Về sự chuyển hóa tâm thức

Hỏi: Đối với Ngài, sự chuyển hóa tâm thức có nghĩa là gì?

Krishnamurti: Cố nhiên, phải cần có một cuộc cách mạng triệt để. Cuộc khủng hoảng ở thế giới đòi hỏi điều ấy. Đời sống chúng ta đòi hỏi điều ấy. Những biến sự hàng ngày, những thao thức đeo đuổi, những lo âu xao xuyến của chúng ta, đòi hỏi điều ấy. Phải cần có một cuộc cách mạng tận nền tảng, cơ sở, tận gốc rễ, bởi vì mọi sự chung quanh ta đã sụp đổ. Dường như vẫn còn trật tự, thực ra thì sự suy đồi đang rã dần, sự phá hoại vẫn đang ăn rũa dần hồi, chầm chậm: ngọn sóng phá hoại đang thường xuyên nhảy tràn qua ngọn sóng cuộc đời.

Vì thế phải cần có một cuộc cách mạng, một sự chuyển y – không phải một cuộc cách mạng được xảy ra trên một ý tưởng, ý niệm. Một cuộc cách mạng như vậy chỉ là sự lưu diễn của ý tưởng, chứ không phải một cuộc chuyển hóa biến thiên tận gốc rễ, tận căn để. Bất cứ cuộc cách mạng nào xây dựng trên một ý tưởng đều đem đến sự đẫm máu tương tàn, phân tán, đổ vỡ, hỗn mang. Bạn không thể tạo ra trật tự từ sự hỗn mang và mong mỏi thiết lập trật tự lại từ sự hỗn mang ấy.

Bạn không phải là những phần tử được Trời chọn để tạo ra trật tự thoát từ sự hỗn mang, tán loạn. Đó là luận điệu suy tưởng sai lầm bên phía những người muốn gây ra thêm nhiều hỗn loạn để mà tạo ra sự trật tự. Vì trong khoảnh khắc nhất thời, khi họ chiếm giữ quyền hành, họ tự cho là họ biết đủ cách để đem lại trật tự.

Khi nhìn thấy toàn thể tai họa – những trận chiến tranh tiếp diễn trở đi trở lại luôn luôn: sự xung đột không dứt giữa những giai cấp, giữa những dân tộc, sự bất bình đẳng khủng khiếp về mặt xã hội và kinh tế, sự bất bình đẳng về khả năng và tài năng, hố ngăn cách đào sâu giữa những kẻ quá hạnh phúc, tâm thức trơ lỳ bất lay động, và những kẻ bị vướng kẹt nghiền nát trong căm hờn, hận thù, xung đột, tranh chấp và khốn cùng – khi nhìn thấy tất cả mọi sự này, thì cần phải có một cuộc cách mạng, cần phải có một cuộc chuyển thức toàn triệt, phải thế không?

Có phải sự chuyển thức này, cuộc cách mạng triệt để này là một việc tối hậu, xảy ra sau cùng hoặc xảy ra từ giây phút này đến giây phút khác. Tôi biết rằng chúng ta vẫn thích đó là việc xảy ra sau cùng; vì suy nghĩ qua phạm trù của khoảng cách xa xôi thì dễ dàng hơn. Sau cùng rồi chúng ta sẽ được chuyển hóa, sau cùng rồi chúng ta sẽ được hạnh phúc, sau cùng rồi chúng ta sẽ tìm thấy chân lý; trong khoảng thời gian ấy, trong thời gian chờ đợi thì chúng ta vẫn tiếp tục lưu diễn sinh hoạt cũ. Hiển nhiên một tâm thức như vậy, suy tư qua phạm trù của tương lai, thì vẫn không thể nào tác động ngay vào hiện tại; do đó, tâm trí ấy không tìm kiếm sự chuyển hóa tâm thức mà chỉ trốn tránh sự chuyển hóa ấy. Đối với chúng ta, sự chuyển hóa có nghĩa là gì?

Sự chuyển hóa không phải trong tương lai, không bao giờ có thể xảy ra trong tương lai. Sự chuyển hóa chỉ có thể xảy ra ngay bây giờ, từng giây phút một, từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Vì thế đối với chúng ta, sự chuyển hóa có nghĩa là gì? Dĩ nhiên là rất giản dị: nhìn thấy sự sai lầm như là sai lầm và sự đúng thật như là đúng thật. Nhìn thấy sự thật trong điều sai và nhìn thấy điều sai trong những gì đã được nhận như là sự thật.

Nhìn thấy điều sai như là sai và sự thật như thật là sự chuyển hóa tâm thức, vì lúc bạn thấy rõ ràng điều gì đó như là sự thật thì chính sự thật ấy giải phóng bạn; khi bạn nhìn thấy điều gì là sai lầm thì điều sai lầm ấy rơi mất đi.

Khi bạn thấy rằng những nghi lễ chỉ là sự lặp lại phù phiếm, khi bạn thấy sự thật của điều ấy và không biện minh nó thì lúc ấy sự chuyển biến hiện đến, phải thế không? Vì một sự trói buộc khác đã biến mất.

Khi bạn thấy sự phân chia giai cấp là sai lầm, rằng điều ấy đã gây ra sự xung đột thống khổ, gây ra sự phân hóa giữa loài người, khi bạn thấy sự thật của điều ấy thì chính sự thật ấy giải phóng bạn. Chính sự trực nhận về sự thật ấy đã là sự chuyển hóa, phải thế không?

