Khổng Khâu một đời lang thang phiêu bạt sáu nước chẳng vua chúa nào tin dùng, viết sách dạy học, 3000 môn đệ ngồi nghe giảng ở đất Dĩnh, đời sau xưng tụng là Vạn Thế Sư Biểu.
Lý Bạch thảo xong 24 khúc “Thanh Bình Điệu” quẳng bút xách hồ lô rượu về lại chốn không nhà, ngày nay còn được ngợi ca là Thi Thánh. Tất-Đạt-Đa bỏ cung điện ngai vàng vợ đẹp đi vào thâm sơn cùng cốc, nhân gian tôn thờ là Phật. Giê-Su 12 tuổi không nhận cha mẹ từ cửa thánh đường Do Thái ra đi biệt tích cho đến năm 30 tuổi, thế gian kính ngưỡng là Đấng Cứu Thế …
Không có tên người Việt Nam đủ vĩ đại để có thể nêu lên thí dụ về những triết gia, thi hào, giáo chủ tâm cao trí cả lừng lững ý chí và lý tưởng bao trùm cả nhân loại.
Suốt gần 5000 năm lịch sử quốc gia này không nô lệ Tàu Tây thì nội chiến dai dẳng, độc lập không lâu, hòa bình quá hiếm. Không lệ thuộc thì xâm lăng: người Việt chiếm Chiêm Thành, diệt Lâm Ấp, phá Phù Nam, lấn Khmer, …
Một tộc người nhỏ bé, da vàng, trán giồ, mũi tẹt, răng hô, chân giao chỉ, đến thiên niên kỷ thứ ba của dương lịch vẫn còn tranh cãi về nguồn gốc, lác đác những huyền thoại truyền thuyết mù mờ mâu thuẫn, vẫn chưa ra khỏi văn minh lúa nước, khư khư cái nếp văn hóa làng xã lỗi thời.
Định mệnh phân rẽ, chia ly của dân tộc này đã bắt đầu với 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha xuống biển; chẳng hiểu tại sao lại phải ngăn cách nhau bằng đất đai đồng bằng.
Hay là đất bình nguyên dành cho người, con cái của thần tiên phải sống ở trên trời mây và dưới lòng biển, nên cuối cùng phải nồi da xáo thịt huynh đệ tương tàn kiếm đất cắm dùi? Nên con dân Việt hôm nay cũng chưa qua cái định mệnh phân chia, ly cách?
Thục An Dương Vương gả con gái làm dâu kẻ thù phương Bắc. Con gái nghe lời chồng mà hại cha mình và dân tộc mình, ngồi sau lưng cha chạy giặc còn bứt lông ngỗng trên áo thả làm dấu cho chồng đuổi theo. Cha đành phải giết con rồi tự sát. Chung thủy và phản bội của tổ tiên người Việt đối kháng kịch liệt và lẫn lộn tàn nhẫn đến thế thì thôi!
Vóc người Việt Nam nhỏ bé như mảnh đất tổ quốc gầy còm tượng trưng cho tất cả mọi sự nhỏ bé gầy còm khác. Chùa Một Cột ở Hà Nội là hình ảnh biểu trưng đầy đủ nhất.
Một đất nước không có những công trình vĩ đại. Một dân tộc không có những giá trị khổng lồ.
Còn nói riêng về văn học thì tất cả đều nhỏ bé hoặc tầm tầm. Đành đau xót, nhưng chẳng lẽ người Việt không một lần thành tâm mỏ cửa so bì với thế giới nhân loại mãi sao?
Cứ mãi thu góp đủ loại tinh hoa thế giới mà không đóng góp được gì với người ta sao? Có một cái sức mạnh của truyền thống tạo sức ì hay lực cản sáng tạo hay không?
“Người Việt Nam gì cũng cười”, ông Nguyễn Văn Vĩnh cả trăm năm trước đã nhăn nhó đúc kết một nét đặc trưng dân tộc tính như thế. Nụ cười này có thể dễ thương hay thân thiện, nhưng nếu gì cũng cười thì thật đáng sợ.
