Carl Rogers – Học thuyết nhân cách nhân văn

Carl Rogers 
1. Tiểu sử

Carl Rogers sinh ngày 8 tháng 1 năm 1902 tại Oan Park, Tiểu bang Illinois, một vùng ngoại ô Chicago, là người con thứ 4 trong số 6 anh chị em. Bố là một kỹ sư và mẹ là một người phụ nữ nội trợ đảm đang đồng thời là một tín hữu Kitô giáo rất nhiệt thành. Ông bắt đầu đi học vào ngày đầu tiên lớp 2, vì ông đã đọc được sách trước khi đi học mẫu giáo.

Năm 12 tuổi, nhà ông dọn về hướng tây thành phố Chicago 30 dặm, nơi đây ông trải qua thời gian tuổi dậy thì của mình. Với lối nuôi dạy con cái thật nghiêm khắc của cha mẹ và phải làm nhiều việc nhà, Carl trở thành một cậu bé co cụm, độc lập và rất có tinh thần tự kỷ luật.

Ông theo học trường Đại học Wisconsin ngành Nông nghiệp. Sau đó ông chuyển sang học về tôn giáo vì muốn trở thành giáo sĩ: Trong thời gian này ông được chọn vào trong số 10 sinh viên được gửi đến Bắc Kinh tham dự Hội thảo Sinh viên Kitô Trung ương Thế giới trong vòng 6 tháng. Ông nói, đây là thời gian mình trải qua những kinh nghiệm mới mẻ và mở rộng hệ tư duy của ông đến độ ông bắt đầu nghi ngờ vào những nhãn quan cơ bản mà ông vẫn có về tôn giáo.

Sau khi tốt nghiệp, ông cưới Helen Elliot, bất chấp nguyện vọng của cha mẹ, rồi dọn đến thành phố New York và bắt đầu tham gia Chủng Viện Thần Học Hợp Nhất – một học viện tôn giáo rất cởi mở. Tại đó, ông tổ chức một hội thảo: Tại sao tôi bước vào đời sống mục sư và ông đã thật sự thuyết phục được tất cả cử tọa về mọi việc họ làm đều bắt đầu từ nhu cầu tôn giáo.

Hội thảo có ảnh hưởng bất lợi cho tôn giáo nhưng lại có lợi cho ngành Tâm lý học. Sau đó Rogers tham gia vào chương trình tâm lý lâm sàng với trường Đại học Columbia và đạt được học vị tiến sĩ vào năm 1931. Trước đó ông đã bắt đầu làm việc ở môi trường lâm sàng với tổ thức Rochester trong việc phòng ngừa các hành vi độc ác với trẻ em. Tại tổ chức này, ông học được kỹ thuật trị liệu của Otto Rank, một cơ duyên đã bắt dầu giúp ông trong việc xây dựng học thuyết của riêng mình.

Ông nhận được một vị trí giảng dạy chính thức với trường Đại học Tiểu bang Ohio năm 1940. Vào năm 1942, ông viết cuốn sách đầu tiên, Tư Vấn Và Tâm Lý Liệu Pháp (Counseling and Psycho– therapy). Năm 1945 ông được mời trong việc thiết lập một trung tâm tư vấn tại Đại học Chicago. Trong thời gian làm việc tại đây, năm 1951, ông xuất bản công trình nghiên cứu của mình: Liệu Pháp Tập Trung Vào Thân Chủ, trong đó ông đã giới thiệu đề cương học thuyết của mình.

Năm 1957, ông trở về dạy học tại trường Đại học Wisconsin nơi ông từng theo học. Thật không may, trong thời gian này có mâu thuẫn nội bộ trong ban tâm lý của trường và Rogers trở nên rất hoang mang về ngành giáo dục đại học. Năm 1964, ông vui vẻ khi nhận một vị trí nghiên cứu tại La Jolla, California. Ông đã cung cấp dịch vụ trị liệu, giảng huấn và tiếp tục viết sách cho đến khi ông qua đời vào năm 1987.

2. Học thuyết của Carl Rogers

Học thuyết của ông thiên về lâm sàng do kinh nghiệm ông có được sau nhiều năm làm việc với thân chủ. Ông có điểm giống với Freud trong việc xây dựng học thuyết của mình qua quá trình kinh nghiệm làm việc. Học thuyết của ông vì thế phong phú và trưởng thành, có chiều sâu, tính hợp lý cao, có khả năng ứng dụng rộng rãi đối với nhiều nhu cầu khác nhau trong ngành Tâm lý.

