Về tương giao

Hỏi: Ngài thường nói về tương giao, nhưng đối với Ngài, tương giao có nghĩa là gì?

Krishnamurti: Trước tiên hết, không có cái gì gọi là biệt lập cả. Ở đời là liên hệ với mọi sự, không có liên hệ tương giao thì không có sự hiện hữu. Đối với chúng ta, tương giao có nghĩa là gì? Đó là sự thách thức và đáp ứng liên giao giữa hai người, giữa các bạn và tôi, bạn ném ra sự thách thức và tôi đón nhận sự thách thức ấy hoặc tôi đáp ứng sự thách thức ấy; đồng thời tôi cũng quăng ném ra sự thách thức cho các bạn.

Sự tương quan giữa hai người tạo ra xã hội; xã hội không đứng riêng biệt bên ngoài các bạn và tôi; đám đông quần chúng không là một thực thể ly khai riêng biệt, nhưng chính các bạn và tôi trong tương quan của chúng ta đối với nhau đã tạo ra đám đông quần chúng, đoàn thể, xã hội. Sự tương quan là sự trực thức về hỗ tương liên hệ giữa hai người. Tương giao kia thường được xây dựng trên nền tảng nào?

Có phải nó thường được xây dựng trên sự viên dung liên kết, sự giúp đỡ hỗ tương? Ít nhất, chúng ta cho rằng đó là sự tương trợ tương thân, vân vân, nhưng trong thực tế, bên ngoài lời lẽ ngôn từ, bên ngoài bức màn tình cảm mà chúng ta ném cho nhau qua lại, tương giao kia thực sự đã được đặt trên căn bản nào? Phải chăng trên sự thỏa mãn hỗ tương? Nếu tôi không làm vui lòng bạn, bạn bỏ rơi tôi; nếu tôi làm vui lòng bạn, bạn chấp nhận tôi như vợ bạn hoặc như người láng giềng của bạn hoặc như bạn của bạn. Đó là sự kiện dễ thấy.

Gia đình, bạn gọi gia đình là gì? Hiển nhiên đó là tương giao thâm thiết, tương giao thâm cảm. Trong gia đình bạn, trong mối tương giao của bạn với vợ bạn, với chồng bạn, có giao cảm trong mối tương giao ấy không? Nhất định đó là điều chúng ta muốn nói trong tương giao, phải thế không?

Tương giao có nghĩa là giao cảm, đồng điệu, thanh ứng khí cầu, tâm đầu ý hợp mà không có sự sợ hãi nào cả, được tự do phóng khoáng hiểu biết lẫn nhau, giao tiếp, trao đổi chia sẻ, thông đạt một cách trực tiếp. Cố nhiên tương giao có nghĩa là đồng điệu tâm ý với người khác. Bạn có thế không? Bạn có thông cảm, tâm đầu ý hợp với vợ bạn? Có lẽ bạn thông cảm trên bình diện thân xác, nhưng đó không phải là tương giao.

Bạn và vợ bạn sống mỗi người mỗi bên đối nghịch bị chắn ngang bởi bức tường quạnh quẽ cô lập, có phải thế không chứ? Bạn có những sự truy cầu đeo đuổi, những tham vọng của bạn và cô ấy thì có những truy cầu tham vọng của cô ấy. Bạn sống đằng sau bức tường và thỉnh thoảng nhìn qua đầu tường ngó qua bên kia – và bạn gọi đó là tương giao quan thiết. Đó là một sự kiện, phải thế không? Bạn có thể phóng đại sự kiện ấy, thoa dịu, dùng nhiều lời lẽ đẹp đẽ để diễn tả sự kiện ấy nhưng đó vẫn là sự kiện – nghĩa là bạn và kẻ khác kia đều sống trong tâm trạng cô lập quạnh quẽ, và nàng gọi đời sống cô quạnh kia là tương giao quan thiết.

Khi có tương giao thực thụ giữa hai người, nghĩa là chỉ có sự đồng tâm ý, sự giao cảm giữa hai người thì sự kiện này mang nhiều ngụ nghĩa phong phú. Lúc ấy, không còn sự cô lập nữa; chỉ có tình thương và không có trách nhiệm hay bổn phận. Chỉ có những kẻ bị cô lập đàng sau bức tường ngăn cách mới nói đến bổn phận và trách nhiệm. Một người thương yêu không nói về trách nhiệm – hắn thương yêu thôi. Do đó, hắn chia sẻ với người khác niềm vui, nỗi buồn, tiền bạc.