Giận ghét, khinh chê, thù hận gì cũng cười cả, thì cái sự cười này thật bất trắc, không chừng trong vẻ cười ngô nghê có hàm chứa biết bao gian hiểm, nét cười thân ái che dấu răng nanh hút máu như Frankenstein. Còn không thì cũng là cái cười xí xóa, lấp liếm, cầu cạnh, bí hiểm, vô nghĩa hoặc vô duyên…
Cô Tấm trong truyện cổ tích phổ biến nhất nước ta mấy ngàn năm rồi, ngày nay còn được đánh bóng tô son nhiều lắm trong sách giáo khoa, truyện đọc, truyện kể, sân khấu, phim ảnh, thậm chí âm nhạc nữa.
Cô Tấm xinh đẹp, nết na, thuần hậu, chân chất này thật ra gian hiểm thua gì mụ mẹ ghẻ và cô nàng Cám ác độc đâu! Thâm hận độc địa và mưu mẹo trả thù tinh xảo cực ác như thế mà là quốc hồn quốc túy ở người con gái Việt Nam vẫn được ngợi ca là dịu dàng thùy mị hay sao?
Nàng Lọ Lem trong cổ tích của người da trắng chắc hẳn kinh hãi và rầu rĩ lắm khi biết được ở cái xứ da vàng nọ có cô Tấm giống mình và khác mình đến thế! Hình ảnh đầu lâu cô nàng Cám dưới đáy hũ mắm cô Tấm dâng tặng mẹ ghẻ thật khủng khiếp, có lẽ chỉ có thể gặp trong văn học dân gian nước ta.
Trong sử Tàu có Việt Vương Câu Tiễn. Hầu hết những nhà viết sử nước ta khẳng định tộc Việt của giai nhân Tây Thi này không có dây mơ rễ má gì với người Việt đất Phong Châu cả.
Nhưng sao cái đức tính chịu hèn nuốt nhục kiểu Câu Tiễn không xa lạ gì mấy với dân ta, có điều không phải lúc nào cũng là nuôi chí phục quốc, thậm chí tệ hơn, chỉ vì hám lợi cầu vinh. Chí Phèo của Nam Cao phải chăng là biến cách của Câu Tiễn trong bối cảnh văn minh làng xã?
Tất nhiên không phải tất cả dân ta đều là Chí Phèo. Dân tộc nào chẳng có những anh hùng hiển hách dựng nước giữ nước cho đến hôm nay. Đất nước nào chẳng có văn hào thi bá lừng lẫy đến muôn đời.
Nhưng thử ngẫm nghĩ mà coi, phong thổ Việt Nam rặt sản sinh những hiển hách lừng lẫy tầm tầm thôi. Từ động vật, trái cây đến núi sông thành quách. Rồi đến hình tượng con rồng uy nghiêm cao cả cũng gầy gò nhỏ bé. Để đến nỗi những tài năng xuất chúng cũng chỉ là xuất chúng với dân mình ở quê hương mình mà thôi.
Có phải vì nguồn gốc mù mờ (Tây Tạng, Tam Miêu, Bách Việt, Mông Cổ, Đại Lý, Mã Lai Á, hay Indonésien?), cộng với cả nghìn năm sống trong gông cùm nô lệ hoặc chống trả gian khổ các giống dân phương Bắc (Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh), mà dân Việt truyền đời thói quen xem mình là “tiểu nhược quốc”, cái gì cũng cố thành ra nhỏ bé ốm yếu, tránh làm gai mắt kẻ thù, để mà tồn tại trong đắng cay căm hận?
Vì thế mà dân Việt ta giỏi âm mưu, khéo luồn lách, tài độc hiểm dưới vẻ ngòai khiêm tốn, chịu đựng và yếu ớt chăng? Ta đã chẳng ví mình như lòai châu chấu đó sao? “Nực cười châu chấu đá xe, Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng!” Châu chấu mà đá nghiêng cỗ xe thì tất nhiên là bằng kế sách rồi, nhưng liệu có phải tất cả mọi kế sách đều tốt không? Kế sách gì cũng tốt miễn là dành được độc lập cho dân tộc tổ quốc? Có phải đã gọi là kế thì ngại gì quỷ kế, gian kế, hay độc kế? Nhưng lẽ nào để người xưa đông tây đều phân biệt rạch ròi vương đạo với bá đạo chứ?
