Chức vụ không đồng nghĩa với tiến bộ của nhân loại!

Vì quan coi giữ cửa công đường, nắm cán cân công lý xét xử mọi việc, nhưng nếu xử phải ra phải, trái ra trái, cứ “thẳng mực tầu đau lòng thước” mà làm thì quan kiếm chác được gì, vì thế dân chúng bảo:

Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ
Lễ vào quan như than vào lò.

Ở đời những kẻ xấu như ăn cắp, ăn cướp, lừa đảo, tham nhũng, là những kẻ vừa kiếm chác được, chúng luôn sẵn sàng dùng tiền mua chuộc quan để chạy tội, còn dân nghèo lấy dân ra tiền để mong quan nới tay nghiêng cán cân công lý về phía mình? Năm ngoái thôi toà án Hà Nội xét xử vụ đua xe con đâm chết một cháu gái học sinh giỏi toàn quốc tam phiên tứ hồi mà chẳng thành, hồ sơ vụ án đã bị bóp méo nhiều, mấy kẻ đua xe kia là con ông cháu cha, sẵn quyền, sẵn tiền, rửng mỡ rượt đuổi nhau trên đường, khiến cho cháu gái đi học về không kịp tránh phải trở thành nạn nhân, còn gia đình cháu thấy vụ của cháu bị xét xử qua loa, đâm đơn kiện lên kiện xuống...

Dân tình còn nói: “Con kiến kiện củ khoai”, tức là, việc kiện củ khoai kia nó như thứ vô tri vô giác không động cựa làm gì cả. Có rất nhiều vụ oan khuất ở huyện không giải quyết, dân bèn đâm đơn lên tỉnh, tỉnh lại gửi trả đơn về cho huyện, huyện bèn cho ngăn kéo, sự việc đâu vẫn nằm đó; dân bèn đâm đơn lên trung ương, trung ương lại gửi về cho tỉnh giải quyết, tỉnh lại gửi về cho huyện, huyện lại cho thêm vào ngăn kéo, thế là thành “kiện củ khoai”. Vì vậy dân chúng nói:

Vô phúc đáo tụng đình
Tụng đình rình vô phúc

Có nghĩa là, chỉ có vô phúc mới gặp phải chuyện kiện tụng, chứ hy vọng gì được gặp công lý; và kiện tụng cũng chỉ nhắm những kẻ vô phúc để kiếm chác thôi, chứ nhằm nhò công lý làm gì để mà sạch túi?

Các quan ở cao hơn người ư? Người ta thấy các quan cũng cạnh tranh - đố kỵ – bon chen nhau ghê lắm:

Trâu buộc thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn quần dài

Và, các quan so đo nhau cái cảnh ở trên người nhưng vẫn ở dưới cấp trên:

Văn thì cửu phẩm đã sang
Võ thì tứ phẩm còn mang gươm hầu

Các quan nhiều cả lương, nhiều cả bổng lộc, nhưng xem ra các ngài keo kiệt lắm, vì hình như các ngài chỉ quen nhìn người dưới cống tiến cho mình, mà không quen cảnh mình chịu bỏ tiền ra cống nạp người khác:

Quan văn mất một đồng tiền
Xem bằng quan võ mất quyền quận công

Và quan ở trên cao, chưa hẳn ngài đã cúi xuống để nâng đỡ người dân bé mọn, mà ngài cúi xuống để vơ vét tằm tăm bông bống:

Trẻ chẳng tha già chẳng thương
Cóc, nhái, ễnh ương chấp chi nhặt nhạnh

Người dân tả cái cảnh mua quan bán chức như sau:

Đàn ông quan tắt thì cầy
Đàn bà quan tắt nửa ngày lên quan

Quan tắt là sao? Hẳn không phải là cách tiến bộ từ từ nhanh dần đều, cao dần lên, mà là “đi tắt đón đầu”, vụt một cái có khi như Cao Cầu chỉ là kẻ đá cầu mà trở thành tể tướng, còn trong cuộc sống có rất nhiều kẻ chỉ diễn màn nịnh bợ, phẩm chất làm việc không bày tỏ, chỉ thể hiện những việc hầu hạ, như thấy sếp ốm thì lăn vào bưng bô đổ vịt hầu hạ, không từ nan việc gì, thế là sếp mang ơn, và cũng thích có kẻ trung thành đến mức ấy, nên sếp liền xếp cho thăng quan tiến chức ngay khi nào có cơ hội.

