Con người thường suy nghĩ và hành động theo số đông. Đó là tâm lý chung. Ở Việt Nam tâm lý hành động theo số đông càng có vẻ nổi trội hơn so với các nước khác. Chúng ta khó có thể hành động khác người và thường khuyên bảo nhau là không nên đi đầu mà cũng đừng tụt hậu, cứ giữa giữa mà đi là an toàn nhất.
Một học giả nào đấy đã lý giải cái tâm lý hành động theo đám đông ở Việt Nam ta có lẽ do chiến tranh chống ngoại xâm kéo dài liên miên hàng thế kỷ nên người Việt chúng ta có thói quen tìm kiếm sự an toàn bằng cách ẩn tránh mình trong giữa một đám đông nào đó, lâu dần thành quen.
Nhớ lại, chúng ta đã từng một thời chỉ thích mua xe Dream màu mận chín, mặc dù ngoài Dream màu mận chín (giá đắt hơn) còn có biết bao lọai Dream khác với màu sắc đẹp và rực rỡ không kém. Có một thời, phụ nữ trong các cơ quan, công xưởng có cùng một kiểu tóc, một kiểu áo, một kiểu quần không phân biệt dáng người cao,thấp, béo gầy, không cần biết ai có khuôn mặt trái xoan, ai mặt vuông chữ điền, ai má bầu bầu bánh đúc… Có một thời Hà Nội tràn ngập áo lông Đức, áo da Nga, thuốc lá được ưa chuộng là More cán dài, Malboro trắng …
Những năm gần đây lại có các trào lưu học vi tính, học quản trị kinh doanh, học thêm bằng 2, bằng 3. Trong học ngoại ngữ thì bỏ tiếng Nga, tiếng Trung chạy sang học tiếng Anh, tiếng Pháp. Những gia đình khấm khá một chút đua nhau tìm trường tốt hoặc gửi con đi nước ngoài mong cho con được tiếp cận một nền giáo dục “xịn” chẳng cần biết con mình thực sự tư chất đến đâu. Trong sinh hoạt hàng ngày thì quần áo, giày tất … phải là đồ hiệu, điện thoại di động được thay đổi khi có model mới ra, mỹ phẩm phải là De Bon, Dove hay là hàng xách tay từ Paris gửi về …
Rồi mốt lên đời xe máy, xe hơi, trang thiết bị nội thất. Trong giáo dục thì học sinh cứ học hết lớp 12 là phải lao đầu thi vào đại học dù biết rằng thi rất khó đỗ và có đỗ cũng chưa chắc đã theo nổi bốn năm năm do tiền ăn học quá tốn kém và dù biết rằng có tốt nghiệp đại học chắc gì đã kiếm được việc làm. Trong xây dựng thì có mốt nhà nóc củ hành, mặt tiền ốp đá granito, tum thì được trang trí hoa văn cầu kỳ theo kiểu cung điện của chuyện cổ tích ngàn lẻ một đêm ở xứ Ba Tư xa lắc… Còn có thể kể ra biết bao cách ứng xử bày đàn khác theo kiểu này.
Tuy nhiên, bạn khó có thể cưỡng lại cái tâm lý đám đông này lắm. Hãy thử làm khác đi xem, người đầu tiên thuyết phục bạn phải tuân theo quy luật bầy đàn này sẽ chẳng phải ai khác mà chính là những người thân nhất của bạn đấy. Vợ (hay chồng) bạn sẽ thuyết phục bạn tìm lớp cho con học thêm vì con nhà bên cạnh đã tìm được thày giỏi; thuyết phục bạn mua chiếc Way &, chiếc @ vì cô hàng xóm có chồng buôn bán lặt vặt mà cũng tậu được những thứ đó rồi, chẳng lẽ nhà mình thua bạn kém bè…
Tại sao lại như vậy? Lý do là họ không muốn bạn và họ khác người khác, không muốn bị “nổi” lên một cách không an toàn. Bạn cứ thử vào một quán bia hơi mà xem. Bàn này “dô” thì bàn bên cạnh cũng không thể không “dô” được và tiếng reo hò sẽ lan truyền từ bàn này sang bàn khác. Nếu bạn không làm thế bạn sẽ trở thành lạc lõng, bạn sẽ không phải là người “sành điệu” (Are you stylish?). Trong tất cả mọi chuyện đều như vậy đấy, bạn muốn tin hay không tuỳ bạn.
Bạn có thể hỏi nếu không như vậy làm sao kích cầu được sản xuất? Làm sao xã hội phát triển? Quá đúng! Chỉ có điều bạn kích cầu để những người giàu sản xuất tăng thu nhập còn bạn thì chả được gì và đây chính là lý do mà 95 % nhân loại của thế giới thuộc loại nghèo hoặc trung lưu. Những người giàu đáng trúng vào tâm lý hành động theo đám đông bằng những chiêu quảng cáo tuyệt hảo cho sản phẩm của họ như “ăn côca, uống côca, ngủ coca”… “thức uống của thế hệ mới” …”của những người sành điệu”, “Suzuki Smash - Hãy loan tin”, “ … đã tốt nay còn tốt hơn”...
Tại sao bạn bị chi phối bởi đám đông? Câu trả lời rất đơn giản: Vì bạn không làm chủ được bản thân, bạn không quen phải tự quyết định tương lai của mình. Khi còn bé thì đi nhà trẻ, lớn lên vào học phổ thông rồi thi đại học. Khi có được tấm bằng thì nhờ các mối quan hệ của bố mẹ hay người thân quen tìm một chỗ làm trong cơ quan nhà nước để sớm cắp ô đi tối cắp ô về, sống lắt lay với đồng lương ba cọc ba đồng ... dòng đời của bạn và các thế hệ tiếp theo của bạn chắc chắn sẽ tiếp nối như vậy.
Bạn không biết bạn cần gì và sẽ tiến tới đâu trong cuộc đời này. Bạn có thể có ước mơ đấy nhưng bạn không có một kế hoạch cụ thể nào để thực hiện ước mơ của bạn, không có kế hoạch dài hạn cũng chẳng có kế hoạch ngắn hạn. Bạn sống và làm việc theo bản năng giống như đói thì ăn, khát thì uống và bạn để cho người khác quá nhiều quyền quyết định tương lai của bạn. Trong khi đó xã hội đang thay đổi từng ngày mà bạn thì không nhận thấy sự thay đổi đó để thích ứng.
Thói quen bầy đàn tai hại sẽ tiêu tốn thời gian và tiền bạc của bạn. Và cùng với thói quen này việc bạn không phân biệt được đâu là Tài sản, đâu là Tiêu sản sẽ làm cho tình hình tài chính của bạn ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Nguyễn Hữu Truyền