Tuy nhiên quan điểm của ông khác với quan điểm của Freud về con người khi ông tin rằng con người xét về cơ bản là tốt và lành mạnh, hoặc ít nhất họ không phải là người xấu và bệnh hoạn. Theo ông sức khỏe tâm thần giống như những quá trình tiến bộ bình thường đạt được trong cuộc sống. Cách ông nhìn vào các dạng bệnh lý tâm thần như: tội phạm và những vấn đề của con người là những tư duy bị khúc xạ đã ảnh hưởng tiêu cực lên xu hướng tự nhiên tiềm ẩn tốt lành nơi con người. Một điểm khác biệt đáng chú ý nữa là học thuyết của Rogers tương đối đơn giản.

Toàn bộ học thuyết của Rogers xây dựng trên khái niệm động lực thúc đẩy cuộc sống mà ông gọi là xu hướng nhận ra mình. Đây là một chức năng động cơ thúc đẩy được cài đặt bẩm sinh trong mỗi cá nhân, khích lệ phát triển khả năng tiềm ẩn ở mức cao nhất. Rogers không dừng lại ở mức phấn đấu để sinh tồn, ông tin rằng tất cả mọi sinh vật đều phấn đấu để thể hiện ý nghĩa tốt đẹp nhất của chúng. Nếu một sinh vật không thực hiện được thiên chức ấy, đấy chính là kết quả của sự thiếu đam mê để thực hiện điều đó.

Rogers đã giới thiệu nhu cầu độc lập là động cơ lớn nhất và coi đây là một động cơ điều khiển toàn bộ những động cơ khác (thường đề cập đến trong các học thuyết khác). Ông đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta cần không khí, thức ăn và nước uống? Tại sao chúng ta đi tìm sự an toàn, tình cảm, và luôn hướng đến khả năng hoàn thiện. Tại sao chúng ta đi tìm những loại thuốc tây mới, chế tạo ra những nguồn năng lượng mới, sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ. Bởi vì – câu trả lời của ông là – bên trong mỗi chúng ta và những sinh thể sống luôn tồn tại một tính năng tự nhiên thể hiện khả năng tốt nhất của mình.

Cần phân biệt rằng không giống như từ ngữ của Maslow, Rogers áp dụng ý tưởng học thuyết của ông đối với tất cả mọi loài sinh vật. Những ví dụ sớm nhất của ông là loài nấm và rong biển. Theo ông, đó chính là động lực thúc đẩy cuộc sống, là nguyên nhân dẫn đến sự sống tồn tại hiện diện khắp nơi. Từ dây mồng tơi trên giàn, bụi cỏ gai mắc cỡ vùng nhiệt đới, xương rồng trong sa mạc, gấu trên cực bắc, cua tôm dưới đáy đại dương. Đâu đâu cũng có sự sống với vẻ đẹp hoàn thiện của chúng.

Ông cũng vận dụng học thuyết của mình vào những hệ thống sinh thái và coi hệ thống sinh thái là một khu rừng, với tất cả sự phong phú. Theo ông, nếu một loài sâu bọ trong một khu rừng tuyệt chủng, thì sẽ có một loại sâu bọ mới khác phát triển để lấp vào khoảng trống ấy, không như ruộng khoai, sau mùa thu hoạch chỉ còn lại một cánh đồng đất. So sánh với mỗi cá nhân chúng ta cũng thế, khi ta sống, chúng ta thường tìm mọi cách để đối diện với thiên tai và những thử thách trong cuộc sống.

Con người, trong hành trình cuộc sống luôn nhận diện ra khả năng tiềm tàng của mình và tạo ra những giá trị văn hóa xã hội. Với bản thân chúng ta, đó là điều hiển nhiên. Con người là những sinh vật có tính xã hội rất cao, đây là đặc tính tự nhiên của chúng ta. Sau khi chúng ta tạo ra văn hóa, văn hóa tự thân nó có những sự phát triển riêng. Văn hóa, vì thế đã trở thành một động lực có những ảnh hưởng của riêng nó đến con người. Và một lúc nào đó văn hóa sẽ can thiệp vào quá trình tự khám phá mình của chúng ta. Như thế tất cả chúng ta sẽ có nguy cơ cùng bị triệt tiêu với nền văn hóa ấy.

Ông cho rằng văn hóa xã hội không hẳn là một điều gì đó hoàn toàn xấu xa như thế. Ông lấy ví dụ, con công trống có bộ lông thật đẹp được sử dụng để đánh lạc hướng kẻ thù lớn hơn để con công mái và đàn con nhỏ có thời gian chạy thoát. Chính quá trình tiến hoá của chọn lọc tự nhiên đã tặng cho chúng những bộ lông ấy. Tuy nhiên nếu quá trình ấy cứ tiếp diễn mãi, chủng loại chim công sẽ có những bộ lông càng vướng víu, nặng nề và cuối cùng thì loài chim công mới ấy đã không còn cất cánh bay được nữa. Loài công có thể sẽ bị đe dọa bởi chính những cái đuôi phát triển quá nhiều của mình. Mô hình xã hội chúng ta đang sống cũng thế, những phát triển phức tạp, những tiến bộ khoa học không thể tưởng tượng được, có thể những phát kiến ấy sẽ giúp chúng ta sống sót và phát triển hưng thịnh, nhưng có thể chúng sẽ gây tổn hại nguy hiểm đến chúng ta, có thể chúng sẽ tàn phá chúng ta.