Lịch sử Việt Nam cũng có những tấm gương đẹp, như hai tướng Dã Tượng và Yết Kiêu xuất thân là nô bộc cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên, xét đến công lao khá lớn của hai vị tướng này, Hưng Đạo Vương muốn phong chức quan cho hai ông. Dã Tượng và Yết Kiêu liền thưa: Chúng thần chỉ xuất thân nô bộc, muốn làm quan trị vì trăm họ thì phải học hành, nên bọn thần nếu được thưởng công thì chỉ xin ruộng đất, chứ không dám làm quan. Tấm gương kiểu đó, liệu mấy người theo được?

Hay là cậy chỗ thân quen, hay con ông cháu cha, cứ thế nhảy đại lên ghế quan, làm được việc hay không mặc kệ, miễn là được chễm chệ ngồi trên kẻ khác? Đàn ông quan tắt thì cày, nghĩa là, muốn đi tắt thành quan cũng phải hao người tốn của lắm, chầy chật mãi mới mong lọt vào cặp mắt thiên vị của quan trên, giống một vụ án mua quan ở Trung Quốc mà chúng ta đã đề cập, vị quan lớn mắc tội mua chức quan thổ lộ rằng: tôi lấy tiền mua quan của người khác giống như tôi đã phải bỏ bao nhiêu tiền để mua đến chức quan này. Còn đàn bà quan tắt thì chỉ mất có nửa ngày. Vì sao vậy? Vì chị ta chỉ cần cậy cào vốn tự có, lả lơi mời chào quan, và chỉ chờ quan rước lên kiệu là thành bà quan. Lịch sử có không ít gái điếm đã thành quan bà cách nhanh chóng.

Thành quan bà, đâu các ả chỉ chịu hưởng vinh hoa phú quí, mà còn chành chọe hờn dỗi đòi nhảy vào chính sự, khiến cho trăm họ mắc cảnh dở khóc dở cười. Giống một câu ca dao, người dân phải chịu cả những cảnh ngang ngược nhất, vua muốn sao thì ra lệnh vậy, ngay ở Trung Quốc trong thế kỷ XX, chính quyền còn có lệnh giết chim sẻ, hay công nghiệp hoá toàn dân, nhà nhà nấu gang, biến cả quốc gia thành một xưởng nấu gang thủ công khổng lồ, lửa cháy, lò nung được thắp lên ở khắp nơi, tai nạn xảy ra không thể nào đếm xuể, còn ở ta đã từng có lệnh:

Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải lột quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.

Vua quan nhiều khi không chỉ ra những lệnh kỳ cục, mục đích ra lệnh cho oai hơn là thực thi hiệu qủa. Hơn thế vua quan còn dấy lên cả những nạn binh đao vô lý, theo cách người Trung Quốc nói “lấy máu nhuộm mũ ô sa”. Nghĩa là gì? Mũ cũng chỉ là một thứ vải, hay nguyên liệu nào đó, cần phải nhuộm bằng phẩm màu, nhưng đó chỉ là những thứ mũ bình thường mà mũ ô sa của vua quan cần được nhuộm bằng máu của binh lính và dân chúng để trở thành chiếc mũ của quyền lực. Khi vua Tự Đức xây cung Vạn Niên để vui thú, dồn bao binh lính, dân chúng, thợ thuyền đến làm phu phen, bao tiền của để trang trí xa xỉ, dân bèn làm ca dao rằng:

Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân

Quan lại có quyền, người có quyền thường cậy quyền cậy thế ức hiếm dân chúng, ngay hiện tại chúng ta được chứng kiến thói hạch sách, cửa quyền, quan liêu của những thứ quan lại mới, có những thứ xin chứng chỉ thôi, cả chục lần không xong, cần một cái dấu công chứng mà xếp hàng vòng trong vòng ngoài dăm lần bảy lượt không xong.

Quan cậy quyền không chỉ trong việc kiện tụng, vơ vét của công, của dân thành của riêng, mà quan còn cậy quyền để ức hiếp đàn bà con gái để thoả vui cho mình. Thời đại mới nạn lạm dụng tình dục văn phòng xảy ra khá phổ biến, đó là kiểu cấp trên cậy quyền thế ức hiếp mấy cô thư ký, có những ông giám đốc ức hiếp gần như tất cả con gái trong công ty, nói chung các cô lần lượt bị sếp kiểm duyệt từ áo ngoài đến tận đồ lót bên trong, nhưng các cô vẫn chẳng dám kêu, vì cả gan kêu thì bị đuổi việc. Vì thế từ xưa dân chúng đã than rằng:

Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con thôi.

