Ăn xó mó niêu!

Trong sự giáo dục và văn hóa của mọi con người và mọi dân tộc “cái ăn”, cũng như “cái tình” là quan trọng nhất, bởi lẽ cả hai cái đều thuộc dục vọng ở cơ quan nằm thấp nhất.

Ăn thuộc miệng. Miệng nằm thấp nhất trên khuôn mặt. Tình ái thuộc thận – bộ phận nội tạng nằm thấp nhất cơ thể. Tuy vậy, cái ăn thuộc đầu vào, lại ở trên đầu thuộc thượng tầng kiến trúc, nơi nhiều lúc quan trọng hơn hẳn “cái tình”.

Bởi lẽ, cái ăn bày ra trước mắt mọi người, đòi hỏi văn hóa cộng đồng, trong khi đó “cái tình” như thế nào là chuyện kín ở trong màn the, thế này hay thế nọ, phụ thuộc vào đôi tình nhân, nhiều hơn là văn hóa cộng đồng.

Nết ăn, cũng như mọi dục vọng thể hiện trên miệng là cách tố cáo một con người nhiều nhất, là “sang” hay “hèn”. Người Việt có câu:

Miệng kẻ sang có gang có thép/Đồ kẻ khó vừa nhọ vừa thâm

Và người Việt cũng nói: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, nghĩa là ăn ở giữa làng, là người được mời ăn theo địa vị và lý do cách công khai. Ăn như vậy là ăn đàng hoàng, quang minh, chính đại, miếng ăn có cả ý nghĩa xã hội.

Trái lại, người Việt cũng chỉ ra cách “ăn xó mó niêu” là cách ăn của những con ở, hay kiểu “ăn từ trong bếp ăn ra” là kiểu ăn vụng của đầu bếp.

Người phương Tây rất chú trọng đến việc giáo dục ăn uống. Như khi đến nhà ai, mình phải đến đúng giờ, chờ chủ nhà chỉ chỗ ngồi của mình, rồi cụng chén, thắt khăn ăn, tay phải cầm dao, tay trái cầm dĩa, ăn đến đâu cắt ra đến đấy, chứ không cắt liền một lúc cho tiện.

Vậy mà người Việt thì sao, một cách chính thức, thì mạnh nhà nào, nhà ấy dạy theo cung cách riêng, không có một quy củ nào mang tính đại chúng cả. Kìa xem, nhiều cô cậu sinh viên hẳn hoi đứng ở cửa hàng cơm bụi, vừa gọi thức ăn vừa đưa tay nhón một miếng dưa hay một con cá nhỏ cho vào miệng. Thật chẳng có quy củ văn hóa gì cả.

Người ta bảo: “Ăn từ trong bếp ăn ra” đã xấu, đằng này giữa nơi phố đông, trước mắt mọi người, diễn ngay cảnh “ăn từ nhà ra phố” thì còn xuống cấp cỡ nào.

Nhiều người khi ăn có những tật xấu sau: Cầm đũa nói chuyện, múa cả đũa vào mặt người khác, vừa cầm đũa vừa cầm muôi cùng một tay – để múc canh thế là kềnh càng ra khắp cả mâm, khi ăn chấm nước mắm không hứng bát vãi lung tung, rồi có người sau khi chấm vào nước mắm, sợ rỏ lung tung lại chấm ngược lại vào các thức ăn khác (việc này rất quan trọng, vì khi ăn, người Việt thường dùng chung các đĩa thức ăn, đồ chấm, không như người Tây, mỗi người ăn riêng một đĩa) khiến người ăn chung mâm thấy mất ngon.

Có một lần tôi đi ăn ở một khách sạn sang trọng, có một vài người Việt, học vấn đã qua đại học hẳn hoi, cổ thắt cà vạt, vậy mà khi ăn, mấy anh này cứ ném xương xuống gầm bàn. Trong khi đó, ở khách sạn đã trải khăn bàn cho ta cứ việc bỏ các thứ lên bàn, khi dọn họ cuốn khăn đi là xong.

Nhiều người Việt có tật, xấu hổ trước cả những gì mình nhè ra, họ vất xương xuống gầm bàn như thể họ chưa từng ăn, hoặc là để xương sang chỗ người khác với lý do “để một chỗ cho tiện, cho sạch”. Thật buồn cười, đến cái xương mình nhè ra cũng phải lấy cớ dồn sang người khác.

Ăn vứt xuống gầm bàn ở khắp nơi dường như là một đặc tính của người Việt. Không chỉ các quán ăn trong nước, theo nhiều bài báo được biết, để nhận ra các quán ăn của người Việt ở nước ngoài, rất dễ, vì người ta vứt giấy tóe tung trên sàn nhà.

Thật là một nghịch lý, người Việt tiếc nền nhà đến độ lau sạch như giường để bước chân trần vào, trong khi đó đến những nơi không phải nhà mình thì thoải mái xả rác xuống. Trái lại người phương Tây chẳng coi nền nhà là gì, vậy mà ở bất cứ đâu họ cũng chẳng đang tâm vứt rác xuống nền nhà.

Ăn uống rất hệ trọng, người Việt bảo “Miếng ăn là miếng nhục”. Nhục khi ăn không chỉ là lý do ăn, mà nếu không biết ăn có văn hóa, miếng ăn cũng trở thành nặng nề ô trọc.

Previous Post
Next Post