Gia đình của các bạn có thế không? Bạn có giao cảm trực tiếp với vợ bạn, với con cái bạn? Cố nhiên là không. Vì thế gia đình chỉ là một cớ để duy trì tên tuổi hoặc truyền thống của bạn, ban cho bạn những điều bạn muốn, về phương diện tình dục hay tâm lý, thế là gia đình trở nên một phương tiện duy trì bản thân, duy trì dòng họ tên tuổi bạn. Đó là hình thức của sự bất tử và trường cửu. Gia đình cũng được dùng như một phương tiện để thỏa mãn mình.

Tôi lợi dụng khai thác những kẻ khác một cách tàn nhẫn trong thương trường doanh nghiệp, trong chính trường hay trong xã hội, nhưng về nhà tôi lại cố gắng nhân từ, rộng lượng, hiền hòa. Thực là phi lý! Hoặc tôi không thể sống nổi với thế giới bên ngoài, tôi muốn được thanh bình bên trong, cho nên tôi rút lui về nhà, về với gia đình. Tôi cảm thấy đau đớn trong thế giới bên ngoài, và tôi về nhà, cố gắng tìm tiện nghi an ủi. Thế là tôi dùng sự tương giao như một phương tiện để thỏa mãn, nghĩa là tôi không muốn bị quấy rầy trong tương giao của tôi với người đời.

Do đó, người ta chỉ tìm tương giao để được thỏa mãn với nhau; khi bạn không tìm được thỏa mãn, bạn liền thay đổi tương giao; hoặc bạn ly dị hoặc bạn sống chung với nhau nhưng tìm thỏa mãn nơi khác hoặc bạn đi tìm từ tương giao này đến tương giao khác cho đến lúc bạn thấy được những gì bạn tìm kiếm – tức thỏa lòng thỏa mãn, và cảm giác được che chở, bảo bọc bản thân, được tiện nghi ấm cúng.

Tựu chung, đó là ý nghĩa của tương giao chúng ta ở đời, và đó là sự thực. Người ta tìm tương giao để có thể có được an ninh bảo đảm, để cá nhân mình được sống trong trạng thái an lành, trong trạng thái thỏa mãn, trong trạng thái ngu si đần độn – tất cả thứ này luôn luôn gây ra xung đột tranh chấp, phải thế không?

Nếu bạn không thỏa mãn được tôi và tôi lại đi tìm kiếm thỏa mãn thì hiển nhiên phải xảy ra xung đột tranh chấp, bởi vì chúng ta đều tìm kiếm an ninh với nhau; khi mà sự an ninh ấy trở nên bấp bênh thì bạn trở thành ghen tuông, trở thành bạo động, trở thành chiếm hữu, vân vân. Vì thế tương giao luôn luôn đưa đến kết quả là sự chiếm hữu, sự phê phán kết án, những đòi hỏi chấp hữu của bản ngã trong việc tìm kiếm sự an ninh, sự tiện nghi và sự thỏa mãn và hiển nhiên tình thương không thể nào hiện hữu trong những tâm thái như vậy.

Chúng ta nói về tình yêu, chúng ta nói về trách nhiệm, bổn phận, nhưng sự thực không có tình yêu; sự tương quan chỉ được xây dựng trên sự thỏa mãn, tác dụng của việc ấy có thể thấy được trong nền văn minh hiện nay. Trong tư cách đối xử của chúng ta với vợ, con cái, láng giềng, bạn bè là điều chứng tỏ rằng thực sự không có tình thương gì cả trong mối tương giao của chúng ta.

Đó chỉ là chung nhau tìm kiếm sự thỏa mãn. Vì sự kiện như thế, mục đích của tương giao là gì? Ý nghĩa tối thượng của tương giao là gì? Nếu bạn tự quan sát mình trong tương giao với những kẻ khác, bạn có thấy rằng tương giao chỉ là một tiến trình mở bày bản thân? Có phải sự tiếp xúc của tôi với bạn đã hé mở trạng thái hiện thể riêng lẻ của tôi, nếu tôi đủ linh động tỉnh thức để ý thức về phản ứng riêng lẻ của tôi trong tương giao?

Sự tương giao thực ra là một tiến trình vén bày bản thân tức là một tiến trình tự tri; trong sự vén mở kia mình thấy bao nhiêu là sự việc không đẹp, những tư tưởng bất an khó chịu, những hành vi không tốt. Vì tôi không thích những gì tôi khám phá ra, cho nên tôi chạy trốn tương giao nào khó chịu đựng nổi, để tìm tương giao nào khả dĩ dễ thở, dễ chịu. Do đó, tương giao không có ý nghĩa gì đáng kể mỗi khi chúng ta chỉ tìm kiếm sự thỏa mãn hỗ tương, nhưng sự tương giao trở nên có ý nghĩa phi thường mỗi khi tương giao là một phương tiện để vén mở bản thân và tìm hiểu bản thể.