Tại sao lại cả ba bộ đồng tình làm việc đó, vì “lòng vả như lòng sung” bộ nào cũng cậy quyền muốn “ăn” cả nên đành phải đồng tình bao che chạy tội cho nhau thôi. Dân gian còn có câu hát tỉ mỉ hơn, cảnh các quan ức hiếp gái nhà lành :

Em là con gái đồng trinh
Em đi bán rượu qua dinh ông nghè
Ông nghè sai lính ra ve
Trăm lậy ông nghè, tôi đã có con
Có con thì mặc có con
Thắt lưng cho giòn, theo võng cho mau

Làm quan sướng thật! Tiện lợi như vậy ai chẳng muốn làm quan? Đi dọc đường cái quan thấy cô nào lọt mắt liền ra lệnh “đi theo ta về nhà"!.

Ngày nay có vô số các kiểu hưởng lạc tiện lợi chẳng kém gì các quan hiện đại, nào quan khu vực, quan văn hoá kiểm tra các nhà hàng và các quán ka-ra-ô-kê, các quan vào nhà hàng nào thôi thì cả chủ lẫn các em mắt xanh mỏ đỏ phải tận tâm –tận xác phục vụ lả lướt cho chu đáo, mỗi anh có vài em kèm cặp, rượu tây, thức nhắm cứ bưng lên và khi rút lui người khác phải trả tiền, chứ các anh thì “ăn chơi cho là quí lắm rồi!” Rút cục các anh cũng e hèm cho vài lời khuyên giúp đỡ “này kín đáo vào kẻo chết cả nút bây giờ” hoặc “cẩn thận đấy tháng sau sẽ có kiểm tra!” Chủ quán liền rập đầu: “Các anh dạy phải lắm, thỉnh thoảng các anh qua chơi có gì chỉ bảo giúp đỡ bọn em kinh doanh, cả hai cùng có lợi”.

Có quyền thì cậy quyền, các quan đua nhau cậy quyền trục lợi trên miệng túi, trục lạc trên giới tính, nên có câu ca dao rằng :

Đẻ đứa con trai
Chẳng biết nó giống ai
Cái mặt thì giống ông cai
Cái đầu ông xã, cái tai ông trùm

Quan giỏi cậy quyền, dân chúng đã khổ lắm rồi vì cứ nai lưng, “nai” cả vợ con ra để phục vụ quan, đã thế quan đi đâu lại cứ đòi phải cờ giong trống mở, tiền hô hậu ủng cả đoàn thong dong, làm cho trăm họ càng thêm mệt. Đặc biệt, thời mới, có rất nhiều đoàn quan lại đi thăm địa phương, cơ quan, hay hội chợ nào, còn lên tiếng báo trước cho nơi đến cả tháng trời, để cấp dưới dày công chuẩn bị đón tiếp linh đình, còn chuẩn bị quà hay phong bì biếu xén.

Mỗi dịp tết đến, người ta thường thấy các quan ở phía Bắc dồn dập vào thăm phía Nam, dân bảo đó là họ đi ăn tết, thôi thì nhân dịp năm hết tết đến đó, quà cáp phong bì cứ thoả sức tung hoành, anh chịu khó cầm thêm cái này, ráng sức cầm thêm cái kia, “của nhà trồng được”, “cây nhà lá vườn mà”. Có những xí nghiệp đón cấp trên làm việc xong liền nói: “Giờ đến lúc đi ăn trưa, cơ quan em không lo được việc đó, vì đây là cơ sở sản xuất chứ không phải nhà hàng, vậy các anh cầm giúp cái phong bì nhỏ này tự túc đi ăn trưa hộ”. Ra đến cổng, mở phong bì ra, có khi vài trăm đô la, thậm chí cả vài ngàn đô la... thật là một bữa nhiều chất đạm nhất trên đời!. Cảnh các quan đi đâu thì lo bòn rút, hạch sách, làm khổ cấp dưới, nên nhân dân từ xưa đã có thái độ:

Quan có cần nhưng dân chưa vội
Quan có vội, quan lội quan sang

Hoặc là:

Sang chơi thì cứ mà sang
Đừng bắt dọn đàng mà nhọc lòng dân

Trong chương này, chúng ta đặc biệt tham chiếu vào ca dao nhiều hơn hẳn các chương khác, bởi lẽ, ca dao xét theo chiều kích phổ biến của đời sống là phán xét có tính công lý nhiều hơn của dân chúng được tích lũy từ đời này qua đời khác. Hình ảnh quan lại, sự thật về quan lại, và nhận định của dân về quan lại hiện lên đầy đủ hơn và rõ nét hơn, nó cũng thuyết phục chúng ta nhiều hơn, nhanh hơn, thậm chí công lý hơn.