Nguyễn Trãi được Tổ Chức Liên Hiệp Quốc tôn vinh là một danh nhân của thế giới. Chúng ta không nên lấy thế làm tự hào lắm; chẳng qua cũng chỉ là danh vị cho có mà thôi. "Bình Ngô Đại Cáo" (Hán văn) cụ Bùi Kỷ dịch sang quốc ngữ thật tuyệt vời, nhưng chuyển dịch sang tiếng Anh, Pháp thì mất hết cả khí vị hịch truyền, điệu vần biền ngẫu (văn tứ lục), từ ngữ văn phong lúc cuồn cuộn hào hùng, lúc êm đềm nhân nghĩa, chỉ còn lại phần tư tưởng có giá trị tương đối mà thôi.
Thơ văn khác của ông cũng không hẳn xuất sắc ngang tầm nhân loại. Nguyễn Trãi được tôn vinh như là một nhà chính trị và một nhà văn hóa có công lao hiển hách xây dựng và phát triển cả triều đại nhà Lê kéo dài 100 năm (1427-1527) độc lập và cường thịnh trong sử Việt. Xem vậy, Nguyễn Trãi cũng chỉ là nhân tài Việt Nam dưới cái mũ kim cô Nho học mà thôi.
Nhà sử học Trần Trọng Kim cảm thán thật sâu sắc cách nay gần 100 năm, ngày nay đọc lại chúng ta vẫn phải suy nghĩ nao lòng:
Thời đại Bắc thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bây giờ ta không rõ lắm, nhưng có một điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được. Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự biến cải mới có công hiệu vậy.” (Việt Nam Sử Lược, Tựa, tr. 9).
Thế đến thiên niên kỷ thứ ba này cái quốc túy của ngừơi Việt Nam còn phải chịu cái văn minh Tàu cổ kính ấy nữa không?
Nói cho cùng, người Việt nhiễm đủ thứ văn minh, ngòai Tàu còn có Pháp, Mỹ – hai nền văn minh lớn từ phương Tây, trái ngược hẳn với cái văn minh phong kiến Đông phương già cỗi phong tỏa đã lâu.
Và ngày nay, do hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, con cháu Hùng Vương rải rác khắp năm châu bốn biển, đi đi về về như mắc cửi, hình ảnh Việt Kiều trọ trẹ tiếng Việt, dáng dấp dềnh dàng, da trăng trắng mắt xanh xanh, tóc vàng tóc đỏ chẳng còn lạ nữa.
Rồi văn hóa toàn cầu tác động ồ ạt lên lối sống của người Việt mãnh liệt, đồng lọat và sâu sắc như mưa rơi trên đồng khô hạn từ sau Đổi Mới 1986.
Như một anh nhà nghèo khao khát tích lũy ôm đồm đủ thứ thượng vàng hạ cám số mệnh ban cho, người Việt đang phân hóa nghiêm trọng trong một đất nước mới tìm đường phát triển về tất cả mọi phương diện, bao gồm cả phát triển con người.
Quan niệm dân gian “Ta về ta tắm ao ta” phải chăng đã trở thành tư tưởng hủ lậu của dân Việt, là lực cản mọi khai phóng tiến bộ của tiền nhân (như Nguyễn Trường Tộ) và trí tuệ của không ít trí thức đương đại?
Văn minh lúa nước và văn hóa làng xã với tất cả những đặc tính cố hữu như là bảo thủ, tôn ti, an phận, gia trưởng, lễ nghi, thiển cận, vun vén…là cái món quốc túy thâm căn cố đế cản trở tiến hóa dân Việt ta trong thời đại của mobile phone, internet hôm nay.
Làm gì còn mãi cái ao bé tí cho anh tắm nữa mà hả hê “dù đục hay trong”, khi mà chính anh cũng quen tắm hồ bơi hiện đại nước trong xanh thơm phức?
Kho tàng văn học nước ta thật rạng rỡ với tác phẩm Truyện Kiều của thiên tài Nguyễn Du. Nhưng ta cũng phải bình tĩnh sáng suốt đánh giá Truyện Kiều một cách khách quan giá trị của nó so với những tác phẩm văn học bất hủ của thế giới.
