tử. Nhà đạo nhìn thấy sinh-tử trong từng hơi thở, có gì để mừng vui hay lo lắng!

Cho nên, thật là cảm động là trong xã hội hiện đại, có một bậc thầy, khi sống thì mấy chục năm đạm bạc nơi tịnh thất, chỉ chăm lo việc đào tạo tăng tài và phiên dịch kinh điển; trước khi mất thì di chúc là không cần xây tháp mà dùng tiền xây tháp để tài trợ cho việc trước tác dịch thuật và ấn hành kinh sách. Sinh và tử như thế là sự ra-vào tự tại của một lữ khách trong tam giới.

Nguồn: vinhhao.info
Previous Post
Next Post