Các con có nghe Phật dạy tu tập thiền định không? Tu tập thiền định của Phật giáo là NGĂN ÁC DIỆT ÁC PHÁP, SINH THIỆN TĂNG TRƯỞNG THIỆN PHÁP, có nghĩa là các con sống trong các pháp dù thiện hay ác mà không bị pháp nào làm tâm các con dao động được, đó là các con đang tu tập thiền định, chứ không phải ngồi trong thất ức chế tâm cho hết vọng tưởng là tu tập thiền định, tu tập như vậy là tu tập tà thiền, tà định.
Thầy luôn luôn nhắc nhở và dạy bảo các con xả tâm, vì xả tâm là xả ác pháp là có giải thoát ngay liền, nhưng có ai nghe lời Thầy đâu, vì thế cuộc đời của các con còn nhiều khổ đau. Phải chi các con nghe lời Thầy thì đâu còn khổ đau nữa. Phải không con? Thiền định của Phật giáo là xả bỏ, là từ bỏ, là diệt bỏ các ác pháp thì tâm con đang ở cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Đó mới là chánh định của Phật giáo.
Các con đã từng tu tập những pháp đẩy lui các chướng ngại pháp. Và, hôm nay lại triển khai tri kiến thông suốt CÁC PHÁP VÔ THƯỜNG VÔ NGÃ, KHÔNG PHẢI LÀ TA, KHÔNG PHẢI CỦA TA, KHÔNG PHẢI BẢN NGÃ CỦA TA. Như vậy, còn pháp nào làm dao động tâm các con được. Phải không các con? Rồi đây những bước chân của các con sẽ đi khắp nơi trên hành tinh này, đem Chánh pháp của Phật và đạo đức nhân bản – nhân quả đến với mọi người.
Tu trong cảnh động không bị ức chế tâm mà còn có lợi ích cho mình, cho người. Còn tu trong cảnh tịnh, chỉ có lợi ích cho mình nhưng phải sống độc cư trọn vẹn, nếu không sống độc cư trọn vẹn thì bị ức chế tâm lọt vào các pháp tưởng dễ rối loạn thần kinh, rất nguy hiểm.
Tu trong cảnh động sống như một người bình thường, nhưng lại phi thường, vì lìa tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Cho nên có một người hỏi Phật:
Ông là ai? Có phải Thiên Thần không? Có phải Phạm Thiên không? Có phải Phật không? Có phải Càn Thác Bà không?
Đức Phật đáp:
- Ta không phải Thiên Thần, không phải Phạm Thiên, không phải Phật, không phải Càn Thác Bà… Ta chỉ là một con người mà không phải là con người, vì Ta không còn tham, sân, si, mạn, nghi.
Chương trình dạy người tu sau này là chương trình đào tạo đạo đức nhân bản để mọi người sống không làm khổ mình, khổ người, đó là dạy họ rèn nhân cách ly tham, sân, si, mạn, nghi. Con người mà ly tham, sân, si, mạn, nghi là người chứng đạo.
Chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người. Người nào sống được như vậy là chứng đạo.
Trích lược từ "Những Bức Tâm Thư tập II",
Trưởng lão Thích Thông Lạc