Giá trị của Truyện Kiều là ở thơ lục bát. Thể loại thơ đặc biệt này của người Việt, của ngôn ngữ Việt, đạt tới đỉnh cao của thi tài, có thể nói trước và sau Nguyễn Du, chưa có tác phẩm lục bát nào tương xứng.
Nguyễn Du lừng lững phá bỏ một truyền thống thi ca từ chương ước lệ trong hình ảnh và cảm xúc, bung phá cái khuôn vàng thước ngọc của thơ Đường già cỗi, khơi mở khuynh hướng lãng mạn, báo hiệu dòng thi ca trữ tình Việt Nam phát triển rạng rỡ trong thế kỷ 19, đặc biệt với Cao Bá Quát chói lọi.
Ngôn ngữ bình dân xen kẽ và hòa trộn tài tình với ngôn ngữ bác học trong một tổng thể dung dị mượt mà, trên cái nền nhịp 6-8 êm ái như điệu võng, dễ thấm vào lòng người Việt từ cuối làng đến góc phố nỗi thương cảm nàng Kiều tài sắc mà bất hạnh, vừa đáng thương vừa đáng giận, vừa đáng trách lại vừa đáng yêu.
Nhưng mà cốt truyện không phải của Nguyễn Du, cô Thúy Kiều khiến cho người tài tử kẻ phàm phu đất Việt tấm tắc xót thương lại là gái Tàu ở một triều đại Minh Gia Tĩnh xa lơ xa lắc của một ông nhà văn Thanh Tâm Tài Nhân nào đó.
Dấu vết ảnh hưởng văn hóa Bắc phương còn áp đặt, hay Nguyễn Du của chúng ta kiêng dè vua quan nhà Nguyễn truy xét nỗi lòng hoài Lê, nên phải mượn chuyện bên Tàu bất đắc dĩ?
Bên cạnh nội dung cũ ấy, sáng tạo Truyện Kiều của Nguyễn Du cho dù có thêm bớt làm mới, đề cao Phật giáo bên cạnh truyền thống Nho Lão, cũng không sáng lên ánh độc đáo mới lạ nào về tư tưởng văn hóa dân tộc đầu thế kỷ 19.
Truyện Kiều là thơ lục bát thiên tài chuyên chở một câu chuyện cảm động trong kho tàng văn học Việt Nam, dù chuyển dịch sang tiếng nước ngòai tuyệt vời như thế nào thì cũng chỉ có giá trị tham khảo mà thôi. Hồn lục bát còn đâu?
Cảnh ao mình có tuyệt vời thì cũng chỉ trong làng mình thôi, người ta có tấm tắc ngắm nghía thì cũng chẳng ai bê cái ao của mình về xứ họ để học hỏi tắm táp đâu!
Cái “ao thu lạnh lẽo nước trong veo” của cụ Nguyễn Khuyến có “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” ; ngoài ra còn có một con ếch lúc nào cũng tưởng mình có thể to bằng con bò, và ta có thể tưởng tượng thêm trên bờ ao có một cỗ xe trâu đang lọc cà lọc cọc giữa đường làng.
Nước Việt Nam chúng ta ngày nay còn luyến tiếc cái văn minh ao chuôm này sao? Người ta còn muốn tiến hóa bằng bánh xe trâu đủng đỉnh giữa làng sao? Thậm chí “trời xanh ngắt” trên vũng ao và “ngõ trúc quanh co” ấy của tao nhân mặc khách Nguyễn Khuyến là cả thế giới trong văn minh toàn cầu này chăng?
Tại sao những ông lý trưởng thời hiện đại thậm chí vẫn muốn đúc bê tông cổng làng và khóa bằng ổ khóa điện tử, để yên tâm ngồi xoa xoa bụng ếch trên ngai vàng gỗ mục dưới đáy giếng? Cả nước Việt ta là một nhà bảo tàng khổng lồ ư? Đi suốt nước toàn gặp những cổng chào truyền thống thôi ư?
