Có lẽ hai từ dễ làm cho chúng ta nhầm lẫn và bối rối nhất khi sử dụng trong cuộc sống hằng ngày là “Mục Đích” và “Mục Tiêu”. Nhiều người sử dụng mà cuối cùng không thể phân định được sự khác biệt giữa hai từ này để có thể đạt tới điều mình muốn diễn đạt cách hiệu quả, và từ chỗ diễn đạt lẫn lộn giữa ngôn từ sử dụng chúng ta cảm thấy rất mơ hồ khi muốn đánh giá chính xác hiệu quả công việc hay hiệu năng của đời mình. Xuyên qua thời gian, chúng ta thấy nhiều cuốn sách và buổi hội thảo đó đây lấy nhan đề “Xây dựng mục tiêu cho cuộc sống”, “Xây dựng mục tiêu cho công việc”, “Đi tìm mục tiêu cho cuộc đời” nhưng họ lại ngại phải phân định sự khác biệt giữa hai từ như đã đề cập ở trên nhằm giúp người đang khao khát cải thiện chất lượng cuộc sống và hiệu năng công việc có một định hướng thật sự rõ ràng để biết điều gì mình đã đạt được và điều gì chưa cách cụ thể.
Theo đó, nếu dùng từ điển Oxford và Longman để tìm hiểu định nghĩa về hai từ này: Purpose, Aim và Target thì chúng ta sẽ thấy sự khác biệt cách rõ ràng. Mục đích được định nghĩa là điều bạn hy vọng đạt tới bằng việc thực hiện một việc nào đó, còn mục tiêu là điều cụ thể mà bạn cố gắng để đạt tới. Nói một cách khác, mục đích sẽ luôn luôn là điều trừu tượng và gần như không thể đo lường và bao quát hơn so với mục tiêu là cái gì đó cụ thể và hoàn toàn có thể đo lường được. Ví dụ như mục đích bạn mua căn nhà này là để làm giàu bằng món chênh lệnh giữa số tiền bỏ ra và số tiền thu về, còn lời bao nhiêu thì tuỳ theo mục tiêu cụ thể bạn muốn vào một thời điểm cụ thể nào đó. Như thế việc ta mua căn nhà với mục đích kiếm lời là việc rộng và chưa đo lường được cho tới khi ta muốn đạt bao nhiêu và đạt được hay không thì lúc đó mới biết là ta có đạt được mục tiêu đề ra không. Trong tình huống được lời thì cả mục đích lẫn mục tiêu đều đạt, còn trong trường hợp hoà vốn hay lỗ thì mục đích đã đạt còn mục tiêu thì chưa.
Nếu xét về mặt tầm nhìn thì chúng ta cần phải xác định mục đích trước khi xác định cái đo lường được là mục tiêu kể cả trong công việc và trong cuộc sống. Hay nói một cách khác mục đích đại diện cho cái chúng ta “Là”, còn mục tiêu đại diện cho cái chúng ta “Có” nơi cuộc đời mình. Từ đó chúng ta hiểu rằng nếu mình tham gia một buổi hội thảo hay đọc một cuốn sách nào đó về chủ đề xây dựng mục tiêu cho cuộc đời thì chúng ta cần cân nhắc kẻo mục tiêu thì đạt đấy mà mục đích lại xôi hỏng bỏng không. Ví dụ nếu ta xác địch mục tiêu đời mình phải có xe hơi siêu sang trong vòng 20 năm tới, trở thành một doanh nhân thành đạt với số vốn lên đến hàng tỷ đồng trong vòng 15 năm tới, có một gia đình đầm ấm, có một căn nhà được trang hoàng đầy đủ tiện nghi… thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được bằng sự cố gắng nỗ lực của mình, song điều đáng nói là khi ta đạt tới cái đỉnh cao mục tiêu cho đời mình rồi thì còn gì nữa cao hơn không? Hay lúc đó chúng ta chuyển sang một thái độ kiêu căng cả về mặt vật chất lẫn địa vị để rồi coi nhẹ phẩm giá con người và thậm chí coi nhẹ cả đời sống tinh thần vì lúc ấy ta tự cho mình cái quyền đánh giá người khác trên tiêu chuẩn mục tiêu mình đạt được rồi lại lo lắng sợ hãi khi thấy người khác đạt được mục tiêu cao và bề thế hơn mình.
