“Này Ananda, rất đông các vị Thiên thần ở mười phương thế giới, tụ hội để chiêm ngưỡng Như Lai. Này Ananda, cho đến 12 do tuần chung quanh. Kusinàrà Upavattana, rừng Sàlà thuộc giòng họ Mallà, không có một chỗ nào nhỏ cho đến đầu một sợi tóc có thể chích được mà không đầy những Thiên Thần có uy lực tụ họp. Này Ananda, các vị Thiên Thần đang than phiền: “Chúng ta từ rất xa đến chiêm ngưỡng Như Lai, bậc A La Hán Chánh đẳng giác xuất hiện ở đời, và tối hôm nay trong canh cuối cùng, Như Lai sẽ nhập diệt. Và nay Tỳ kheo có oai lực này lại đứng ngay trước Thế Tôn, khiến chúng ta không thể chiêm ngưỡng Như Lai trong giờ phút cuối cùng”. Này Ananda, các chư Thiên đang than phiền như vậy”.
(Kinh Trường Bộ tập 1 trang 642,
kinh Đại Bát Niết Bàn)
CHÚ GIẢI:
Đọc đoạn kinh này lời văn và phong cách viết văn giống như trong kinh sách Đại Thừa. Đây là một đoạn do các học giả sau này viết ra rồi đưa vào kinh Đại Bát Niết Bàn. Cho nên, hiện giờ kinh sách sai rất nhiều, vì trải qua nhiều lần kết tập kinh sách mỗi lần kết tập đều có thêm hay bớt ra từ kiến giải và tưởng giải của các học giả xen vào rồi mạo danh Phật thuyết.
Cái sai thứ nhất ở đoạn kinh này là mắt chư thiên mà giống như mắt phàm phu bị ngăn che bởi không gian và thời gian. Mắt chư Thiên không còn bị không gian ngăn cách và trải dài. Thế mà ở đây đức Phật phải đuổi thị giả cũ của mình là đại đức Upanãra để cho chư Thiên chiêm ngưỡng Phật: “Lúc bấy giờ, Tôn giả Upanara đứng trước mặt Thế Tôn và quạt hầu. Thế Tôn liền quở trách Tôn giả Upnavara: “Này Tỳ kheo, hãy đứng một bên chớ có đứng trước mặt Ta”.
Hành động đuổi Tỳ kheo Upanãva là đức Phật còn thiên vị chư Thiên mà xem rẻ đệ tử của mình. Trong khi đức Phật sắp nhập Niết Bàn, một vĩ nhân của nhân loại thì loài người là những người ưu tiên được chiêm ngưỡng gần Phật nhất, cớ sao Phật lại đuổi con người? Chính đạo Phật ra đời vì con người, chứ không phải vì chư Thiên. Cho nên, bốn chân lý của Phật giáo là bốn chân lý của loài người, điều này không thể ai chối cãi được. Đó là cái sai của Đại Thừa khéo tưởng tượng chư Thiên mà con mắt như phàm phu tục tử, bị ngăn cách và trải dài bởi không gian và thời gian.
Kính thưa các bạn! Các bạn nên lưu ý những lời của các Tổ khi thêm vào trong kinh sách Nguyên Thủy của Phật do tưởng giải của các Tổ, nên hiện giờ rõ nét thiếu chiều sâu đầy ảo tưởng, không thành thật, không cụ thể, rõ ràng. Thường là những lời dạy mơ hồ, trừu tượng không đúng như thật. Đây các bạn đọc đoạn kinh tưởng này của Đại Thừa đang xen lẫn trang kinh Nguyên Thủy “Này Ananda, các cây Sa la long thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa này rơi lên gieo khắp và tung rải trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandãvara từ trên hư không rơi xuống rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên la trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai”.
Các bạn lưu ý đoạn kinh này, đây là một đoạn kinh tưởng của Đại Thừa thêm vào, đây là sự tưởng tượng cúng dường. Trong kinh Pháp Môn Căn Bản, đức Phật đã xác định không có cõi Trời, cõi Trời chỉ là cõi tưởng chứ không có thật. Vậy mà ở đây lại có hoa Trời, nhạc Trời cúng dường thì trái với kinh sách quá lớn. Vậy sự cúng dường này có đúng không?
Trong giới luật Phật cấm ca, hát, nhạc, kịch. Vậy mà ở đây lại có nhạc Trời cúng dường. Trong khi đức Phật khuyên đệ tử của Ngài luôn tinh tấn nghiêm trì giới luật, ngày đêm tinh cần tu tập để kết thành năm thứ hương dâng lên cúng dường Phật là: HƯƠNG GIỚI, HƯƠNG ĐỊNH, HƯƠNG HUỆ, HƯƠNG TRI KIẾN GIẢI THOÁT VÀ GIẢI THOÁT TRI KIẾN HƯƠNG. Vậy mà ở đây lại cúng dường Như Lai bằng hương hoa Sa la song thọ, hương hoa Mandãvara và nhạc Trời tiếng ca hát của Thiên nữ cúng dường Như Lai. Đoạn kinh này có đúng không các bạn?
Các nhà Đại Thừa khéo tưởng tượng làm sai lệch giới luật đức hạnh của một bậc vĩ nhân nhân loại, nhất là một con người đã từng sống Phạm hạnh đi ngược lại với đời sống phàm phu của con người, thế mà khi chết lại ma chay giống như người thế tục thì còn nghĩa lý gì là đạo giải thoát, đạo trí tuệ, đạo đức hạnh, đạo thiểu dục tri túc.
Đến đây chúng tôi xin các bạn suy xét để phá dẹp đi những tư tưởng kiến chấp sai lầm mà từ xưa đến nay trên 2000 năm đã bị một sự truyền thừa mê tín sai lệch của Đại Thừa đã ăn sâu vào cốt tủy của con người. Vì thế không thể trong một ngày, hai ngày, một năm, hai năm mà gọt rửa sạch những tư tưởng sai lầm này được. Các bạn nên ghi nhớ những lời dạy này.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Trích Những lời gốc Phật dạy, tập 4
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây