Bắt đầu ngày 14 tháng 9 năm Quý Dậu (1993), Thầy sẽ tiếp tục nhập định 48 tiếng đồng hồ. Do nhân duyên này, Thầy có lời xin nhắc nhở cùng quý thầy: Được Thân Người Là Khó.
Trong cuộc đời tu hành, quý thầy sẽ gặp một hạng người tiêu cực, họ cho rằng chúng ta là những người có đủ phước duyên với đạo Phật. Nhưng trong chúng ta cũng có kẻ hạ căn, người trung căn và cũng có kẻ thượng căn. Kẻ hạ căn và trung căn thì không tu một đời mà trở thành Phật được, phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp.
Trong cuộc đời tu hành, quý thầy sẽ gặp một hạng người tiêu cực, họ cho rằng chúng ta là những người có đủ phước duyên với đạo Phật. Nhưng trong chúng ta cũng có kẻ hạ căn, người trung căn và cũng có kẻ thượng căn. Kẻ hạ căn và trung căn thì không tu một đời mà trở thành Phật được, phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp.
Lời nói này có đúng hay không? Thầy sẽ phân tách và dạy cho quý thầy thấy rõ lối lý luận này không đúng.
Lối lý luận này là lý luận của kẻ lười biếng; của kẻ tham lợi dưỡng; của kẻ ham dục; của kẻ muốn bắt cá hai tay; của kẻ mất hết ý chí tu hành, muốn học Phật mà không muốn lìa thế gian; muốn giải thoát sanh tử luân hồi đau khổ phiền não mà không muốn bỏ ái dục, dục lạc thế gian.
Những kẻ lý luận này là ma vương trong đạo Phật. Lối lý luận này khiến cho chúng ta mất hết ý chí tu hành, chỉ còn biết tu cầm chừng cho qua ngày tháng, để mà hưởng dục lạc thế gian.
Này quý thầy! Trên đường tu hành, chúng ta sẽ đương đầu với nghiệp báo và tâm tham dục của chính chúng ta. Khi chúng ta tu hành, thường chiến đấu với tâm ham muốn của chính mình là để giữ gìn giới luật; là để bảo vệ tâm mình xa lánh ngũ dục lạc thế gian, thì tâm này sẽ có nhiều phản ứng và làm cho chúng ta nhiều khổ sở, gian nan vất vả. Trong lúc chúng ta tu hành, nhiều khi cảm thấy mình không còn đủ sức để chiến đấu với chúng. Chúng khởi lên những loạn tưởng, cộng với cơ thể đang mệt nhọc, uể oải, rã rời, lười biếng. Do đó chúng ta không còn vững chí, mất hết lập trường tu hành, rồi sinh tâm hoang mang dao động.
Lúc bấy giờ, bỗng nhớ lời nói này – tu hành có kẻ hạ, trung, thượng căn – như lối lý luận trên đã dạy, nên dựa vào đó, cho mình là hạ căn; từ đó lại sinh ra lười biếng, hết muốn tu thiền định giải thoát, chỉ còn biết tu thiện, làm các pháp thiện. Rồi cũng từ đó, chúng ta bắt đầu thay đổi lối tu, giới luật từ đó thường vi phạm, oai nghi tế hạnh từ đó cũng không còn nữa: luôn luôn tiếp duyên với ngoại cảnh; ăn nói xô bồ đụng đâu nói đó; cười cợt không đúng cách; đi đứng không khoan thai đằm thắm; lúc nào cũng ăn uống phi thời.
Tuy là thường làm việc từ thiện xã hội, bố thí, cúng dường hoặc làm thầy thuốc trị bệnh, hoặc làm thầy tụng niệm cầu siêu cầu an, hoặc làm thầy thuyết pháp giảng kinh. Họ cho đó là những hành động Bồ Tát hạnh, là Như Lai sứ giả vì Phật pháp, vì lợi ích chúng sanh. Tu hành kiểu này họ cảm thấy rất là thoải mái dễ chịu. Trong số quý thầy này, cũng có một số người cư sĩ cùng nguyện tu Bồ Tát hạnh. Họ cũng bố thí cúng dường, làm lành lánh dữ, công quả trong các chùa để mong tạo phước báo về sau.
Này quý thầy và quý cư sĩ! Khi quý thầy không vượt qua tâm ái dục, tâm ham thích dục lạc thế gian, thì dù cho quý thầy có công quả ngàn đời, bố thí cúng dường trăm kiếp cũng chẳng bao giờ thoát ra khỏi tâm ái dục và tâm dục lạc được. Do đó, đời đời kiếp kiếp của quý thầy phải chịu cực khổ trôi lăn trong biển khổ sanh tử luân hồi. Bởi câu nói “thượng, trung, hạ căn” là câu nói vô trách nhiệm, thiếu ý thức; câu nói có nhiều tai hại cho những người tu hành về sau.
Này quý thầy! Việc tu hành không phải là một việc dễ làm. Khi bắt đầu tu hành chân chính, quý thầy sẽ thấy được sự khó khăn vô vàn. Từ việc sửa đổi tâm tánh hung ác của chúng ta để trở thành hiền dịu; từ việc sửa đổi tâm ham muốn dục lạc để trở thành tâm không ham muốn dục lạc, nghĩa là quý thầy phải làm ngược lại cuộc sống của thế gian. Từ đó thân dục, tâm dục của quý thầy sẽ phản ứng, tìm mọi cách cản lối ngăn đường, làm cho quý thầy khó khăn tiến tới giải thoát.
Người ta chỉ nghe nói “hạ, trung, thượng căn”, chứ có mấy ai biết rằng hạ, trung, thượng căn là ở mức độ nào; chỉ biết nói một cách khơi khơi để gây sự thối tâm của kẻ tu hành chưa lập chí vững vàng. Riêng ở đây, Thầy khuyên quý vị phải hiểu lời nói này là của những người lười biếng; của quỉ dục vọng; của ma dục lạc. Khi nói ra lời này, họ sợ không ai tuân theo, nên gán cho Phật nói, chứ đâu biết rằng Phật đã dạy: “Được thân người là khó, được nghe pháp chân chánh còn khó hơn”.
Lời dạy này rất đúng. Vậy được thân người khó như thế nào? và được pháp chân chánh khó như thế nào? Để trả lời hai câu hỏi này, đức Phật có đem một ví dụ con rùa mù và cái bọng cây giữa biển.
Này quý thầy, quý thầy có bao giờ đến bờ biển chưa? Có bao giờ đi biển chưa? Nói đến biển, là nói đến trời nước mênh mông, trên biển có một con rùa mù đang bơi lội tìm cái bọng cây, đó là một việc khó.
Chúng ta được thân cũng khó như vậy. Lời nói này chắc ít ai tin, nhưng đó là một sự thật. Biển nước mênh mông, có một cái bọng cây nhỏ trôi dạt, và một con rùa mù không thấy đường thì thử hỏi làm sao thấy được bọng cây? Đó là một việc khó.
Trong mênh mông biển cả, bọng cây và rùa khó mà có đủ duyên tình cờ gặp nhau, đó là một việc khó.
Có duyên, có đủ hữu tình của luật nhân quả để rùa gặp được bọng cây, đó là một việc khó.
Này quý thầy! Này quý thầy! Quý thầy chưa rõ được luật nhân quả, nên cứ tưởng rằng mất thân này sẽ có thân khác liền. Điều này không đúng. Dựa vào luật nhân quả mà xét, chúng ta quả quyết xác nhận: Được Thân Người Là Khó, khó vô cùng vô tận; nếu không đủ duyên, chúng ta khó có thể được gặp thân người. Nếu chúng ta nỡ để mất thân này, thì chắc chắn chúng ta khó mà có thân người được nữa.
Tại sao vậy?
Luật nhân quả đã chi phối tất cả chúng sanh trong vũ trụ. Chúng ta biết chắc trong cuộc đời này không có một sự việc nào xảy ra tình cờ ngẫu nhiên cả, mà phải nói rằng có một định luật tuy vô hình, nhưng rất hẳn hòi và rất công minh, không hề sơ sót một ly hào nào đối với tất cả chúng sanh. Chính trong mọi hành động của chúng ta, của tất cả chúng sanh, hành động đó gọi là luật nhân quả.
Đối với luật nhân quả không một ai trốn thoát khỏi, do đó chúng sanh khó mà được thân người. Cho nên hiện giờ, chúng ta đã được thân người, phải xem thân này là một vật vô giá. Nếu chúng ta biết sử dụng đúng chánh pháp thì có lợi ích rất lớn, lớn vô cùng; còn ngược lại, nếu cứ dụng thân như một món đồ tầm thường; ví như viên ngọc quý, người biết thì đó là vật quý báu, người không biết thì đó là miếng vỏ ốc tầm thường.
Trong thế gian này có biết bao nhiêu người quý trọng thân không đúng cách, đem thân làm một vật mua cầu dục lạc, khiến cho thân tâm ta khô héo và chết dần mòn trong vô nghĩa.
Này quý thầy! Khi mất thân này chúng ta đừng tưởng rằng sẽ có thân mới khác. Bao nhiêu sự sát sanh của quý thầy vì chạy theo tâm ăn ngủ, theo sắc dục trong cuộc sống hiện tại, quý thầy đã cố ý hay vô tình đoản mạng chúng sanh. Nợ máu phải đền trả máu, quý thầy phải hiểu: do nhân này mà mãi mãi quý thầy sinh ra làm chúng sanh trong vô lượng kiếp, để đền bù những giọt máu mà quý thầy đã từng gieo.
Này quý thầy, quý thầy xét kỹ trong cuộc sống của quý thầy, chắc chắn quý thầy chết đi sẽ không có thể sinh làm người được nữa. Nếu đã sinh làm chúng sanh, thì quý thầy sẽ không có trí tuệ và sự vô minh sẽ nhiều hơn nữa. Hàng ngày quý thầy thường thấy chúng sanh giết hại lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau không chút thương tâm. Chúng sanh thường giết nhau để ăn thịt và để mình được sống; chúng chỉ biết thế thôi.
Trong kiếp chúng sanh, bấy giờ ai là người biết nhẫn nhục, bố thí, cúng dường, tu hành làm lành lánh dữ mới được thân người có trí tuệ, biết phải trái, thiện ác, biết nhân quả nghiệp báo tái sanh và luân hồi; lại hữu duyên có chư Phật ra đời thể hiện dạy chúng ta tu hành làm lành lánh dữ, nhẫn nhục, và còn dạy chúng ta tu hành thiền định để giải thoát?
Nếu con người có được thân người mà không đủ duyên gặp chư Phật, chư hiền Thánh ra đời chỉ dạy Phật pháp, thì chẳng khác nào một con vật, và còn có thể gian ác xảo trá hơn con vật nhiều. Con người khéo che đậy, con vật thì lộ liễu; cả hai vật và người chẳng khác nhau, chỉ khác ở chỗ người thông minh khéo che đậy, vật ngu đần để lộ liễu. Khi đã làm thân loài vật, thì sự giết hại lẫn nhau càng nhiều, đó là tạo nhân ác thì làm sao được thân làm người.
Này quý thầy, đó là việc khó được thân người. Từ kiếp chúng sanh này đến kiếp chúng sanh khác, khó có sự ngẫu nhiên mà chuyển kiếp được thân người; phải nói không bao giờ làm thân người trở lại được. Bởi bản năng hung ác của loài vật, càng huân tập càng hung ác hơn nhiều, do đó khó làm được thân người.
Có người hỏi tại sao trên quả đất này con người hàng ngày càng sinh ra đông đảo, thậm chí người ta phải hạn chế sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình. Còn nói như trên đây thì quả đất này sẽ không có con người.
Này quý thầy, ở đây Thầy bảo được thân người là khó, mất đi không thể tìm được, nghĩa là chúng ta mất thân này mãi mãi không tìm được nó nữa. Còn con người hiện giờ được sinh ra, là do nhân thiện của những con vật hiền lành như bò, trâu, hươu, nai, v.v… Từ trong kiếp chúng sanh hiền lành sống bằng ăn cỏ, ăn lá cây, không cắn hại và giết hại lẫn nhau, và nhiều khi vô tình đã xả mình giúp người khác, vật khác, có khi hy sinh mình để cho người khác, vật khác được sống. Những duyên thiện vô tình này đã đưa chúng sanh đó có được thân người.
Cũng như bây giờ quý thầy được nghe Thầy dạy hành những hạnh thiện như bố thí, cúng dường, nhẫn nhục, xả bỏ tâm ác, xa lìa tâm ham muốn dục lạc tội lỗi. Đó là quý thầy có đủ nhân duyên mới được nghe dạy những lời lành này, rồi từ đó, quý thầy cố gắng tránh những việc ác, làm những việc lành. Nhờ gieo những hành động tốt này, mà quý thầy được sinh làm người kế tiếp.
Nếu quý thầy không được nghe lời dạy này, trong cuộc sống hàng ngày quý thầy chạy theo danh lợi, ăn ngủ và dục lạc cho thỏa mãn tâm ham muốn, thì quý thầy tạo thêm nhiều tội ác, thì không tránh khỏi sáu nẻo luân hồi, mãi mãi làm thân chúng sanh. Ở đây, có được mấy người nghe lời dạy này, đó là một cái khó được thân người.
