Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm và Sơ Thiền thì phải tu về trí tuệ. Vậy tu về trí tuệ là tu như thế nào?
Trong kinh SONADANDAđã dạy: “Tôn giả Gotama, không thể được. Tôn giả Gotama, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh, nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ, nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời. Tôn giả Gotama, cũng như lấy bàn tay rửa bàn tay, lấy bàn chân rửa bàn chân cũng vậy”.
Ở đoạn kinh này đã xác định cho chúng ta thấy tu về trí tuệ tức là phải tu về giới luật. Giới luật là đức hạnh của tu sĩ và cư sĩ, nếu ta không tu về giới luật thì chúng ta không có trí tuệ. Cho nên lời dạy “Tu về trí tuệ”, tức là tu tập về giới luật, tu về giới luật tức là sống đúng đời sống phạm hạnh của một vị thánh tăng, sống đúng đời sống phạm hạnh của một vị thánh tăng là trí tuệ giải thoát của đạo Phật. Như vậy đức Phật mới nhắc nhở chúng ta nhớ đừng quên phải chăm lo tu về trí tuệ.
Tu về trí tuệ không phải là ở chỗ học hỏi cho thông suốt tam tạng thánh điển hay có nhiều cấp bằng Tiến sĩ mà chỉ là người biết sống và giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt, luôn luôn lúc nào cũng thấy sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt. Chính người tu sĩ và cư sĩ biết giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, đó là người trí tuệ, người trí tuệ là người biết sống đời sống ly dục, ly ác pháp, sống đời sống ly dục ly ác pháp tức là đã nhập Bất Động Tâm. Ngược lại, người có cấp bằng cao và thông suốt tam tạng thánh điển mà sống phạm giới, phá giới thì người ấy không được gọi là người có trí tuệ, theo Phật giáo thì người ấy là người vô minh, người không hiểu biết chánh kiến.
Người nhập Sơ Thiền là người sống đúng phạm hạnh của một vị tỳ kheo đệ tử của đức Phật, người ấy không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật, người ấy sống ba y một bát, ngày một bữa đi xin ăn, cuộc sống trầm lặng độc cư một mình như nước hồ mùa thu, người ấy là người phạm hạnh, bậc Trưởng Lão, Thánh Tăng; người ấy là người đức hạnh thánh thiện vì đã ly dục ly ác pháp, người ấy xứng đáng là thầy của chúng ta, vì đức Phật đã xác định: “Giới luật là thầy của các vị tỳ kheo”. Vì thế người nào sống đúng giới luật là thầy của chúng ta dù người đó chỉ là một vị Sa Di, một cư sĩ, còn ngược lại dù vị đó là một vị tỳ kheo Thượng Tọa, Hòa Thượng có hạ lạp cao, có học thức rộng, thông suốt tam tạng kinh điển mà giới luật không nghiêm chỉnh thì không phải là thầy của chúng ta.
Như trên đã nói tu về trí tuệ, tức là tu về giới luật, tu về giới luật tức là tu về thiền định, như vậy tu về thiền định tức là tu về trí tuệ, chứ không phải thiền định chăn trâu, kiến tánh thành Phật, đốn ngộ tiệm tu, hay là tham công án, tham thoại đầu, phình xẹp Minh Sát hoặc luyện bùa, niệm chú, tụng kinh, niệm Lục Tự Di Đà v. v. . mà có thiền định.
Từ giới hạnh là trí tuệ, từ trí tuệ là giới hạnh, đó là giai đoạn tu tập trí tuệ thứ nhất về giới luật của đạo Phật mà tất cả các vị tu sĩ Phật giáo, không phân biệt tỳ kheo tăng, ni và cư sĩ, tất cả đều phải lấy giới luật làm thầy, vì giới luật là trí tuệ của người tu sĩ Phật giáo.