Đặc điểm chính của quan lại là gì? Có thể nói đặc điểm xuyên suốt và sống còn là “nói một đằng làm một nẻo”. Bởi thế nhân gian thường nói về vua quan như sau: “Đừng nghe người ta nói, hãy xem việc người ta làm!” Tại sao đặc điểm này lại xuyên suốt và sống còn? Vì làm quan ắt hẳn phải có đức cao vọng trọng thì mới được dân chúng tin tưởng. Dân chúng có tin tưởng thì địa vị mới vững vàng, chẳng có vua quan nào muốn, hôm nay vừa lên ngôi, ngày mai phải thoái vị. Muốn có đức cao vọng trọng thì vua quan phải sống gương mẫu, tận tuỵ trong công việc, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của mọi người. Nhưng làm lớn hơn thiên hạ mà phải sống khổ sở hơn mọi người thì làm quan để làm gì?

Đó là mâu thuẫn cả nghìn năm nay chẳng thể nào hoá giải, vậy thì chỉ còn cách: bề ngoài thì phun châu nhả ngọc nói những lời hay ý đẹp để làm hài lòng mọi người, thậm chí hứa hẹn, sẵn sàng hứa hẹn liên tục để nuôi ảo tưởng cho trăm họ, để mọi người tin tưởng mà tín nhiệm chiếc ghế của mình, khi ghế đã vững rồi thì mới an nhiên tận hưởng những thú vui từ tiền bạc đến gái đẹp mà quyền hành mang lại. Lo lót mua chức quan trên ư? Đã có tiền chùa! Ăn uống nhậu nhẹt xa xỉ ư? Đã có tiền chùa! Lên xe xuống ngựa loại xa hoa hết cỡ ư? Đã có tiền chùa! Ngày ngày đi mát- xa, ngủ có dịch vụ làm sướng toàn thân kể cả giới tính ư? Đã có tiền chùa! Bởi thế mà từ xưa dân gian đã bảo:

Trống chùa ai đánh thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng

Trong trường hợp nói ngon dỗ ngọt nhiều lần mà không thực hiện, dân mất tín nhiệm muốn bãi bỏ thì sao? Quyền hành trong tay ông! Lính tráng trong tay ông! Lập pháp, hành pháp, cả tư pháp ở trong tay ông! Ông muốn thế nào nên thế! Đứa nào không nghe, ông ra tay trừng phạt, nào quân đội, nào nhà tù, nào lưu đầy, nào ám sát...xem đứa nào dám ho he, vì thế mà dân chúng bảo: quan trên thường “nói lấy được”, nói phải- là phải, nói trái- là trái, nói thế nào nên thế ấy.

Trong lịch sử Trung Quốc, có một ông vua muốn thử lòng trung thành của thuộc hạ liền đem một con chó vào giữa triều đình, sau đó vua bảo: “nó là con dê”. Đám cận thần nhìn nhau một thoáng rồi cũng đồng thanh bảo: “nó là con dê”. Đấy cận thần là những đám quan lại cao nhất triều đình còn sợ hãi đến vậy, nhìn thấy con chó rõ rành rành, vẫn buộc phải nói thành con dê, thử hỏi dân chúng thấp cổ bé họng thì còn bị sai khiến thế nào?

Bên trên nói: “mùa xuân chưa đến tức thì mùa xuân chưa đến”, mặc dù múi giờ của Việt Nam chỉ cách múi giờ của Trung Quốc chưa đầy hai giờ, mà cấp trên bảo; mùa xuân của ta phải đến chậm một tháng, lập tức dân chúng ăn tết chậm một tháng. Đến sang năm, tết của ta lại về cùng với xuân bên Tầu, thì chẳng phải chứng minh gì cả, vì là: mùa xuân về thì cứ tự nó về. Vậy đấy, lúc thì xuân phải về theo ý định của cấp trên, lúc thì xuân lại về theo luật càn khôn, chung quy lại: xuân có thể về theo miệng cấp trên. Vì thế người dân mới bảo: “Muốn nói oan làm quan mà nói”.

