Tượng Thần Mặt Trời |
Theo từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học: thần tượng là người được tôn thờ và thần thánh hóa như một vị thần.
Thần tượng trong lĩnh vực xã hội
Không biết tự khi nào từ ngữ này xuất hiện tại Việt Nam và do đâu nó trở thành phổ biến đến thế. Từ ngữ này đã gây nên một thảm họa cho giới trẻ khi dám bỏ tất cả để đi theo và bảo vệ thần tượng của mình. Thậm chí có những người thần thánh hóa thần tượng đến mức hôn lên cả chỗ ngồi của thần tượng. Hôn thôi chưa đủ mà còn muốn phẫu thuật để mình giống thần tượng từ ngoại hình đến cách ứng xử. Bi đát hơn còn có người dám quyên sinh nếu bị ngăn cản không cho gặp thần tượng. Quả là tai họa!
Tai họa ấy còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi truyền thông qua các chương trình thực tế như Việt Nam Idol. Idol chẳng là thần tượng thì là gì. Thậm chí, có những chương trình song ca cùng thần tượng, ở đó người ta bắt trước và làm sao trở nên càng giống thần tượng càng tốt. Cơ khổ cần lao An Nam bị truyền thông xỏ mũi và biến mình trở thành bản sao của một ai đó chứ không phải là chính mình. Ấy thế, nó vẫn phát triển rầm rầm không chút nghi ngại của những người hữu trách, hỏi sao văn hóa không xuống cấp.
Văn hóa xuống cấp bởi vì con người, đặc biệt người trẻ không còn nhận biết mình là ai. Nếu dừng lại ở mức khâm phục như vùng quê thì những người được xem là thần tượng kia tốt lắm bởi nó là động lực thúc đẩy người trẻ tiến lên. Tiến lên chứ không phải tiến tới thần tượng. Tiến lên vì con người cần phát triển và cần chọn lọc. Tiến tới thì con người trở thành nô lệ và phụ thuộc đồng thời đóng khung đối tượng được coi là thần tượng. Và một lúc nào đó thần tượng đúng là tượng thần.
Thứ tượng thần khiến người ta xì xụp bái lạy, sùng bái một cách vô thức và vô duyên. Ở Việt Nam đã có biết bao thần tượng như thế do cơ chế tạo nên. Có những thần tượng đã phá hỏng non sông gấm vóc này. Thần tượng không phải do cá nhân tạo nên nhưng do một chủ trương, một quy trình. Quy trình nghiêm ngặt tới mức, ai dám động đến thần tượng đều là kẻ thoái hóa và biến chất. Thật nguy cho một xã hội rớt vào sùng bái cá nhân. Ngẫm lại mới thấy các bạn trẻ Hồng Kông, tuy nhỏ nhưng trưởng thành khi muốn tránh sự sùng bái và thần thánh hóa cá nhân trong cuộc cách mạng dù. Thật phúc cho giới trẻ Hồng Kông vì sớm được giáo dục và lớn lên trong bầu khí đó.
Thần tượng trong nơi bầu khí tôn giáo
Bầu khí của sự tự do và trưởng thành ấy đáng lẽ phải tràn ngập nơi các tín đồ tông giáo vì thần linh luôn đem đến cho con người sự giải thoát. Nhưng không, nhiều người đi dự lễ hay chùa chiền đơn giản chỉ vì vị đó thuyết giảng hay hơn là đến gặp gỡ thần linh. Thành thử, với lối nhìn đó, họ cũng giống như ngoài đời bám theo thần tượng là ông cha ông thầy nào đó. Một khi thần tượng sụp đổ thì phải tìm cho ra thần tượng khác hoặc hoặc ra sức chống phá. Đơn giản vì đó là những vị thần do chính họ tạo ra.
Những vị thần do chính họ tạo ra đôi khi chẳng phải ông cha ông thầy nào đó nhưng lại là một ông bà tượng thần. Rất nhiều người xì xụp khấn vái, bái lạy trước thần tượng để ước mong được điều này điều kia theo sở nguyện. Đành rằng điều đó không sai nhưng, bức tượng kia đâu phải thần linh. Thần linh là những gì mà bức tượng kia là trung gian con người cần phải vượt qua để gặp gỡ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn đóng khung vị thần vào trong bức tượng nên mới có chuyện xin không được thì đập phá, nguyền rủa ảnh tượng. Thực ra, thần của họ chính là tiền tài danh vọng hay một thứ gì đó do họ tạo ra chứ không phải mối tương quan của sự sống. Đối với họ vị thần kia đơn giản chỉ là tượng thần.
Thế đó, chuyện thần tượng chẳng phải chỉ là chuyện người đời nhưng còn là chuyện của các tôn giáo. Đến lúc cần có cái nhìn khác đi và phải trưởng thành hơn để vượt qua hình tượng. Vượt qua hình tượng để tiến tới một cuộc gặp gỡ đích thực trong cuộc sống. Một cuộc gặp gỡ trong tự do và tình yêu, dù đó là bầu khí xã hội hay tông giáo. Điều này khởi đi từ giáo dục, một nền giáo dục giúp con người trưởng thành và tự chủ từ các vấn đề chính trị xã hội hay niềm tin tôn giáo. Một nền giáo dục giúp ta đập bỏ đi những thần tượng hay tượng thần cản trở sự phát triển của con người.
Viết tới đây, tôi nhớ tới câu nói của Nietzsche: "Chúa đã chết, Chúa vẫn chết, và chính chúng ta đã giết ngài" (Gott ist tot! Gott bleibt tot! Und wir haben ihn getötet). Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cũng phải tự ra tay giết chết thiên chúa, thần tượng do mình tạo ra để gặp được Thiên Chúa thực sự cho dù rất đau đớn! Một Thiên Chúa đem đến sự thật để giải thoát chúng ta. (xc. Ga 8, 32)