Khi tu tập ở giai đoạn thứ hai trí tuệ là thiền định, thiền định là trí tuệ, từ trí tuệ là thiền định, thiền định là trí tuệ đó là giai đoạn tu tập trí tuệ thứ hai về giới, định, tuệ của đạoPhật. Trong kinh SONADANDAđức Phật đã dạy: “. . . Vị ấy chứng và trú Sơ Thiền… chứng và trúđệ Nhị Thiền… đệ Tam Thiền… chứng và trú đệ Tứ Thiền… Này Bà La Môn như vậy là trí tuệ”. (Trường Bộ kinh tập I trang 223).
Ở đây chúng ta thấy đức Phật đã xác định rõ ràng: “giới luật là trí tuệ, là thiền định; thiền định là giới luật, là trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới luật, có thiền định; người có giới luật nhất định có trí tuệ, có thiền định; người có thiền định nhất định có giới luật và có trí tuệ”. Đạo Phật tu tập như vậy, nên đức Phật mới nhắc nhở chúng ta, nhớ đừng quên, phải lo tu về trí tuệ. Người nhập Sơ thiền là người sống đúng phạm hạnh của một vị tỳ kheo đệ tử của đức Phật, người ấy không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật.
Tu về trí tuệ, tức là tu về giới luật, tu về giới luật, tức là tu về thiền định, như vậy tu về thiền định, tức là tu về trí tuệ, chứ không phải là thứ thiền định Chăn trâu, Kiến tánh thành Phật, Đốn ngộ tiệm tu, hay là Tham công án, Thoại đầu hoặc luyện bùa, niệm chú, tụngkinh, niệm Lục Tự Di Đà, v. v. . mà có thiền định.
Từ đó, chúng ta suy ra, lời dạy trên đây của đức Phật, chúng ta biết mình phải tu trí tuệ, tức là tu giới luật và Tứ Thánh Định. Tứ Thánh Định là trí tuệ của đạo Phật, nếu người khôngnhập được TứThánh Định thì không thể gọi là trí tuệ về thiền định.
Chúng ta học được những điều rất hay về trí tuệ của đạo Phật. Mới vào đạo, chúng ta học trí tuệ về giới luật. Sau khi trí tuệ về giới luật thành tựu, ta làm chủ được tâm ta, tức là ta đã ly dục, ly ác pháp, ta đã ly dục, ly ác pháp là tâm ta bất động trước các pháp và các cảm thọ.
Khi tâm ta ly dục, ly ác pháp là tâm ta đã thanh tịnh, từ đây, ta tiếp tục tu tập trí tuệ về thiền định. Sau khi trí tuệ về thiền định thành tựu, ta làm chủ được thân ta, tức là ta làm chủ được già, bịnh, chết do ta tịnh chỉ các hành trong thân.
Khi ta thành tựu trí tuệ thiền định xong, ta tiếp tục tu tập trí tuệ về Tam Minh. Sau khi trí tuệ Tam Minh thành tựu, chúng ta chấm dứt nguyên nhân tái sanh luân hồi, tức là ta chỉ còn có một đời sống này mà thôi.
Trong kinh Sonadanda dạy: “Tâm hướng đến tri kiến. . . Này Bà La Môn như vậy là trí tuệ” (Trường Bộ kinh tập I trang 223). Đoạn kinh này đức Phật dạy: “Tam Minh là trí tuệ, trí tuệ là Tam Minh, người có trí tuệ, tức là có Tam Minh, người có Tam Minh, tức là có trí tuệ”. Đây là trí tuệ vô lậu, người có trí tuệ này, là người đã đi suốt quảng đường của đạo Phật “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa” (Trường Bộ kinh tập I, trong kinh Sa Môn Quả trang 155).
Đây là ba giai đoạn tu tập trí tuệ của đạo Phật, bằng lộ trình “Giới, Định, Tuệ”, ngoài lộ trình này, không bao giờ còn có một lộ trình nào khác nữa, để tìm tu có trí tuệ giải thoát.
Trưởng lão Thích Thông Lạc