Về những thiếu nữ và bà già

“Tại sao ngài lại lén lút lập lờ lướt đi trong buổi hoàng hôn như thế, Zarathustra? Ngài cẩn trọng giấu giếm cái gì dưới áo?

Một kho tàng người ta đã cho Ngài? Một đứa con của Ngài? Hoặc giả bây giờ Ngài lại theo con đường trộm đạo, Ngài, kẻ đánh bạn cùng những người hung tợn?”

Zarathustra trả lời:

“Hỡi người anh em, thực ra đây là một kho tàng ta đã được ban cho; cái ta đang mang giữ là một chân lý nhỏ bé.

Nhưng chân lý ấy tinh ranh như một đứa bé; nếu ta không bịt mồm nó lại, nó sẽ la hét quá to.

Hôm nay, trong khi bước đi cô đơn trên đường, vào giờ mặt trời tàn lặn, ta gặp một mụ già, mụ đã nói với tâm hồn ta như thế này:

“Zarathustra thường nói với chúng ta, những người đàn bà, nhưng Zarathustra chưa từng nói cho chúng ta nghe về đàn bà bao giờ cả”.

Ta đã trả lời: “Chỉ nên nói chuyện đàn bà cho đàn ông nghe”.

Mụ già bảo: “Ngài cũng có thể nói về đàn bà với tôi được; tôi đã đủ già để quên ngay tất cả những gì ngài nói cho tôi nghe”.

Thuận theo ước muốn của mụ già loắt choắt, ta đã nói như thế này:

“Nơi người đàn bà, tất cả đều là ẩn ngữ: nhưng ẩn ngữ bí mật ấy có một lời giải đáp: sự hoài thai.

Đàn ông là một phương tiện cho đàn bà: mục tiêu đàn bà nhắm tới luôn luôn là đứa con. Nhưng đàn bà là cái gì đối với đàn ông?

Người mang dòng máu đàn ông đích thực có hai khát vọng: sự nguy hiểm và trò chơi. Chính vì thế hắn thèm muốn nguời đàn bà như món đồ chơi nguy hiểm nhất.

Đàn ông phải được nuôi dưỡng cho chiến chinh, và đàn bà, cho sự giải trí của chiến sĩ; mọi điều khác đều là điên rồ, ngu xuẩn.

Kẻ chiến sĩ không thích những trái cây quá ngọt dịu. Chính vì thế, hắn yêu đàn bà; người đàn bà êm dịu ngọt ngào nhất vẫn hàm chứa một mùi vị đắng cay.

Đàn bà hiểu rõ trẻ con hơn đàn ông, nhưng đàn ông thì lại trẻ con hơn đàn bà.

Mọi người đàn ông xứng với tên gọi đều có ẩn giấu trong hắn một đứa bé muốn chơi đùa. Nào, đàn bà các người, hãy cố khám phá ra đứa trẻ nơi người đàn ông!

Người đàn bà phải là một món đồ chơi, thuần túy và mong manh, tựa như kim cương, tỏa rạng những đức hạnh của một thế giới hãy còn chưa xuất hiện.

Hãy làm sao cho tình yêu của ngươi tỏa rạng ánh sáng lung linh chiếu diệu của một vì sao! Hy vọng của ngươi phải thốt lên: “Ôi! Ước gì ta có thể sinh hạ được Siêu nhân!”

Hãy làm sao có lòng dũng cảm trong tình yêu của ngươi! Mạnh mẽ kiên cường nhờ tình yêu của mình, ngươi đi thẳng đến trước mắt kẻ đang gây ra sự sợ hãi trong ngươi.

Hãy đặt danh dự an trú trong tình yêu của ngươi. Thường đàn bà không hiểu chi lắm về danh dự. Nhưng đây phải là danh dự của ngươi: luôn luôn yêu thương nhiều hơn là các ngươi được yêu thương, và đừng bao giờ làm kẻ thứ nhì.

Người đàn ông phải kinh sợ người đàn bà khi nàng yêu thương: chính khi đó, người đàn bà hy sinh hết mọi thứ, và mọi thứ khác đều là rơm rác đối với nàng.

Người đàn ông phải kinh sợ người đàn bà khi nàng thù hận: bởi vì tận thâm tâm, đàn ông chỉ ác độc, nhưng tận thâm tâm, đàn bà là xấu xa.

Người đàn bà thù ghét kẻ nào nhất? – Một ngày kia thỏi sắt nói với thanh nam châm: “Ta thù hận mi nhất trên đời vì mi cuốn hút ta, nhưng mi lại không đủ mạnh để lôi cuốn ta vào vòng tay mi”.

Hạnh phúc của người đàn ông là: “Tôi muốn”. Hạnh phúc của người đàn bà là: “Chàng muốn”.

“Nhìn xem, thế giới vừa thành tựu!” – Đấy là ý nghĩ của mọi đàn bà vào giây phút họ khuất phục trước tình yêu.

Người đàn bà phải vâng phục và phải tìm thấy một chiều sâu cho bề mặt cạn cợt của nàng. Tâm hồn người đàn bà là một bề mặt cạn cợt xao động nhốn nháo giông bão ở bên trên một đáy trũng.

Nhưng tâm hồn người đàn ông thì sâu thẳm, làn sóng của tâm hồn ấy gầm thét trong những chiếc hang ngầm dưới đất: người đàn bà cảm nhận được sức mạnh ấy, nhưng không hiểu được nó”.

Lúc bấy giờ mụ già loắt choắt nói với ta: “Zarathustra đã nói nhiều chuyện dễ thương, nhất là đối với những người còn trẻ để nghe.

Điều kỳ lạ là Zarathustra biết rất ít đàn bà, nhưng ông ta lại có lý. Thế có phải bởi vì nơi người đàn bà, không có gì là bất khả cả?

Và giờ đây, để bù lại, ngài hãy đón nhận một chân lý nhỏ bé! Ta đã đủ già để có thể nói cho ngài biết!

Ngài hãy bọc nó lại kỹ lưỡng và bịt kín mồm nó, kẻo chân lý nhỏ bé ấy sẽ kêu la quá ồn ào”.

Ta bảo: “Bà lão, cứ tặng cho ta chân lý nhỏ bé của bà đi”.

Và mụ già loắt choắt ấy nói như thế này:

“Khi đến với đàn bà, mi đừng quên mang theo roi”.

Zarathustra đã nói như thế.

Trần Xuân Kiêm dịch
Previous Post
Next Post