Và còn nói rằng: “Miệng quan chôn trẻ”. Đứa trẻ vì thần kinh của nó chưa khôn, thôi thì nó bạ lúc nào bĩnh ra ngoài lúc ấy. Còn quan thì sao? Quan đi đâu, gặp ai, đều bạ đâu hứa đó; đến lúc người ta vặn hỏi; thì quan bạ đâu giải thích đó; đến lúc người ta không tin, quan bạ đâu nói lấy được ở đó, bắt người ta phải tin cho kỳ được giống chuyện bên trên: đưa ra con chó bắt nói thành dê; và làm xấu lè lè bắt người ta phải tin đó là điều tốt. Sau chiến tranh, hai bên tham chiến đều trống rong cờ mở loan tin thắng trận, phía khoe đã tiến hành xong cuộc tấn công cục bộ, rút lui thông đồng bén giọt, phía lại khoe đã đuổi được lính nước nọ chạy về bên kia biên giới. Thật là cuộc chiến thắng hy hữu trong lịch sử, cả hai bên đều chiến thắng.

Giống hai kẻ đánh bạc, đánh xong, đều khoe mình thắng, khoe túi mình đầy thêm tiền kiếm được, nghe thật ngộ nghĩnh, vì cả hai bên đều thắng thì lấy ra ai thua? Phía này, cấp trên liền tổ chức cho mọi cấp học về sự kiện: Chính quyền đã cảnh giác từ lâu, biết trước âm mưu của đối phương, nên đã chủ động chống đỡ và chiến thắng. Mọi người dân hãy học và găm giữ “sự thật” đó vào đầu! Than ôi, nếu đó là sự thật thì nó tồn tại hiển nhiên cần gì bắt mọi người phải học để biết đó là “sự thật”?

Làm quan không chỉ có khẩu ngôn tuỳ tiện hứa hẹn bất kể lúc nào, giải thích bất cứ điều gì có lợi cho mình, như Hitler đã tuyên bố rằng: chúng ta hãy tuyên truyền, tuyên truyền nhiều đến mức ngay cả những điều phi lý nhất cũng trở thành hiện thực. Trong các cuộc chiến tranh cũng vậy, nó được tuyên truyền nhiều đến mức cả thế giới hoang mang không hiểu ai là kẻ chiến thắng, nếu thấy kẻ chiến thắng tức là phía bên kia là người chiến bại.

Để củng cố chiếc ghế quan lại, người ta còn phải kéo bè kéo cánh, phát bổng lộc cho nhiều thuộc hạ và bà con họ hàng để tạo ra chân móng càng rộng càng tốt, càng nhiều người chịu ơn mình càng hay, người Việt có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Là người cùng bè cánh hay trong họ, thì cho dù yếu kém thiểu năng cũng đều được cất nhắc, vì “dùng người trung thành tốt hơn dùng người tài giỏi”. Như vậy, trong đời sống chính trị người ta nhìn thấy nhiều sự câu kết có đi có lại không khác gì các băng nhóm du thủ du thực.

Xem các phim dã sử của Trung Quốc, có lẽ không phim nào chúng ta không thấy các cảnh “kết nghĩa huynh đệ”. Vừa quen nhau được bài buổi người ta liền cắt máu ăn thề : “Dù sinh không cùng năm, nhưng nguyện cùng chết – cùng ngày, cùng tháng, cùng năm”. Tức là người ra sẵn sàng hy sinh vô điều kiện bất kể phải - trái cho nhau. Một trong những câu chuyện kết nghĩa làm chính trị rất nổi tiếng mà rất nhiều người trong chúng ta biết đó là chuyện kết nghĩa vườn đào của ba người: Lưu – Quan – Trương, tức Lưu Bị, Quan Vân Trường, và Trương Phi; nhằm hợp sức nhau lại đòi lấy lại vương quyền cho nhà Hán.

Các triết gia nói rằng, cách tụ bè kết đảng là cánh của những kẻ yếu ớt tụ tập nhau lại để đi qua bóng đêm và sa mạc. Đặc biệt trong chiến tranh hay thời loạn, cảnh kết nghĩa anh em hoặc uống máu ăn thề để liên kết nhau rất được ưa dùng, bởi lẽ đó là cách liên kết thành thế lực. Mà chính trị có thể nói đó là nghệ thuật của các thế lực, lại cần đến việc liên kết nhau hơn bao giờ hết.