Hôm nay quý thầy đã đủ duyên lành được có thân người. Còn biết bao nhiêu chúng sanh khác từ loài côn trùng cho đến loài thượng cầm hạ thú chưa làm được thân người. Lời nhắc nhở và cảnh giác của đức Phật là để quý thầy xét mình có đủ duyên lành phước báo mới được thân người. Cũng là lời khuyến cáo để quý thầy cố gắng tu hành, đừng phí bỏ thì giờ quý báu của kiếp người.
Này quý thầy, hiện giờ có ai biết được pháp này? Họ chỉ hao phí thì giờ chạy theo dục lạc thế gian, cái thứ dục lạc như bóng nước, như sương buổi sớm, lạc đó rồi khổ đó. Thế mà tất cả con người trên thế gian này đã tiêu phí thì giờ quý báu của một kiếp người cho việc không có ý nghĩa.
Họ chỉ biết si mê sử dụng thân họ cho thỏa mãn dục lạc giả dối vô thường; họ chỉ biết hành hạ thân họ khổ sở tận cùng bằng những thứ dục lạc mộng ảo. Trong khi thân họ là một vật quý giá vô cùng, phải trải qua trăm ngàn muôn kiếp chúng sanh mới có được thân người.
Họ si mê đến tận cùng, chẳng biết dùng thân như chiếc phao, chiếc bè để vượt qua ba cõi và sáu nẻo luân hồi.
Họ không biết dùng thân này như một thần dược để cứu họ thoát khỏi tham, sân, si và thoát khỏi ba đường khổ.
Họ chẳng biết dùng thân này như chiếc chìa khóa vàng để mở cửa giải thoát. Họ chẳng biết dùng thân này như một phương tiện tối độc tôn để đưa họ từ phàm phu trở thành Thánh nhân toàn thiện siêu nhiên.
Bởi được thân là khó, khó vô cùng khó, thế mà họ sử dụng thân họ trở thành như một con thú dữ, một con rắn độc, một con quỷ tinh khôn xảo trá và một con ma ác hiểm ghê hồn. Bằng chứng quý thầy đã chứng kiến những hạng người này; họ từng ở trong Tu viện này, họ dám cả gan đội lốt đệ tử Phật làm chuyện đồi bại bất tịnh, bán Phật, bán Pháp, bán Tăng để mưu cầu danh lợi, dục vọng, sắc dục. Họ xem địa ngục chẳng ra gì. Họ đâu biết rằng nhân quả sẽ trừng trị họ mãi mãi đời đời trong biển khổ sinh tử.
Để kết thúc: Được Thân Người Là Khó, chúng ta nghe Trần Nhân Tôn, một vị thiền sư thành lập phái thiền Trúc Lâm đã nói:
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.
Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch:
Lang thang làm khách phong trần,
Quê nhà ngày một muôn lần dặm xa.
Đến đây, các thầy được nghe nói đến: Được Nghe Pháp Còn Khó Hơn.
ĐƯỢC NGHE PHÁP CÒN KHÓ HƠN
Được Nghe Pháp Còn Khó Hơn, vậy nghe pháp khó hơn ở chỗ nào?
Này quý thầy, quý thầy phải chú ý và lắng nghe cho kỹ để mà hiểu cho rõ. Từ loài côn trùng, cho đến loài thượng cầm hạ thú đều không thể hiểu được Phật pháp, chỉ có loài người mới có đủ ý thức, có trí tuệ hiểu được lời dạy cao siêu màu nhiệm của đức Phật. Những lời dạy này nhằm giúp cho con người chấm dứt sự đau khổ: Sanh, Già, Bệnh, Chết và thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Hiểu được lời dạy này rất khó, nghĩa là phải hiểu cho đúng, hiểu không được lệch lạc.
