1- “An tịnh thân hành tôi biết thở vô/ ra”. Thân hành ở đây là gì? Có phải là hơi thở hay thân thể, hoạt động thân nói chung?
2- Hỷ thọ khác lạc thọ như thế nào?
3- Quán vô thường, quán ly tham, tôi sẽ thở vô/ra....?: Khi quán cần phải có thời gian suy xét, thẩm sát..., sao lại có thể thực hiện được trong khoảnh khắc ngắn ngủi trước mỗi hơi thở? Khi quán vô thường con phải trải qua nhiều lần thở ra thở vô, Vậy có đúng không bạch Thầy?
4- Niệm hơi thở khi không có tác ý, chỉ đơn thuần biết thở vô ra khác với tùy tức trong Lục Diệu Pháp Môn như thế nào? Ngoài một bên là xả tâm, một bên là ức chế tâm thì Định Niệm Hơi Thở của Phật có khác với Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh của Lục Diệu Pháp Môn như thế nào?
Đáp:1. Trong kinh sách Nguyên Thủy đức Phật thường dạy: “Thật hy hữu thay chư Hiền giả! Thân hành niệm này được tu tập, được làm cho sung mãn, thì có quả lớn, có công đức lớn”. Ở đây con hỏi thân hành là gì?
Thân hành là sự hoạt động của thân. Sự hoạt động của thân có hai phần:
a. Thân hành ngoại .
b. Thân hành nội .
Thân hành ngoại là sự đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín hoặc làm tất cả mọi công việc dù lớn, dù nhỏ, dù nhẹ, dù nặng v.v.....đều được gọi là thân hành niệm ngoại.
Thân hành niệm nội là sự hoạt động trong nội thân như : tế bào, thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, bài tiết v.v.....
Về phần thân hành niệm nội trong thân thì chúng ta chỉ có điều khiển được hơi thở tức là về phần hô hấp còn tất cả những sự hoạt động khác thì chúng ta không thể điều hành được. Nếu chúng ta điều hành được hơi thở thì chúng ta sẽ điều hành được tất cả sự hoạt động trong nội thân, do đó điều khiển được hơi thở tức là điều khiển được sự sống chết. Các nhà Yoga tu tập hơi thở để đạt được sự làm chủ sống chết là do luyện tập hơi thở, họ luyện tập hơi thở chia làm ba loại hơi thở:
a. Hơi thở vô.
b. Hơi thở ra.
c. Hơi thở nín.
Sự luyện tập hơi thở này đưa đến kết quả làm chủ được hơi thở tức là làm chủ được sự sống chết, nhưng không chấm dứt được luân hồi, vì tu sĩ Yoga chưa thực hiện được lậu tận minh nên nguyên nhân tái sanh luân hồi còn chưa đoạn diệt, Vì pháp môn tu bằng tưởng tức (hơi thở tưởng) nên khi làm chủ được hơi thở các tu sĩ Yoga tưởng mình hòa nhập vào đấng tối cao. Sự tu tập này rất khó cho nên chỉ có một số quá ít người đạt được ở mức độ cao. Phần nhiều tu tập để ngừa bệnh trị bệnh theo phương pháp dưỡng sinh. Nhưng dùng phương pháp yoga ngừa bệnh và trị bệnh thì chỉ ngừa và trị ở ngọn chứ không trị ở gốc của bệnh tật được.
Đạo Phật cũng dùng hơi thở nhưng không luyện tập hơi thở như Yoga, chỉ nương vào hơi thở tự nhiên để tỉnh thức trong mọi pháp, nhờ có tỉnh thức nên xả tâm ly dục ly ác pháp dễ dàng.
Đạo Phật không dụng riêng hơi thở tu tập như các nhà Yoga, mà còn sử dụng mọi hoạt động của thân. Đức Phật xem hơi thở là một hành động như tất cả các hành động khác của thân.
Mục đích của đạo Phật là bất động tâm, cho nên sự tỉnh thức trong chánh niệm là một điều quan trọng trong việc tu tập xả tâm. Và khi tâm đã xả sạch tức là tâm ly tham và đoạn các ác pháp thì lúc bấy giờ tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì tâm có đủ năng lực điều khiển các hoạt động trong thân, thậm chí như điều khiển cả bộ óc làm việc theo ý muốn của mình, chứ không phải chỉ có điều khiển hơi thở mà thôi.
Còn phương pháp của Yoga luyện tập khổ công về hơi thở và còn dùng tưởng để mở các luân xa trong thân tứ đại bất tịnh, đó là một việc tu tập không giống Phật giáo chút nào.
Đức Phật dạy chỉ nương vào thân hành niệm để tu tập xả tâm ly tham đoạn ác pháp, chứ không phải đi tìm thiền định trong hơi thở hoặc bất cứ một hành động nào khác trong thân, nhưng chúng ta nên biết sự lợi ích của thân hành niệm là giúp chúng ta xả tâm tốt nhất, ngoài thân hành niệm ra chúng ta khó có pháp nào giúp cho chúng ta xả tâm tốt. Hơi thở là một thân hành niệm trong muôn ngàn thân hành niệm của thân, chứ không lấy hơi thở làm điều quan trọng cho sự tu tập thiền định.