Và các triết gia cũng nói rằng: chỉ là tội khi nó thuộc về một cá nhân nào đó. Cũng nói rằng: trách nhiệm chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà thôi, còn tập thể thì chẳng có trách nhiệm. Hai cách nói đó chỉ là một ý, nghĩa là: người ta chỉ có thể quy trách nhiệm cho một cá nhân, trên cơ sở đó xác định anh ta có tội hay không? Trái lại: nếu trách nhiệm đó thuộc về một tập thể, kể cả tội giết người hàng loạt cũng chẳng thể qui tội cho một ai đó, vì trách nhiệm đó đã hoà tan và lẩn trốn trong nhiều cá nhân. Các nhà xã hội học ở Trung Quốc còn nói: trong thời bình kẻ giết người là tội nhân, nhưng trong chiến tranh chẳng những nó không bị qui tội mà còn được trao cả huy chương anh hùng.

Từ xưa đến nay, từ phong kiến đến thời hiện đại, hình thức cấu kết đám đông để làm chính trị cũng như lẩn trốn trách nhiệm cụ thể của mỗi cá nhân là một hình thức xuyên suốt phổ biến. Thời phong kiến, cha truyền con nối, các dòng họ tập hợp quyền lực theo huyết thống gia đình. Tất cả cam kết giữ gìn chính thể cho các vương gia, từ anh em, đến vợ con, và các cháu – chút – chít, chính thể còn thì các gia đình vương tôn còn, vì thế các vương gia phải cùng nhau hợp sức bảo vệ chính thể đó cho dù nó có hủ bại đến đâu đi nữa - bởi lẽ: chính thể đó là quyền lợi của họ cũng như cả gia tộc. Ngày nay, khi chính thể đã chuyển từ tay các vương gia đến tay các chính phủ cộng hoà, thì là lúc các thế lực câu kết thành đảng phái hòng tạo ra sức mạnh ưu thế để nắm giữ chính quyền. Họ ra sức biến độc tài gia đình thành độc tài đảng phái, củng cố, gìn giữ, tăng trưởng cho đảng của mình làm sao đủ sức thâu tóm chính quyền trong tay. Và đảng còn thì đảng viên còn, còn theo cách ưu tiên nhất – có được chính quyền để muốn làm gì cũng được.

Tính cấu kết của đảng phái càng cao thì càng hạ thấp trách nhiệm của mỗi cá nhân, càng hạ xuống nhiều hơn khả năng tinh hoa của họ, giống một đám người băng qua sa mạc mà mỗi cá nhân đều yên chí rằng ta là người dũng cảm, và một toán người phạm tội ác nhưng mỗi tên lại nghĩ tội ác này không phải do ta làm. Bởi thế mà nhà tư tưởng nổi tiếng của Mỹ Thoreau cho rằng: Nhà nước – tức nơi tập trung mọi quyền lực cao nhất có tính chất tập đoàn chỉ liên quan đến những gì tầm thường nhất của mỗi công dân, mà không thể liên quan đến cái gì tinh tuý nhất của con người.

Giới cầm quyền ư? Họ thấy người đi đường vứt rác thì phạt vi cảnh, thấy người tốt trong phường xóm thì tặng giấy khen, nhưng làm sao có thể hưởng ứng những ý kiến đóng góp vĩ đại cho dân cho nước, mà thậm chí họ liền qui chụp đó là tội phản loạn. Ở Việt Nam, vài chục năm trước, có một cán bộ cao cấp của tỉnh Vĩnh Phúc, nghĩ ra cách để nông dân có trách nhiệm cày cấy trên mảnh ruộng của họ thì hãy thực hiện khoán ruộng vào tay họ, thế là ông ta bị qui chụp tội phá hoại mô hình hợp tác xã xã hội chủ nghĩa, bị cách chức (vấn đề quan hệ giữ quyền lực Nhà nước và cá nhân chúng ta sẽ bàn kỹ hơn ở chương sau).

Cấu kết thành băng nhóm hay đảng phái có tính chất đồng nhất chung, như triệt tiêu giá trị cá nhân nhắm đến sức mạnh của số đông, ỷ quyền số đông tiến hành các hành động như ám sát, trả thù kích động, ép buộc người khác. Ngay cả nhiều đảng mệnh danh cách mạng, lịch sử cho thấy, mở đầu họ cũng mở những đường dây buôn lậu ma tuý xuyên biên giới, dùng tiền lời mua vũ khí.

Trích chương III, Kỳ 9, Chuyên luận Quan Phẩm và Nhân Phẩm
Xem thêm: Thứ tư duy “đặc quyền- đặc lợi” tồi tệ, đáng hổ thẹn

Previous Post
Next Post