Này quý thầy, thời nay chúng ta hiểu Phật pháp lệch lạc, phần nhiều nghiên cứu giảng dạy lý thuyết suông để trở thành học giả. Trước bao nhiêu thế kỷ nay, Phật giáo đã có bao nhiêu người tu hành, thế mà chứng quả A La Hán thì chẳng có ai. Bởi vậy, được Pháp còn khó hơn là ở chỗ này. Hiểu đúng thì hành mới đúng; hiểu đúng thì tu mới có giải thoát. Hiểu sai thì hành sai; hành sai thì rơi vào những tà kiến ngoại đạo. Cụ thể quý thầy đã thấy, tu sĩ Phật giáo bây giờ hành sai nên phá giới luật, sống đời như thế gian, mất hết phạm hạnh; oai nghi tế hạnh không đủ, làm mất uy tín của Phật giáo. Vì thế “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Được thân người nhưng không có duyên với Phật pháp, nên khó mà gặp được pháp chân chánh. Bằng chứng cụ thể quý thầy đã thấy hằng biết bao nhiêu kinh sách bày bán, và biết bao nhiêu thời thuyết pháp ở chùa nào đâu đâu cũng có. Vậy mà họ chẳng bao giờ được đọc và được đến chùa nghe thuyết pháp thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Có nhiều người được đọc kinh sách, được nghe thuyết giảng giáo lý của đạo Phật mà duyên không đủ để thực hành, thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Có nhiều người được đọc kinh sách và được nghe thuyết giảng giáo lý của đạo Phật, nhưng lạc vào đạo Phật phát triển theo hình thức triết lý tâm lý học, Phật học, thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Có nhiều người được đọc kinh sách và được nghe thuyết giảng giáo lý của đạo Phật, nhưng lại đi làm thầy cúng ma chay, cầu siêu, cầu an, thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Có nhiều người được đọc kinh sách và được nghe thuyết giảng giáo lý của đạo Phật, nhưng lại thiếu người có kinh nghiệm hướng dẫn, nên đã uổng phí một đời tu hành, thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Có nhiều người được đọc kinh sách và được nghe thuyết giảng giáo lý phát triển, bằng những tưởng giải của nhà học giả nên thực hành chẳng có kết quả, thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Có nhiều người được đọc kinh sách và được nghe thuyết giảng giáo lý của đạo Phật, nhưng lại làm thầy bùa, thầy pháp, thầy coi ngày tốt xấu, thầy trừ tà ếm quỷ, thầy cúng sao cúng hạn, thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Có nhiều người được đọc kinh sách và được nghe thuyết giảng giáo lý chân chánh của đạo Phật, nhưng lại không có người có kinh nghiệm hướng dẫn thực hành, nên trở thành pháp môn của ngoại đạo, thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Có nhiều người được đọc kinh sách và được nghe thuyết giảng giáo lý chân chánh của đạo Phật, nhưng không thực hành, chỉ lý thuyết suông để cầu được cấp bằng cao học Phật học, thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Có nhiều người được đọc kinh sách và được nghe thuyết giảng giáo lý chân chánh của đạo Phật, và được thiện tri thức hướng dẫn, lại sinh tâm lười biếng, thực hành lơ là không tinh tấn, thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Có nhiều người được đọc kinh sách và được nghe thuyết giảng giáo lý chân chánh của đạo Phật, và được sự hướng dẫn của thiện tri thức, nhưng lại thực hành theo ý muốn của mình, thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Có nhiều người được đọc kinh sách và được nghe thuyết giảng giáo lý chân chánh của đạo Phật, lại được thiện tri thức hướng dẫn, đầu tiên thì tinh tấn tu hành, sau lười biếng dần dần rồi bỏ cuộc, thì số người này cũng đông vô số kể, đó là cái khó “Được Pháp Còn Khó Hơn”.
Đức Phật thuật lại câu chuyện “Phật Pháp Khó Nghe”, Thầy xin dẫn ra đây để chúng ta cùng đọc:
“Một hôm, đức Thế Tôn ngụ tại tịnh xá Kỳ Hoàn, có năm ông đến xin Phật giảng pháp; đức Phật hoan hỷ ân cần giảng cho họ nghe. Khi đức Phật thuyết pháp, thì năm người này ngồi nghe pháp một cách lơ đãng. Một ông thì ngủ gục tới gục lui; một ông thì lấy tay gõ hoài trên mặt đất; một ông thì cứ loay hoay mãi một nhánh cây khô; còn một ông thì ngó nhìn lung tung trời, mây, rừng, núi. Chỉ có một ông ngồi nghe pháp chăm chú mà thôi.
Tôn giả A Nan đứng quạt hầu bên Phật, ngạc nhiên về những cử chỉ của năm ông khách xin nghe pháp, nên khi họ vừa ra về, Ngài liền bạch Phật:
- Bạch đức Thế Tôn, thời pháp của Thế Tôn thuyết như sấm rền vang trong không trung mà chỉ có một người chăm chú nghe mà thôi, còn mấy ông kia thì lơ đãng. Bạch đức Thế Tôn, tại sao vậy?
- Này A Nan, bộ ông tưởng giáo lý của Ta dễ nghe lắm sao?
- Bạch đức Thế Tôn, chẳng lẽ Thế Tôn cho nó là khó nghe.
- Đúng thế.
- Bạch Thế Tôn, tại sao?