Thiền định của Phật giáo là chỗ tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi. Chỗ tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là mục đích của đạo Phật.
2. Hỷ thọ và lạc thọ thì hỷ thọ thuộc về tâm; lạc thọ thuộc về thân. Thân ngồi, hay nằm, hay đi, hay đứng đều cảm thấy an lạc, đó gọi là lạc thọ, còn tâm cảm thấy thanh thản, an ổn, vô sự không phóng dật, đó là hỷ thọ.
Tóm lại hỷ lạc là chỉ cho trạng thái thân và tâm thanh thản, an lạc, vô sự, tâm lúc nào tâm cũng không phóng dật đó chính là trạng thái của tâm thanh tịnh đang hiện tiền trong cuộc sống không lúc nào mất thì người đó đang nhập Bất Động Tâm. Tâm đang ở trạng thái Bất Động, muốn nhập Sơ Thiền rất dễ dàng.
Trạng thái hỷ lạc của Sơ Thiền là do ly dục sanh nên khi nhập Sơ thiền thì có năm chi thiền hiện ra: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm. Năm chi thiền này là một trạng thái Sơ Thiền Thiên.
Người nào nhập được Sơ Thiền là được sinh vào cảnh giới Sơ Thiền Thiên khi bỏ xác thân này.
3. Quán, tác ý và hướng tâm: Quán vô thường, quán ly tham ở Định Niệm Hơi Thở không có nghĩa là quán xét, tư duy, suy nghĩ, nó có nghĩa là hướng tâm.
Câu quán vô thường và quán ly tham tôi biết tôi hít vô, tôi biết tôi thở ra là pháp như lý tác ý để giúp tâm huân thành. một thói quen thấy các pháp vô thường, hoặc thấy các pháp liền lìa tâm tham đắm. Pháp như lý tác ý để giúp tâm có một năng lực vô thường, ly tham, ly sân, ly si, ly mạn ly nghi v.v.....
Nếu không có kinh nghiệm tu hành thì Định Niệm Hơi Thở chỉ là một lý giải suông không thể tu tập được.
Người không có kinh nghiệm tu hành không hiểu, nên Định Niệm Hơi Thở gọi là quán niệm, ấy thật là sai lệch, vì thế Định Niệm Hơi Thở của đạo Phật đã biến thành Quán Niệm Hơi Thở của ngoại đạo.
Bài kinh Xuất Tức Nhập Tức trong kinh Trung Bộ đã dạy quá rõ ràng, thế mà người tu hiện giờ không có ai tu đúng, chỉ tưởng giải bằng cách này, bằng cách khác, thiếu kinh nghiệm thực tế, vì thế người tu hiện giờ tu không có kết quả.
Tóm lại quán vô thường, quán ly tham là pháp dẫn tâm vào đạo chứ không phải pháp quán như con hiểu một cách sai lạc.
4. Niệm Hơi Thở không tác ý chỉ đơn thuần biết thở vô, ra thì không khác pháp tùy tức trong Lục Diệu Pháp Môn, pháp Tùy Tức trong Lục Diệu pháp môn là pháp ức chế tâm mà Tổ Trí Khải Đại Sư đã chế ra để người sau tu hành thiền định.
Lục Diệu pháp môn là một pháp do tưởng tri chế tác, chứ không phải do kinh nghiệm tu hành theo đúng lộ trình của Phật giáo, mặc dù nó có quán, hoàn, tịnh nhưng vì nó dùng pháp sổ, tùy, chỉ để ức chế tâm trước khi quán, hoàn, tịnh, vì vậy nó rơi vào tưởng pháp, sanh ra tưởng tuệ, đó là một sự khác biệt giữa pháp môn thiền của Phật và Tổ. Theo Lục Diệu pháp môn chỉ (ức chế vọng tưởng) trước, còn quán (tư duy quan sát) sau, theo Phật giáo vừa tỉnh giác vừa xả, tỉnh giác đâu thì xả tâm đó, hai pháp này không lìa nhau “quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra.” Hít vô ra là tỉnh giác còn ly tham xả ác pháp là chánh niệm chứ không phải quán như Lục Diệu Pháp Môn.
Cho nên quán, hoàn, tịnh của Lục Diệu Pháp Môn là pháp tưởng thức quán, chứ không phải ý thức quán.
Phật dùng ý thức để tu, còn Tổ dùng tưởng thức để tu, do đó Phật làm chủ sanh, già, bệnh, chết là thật, vì đó là liễu tri, còn Tổ làm chủ sanh, già, bệnh chết là không thật, vì đó tưởng tri.
Trưởng lão Thích Thông Lạc