Sinh hoạt vị ngã

Tôi nghĩ rằng phần đông chúng ta đều ý thức rằng chúng ta đã được thuyết phục dưới mọi hình thức, được thuyết giải đủ điều để chống lại những sinh hoạt vị ngã.

Những tôn giáo đã cố gắng đủ cách để thuyết phục con người gạt bỏ sinh hoạt thường xuyên xuất phát từ tâm điểm của cái ‘tôi’, những tôn giáo đã dùng mọi hình thức để làm việc này, như hứa hẹn ở kiếp sau, hăm dọa, gây sợ hãi về chuyện địa ngục, kiêng kỵ cấm đoán đủ điều, nhưng thế mà tôn giáo vẫn thất bại, và khi tôn giáo đã thất bại thì những đoàn thể chính trị lại thay phiên làm việc ấy, với mọi đường lối thuyết phục nữa, với niềm hy vọng vào một thứ không tưởng tối thượng nào đó: đủ mọi hình thức lập pháp, từ hình thức giới hạn cho đến cực đoan, kể cả những trại tập trung, đã được thi hành cưỡng chế để chống lại bất cứ hình thức chống đối nào.

Thế mà chúng ta vẫn tiếp diễn sinh hoạt vị ngã của chúng ta, dường như đây là sinh hoạt hành động duy nhất mà chúng ta quen thuộc. Nếu chúng ta có nghĩ đến nó đi nữa, chúng ta cố gắng sửa đổi nó; nếu chúng ta ý thức về nó, chúng ta cố gắng thay đổi sự diễn biến của nó; nhưng tận căn rễ sâu thẳm vẫn chẳng có gì là chuyển biến thực sự, không có sự chấm dứt căn rễ về sinh hoạt ấy. Những kẻ trầm tư chín chắn ý thức được sự kiện này; đồng thời họ cũng ý thức rằng khi sinh hoạt từ tâm điểm đã ngừng lại thì chỉ có lúc ấy mới có thể có được hạnh phúc.

Phần đông chúng ta cho rằng sinh hoạt vị ngã là một điều tự nhiên, không có gì đáng thắc mắc, rằng hành động hậu quả của sinh hoạt vị ngã là một điều không thể nào tránh được, do đó, hành động ấy chỉ có thể sửa đổi, châm chước, uốn nắn và kiểm soát lại thôi. Tuy thế, những kẻ nào có suy nghĩ hơn, đứng đắn chín chắn hơn, trang chỉnh hơn, chứ không cần phải thành thực – bởi vì sự thành thực chỉ là một cách tự lường gạt – thì những kẻ ấy phải tìm hiểu xem rằng có thể nào vượt qua, vượt trên mọi sự, khi đã ý thức được về toàn thể tiến trình kỳ lạ của sinh hoạt vị ngã.

Muốn hiểu được bản chất của sinh hoạt vị ngã, hiển nhiên mình phải khảo sát nó, ngắm nhìn nó, ý thức về trọn vẹn tiến trình. Nếu mình có thể ý thức được về nó, mới mong có cơ giải tan nó; nhưng muốn ý thức về nó, mình phải cần đạt tới một mức độ giao cảm nào đó, một chủ định nào đó để đối mặt với sự thể trong trạng thái hiện thể của nó, chứ không phải chỉ tìm cách giải thích bóp méo sự thực, không phải châm chước sửa đổi, không phải phê phán lên án sự thể.

Chúng ta phải ý thức về những gì chúng ta đang làm, về tất cả hành động sinh hoạt xuất phát từ tâm thái vị ngã; chúng ta phải ý thức về tâm thái này. Điều khó khăn nhất, đối với chúng ta, là mỗi khi ý thức được về sinh hoạt vị ngã này, chúng ta lại muốn uốn nắn nó, chúng ta muốn kiểm soát, lên án hoặc sửa chữa, thế là chúng ta ít khi có khả năng nhìn trực tiếp vào chính sinh hoạt ấy. Khi chúng ta làm được như vậy, ít người có khả năng hiểu biết mình làm gì.