- Này A Nan, những người này trong vòng luân hồi đã trải qua nhiều kiếp chưa từng nghe đến tên Tam Bảo, huống là những pháp vô nhị của Ta. Cho nên bấy giờ họ không thể thâm nhập giáo pháp của Ta được. Cuộc đời của họ ra vào sinh tử luân hồi vô tận. Họ từng nghe tiếng nói của súc sanh, của lòng tham, sân, si; của lòng tật đố ganh tỵ ngã mạn, cống cao; của lòng tham danh hiếu lợi. Hơn nữa, họ còn tiêu phí gần hết thời gian kiếp sống trong việc ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi ca hát, bài bạc, rượu chè, hút xách. Vì thế họ còn đâu tâm chí để nghe lời dạy của Ta”.
Đó chính là nguyên nhân Phật pháp khó nghe. Bằng chứng quý thầy hãy nhìn con người trong thế gian này, quý thầy phải hiểu rõ.
Bởi vậy, Được Thân Người Là Khó, Được Pháp Còn Khó Hơn.
Này quý thầy, quý thầy là người có đủ duyên với Phật pháp. Hiện giờ quý thầy có được thân người, được nghe Phật pháp chân chánh và còn được thiện tri thức hướng dẫn có kinh nghiệm, cớ sao quý thầy bảo mình là hạng người hạ căn, trung căn. Quý thầy cứ suy nghĩ và xét lại xem, những lời Thầy dạy ở trên là một bằng chứng cụ thể.
Hiện giờ trên thế giới này có rất nhiều tôn giáo khác nhau, và cũng có rất nhiều pháp môn tu hành khác nhau. Chỉ trong một Phật giáo cũng đã có nhiều pháp môn, nhưng chưa chắc đã là pháp môn chân chánh của đức Phật. Người ta bảo rằng đạo Phật có 84.000 pháp môn. Vì pháp môn nhiều quá, nên chẳng ai tu chứng quả A La Hán; và cũng vì pháp môn nhiều quá, nên chẳng có ai hành đúng Giới Luật của đạo Phật. Vì thế mà người tu sĩ đạo Phật hiện giờ đều phạm giới luật. Họ không thấy giới luật của Phật là chỗ nương tựa vững chắc cho họ. Họ không thấy giới luật của Phật là bậc thầy thanh tịnh của họ. Bởi vậy trong giai đoạn này, được Pháp còn khó hơn, khó gấp trăm ngàn lần trong thời đức Phật còn tại thế.
Trước kia, các bậc Tôn túc của chúng ta tu học đều theo giáo pháp Đại thừa, chỉ vì các Ngài không đủ duyên gặp kinh tạng Pàli nguyên thủy. Họ chịu ảnh hưởng Thiền Đông Độ của người Trung Hoa và kinh sách Đại thừa. Họ cho kinh tạng A Hàm là kinh điển Tiểu thừa. Vì thế, các Ngài xem thường và coi rẻ, chỉ học cho biết mà thôi; còn thực hành để tu thì họ theo giáo pháp Đại thừa; tự cho đó là một pháp môn tối thượng. Nên biết bao nhiêu thế kỷ nay, từ ngày đức Phật nhập Niết Bàn, cách năm trăm năm sau chẳng còn ai tu chứng quả A La Hán, chỉ toàn học lý thuyết suông.
Hôm nay chúng ta may mắn hơn nhiều, hơn người xưa nhiều: sinh ra được làm người, được gặp kinh tạng Nguyên Thủy là kinh tự kim khẩu đức Phật đã thuyết. Nhưng biết rằng trải qua một thời gian quá dài, nên có những bài kinh do người sau thêm vào, tuy vậy, vẫn còn được chất Nguyên Thủy của nó. Kinh này được dịch từ tiếng Pàli sang tiếng mẹ đẻ, do Hòa thượng Minh Châu người Việt Nam, một học giả tài ba, một nhà tri thức uyên bác đã làm công tác phật sự này. Do đó, chúng ta gặp được pháp chân chánh của Phật đọc bằng tiếng mẹ đẻ, nhờ thế chúng ta dễ hiểu vô cùng.
Này quý thầy, cớ sao chúng ta lại dựa vào những lý luận của kẻ lười biếng để làm mất sự tu hành quý giá của chúng ta. Chúng ta lại còn nghe theo những lời cống cao ngạo mạn của kẻ ngông cuồng, cho rằng những lời dạy chân chánh của Phật là Tiểu thừa, để cho người đời sau theo đó mà học hành sai lạc, rồi từ đó lại xem thường Phật pháp chân chánh, ném bỏ những giáo lý chân chánh và chạy theo những pháp môn không phải là Phật pháp. Dịp may hiếm có, nếu chúng ta không tỉnh táo sẽ dễ bị lường gạt bởi những danh từ rỗng và những lý thuyết suông, để bỏ lỡ việc tu hành chân chánh trong thời điểm tốt đẹp này.