Sau gần 5000 năm văn hiến, nước ta thật chẳng thiếu anh hùng tài tử, nhưng tại sao không có những công trình văn hóa lừng lẫy sánh ngang tầm nhân loại?
Có phải vì chiến tranh trong ngoài liên miên và những hệ quả khốc liệt của nó? Có phải người Việt vẫn tự đắc tôn thờ hình ảnh con châu chấu anh hùng và sẵn sàng mai phục để được lật nghiêng những cỗ xe đồ sộ khác? Và có phải trong tâm lý chúng ta vẫn khoái trá làm ớt hiểm, ớt hạt tiêu, thích sâu cay, ưa tháu cáy?
Để đến nỗi người một nước quen nhìn nhau nhỏ bé khiêm tốn, nghi kỵ và sợ sệt những tài năng tư tưởng muốn vươn mình thành người khổng lồ, phá vỡ cái cổng làng cổ kính rệu rạo mà bước ra thế giới bao la?
Để đến nỗi thậm chí người Việt tha phương cầu thực, lưu lạc giang hồ khắp nơi trên thế giới mà thua xa các bang hội kiều dân khác trong tương trợ đùm bọc lẫn nhau, chẳng phải vì cái đầu óc làng anh làng tôi, con vua con sãi truyền đời đó sao? Đến bao giờ, để mong nhảy mạnh tiến xa, chân người Việt mới hết giao chỉ?
Nói riêng về văn học, bài thơ "Vịnh Con Cóc" gần như ai cũng biết, có thể nói lên hết cái thiển cận, dốt nát và ngông cuồng của sáng tạo. Sáng tạo như thế được tiếng tốt là dễ hiểu, là gần gũi, là hiện thực, là nhân dân, là trong sáng, v.v…
Nhưng quan trọng hơn cả là nó vô hại, thậm chí nó đem lại cho người thưởng thức một trò cười cợt trong lúc trà dư tửu hậu. Và trong kho tàng văn chương ngâm vịnh thù tạc của dân Việt, bài "Vịnh Con Cóc" này nhất định sẽ sống mãi.
Chiến tranh và nội thù đã mấy ngàn năm ngăn chặn vùi dập biết bao trí tuệ và tài hoa con dân Việt, làm sao kể hết? Truyền đời không ngoại xâm thì giặc giã, không giặc giã thì loạn sứ quân, không loạn sứ loạn thần thì loạn đảng.
Người Việt đã truyền kiếp nghi ngờ chia rẽ nhau, chỉ có thể đoàn kết trước nguy hiểm chung có tính sống chết thôi, chứ yên bình rồi thì đàn áp, giành giật, đố kỵ chiếu trên chiếu dưới ngay. Ngày nay, tổ quốc chưa qua đói nghèo, dân trí còn trong trì trệ, không phải là điều đáng nói nữa.
Vậy, nếu nước Việt ta, người Việt ta vẫn chưa kỳ vọng những công trình văn hóa đồ sộ, những tác phẩm văn học vĩ đại sánh ngang tầm thế giới hiện đang trở thành một cái làng khổng lồ hướng ra văn minh vũ trụ, thì có đáng nói hay không, hỡi các ngài thần hoàng, các ông hương lý, các cụ tiên chỉ và các bác trương tuần?…
Và nếu sáng tạo vẫn phải canh chừng tiếng mõ cầm canh cầm chịch của các ông mõ thời đại thì sao nhỉ? Đức Thánh Gióng vươn vai thành người khổng lồ phá giặc Ân cứu nước xong bay thẳng lên trời.
Mấy ngàn năm rồi con dân Việt không thấy ngài đâu nữa! Liệu trong hòa bình phát triển hôm nay của nước Việt, Thánh Gióng có thể hóa thân vào một nhà triết học, một nhà tư tưởng, một nhà sáng tạo ngang tầm thế giới nhân loại hay không?
Nguyễn Phan Thịnh
Xem thêm: Nguyễn Phan Thịnh và Trần Ðình Hượu: Hai lối tư duy hổ thẹn hay khiến phải hổ thẹn?
Xem thêm: Nguyễn Phan Thịnh và Trần Ðình Hượu: Hai lối tư duy hổ thẹn hay khiến phải hổ thẹn?