Chúng ta ý thức rằng những sinh hoạt vị ngã đều nguy hại, đều tác hại, có tính cách phá hoại, và tất cả hình thức của tinh thần đồng hóa – như đồng hóa với một đất nước, với một đoàn thể đặc biệt nào đó, với sự tìm kiếm một kết quả nào đó ở đây hoặc ở kiếp sau suy tôn một ý tưởng, đeo đuổi một thí dụ, hun đúc một đức tính, vân vân – thực ra đều là sinh hoạt của một cá nhân vị ngã. Tất cả tương giao của chúng ta; với thiên nhiên, với con người, với những ý tưởng, đều là hậu quả của sinh hoạt ấy. Khi hiểu được mọi sự như thế, mình phải làm gì? Tất cả sinh hoạt đại loại như vậy đều phải chấm dứt một cách có ý thức – chứ không phải bị cưỡng ép, không phải do ảnh hưởng, không phải bị hướng dẫn.

Phần đông chúng ta đều ý thức rằng sinh hoạt vị ngã tạo ra sự gian dối hiểm ác và sự hỗn loạn hỗn mang, nhưng chúng ta chỉ ý thức điều này trong một vài đường hướng thôi. Hoặc là chúng ta quan sát điều ấy ở người khác và không biết đến những sinh hoạt của chính mình hoặc quan sát sinh hoạt vị ngã của chính mình qua tương giao với kẻ khác, chúng ta muốn biến chuyển, muốn tìm cách thay thế, muốn vượt qua.

Trước khi có thể đối trị với vấn đề, chúng ta phải biết cách thành hình của tiến trình này, phải thế không? Muốn hiểu bất cứ điều gì, chúng ta phải biết ngắm nhìn nó, và muốn ngắm nhìn nó, chúng ta phải biết những sinh hoạt đa dạng ở nhiều cấp độ khác nhau, ý thức cũng như vô thức – những chiều hướng chỉ định ý thức, cùng những sự vận hành vị ngã của những động lực và ý lực vô thức của chúng ta.

Tôi chỉ ý thức về sinh hoạt của cái ‘tôi’ khi tôi chống đối, khi ý thức bị trở ngại, khi cái ‘tôi’ muốn đạt tới một kết quả, phải thế không? Hoặc tôi ý thức về tâm điểm ấy khi cơn khoái cảm chấm dứt và tôi muốn có thêm nhiều khoái cảm nữa; lúc ấy mới xuất hiện sự chống đối và sự hun đúc ý thức với một chủ đích nhất định khả dĩ đem đến cho tôi sự sảng khoái, sự thỏa mãn; tôi ý thức về tự thể và về những sinh hoạt của tôi khi tôi đeo đuổi nhân đức một cách có ý thức.

Tức nhiên một kẻ đeo đuổi nhân đức một cách có ý thức không phải là kẻ có đức hạnh. Người ta không thể theo đuổi tôi luyện lòng khiêm tốn, và đó mới chính là vẻ đẹp tuyệt vời của lòng khiêm tốn. Tiến trình vị ngã là kết quả của thời gian, phải thế không? Khi mà tâm điểm của sinh hoạt này còn hiện hữu bất cứ ở đâu, dù ý thức hay vô thức thì sự vận hành của thời gian vẫn còn đó và tôi ý thức về quá khứ và hiện tại cùng lúc với tương lai.

Sinh hoạt vị ngã của cái ‘tôi’ là một tiến trình thời gian. Chính trí nhớ đã khiến cho có sự liên tục với sinh hoạt của tâm điểm, tức là cái ‘tôi’. Nếu các bạn tự ngắm nhìn bản thân và ý thức về tâm điểm sinh hoạt này, các bạn sẽ thấy rằng đó chỉ là tiến trình của thời gian, của trí nhớ, của hiện nghiệm và của sự diễn dịch tất cả mọi kinh nghiệm qui thuận theo ký ức; các bạn cũng sẽ thấy rằng sinh hoạt vị ngã là sự tri nhận, tức là tiến trình của tâm thức.

Tâm thức có thể nào thoát ra ngoài tất cả mọi sự này? Việc ấy có thể thực hiện trong những khoảnh khắc hy hữu; việc ấy có thể xảy đến cho nhiều người trong chúng ta, mỗi khi chúng ta làm một tác động vô thức, không mục đích; nhưng tâm thức có thể nào tự do hoàn toàn, thoát ra ngoài sinh hoạt vị ngã?

Đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng đặt trước chúng ta, bởi vì ngay trong việc đặt một câu hỏi như vậy, các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời. Nếu các bạn ý thức về toàn thể tiến trình của sinh hoạt vị ngã, hoàn toàn lĩnh hội về sinh hoạt của nó trong những cấp độ khác nhau của ý thức các bạn, lúc ấy nhất định các bạn phải tự hỏi tìm hiểu xem sinh hoạt ấy có thể nào chấm dứt được không.

Có thể nào suy tư không dùng phạm trù thời gian, không suy tư qua phạm trù của lý tưởng tương lai, qua phạm trù của quá khứ và qua phạm trù của hiện tại? Vì suy tư qua những phạm trù ấy, trọn vẹn tiến trình sinh hoạt vị ngã sẽ khởi phát, rồi cũng khởi phát luôn cả chủ định muốn trở thành một cái gì đó, chủ định muốn lựa chọn giản trạch và muốn trốn tránh thoát ly, tất cả mọi sự này là một tiến trình thời gian. Trong tiến trình này, chúng ta tìm thấy bao nhiêu là gian dối hiểm độc, cơn khốn cùng, sự hỗn loạn, méo mó, sa đọa, suy đốn.

Nhất định tiến trình thời gian không có gì là cách mạng cả. Trong tiến trình thời gian không có sự biến chuyển toàn triệt; đó chỉ là sự tiếp diễn liên tục, không có sự chấm dứt mà chỉ có sự tự nhận. Chỉ khi nào chấm dứt được toàn triệt trọn vẹn tiến trình thời gian, chấm dứt trọn vẹn sinh hoạt vị ngã, thì mới thực hiện được một cuộc cách mạng, một sự biến chuyển tận căn để, sự hiện thể của một thực tại mới lạ.

Khi ý thức được toàn thể tiến trình của cái ‘tôi’ trong sinh hoạt vị ngã của nó, tâm trí phải làm gì? Thực tại mới lạ chỉ xuất hiện khi nào có sự thay đổi mới toàn triệt, sự phục sinh toàn triệt, chỉ khi nào có cuộc cách mạng triệt để - cách mạng, chứ không phải phát triển, tiến triển, chứ không phải diễn trình thành đạt của cái ‘tôi’ mà phải là chấm dứt toàn triệt mọi sinh hoạt của cái ‘tôi’. Tiến trình thời gian không thể đem lại sự mới lạ; thời gian không là lối đi của sáng tạo.

Tôi không biết có ai trong các bạn đã trải qua khoảnh khắc sáng tạo. Tôi không nói đến việc thể hiện sự kiến thể nào đó trong hành động; tôi chỉ muốn nói đến giây phút sáng tạo, khi không còn biết sự tri nhận nào nữa. Trong giây phút sáng tạo ấy, trạng thái tuyệt vời ấy, không còn cái ‘tôi’ vận hành nữa, sự vận hành của bản ngã qua sự tri nhận đã chấm dứt toàn triệt.

Nếu chúng ta ý thức được rõ ràng, chúng ta sẽ thấy rằng trong trạng thái ấy, không còn kẻ thể nghiệm để nhớ, diễn dịch, tri nhận, rồi đồng hóa, không có tiến trình tư tưởng, tức là tiến trình thuộc về thời gian. Trong trạng thái sáng tạo ấy, trạng thái tạo tác thực tại mới lạ, tức là phi thời gian, không còn hiện hữu bất cứ hành động nào của bản ngã, của cái ‘tôi’ nữa.

Nhất định vấn đề của chúng ta là: tâm trí có thể nào đạt tới trạng thái ấy, không phải chỉ trong khoảnh khắc, không phải chỉ những giây phút hy hữu, nhưng phải đạt tới trạng thái ấy mà không còn quan thiết gì với thời gian nữa? Tôi không muốn dùng những chữ như ‘mãi mãi ‘ hoặc ‘trường tồn ‘, vì những chữ này có ngụ ý về thời gian. Đạt tới trạng thái phi thời gian là một sự khám phá quan trọng mà mỗi người trong chúng ta phải thực hiện vì đó là ngưỡng cửa đưa đến tình yêu; còn tất cả những ngưỡng cửa khác chỉ là những sinh hoạt của bản ngã.