Này quý thầy, đây là điểm hy hữu trong thời điểm sinh ra làm người, lớn lên hữu duyên với Phật pháp, do đó, chúng ta mới có được như ngày hôm nay.
Đời người sinh ra được gặp Phật pháp là một hy hữu hiếm có. Đời người sinh ra được gặp pháp chân chánh là một hy hữu hiếm có. Bởi sinh ra làm người mà gặp được Phật, gặp chân pháp thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt ra được tam giới và sáu nẻo luân hồi.
Một lần nữa, chúng ta tự xét thấy mình đủ những duyên may mắn sinh ra trong thời điểm này:
1- Có được thân người.
2- Có được Phật pháp chân chánh.
3- Có được thiện tri thức hướng dẫn có kinh nghiệm.
Do những điều nhận xét trên đây, chúng ta xác quyết những bậc thượng căn không phải đâu xa, mà là chính chúng ta. Lời Phật dạy đã rõ ràng, được thân người là khó và được nghe pháp chân chánh còn khó hơn, thế mà chúng ta đã hội đủ. Vậy chúng ta hãy vui mừng không còn ngờ vực gì nữa, chúng ta là những người hữu duyên có đầy đủ phước báo tu hành giải thoát.
Tại sao chúng ta lại từ bỏ phước báo này, để đi tìm cái gì hơn? Ở đây quý thầy cần phải xét cho kỹ: Hạ, Trung, Thượng căn là lối lý luận của những kẻ thối chuyển đạo tâm, muốn tìm cách sống trong dục lạc thế gian dưới lớp áo tu hành, nên dùng những ngôn ngữ che đậy mọi lỗi lầm và tính lười biếng của mình.
Thầy xin nhắc lại một lần nữa, được thân người là khó, nhưng quý thầy phải biết kiếp sống đời người ngắn ngủi; thân này nay còn mai mất như bóng câu cửa sổ, như phù vân trước gió, như hoa phù dung sớm nở tối tàn. Thế mà chúng ta lại ngu si ham mê dục lạc thế gian, chạy theo cái vòng đau khổ hệ lụy luẩn quẩn này, để bỏ qua thời gian quý báu không chịu khó tu hành, thật là quá uổng phí.
Này quý thầy, còn gì nữa? Thân này vô thường. Trong này là ổ bệnh tật, già suy và đau khổ. Quý thầy hãy tinh tấn tu hành, hãy đem hết sức lực bình sinh của mình để chiến đấu lại tâm dục vọng thế gian của quý thầy! Quý thầy hãy mạnh dạn, can đảm, gan dạ, đừng để tâm quý thầy đam mê, bị cám dỗ, bị lôi cuốn trong dục lạc của đời người! Quý thầy hãy chán chê và ngao ngán dục lạc thế gian!
Này quý thầy, còn gì nữa? Quý thầy hãy cố gắng vươn lên chiến đấu chống lại tâm ham muốn của quý thầy, để thoát ra khỏi vòng thế tục và chấm dứt tái sinh luân hồi! Chỉ một đời này, đừng nên kéo dài hơn nữa; mất thân này là khó được thân; mất thân này không còn chỗ để tu hành nữa. Quý thầy nhớ kỹ lời dạy này và phải có ý chí quyết tâm lớn, có lòng sắt đá kiên cường vĩ đại thì mới có ngày giải thoát được khổ đau của kiếp người. Chỉ có thân này tu hành mới chấm dứt được sanh tử luân hồi.
Này quý thầy, danh lợi có gì đâu, quý thầy hãy bỏ xuống đi, bỏ xuống đi!
Hãy xét kiếp người mà bỏ xuống đi!
Hãy xét sự đau khổ của đời người mà bỏ xuống đi!
Hãy xét lại sự luân hồi tái sinh mãi mãi không bao giờ dứt được, mà bỏ xuống đi!
Hãy xét lại dục lạc thế gian toàn là giả dối và đau khổ, mà bỏ xuống đi!
Rồi đây, quý thầy đem hết nghị lực và cả sức mạnh tinh thần bình sinh của mình, tiến lên thực hiện những gì Thầy đã dạy, đừng làm sai một ly hào nào, quý thầy sẽ đạt được sự giải thoát thân và tâm của quý thầy bằng cách quý thầy chứng nghiệm.
