Bàn về… người khuất mặt

Người khuất mặt là lời dùng chỉ kẻ không còn sống trên đời nhưng theo thói quen thì người ta coi đây là cách gọi chung chỉ thần thánh, ma quỉ. Chữ Hán gọi gọn là quỉ thần. Quan niệm dân gian coi quỉ là người khuất mặt ưa quậy phá, thần là người khuất mặt ưa tỏ uy quyền. Nhân loại phương Ðông lẫn phương Tây đều có chung quan niệm "linh hồn bất diệt" nên cùng công nhận người khuất mặt tồn tại lâu dài trong đời sống tự nhiên. Về vấn đề này, có người hỏi Khổng Tử (551 - 479 trước Công Nguyên): "Người chết là quỉ, có phải vậy không?" (Nhân tử viết quỉ, hữu chư?) Khổng Tử đáp: "Chưa biết hết chuyện sống, làm sao biết được chuyện chết?" (Vị tri sinh, yên tri tử?)

Vậy Khổng Tử không thừa nhận là có quỉ thần, cũng không phủ nhận là không có, mà chỉ thú nhận là không biết.

Tuy nhiên, thâm tâm Khổng Tử lại ngầm thừa nhận là có quỉ thần, không phải vì nhận thức của ông "quay ngoắt 180 độ" mà là nhầm ý đồ hướng thiện tích cực, trong sáng. Khổng Tử cho rằng: "quỉ thần hoạt động mạnh mẽ, nhìn không thấy họ, nghe không được họ, họ thể hiện trên mọi vật nhưng ta không thể nghĩ ra (...) Họ đông đảo chen chúc như ở phía trên ta, như ở phía tả, phía hữu ta..." (quỉ thần chi vi đức, kỳ thịnh hĩ hồ! Thị chi nhi phất kiến, thính chi nhi phất văn, thể vật nhi bất khả tư (...) Dương dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu...).

Với những lời trên, Khổng Tử cảnh báo người đời rằng quỉ thần có lực lượng rất đông, rất mạnh, họ quản lý ta chặt chẽ từ mọi phía nhưng ta thì lại không thấy, không nghe, không hiểu được họ. Họ "xử lý" ta dễ dàng nếu họ muốn, còn ta thì... vô phương tự vệ!

Có không ít người cũng nghĩ về quỉ thần như thế và họ chỉ biết phản ứng theo bản năng chứ không hề cân nhắc, suy luận. Gặp bất cứ kẻ nào bạo mồm khoe là có tài "đuổi quỉ gọi thần" là họ răm rắp nghe theo, thậm chí còn sẵn sàng quảng cáo không công cho kẻ ấy nữa. Ðể cảnh tỉnh những người nhẹ dạ, thích được lừa bịp ấy, Khổng Tử dành cho họ một lời khuyên khôn ngoan: "Hãy tôn kính quỉ thần nhưng né xa họ" (Kính quỉ thân nhi viễn chi) Thành ngữ "Kính nhi viễn chi" từ lời khuyên ấy, ngày nay vẫn còn được người đời dùng rộng rãi thêm ra trong nhiều trường hợp khác của cuộc sống đời thường nữa.

Nhà văn Trung Quốc Bồ Tùng Linh (1640 - 1715) cũng thừa nhận sự tồn tại của quỉ thần trong hai mẩu chuyện. Chuyện thứ nhất, một "quỉ cái" trả lời câu hỏi tò mò của một thầy đồ: "Chuyện kể về quỉ của người đời, có đến chín phần là bịa". Chuyện thứ hai, quỉ trả lời câu hỏi của một người học trò: "Quỉ hoàn toàn chẳng khác gì người, quen sống xen lẫn với người, người đông thì quỉ xen ít, người thưa thì quỉ xen đông. Quỉ vô hình lại quen sống về đêm nên tránh người dễ dàng... (Từ lời giải đáp này suy ra thì việc "trục quỷ" của thầy pháp thực chất chỉ là trò... đánh gió, và việc "ếm quỉ" chỉ là nhốt suông... không khí mà thôi, chứ "quỉ" không bị hề hấn gì!)

Nhìn chung, hình như số người thích gần gũi quỉ thần chiếm tỉ số áp đảo so với số người "kính nhi viễn chi" bởi lẽ ai cũng có nhiều điều cầu mong và lắm cái cần bảo vệ nhưng tự xét bản thân không đủ khả năng, phải "thuê mướn" thần thánh... phù hộ độ trì (!) phải nhờ cậy thầy bùa (Phù) bán cho mình loại "hàng giả giá cao" để chữa lành bách bệnh, loại hàng ấy là... nước thánh (Thủy).

Khổng Tử cũng dành một lời khuyên cho những kẻ tư duy theo hướng thực dụng kiểu ấy: "Ðã có tội với trời thì không có chỗ nào để cầu đảo được" (Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã). Tôi nghĩ rằng Khổng Tử phát biểu có lẽ hơi vội, chưa đủ thì giờ tìm hiểu các loại "cò" chạy án, chạy ghế nhan nhản trong xã hội tốt đẹp của nhân loại ngày nay!

Con người ngày nay đối xử với "người khuất mặt" bằng thái độ phủ nhận quỉ thần tồn tại, lại vừa "tâm linh nửa vời" bằng tập quán "xưa bày nay bắt chước" hoặc "tâm linh triệt để" bằng việc bắt quỉ thần lẫn tổ tiên xài đồ hàng mã, toàn những thứ lố lăng phi lý, lạc "mốt" từ lâu nhưng thiên hạ vẫn ham chuộng. Họ sẵn sàng "xóa đói giảm nghèo" cho người khuất mặt bằng vô số vàng lá, đô la (!)

Những kẻ có hành vi trái lương tâm, đạo đức, pháp luật, tuy họ thừa biết mình "vô sở đảo dã" nhưng lại vẫn đòi hỏi "người khuất mặt" giúp mình tai qua nạn khỏi khi thấy chốn dương gian đã... hết cửa để chạy. Họ không muốn biết rằng thế giới bên kia không hề có loại dịch vụ đó như thế giới bên nầy.

Một viên quan đời Tống đã tự răn mình và răn đời bằng đôi câu đối dán tại cổng đường:

- Nhất văn bất nghĩa tiền, âm hữu quỉ thần, dương hữu pháp.
- Bán cú phi tâm sự, viễn tại nhi tôn, cận tại thân.

(Dịch ý: - Một chữ * tiền bất nghĩa cũng bị quỉ thần biết đến, pháp luật trừng phạt - Nửa câu nói vô tâm * không khỏi con cháu gánh chịu, bản thân phiền hà)

* Chữ: 1/4 đồng tiền (đồng tiền có 4 chữ)
* Nói vô tâm: nói trái với lương tâm.

Vậy thái độ cần có của người chân chính là cứ việc "kính nhi viễn chi", cứ việc thừa nhận quỉ thần lúc nào cũng "dương dương hề như tại" nhưng đừng nên suy nghĩ quá dung tục theo ý mình là cứ dùng lễ vật cho thật nhiều hậu hĩ là có thể tha hồ mua chuộc, nhờ cậy được quỉ thần. Ðiều tốt nhất là cứ sống thật chân tình, ăn ở cho hết lòng với mọi người để đủ cơ sở tự tin rằng "Cây ngay không sợ chết đứng".

Giáo Sư Ngô Văn Lại  
Previous Post
Next Post