"Ðời sống mong manh, chết là điều chắc chắn" Ðó là câu châm ngôn nổi tiếng trong Phật Giáo. Biết rõ Chết mong manh và là một hiện tượng tự nhiên mà mọi người phải đương đầu, chúng ta không nên sợ cái chết. Nhưng tất cả chúng ta đều sợ chết vì không nghĩ về điều không tránh được. Chúng ta thích bám víu vào đời sống, vào xác thân và phát triển quá nhiều tham dục và luyến ái.
Một đứa trẻ ra đời đem niềm vui
và hạnh phúc cho những người gần gũi và thân thiết. Dù người mẹ đau đớn cùng
cực lúc sanh nhưng vẫn vui mừng và thích thú. Người mẹ cảm thấy được đền bù
xứng đáng sau nhiều khó khăn và đau đớn.
Tuy nhiên, đứa trẻ lọt lòng ra đã
khóc hình như nó muốn nói ra nó cũng phải chịu đau khổ của kiếp làm người. Ðứa
trẻ lớn lên thành một thanh niên rồi trưởng thành, tạo hàng loạt hành vi thiện
và bất thiện. Rồi nó trở nên già nua và cuối cùng từ giã cõi đời này bỏ lại bạn
bè và thân quyến buồn đau: cuộc sống của một con người là thế đấy. Con người cố
gắng tránh thoát nanh vuốt của tử thần nhưng không một ai có thể thoát khỏi.
Ðến lúc chết gần kề, đầu óc liên
tưởng đến của cải tích lũy, và lo sợ quá đáng về những đứa con thân yêu thân
cận, và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, con người lo lắng quá sức
về xác thân của chính mình mặc dù chăm sóc chu đáo và cẩn trọng nhưng nay đã
suy nhược, kiệt quệ và tan rã. Thật đau đớn khi phải xa lìa xác thân. Không thể
chịu đựng được nhưng không thể tránh nổi. Ðó là tâm trạng của mọi người khi từ
giã cõi đời này với than van và rên rỉ. Sự đau đớn về cái chết thật khủng
khiếp, đó là một thái độ phát xuất bởi vô minh.
Con người bị lo âu không phải vì
ngoại cảnh mà vì niềm tin và tưởng tượng về đời sống và mọi thứ của mình. Cái
chết, chẳng hạn, tự nó không khủng khiếp: Khiếp sợ và kinh hãi chỉ do tâm trí
chúng ta tưởng tượng mà ra. Với những kẻ không dám đối đầu với thực tại, khổ
đau thật sự khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Nhưng nếu chúng ta biết
đương đầu với sự thật, nó sẽ làm dịu bớt hay loại trừ cái khủng khiếp của sự sợ
hãi.
Ðời sống ví như viên đạn lao
thẳng tới mục tiêu tức cái chết. Nhận thức được như vậy, chúng ta phải can đảm
trực diện với hiện tượng tự nhiên này. Muốn được tự do trong đời sống, chúng ta
phải không sợ chết. Hãy nhớ lại khoa học dạy ta thế nào về tiến trình của cái
chết? Nó chỉ là sự xói mòn sinh lý của cơ thể con người. Chúng ta đừng sợ hãi
và tưởng tượng hay tiên đoán về những sự khủng khiếp không bao giờ đến cả. Một
thầy thuốc nổi tiếng Sir William Oslet nói như sau: "Trong kinh nghiệm hành nghề lâu năm của tôi, tôi thấy hầu hết những
người chết thực sự không đau đớn và sợ hãi"
Một trợ y lão thành cho biết: "Hình như thảm kịch lớn nhất đối với
tôi là mọi người suốt đời bị nỗi sợ chết ám ảnh. Khi chết đến, ta thấy nó cũng
tự nhiên như bản chất cuộc sống. Chỉ có rất ít người sợ chết khi đã sống trọn
cuộc đời. Trong tất cả kinh nghiệm tôi đã trải qua, tôi chỉ thấy có một người
có vẻ sợ hãi - một phụ nữ đã làm điều dữ cho người chị nay đã quá trễ để hối
cải".