Tựu trung, không có tương giao trong tình thương, phải thế không? Chỉ khi nào bạn yêu thương và mong mỏi sự đáp trả cho tình thương của mình thì lúc ấy mới có tương giao. Khi bạn yêu thương nghĩa là khi bạn dâng hiến bản thể trọn vẹn của mình cho một đối tượng một cách hoàn toàn, toàn diện, thì lúc ấy không có tương giao nào cả.

Nếu bạn thực sự yêu thương, nếu thực sự có một tình thương như vậy, lúc ấy thực là một điều tuyệt vời. Trong tình thương như vậy không hề có sự bất hòa va chạm, không có người này người kia, mà chỉ có sự đồng nhất toàn triệt. Đó là một trạng thái nguyên tính, hiện thể toàn diện. Có những khoảnh khắc như vậy, những giây phút hy hữu, hạnh phúc, đầy niềm vui chan chứa tràn trề, khi mà có tình yêu trọn vẹn, cảm thông toàn diện. Điều thường xảy ra là tình yêu không được mình chú trọng mà chỉ chú trọng đến người yêu, đối tượng của tình yêu trở nên quan trọng, người mình yêu trở nên quan trọng, chứ không phải chính tình yêu.

Lúc ấy đối tượng của tình yêu trở nên quan trọng vì nhiều lý do khác nhau, hoặc sinh lý, ngôn từ, hoặc lòng thèm khát, muốn được thỏa mãn, muốn được thư thái tiện nghi, vân vân, khi đối tượng của tình yêu trở nên quan trọng thì tình yêu phải lùi đi. Lúc ấy sự chiếm hữu, sự ghen tuông, và những yêu sách tạo ra xung đột, và tình yêu càng lúc càng lùi xa; tình yêu càng lùi xa thì vấn đề tương quan càng mất vị thế quan trọng, giá trị và ý nghĩa. Vì thế tình yêu, tình thương là một trong những điều khó hiểu nhất. Tình yêu không thể đến do sự cưỡng bức đòi hỏi của tri thức, tình yêu không thể được tạo thành bởi những phương sách, phương tiện và kỷ luật.

Đó là một trạng thái hiện thể mỗi khi những sinh hoạt của bản ngã đã chấm dứt; nhưng những sinh hoạt của bản ngã sẽ không chấm dứt nếu bạn chỉ đàn áp những sinh hoạt ấy, cố ý lẩn tránh hoặc khắc phục những sinh hoạt ấy. Bạn phải hiểu những sinh hoạt của bản ngã trong tất cả giai tầng của ý thức. Chúng ta được trải qua những khoảnh khắc mà chúng ta thực sự yêu thương, khi không có tư tưởng, không có nguyên động lực gì cả, nhưng những khoảnh khắc như vậy thực là hiếm. Vì những giây phút như vậy quá hiếm hoi, cho nên chúng ta đeo níu bám víu vào những giây phút ấy trong trí nhớ và vì thế mới tạo ra bức rào ngăn cách giữa thực tại sống động và hành động của đời sống thường nhật.

Để hiểu được tương giao, điều quan trọng là trước tiên phải hiểu được hiện thể, những gì đang xảy ra trong thực tế đời sống chúng ta trong những hình thức tế nhị khác nhau; đồng thời cũng hiểu luôn ý nghĩa thực sự của tương giao. Tương giao là khai thị cho bản thể; chính vì chúng ta không muốn tự khai mở cho mình, cho nên chúng ta mới trốn ẩn trong tiện nghi an lạc và lúc ấy tương giao mất hết chiều sâu thẳm lạ thường, mất hết ý nghĩa quan trọng và vẻ đẹp tuyệt vời.

Chỉ có tương giao chân chính mỗi khi có tình yêu, tình thương, nhưng tình thương không phải là sự tìm kiếm điều thỏa mãn. Tình yêu, tình thương chỉ hiện hữu mỗi khi mình quên mất tự ngã, mỗi khi có sự cảm thông truyền đạt trọn vẹn, không phải giữa một hoặc hai điều, mà là cảm thông giao kết với thực tại tối thượng; việc này chỉ xảy ra khi nào mình quên mất bản ngã.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 9: Về tương giao
Previous Post
Next Post