Nhìn vào cuộc sống ta thấy có quá nhiều người đang ở vị trí rất cao trong xã hội, có thật nhiều tiền của, đi được nhiều nơi trên thế giới, hay tắt một lời là không còn gì phải lăn tăn về những mối bận tâm ở câu chuyện cơm áo gạo tiền và tổ chức mà họ thuộc về nữa. Nghĩa là cấp thấp nhất, cấp thứ hai, và một phần nhỏ của cấp độ thứ ba trong tháp 5 cấp nhu cầu của Abraham Maslow mà ai cũng biết, còn các cấp khác phải coi lại bởi họ vẫn cảm thấy bị cô đơn dù sống trong một căn nhà to đùng có vợ và có con đó mà không ai hiểu, yêu, và quí mến họ cả, họ cảm thấy lạc lõng bởi chẳng ai thật tâm công nhận họ là người có tài đức theo đúng nghĩa bởi họ biết rõ mọi thái độ qui luỵ, dạ dạ vâng vâng, tâng tâng bốc bốc chỉ là lời qua quít trên môi kẻ nói nhằm trục lợi cái mà họ đang sở hữu, họ không dám tham gia các buổi toạ đàm nói về văn hoá nghệ thuật bởi họ biết rằng vào đó họ sẽ chẳng biết nói gì nếu được mời và hỏi ý kiến, họ cũng ngại phải đối diện với các câu hỏi sâu hơn về mục đích sống bởi họ cũng chẳng biết họ đang đi đâu và rồi sẽ về đâu, họ cũng sẽ né tránh các câu hỏi thuần tuý về tinh thần như thế nào gọi là hồi tâm, phản tỉnh, thế nào là bình an thật, niềm vui thật, hạnh phúc thật, thịnh vượng thật,… Tắt một lời là họ đã đạt tới mục tiêu của mình và với vẻ bề ngoài đó thì có vẻ như rất rất tốt, song bên trong và cao cả hơn thì gần như rỗng tuếch nếu không muốn nói là họ đang lạc hướng.
Nếu họ biết trăn trở đi tìm mục đích của đời mình thì hẳn sẽ khác đi rất nhiều. Khi ấy, cuộc sống sẽ có thể đảo chiều theo hướng ngược lại như câu chuyện của Đức Phật Thích Ca – một vị thái tử sống trong nhung lụa gấm là, sống trong cảnh người hầu kẻ hạ, sống trong niềm vui vì có vợ đẹp và con ngoan… ấy thế mà Ngài đã bỏ tất cả mọi thứ để đi tìm cho mình cái mà Ngài nhận thấy mình không hề có trong hiện tại giàu sang phú quí của mình. Ngài băng rừng vượt suối, Ngài ăn uống khắc khổ, Ngài rảo bước đó đây trong các ngõ ngách của xã hội, Ngài tiếp xúc với các phận người…rồi cuối cùng vẫn phải trở về trong nỗi buồn là cái mà Ngài đang kiếm vẫn chưa gặp được. Và sau cùng, chỉ ở dưới gốc Bồ Đề ngày này qua tháng nọ trong chay tịnh, trong tĩnh lặng và thiền định Ngài mới đạt tới điều mà Ngài gọi là Chân Như, và rồi từ đó Ngài thực hiện sứ mạng đời mình là giúp người khác đạt tới Chân Như giống như Ngài đã vất vả tìm kiếm trong suốt hành trình sống của mình với một thái độ hết sức từ bi và khiêm tốn “Tôi không là Chân Như” để tránh cho người khác sùng bái Ngài.
Ở nơi cuộc sống này, bạn sẽ chẳng bao giờ yên lòng và hưởng trọn niềm vui và hạnh phúc thật nếu mục đích đời bạn không rõ ràng và nêu không muốn nói là né tránh để trả lời câu hỏi đó. Tin hay không tin, muốn hay không muốn, thao thức hay không, trăn trở hay không, quan tâm hay không thì bạn vẫn phải đối diện với lời mời gọi cao cả từ Tạo Hoá “Hãy tìm cho mình đúng vị trí của mình trong bức tranh cuộc đời để khi mảnh ghép của bạn khớp với các mảnh ghép khác thì bức tranh sẽ trở nên thành toàn”. Mà muốn tìm kiếm mục đích đời mình cách xác thực thì đòi hỏi bạn phải biết ngồi dưới gốc Bồ Đề, biết tĩnh lặng, biết can đảm, biết mở lòng mình, biết coi nhẹ các giá trị ảo do cái mà chúng ta gọi là mục tiêu mang lại, và trên hết mọi sự là biết nhìn xa trông rộng cho cả tâm hồn bạn lẫn tâm hồn người khác. Nói thế không có nghĩa là bạn không đi làm, không cần có địa vị, không cần có tiền, không được vui hưởng những chuyến tham quan thú vị, không được thưởng thức một món ăn ngon hay không được hưởng những cái đời thường mang lại vốn là phương tiện để ta đi đến mục đích, song cần phải khôn ngoan để không tự lừa phỉnh chính mình bằng cách thay vì để những phương tiện kia phục vụ cho mục đích sống thì ta lại biến chúng thành mục đích đời mình, hay nói tắt một lời là “Dùng phương tiện để biện minh cho mục đích” thì sẽ rất nguy hiểm.
Và sau cùng để nói theo cách chiết tự thì mỗi người chúng ta đừng để đời mình tiêu vong vì những mục đích vốn chỉ là phương tiện, nhưng hãy để đời mình vĩnh viễn không bị mục nát và tiêu vong vì ta đã thật sự tìm thấy đích điểm cho đời mình và đạt tới nó bằng những cái vốn chỉ là phương tiện và không coi đó là tiêu chuẩn đo lường sự thành bại trong đời mình và đời người khác. Và trên hết tất cả, chỉ mình bạn mới có thể trả lời xác thực mục đích đời mình và không có bất cứ công thức nào để giúp hay đo lường mục đích đời bạn. Nếu có chăng thì hãy hỏi trái tim và hãy làm điều trái tim thao thức để có thể cống hiến nhiều nhất cho cộng đồng và thế giới mà mình đang là một thành phần bất khả phân ly.
Nguồn: magicwave.com.vn