Dưới đây là một câu chuyện về sự chết mà hầu hết trong đời sống hàng ngày chúng ta vẫn thường chứng kiến, có những cái chết thình lình bất ngờ xảy đến:
“Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại thành Xá Vệ. Có một thương gia chở hàng hóa đi bán, vừa tới thành Ba Na Nại thì trời nhá nhem tối. Ông ta phải dừng xe bên bờ sông, để chờ sáng hôm sau mới sang sông đi tiếp.
Đêm hôm ấy, trời mưa to như trút, kéo dài từ ngày này sang ngày khác, suốt bảy ngày đêm không ngớt, khiến nước sông dâng cao, đường sá lầy lội. Nhà buôn ấy tự nghĩ:
“Trong chuyến đi này, ta phải bán hết hàng hóa rồi mới về; dù hết mùa mưa sang mùa đông, đến mùa hạ ta cũng quyết tâm ở lại bán cho hết hàng”. Lúc bấy giờ, đức Phật đi khất thực trên đường phố ngang qua đoàn xe buôn, thấy biết rõ được suy nghĩ của người thương gia, đức Phật bèn mỉm cười.
Thấy đức Phật mỉm cười, tôn giả A nan hỏi Phật lý do tại sao Ngài cười.
Đức Phật nói:
- Này A Nan, ông có thấy vị thương gia kia không?
- Bạch Thế Tôn, con có thấy.
- Đời sống của ông ta sắp hết rồi, mà ông ta còn dự định ở đây suốt mùa này sang mùa khác để bán cho hết hàng.
- Bạch Thế Tôn, ông ấy sắp chết sao?
- Này A Nan, chỉ bảy ngày nữa ông ta sẽ chết.
- Bạch Thế Tôn, như vậy con sẽ báo cho ông ấy biết.
- Được, ông cứ đi đi!
Liền đó, tôn giả A Nan đến gần chỗ vị thương gia khất thực. Vị thương gia ấy cung kính cúng dường thức ăn cho Ngài.
Tôn giả hỏi:
- Ông định ở đây bao lâu?
- Bạch Tôn giả, con định ở đây suốt năm; bao giờ bán hàng xong con mới về.
- Này cư sĩ, ông nên biết đời người thật ngắn ngủi, không biết sẽ chết vào lúc nào.
Vị thương gia ngạc nhiên hỏi: “Sao, bộ con sắp chết hay sao?”.
Ông A nan liền đáp: “Phải đó, cư sĩ chỉ còn có bảy ngày nữa thôi”.
Quả đúng bảy ngày, vị thương gia cảm thấy nhức đầu và đi nằm, rồi chẳng bao lâu thì chết”.
Do nhân duyên này, đức Phật nói kệ sách tấn chúng ta trên đường tu hành:
“Quý thầy phải nhớ lấy
Hãy tinh cần nỗ lực
Làm những gì cần làm
Trong hiện tại mà thôi
Đừng để ngày hôm nay
Và ngày mai ai biết
Ai cũng đều bất lực
Trước lưỡi hái tử thần
Hạnh phúc cho kẻ nào
Chỉ biết sống hiện tại
Đó là người khôn ngoan”
Đến đây, Thầy cũng xin nhắc lại với quý thầy một lần nữa: Được Thân Người Là Khó, Được Nghe Pháp Chân Chánh Còn Khó Hơn. Vì thế, các thầy phải siêng năng tinh tấn, nỗ lực tu hành để ra khỏi nhà sanh tử; để thoát khỏi vòng đau khổ của thế gian và để chấm dứt tái sinh luân hồi. Nhưng với việc này không phải dễ.
Một lần nữa, Thầy nhắc nhở quý thầy phải bền chí, gan dạ, kiên trì thì mới đạt được sự giải thoát.
Và bây giờ, quý thầy cũng nhớ lời sách tấn của thiền sư Hoàng Bá:
“Thoát khỏi trần lao việc chẳng thường
Đầu rơi vẫn giữ vững lập trường
Chẳng phải một phen sương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”
Phụ bút:
- Bài này ghi chép lại lời Trưởng lão giảng cho tăng, ni và phật tử Tu Viện Chơn Như.
– Nguồn: nghe và ghi chép từ đĩa Mp3 do phật tử ghi âm và phát biếu.
– Thành kính biết ơn đức Trưởng lão Thích Thông Lạc đã giảng dạy, và vô cùng biết ơn quý vị phật tử đã ghi âm, giữ được những lời vàng ngọc này để lại mãi mãi cho các thế hệ mai sau.
– Cám ơn phật tử Thông Đức đã soạn thảo tài liệu này.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 3 năm 2011.