Ở đâu có tác động của bản ngã, ở đó không thể nào có tình yêu được. Tình yêu không thuộc về thời gian – các bạn không thể rèn luyện thực hành tình yêu được. Nếu các bạn tập luyện thực hành tình yêu thì lúc ấy sự rèn luyện thực hành đó chỉ là sinh hoạt có ý thức tự ngã về cái ‘tôi’, tức là bản ngã mong muốn đạt một kết quả nào đó qua trung gian của tình yêu, tình thương.

Tình yêu, tình thương không thuộc về thời gian; các bạn không thể tình cờ đạt tới tình thương qua bất cứ sự nỗ lực nào có ý thức; qua bất cứ kỷ luật nào, qua bất cứ sự đồng hóa nào, tất cả những thứ này đều là tiến trình của thời gian. Vì chỉ biết tiến trình thời gian thôi, cho nên tâm trí không thể nào tri nhận tình yêu. Tình yêu, tình thương là điều duy nhất luôn luôn mới lạ.

Bởi vì hầu hết chúng ta đều tôi luyện tâm trí, tức là kết quả của thời gian, cho nên chúng ta không biết được thực tính của tình yêu. Chúng ta đều nói về tình yêu; chúng ta nói rằng chúng ta yêu con người, rằng chúng ta yêu con cái chúng ta, yêu vợ, yêu láng giềng, rằng chúng ta yêu thiên nhiên; nhưng mỗi khi chúng ta ý thức rằng chúng ta đang yêu thì sinh hoạt vị ngã lại thành hình; do đó, tình yêu không còn là tình yêu nữa.

Mình chỉ có thể hiểu được trọn vẹn tiến trình tâm trí qua tương giao – tương giao với thiên nhiên, với con người, với những sự phóng ngoại riêng tư của tâm trí, với tất cả mọi sự chung quanh chúng ta. Đời sống chẳng qua chỉ là tương quan, tương giao. Mặc dù chúng ta có thể cố gắng tự cô lập hóa mình, trốn tránh tất cả mọi tương giao, nhưng chúng ta không thể nào hiện hữu được nếu không có liên hệ nào với đời sống. Dù tương giao với đời sống có đau đớn đi nữa, chúng ta không thể trốn tránh tương giao ấy – bằng cách cô lập hóa, bằng việc trở thành một ẩn sĩ, vân vân.

Tất cả những phương sách này đều bày tỏ sinh hoạt của bản ngã. Khi nhìn thấy trọn vẹn hình ảnh này khi ý thức toàn thể tiến trình thời gian như là ý thức, không chọn lựa giản trạch, không có chủ định hữu ý hữu đích, không có lòng khát khao muốn đạt tới bất cứ kết quả nào thì các bạn sẽ thấy rằng tiến trình thời gian này chấm dứt một cách tự nhiên, chứ không bị dẫn khởi, không là kết quả của lòng thèm khát. Chỉ khi nào tiến trình ấy chấm dứt thì tình yêu mới hiện hữu, tức là điều mới lạ, vĩnh viễn mới lạ được thể hiện.

Chúng ta không cần phải tìm kiếm chân lý – chân lý không phải là một sự thể gì cách biệt ở đằng xa – chân lý là chân lý về tâm trí, chân lý về những sinh hoạt của tâm trí từng giây phút một, từ giây phút này đến giây phút khác. Nếu chúng ta ý thức về chân lý trong từng giây phút một, ý thức về toàn thể tiến trình của thời gian, chính tri kiến ấy giải phóng ý thức hoặc tinh lực, tức là sự thông suốt minh mẫn, tình thương, tình yêu.

Khi mà tâm trí còn dùng ý thức như là sinh hoạt vị ngã thì thời gian xuất hiện với tất cả nỗi khốn cùng điêu đứng, với tất cả sự xung đột, tất cả sự gian dối nham hiểm, với tất cả những sự đánh lừa tất định của thời gian; chỉ khi nào tâm trí chấm dứt, lúc tâm trí hiểu được trọn vẹn tiến trình này thì tình yêu mới có thể hiện hữu.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 1 - Chương 19: Sinh hoạt vị ngã
Previous Post
Next Post