3. Chi tiết học thuyết của Carl Rogers

Roger nói với chúng ta rằng, những cơ thể sống biết được đâu là điều tốt đẹp cho chúng. Quá trình tiến hóa đã cho chúng ta những cảm giác, mùi vị, cả những khả năng để chọn lựa và phân biệt cần thiết. Khi đói, chúng ta đi tìm thức ăn, không phải bất cứ loại thức ăn nào, mà phải là những loại thức ăn ngon nhất trong khả năng có thể. Những loại thức ăn dở có thể là ít giá trị dinh dưỡng, hư hỏng, thiu, kém phẩm chất, có thể gây ngộ độc, có vị đắng, chát, chua. Chúng ta học được điều này từ cha ông trong quá trình tiến hóa của loài người. Những bài học này, theo Rogers là quá trình cơ thể sống đánh giá những lựa chọn trong môi trường sống.

Trong vô số những điều chúng ta đánh giá có liên hệ với những giá trị tích cực đến từ bản năng. Ông cho rằng đấy là những khái niệm có cùng nhóm như tình thương, cảm xúc cá nhân, sự quan tâm, sự nuôi dưỡng con cái, chăm sóc lẫn nhau. Đấy là những giá trị mà trẻ em rất cần, các em sẽ phát triển chậm nếu thiếu những giá trị ấy. Ít nhất các em có thể không phát huy những thế mạnh để trở thành một chủ thể sử dụng được tất cả khả năng tiềm tàng của cá nhân các em.

Một khía cạnh khác – áp dụng riêng với con người – là những giá trị có liên hệ đến bản thân cá nhân từng người như: lòng tự trọng, giá trị của bản thân, hình ảnh tích cực của chính mình… Chúng ta học được những giá trị này qua việc rút kinh nghiệm từ những người lớn khác trong môi trường. Không có những giá trị này, chúng ta sẽ cảm thấy mình nhỏ nhoi, yếm thế và hệ quả tất yếu là chúng ta chẳng thể phát triển hết những tiềm năng tích cực tiềm ẩn.

Giống như Maslow, Rogers tin rằng nếu trong điều kiện bình thường, thú vật sẽ ăn uống những gì chúng thích và chỉ sử dụng thức ăn ở một mức độ vừa phải theo nhu cầu. Trẻ em cũng cho thấy điều chúng cần là sữa và cháo dinh dưỡng. Sau đó chúng phát triển và tự kiến tạo cho mình một một môi trường khác hẳn với môi trường chúng đã lớn lên. Trong môi trường mới các em tiếp cận với đường trong kẹo, bột trong bánh, hương thơm… Những đại lượng mới này hấp dẫn quá trình cơ thể sống đánh giá. Tuy nhiên những đại lượng này chỉ phục vụ nhu cầu sinh lý nhưng chưa phục vụ nhu cầu nhận thức về bản thân nhiều lắm.

Môi trường xã hội thường đánh lạc hướng chúng ta ra khỏi những giá trị tự nhiên. Khi chúng ta lớn lên, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, phương tiện truyền thông đại chúng và những ảnh hưởng khác cung cấp cho chúng ta những khung mẫu về điều ta cần. Nhất là các nhà tiếp thị thường tạo ra những cảm giác khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta xứng đáng với những sản phẩm hàng hóa chứ không phải vì chúng ta cần thiết đến những sản phẩm hàng hóa này. Bao giờ cuộc sống cũng có những điều kiện đi kèm. Ví dụ trẻ em chỉ được ăn quà sau khi ăn cơm, được coi ti vi sau khi đã làm bài tập, nhất là chúng ta chỉ được người lớn thương yêu, quan tâm khi ta ngoan ngoãn mà thôi. Vô tình thúng ta quen với não thức có những giá trị tốt hơn những giá trị khác.

Quá trình nhận được phần thưởng được Rogers gọi là những khích lệ tích cực vốn luôn có điều kiện. Và bởi vì chúng ta luôn muốn có phần thưởng nên những điều kiện ấy được áp dụng, vì những phần thưởng có một sức hấp dẫn ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta thường gò ép mình theo những điều kiện để được lãnh phần thưởng. Vì thế ý chí và quá trình đánh giá do não thức được giật dây chứ không phải bởi quá trình cơ thể sống đánh giá hay xu hướng nhận ra chính mình quyết định.