Vì chúng ta bị bao vây bởi quá nhiều điều sai lầm, cho nên sự trực nhận điều sai lầm ấy từ giây phút này đến giây phút khác chính là sự chuyển hóa rồi. Chân lý không có tính cách chồng chất, tích trữ. Chân lý nằm ngay trong từng giây phút một, từng khoảnh khắc, từng thoáng chốc.

Những gì được chồng chất, tích lũy, chính là trí nhớ, và với trí nhớ, các bạn không bao giờ có thể tìm thấy chân lý, vì trí nhớ thuộc vào thời gian – và thời gian là quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian, tức là sự kế tục, thời gian không bao giờ có thể tìm thấy sự thiên thu vĩnh cửu; sự thiên thu vĩnh cửu không phải là sự kế tục. Những gì trường tồn không phải là vĩnh cửu; sự vĩnh cửu nằm ngay trong khoảnh khắc này. Sự thiên thu là ở ngay bây giờ. Hiện tính không phải là suy tưởng về quá khứ cũng không phải sự kế tục của quá khứ xuyên qua hiện tại để đi đến tương lai.

Bất cứ tâm trí nào thèm khát một cuộc chuyển hóa ở tương lai, hoặc mong mỏi sự chuyển hóa như là một cứu cánh xảy ra ở cuối đường thì không bao giờ có thể tìm thấy được chân lý, vì chân lý là sự thể thoáng hiện trong từng giây phút, chân lý phải được khám phá một cách mới lạ luôn; không thể nào có được sự khám phá bằng việc tích lũy. Làm thế nào bạn có thể khám phá điều mới lạ nếu bạn còn đeo nặng gánh cũ? Chỉ khi nào bỏ đi gánh nặng cũ kỹ của tâm thức thì bạn mới khám phá được điều mới lạ.

Muốn khám phá điều mới lạ, điều vĩnh cửu, trong hiện tại, trong từng giây phút từng khoảnh khắc, mình cần phải có một tâm trí linh hoạt mẫn tiệp lạ thường, một tâm trí không tìm kiếm một kết quả nào, không muốn trở nên thành đạt. Một tâm thức muốn trở nên thành đạt thì không bao giờ có thể biết được sự khoái cảm ngây ngất trọn vẹn của lòng tự tại; không phải sự mãn nguyện của lòng thỏa mãn tự phụ; không phải sự mãn nguyện của một kết quả đạt được mà là sự mãn nguyện hiện đến khi tâm trí thấy được điều sai trong hiện thể, trong ‘cái đang là’. Sự trực nhận về sự thật ấy là từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác; và sự trực nhận ấy sẽ bị triển hoãn lại nếu mình diễn dịch khoảnh khắc kia thành ra ngôn từ, chữ nghĩa.

Sự chuyển thức không phải là một cứu cánh, một kết quả. Sự chuyển hóa không phải là một thành quả. Sự kết quả, thành quả ngụ ý về sự cặn bã, dư tích, một nhân và một quả. Ở đâu có nhân thì nhất định ở đấy có quả. Quả chỉ là kết quả của lòng dục vọng thèm khát muốn được chuyển hóa. Khi bạn thèm muốn được chuyển hóa thì bạn vẫn còn suy tư trong phạm trù biến dịch, vô thường, thành đạt, trở nên, dịch hóa; vô thường không bao giờ có thể hiểu được sự thường còn. Chân lý là hiện tính trong từng giây phút, trong từng khoảnh khắc và sự hạnh phúc nào được lưu diễn liên tục thì không phải là hạnh phúc.

Hạnh phúc là trạng thái hiện thể, phi thời gian. Trạng thái phi thời gian ấy chỉ có thể hiện đến khi mình bất mãn cùng độ - không phải sự bất mãn cố tìm ngõ thoát để chạy trốn, mà phải là nỗi bất mãn khôn nguôi, không ngõ thoát, không chạy trốn, không còn tìm kiếm sự thành đạt, thành thân nữa. Chỉ lúc ấy, chỉ trong trạng thái bất mãn tối thượng ấy thì thực tại mới xuất hiện. Thực tại ấy không thể mua chác được, không thể bán buôn được, không thể lặp đi nhắc lại được; thực tại ấy không thể bắt gặp được trong những sách vở. Thực tại ấy phải được tìm thấy trong từng khoảnh khắc, trong nụ cười, trong giọt lệ, dưới một chiếc lá chết, trong những tư tưởng phiêu lãng bâng quơ, trong sự tràn đầy sung mãn của tình yêu.

Tình yêu không khác chân lý. Tình yêu là trạng thái mà tiến trình tư tưởng như là thời gian đã chấm dứt toàn triệt. Ở đâu có tình yêu thì ở đó có sự chuyển hóa, chuyển thức. Không có tình yêu thì sự cách mạng sẽ vô nghĩa, vì lúc ấy cách mạng chỉ là phá hoại, suy đồi, gây thêm nhiều thống khổ tràn ngập. Ở đâu có tình yêu, ở đó có cách mạng, bởi vì tình yêu là chuyển hóa trong từng giây phút.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 38: Về sự chuyển hóa tâm thức
Previous Post
Next Post