Bị cắt gốc rễ

Ở Nhật Bản người ta trồng những cây hàng bốn, năm trăm tuổi mà chỉ cao có 15cm. Họ coi đó là nghệ thuật. Điều đó đơn thuần chỉ là sự giết chóc. Hàng thế hệ người làm vườn đã kìm giữ những cây đó trong tình trạng như vậy.

Và cái cây năm trăm tuổi ấy... bạn có thể thấy cành nó dù nhỏ nhắn nhưng đã già cỗi; nó là một cụ già bé nhỏ, nhưng sự già nua của nó thể hiện qua cành, thân, lá. Để có được một cây như vậy, người ta làm thế này: họ trồng cây trong một chiếc chậu nhỏ không đáy, họ cắt rễ của nó liên tục - họ trồng nó trong chiếc chậu không có đáy. Khi rễ cây mọc dài và cố đâm xuống đất, họ lại cắt chúng đi. Họ chẳng động chạm gì đến cây cả, họ chỉ làm một việc đơn giản là cắt rễ cây đi. Và năm trăm năm qua người ta vẫn tiếp tục nối nhau làm công việc đó. Cây bonsai này có thể sống hàng ngàn năm nhưng nó sẽ không bao giờ lớn mạnh, không bao giờ khai hoa kết trái.

Toàn bộ mọi người trên khắp thế giới này cũng bị đối xử tương tự như vậy. Gốc rễ của mọi người đã bị cắt đi từ lúc mới chào đời.

Đứa trẻ nào cũng phải biết vâng lời. Bạn đang cắt đi rễ của nó. Bạn không cho nó cơ hội suy nghĩ xem nên trả lời có hay không. Bạn không cho nó tự đưa ra quyết định của chính mình. Bạn không trao cho nó trách nhiệm - bạn tước đi trách nhiệm của nó, đằng sau những từ hết sức đẹp đẽ 'biết nghe lời.' Bạn tước đi tự do của nó, tước đi cá nhân của nó, bằng một việc làm rất đơn giản - cho rằng nó chỉ là một đứa trẻ, nó chẳng biết gì. Cha mẹ mới là người quyết định, còn con cái phải tuyệt đối vâng lời. Một đứa trẻ biêt vâng lời mới là đứa trẻ đáng được trân trọng.

Thế nhưng điều đó hàm ẩn quá nhiều đến nỗi bạn đang hủy hoại hoàn toàn đứa trẻ đó. Nó sẽ lớn lên, già đi, nhưng nó không trưởng thành. Nó sẽ già đi mà không nở rộ, không đơm hoa kết trái. Nó sẽ sống, nhưng cuộc đời của nó sẽ không như một vũ điệu, không như một bài ca, không chút lý thú. Bạn đã phá hủy khả năng cơ bản để một người có thể trở thành cá nhân, đích thực, chân thành, đem lại cho người ấy một sự chính trực nhất định.

Sự vâng lời làm bạn trở nên què quặt - bạn không thể nói không, bạn buộc phải nói vâng. Nhưng khi một người không còn biết nói không nữa thì lời nói vâng của người đó cũng chẳng còn ý nghĩa gì; người đó hoạt động như một cái máy. Bạn đã biến người đó thành một con robot.

Trong thế giới này, tự do, tự tại, tự quyết định bằng nhận thức của chính mình, hành động theo ý thức của chính mình đã trở thành điều không thể. Khắp mọi nơi - trong nhà thờ, trong chùa, đền, trường phổ thông, đại học, trong gia đình - khắp nơi người ta đều buộc bạn phải vâng lời.

Mọi người chỉ thực sự là nhân loại khi điều này trở thành một nguyên tắc được chấp nhận. Thế nhưng cho đến nay, nguyên tắc được mọi người chấp nhận vẫn là phá hủy hoàn toàn một con người bằng cách biến người ấy thành tên nô lệ, dễ bảo trước mọi loại quyền lực, cắt trụi gốc rễ để tranh đấu cho tự do, tranh đấu cho cá nhân, cho bất kỳ điều gì. Lúc đó anh ta sẽ có một chút cuộc sống cho phép anh ta sống cho đến khi cái chết giải thoát cho anh ta khỏi kiếp nô lệ mà anh ta đã chấp nhận suốt cuộc đời mình. Trẻ con là nô lệ của cha mẹ; vợ là nô lệ, chồng là nô lệ, người già là nô lệ của người trẻ có quyền lực. Nhìn quanh, tất cả mọi người đều sống trong cảnh nô lệ, che giấu những vết thương đằng sau những lời lẽ đẹp đẽ.

Gốc rễ chỉ có thể khỏe mạnh nếu chúng ta dừng lại tất cả những việc mà bấy lâu nay chúng ta vẫn đang làm, và làm điều ngược lại. Mọi đứa trẻ phải có cơ hội để tư duy, suy nghĩ. Chúng ta nên giúp trẻ con gọt giũa trí thông minh của chúng. Ta nên giúp chúng bằng cách cho chúng cơ hội tự đưa ra quyết định của chính mình. Ta nên hiểu rằng không ai bị ép buộc phải vâng lời, và tất cả mọi người đều được tiếp xúc với cái đẹp và sự cao quý của tự do. Lúc đó gốc rễ mới có thể khỏe mạnh được.

Theo Osho
Previous Post
Next Post