"Một điều lạ lùng và đẹp đẽ sẽ đến dù là nam hay nữ khi họ đã sống
trọn đời. Tất cả mọi sợ hãi, hãi hùng đều biến mất. Tôi thường ngắm tia sáng
bình minh hạnh phúc trong ánh mắt họ khi họ nhận thức điều đó là sự thật. Ðó là
tất cả ân huệ của Tạo Hóa."
Vì tham sống nên sự sợ chết được
hình thành một cách thiếu tự nhiên. Nó tạo lo âu mạnh mẽ trong đời sống đến nỗi
làm con người không bao giờ dám mạo hiểm làm điều gì dù đó là lẽ phải. Người đó
sống trong sợ hãi lo lắng về bệnh tật và các tai nạn có thể xẩy ra cướp mất
mạng sống quý giá của mình. Nhận thức được cái chết là điều không tránh nổi, kẻ
yêu đời trần thế sẽ đắm trong nhiệt thành cầu nguyện với niềm hy vọng linh hồn
sẽ được lên thiên đàng. Không một ai có thể hạnh phúc giữa cơn lốc của sợ hãi
thấp hèn lo lắng như vậy.
Nhưng thật khó có thể coi thường
hay không lưu ý đến những bộc phát tự nhiên của bản năng để tự bảo vệ. Tuy
nhiên có một phương pháp để vượt qua sự sợ hãi này. Hãy quên đi quan niệm về
cái 'tôi'; hãy đem tình thương phục vụ nhân loại và tỏ tình thương với người
khác. Say mê phục vụ tha nhân, chẳng bao lâu bạn sẽ tự mình thoát khỏi cái tự
kỷ luyến ái nặng nề, mơ ước, kiêu căng, và tự tôn.
Thật là một nghịch lý khi chúng
ta thấy cái chết đã cướp đi biết bao sinh mạng của nhân loại nhưng chúng ta ít
khi nghĩ đến cái ý tưởng đó là chúng ta cũng thế, trước sau cũng trở thành nạn
nhân của tử thần. Vì quá luyến ái cuộc đời, chúng ta không muốn mang trong lòng
tư tưởng yếu đuối, nhưng thực tế cái chết là một sự thực hiển nhiên.
Chúng ta muốn đặt ý nghĩ khiếp sợ
đó càng xa càng tốt và tự lừa dối mình rằng chết là một điều xa vời, một điều
không cần phải lo lắng. Chúng ta phải có đủ can đảm để đương đầu với sự thật
ấy. Chúng ta phải sẵn sàng trực diện với sự thực này. Chết là điều có thật.
Chết là một sự thực. Nếu chúng ta nhận thức được như vậy, và biết rằng cái chết
không tránh khỏi, chúng ta hãy coi nó như một sự bình thường chứ không phải là
một biến cố khiếp đảm, để khi nó đến, chúng ta sẽ có thể đương đấu với nó một
cách bình tĩnh, can đảm và tự tin.
Biết rằng một ngày nào đó, cái
chết sẽ cướp mạng sống của chúng ta, chúng ta phải bình tĩnh, can đảm và tự tin
để làm tròn nhiệm vụ và trách nhiệm với gia đình. Chúng ta không nên chần chừ.
Những việc gì có thể làm được hôm nay, đừng để đến ngày mai.
Chúng ta không nên phí phạm thì
giờ và nên sống một cách hữu ích. Những bổn phận đối với vợ, chồng, và con cái
phải được thi hành đúng lúc. Ðể tránh gây khó khăn và phức tạp cho gia đình do
sự cẩu thả, chúng ta đừng chờ đợi đến lúc cuối cùng mới viết di chúc. Cái chết
có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào - nó không chờ đợi ai cả. Chúng ta nên
trực diện với cái cùng tột này với can đảm và trầm tĩnh.
Chúng ta phải cố gắng hiểu rằng
mọi việc trong vũ trụ này đều mong manh. Cuộc sống chỉ là ảo giác hay ảo tưởng.
Khi ta phân tách mọi thứ bằng khoa học hay triết lý, không ham muốn vị kỷ, cuối
cùng chúng ta không thấy gì cả mà chỉ là hư không.
Hòa Thượng K. Sri Dhammananda
Thích Tâm Quang dịch