Qua nhiều ngày tháng, quá trình điều kiện hóa dẫn chúng ta đến những khái niệm về bản thân tích cực được định nghĩa bởi tiêu chuẩn xã hội. Chúng ta bắt đầu chỉ chấp nhận mình mỗi khi chúng ta đạt được những tiêu chuẩn mà những người khác áp đặt lên chúng ta. Thay vì đáng lẽ chúng ta nên yêu thích bản thân mình qua quá trình nhận ra giá trị thực sự của mình, chúng ta dựa vào những tiêu chuẩn từ bên ngoài. Nhất là những tiêu chuẩn này được tạo ra thường không dựa trên tiêu chuẩn cá nhân, vì thế nhiều người không đạt được tiêu chuẩn chung nên họ đã không duy trì được cảm giác tự trọng của mình.

4. Trạng thái lệch với tâm thức

Nét cơ bản làm nên mỗi con người chúng ta được tạo ra từ xu hướng nhìn nhận từ chính con người của mình qua quá trình cơ thể tự đánh giá về những nhu cầu cơ bản và từ những phần thưởng có điều kiện. Nếu như mọi chuyện diễn tiến bình thường, đấy sẽ là mô hình con người thật của ta khi ta ở trong trạng thái cân bằng.

Nhưng khi những điều kiện môi trường xã hội không phù hợp với quá trình nhận ra chính mình, chúng ta buộc phải sống với những điều kiện có hệ giá trị không đồng bộ ăn nhịp với quá trình cơ thể đánh giá. Nhất là khi nhu cầu của ta chỉ được đáp ứng khi ta phục tùng những điều kiện đến độ thái hóa, chúng ta sẽ thiết kế một bản thân lý tưởng. Khi nói đến lý tưởng, Rogers đề nghị đấy là những điều không có thực, đó là những giới hạn ngoài tầm tay với và đây là những tiêu chuẩn chúng ta không bao giờ đạt được.

Khoảng cách giữa cái tôi thực sự và bản thân lý tưởng được xác định như khoảng cách giữa tôi là và tôi phải nên là. Rogers gọi đây là khái niệm trạng thái lệch. Khoảng cách càng lớn, trạng thái lệch càng cao. Trạng thái lệch càng cao, sự đau khổ càng lớn. Rogers cho rằng trạng thái lệch lạc này sẽ dẫn đến bệnh thần kinh khi thực tế không phù hợp với chúng ta nữa.

5. Cơ năng tự vệ

Khi cá nhân nằm trong tình trạng lệch giữa bản thân con người thực (hình ảnh của họ) và bản thân lý tưởng (kinh nghiệm do điều kiện hóa), họ sẽ rơi vào tình trạng lo âu. Ví dụ, bạn vay nợ và phải trả lãi định kỳ vào cuối tháng, song vì thực tế khó khăn, bạn làm việc nhưng không có dư. Bạn biết mình không có đủ tiền lãi để nộp. Nên sắp đến cuối tháng, bạn sẽ cảm thấy rất lo lắng, sợ hãi. Bạn muốn trả nợ lắm (đấy là hình ảnh của bạn) nhưng bạn không trả được. Dư luận sẽ cho bạn là người xấu vì muốn quỵt nợ và họ sẽ không còn quý bạn nữa (do điều kiện hóa), thế là bạn cảm thấy rất lo lắng.

Khi biết mình sẽ lâm vào cảnh khó xử, bạn khó tránh khỏi sự lo lắng. Sắp đến cuối tháng rồi… Lo lắng là tín hiệu báo rằng sẽ có những vấn đề trong tương lai bạn cần phải né tránh nó. Có người đối phó bằng cách chạy trốn càng xa càng tốt. Song đây không phải là một chọn lựa khả thi trong rất nhiều trường hợp. Thay vì chạy trốn món nợ thật, chúng ta chạy trốn món nợ bằng tâm lý: chúng ta sử dụng cơ năng tư vệ.

Khái niệm tự vệ của Rogers rất gần với Freud, tuy nhiên ông cho rằng tất cả mọi hiện tượng đều đi qua lăng kính nhãn quan, kể cả trí nhớ và những xung động đều là những tư tưởng và cách nhìn của con người. Theo ông, chúng ta có 2 cơ năng tự vệ là từ chối hiện thực và thay đổi cách nhìn.

Tự vệ: Theo Rogers, tương tự như Freud, là cơ năng ngăn chặn tất cả những tác nhân và những tình huống gây sợ. Ví dụ, anh bạn mắc nợ (ví dụ trên) sẽ bỏ mặc, lảng tránh sự thật, cứ ù lì và quên hết tất cả món nợ, muốn ra sao thì ra. Đây là cơ năng cũng giống như dồn nén của Freud. Người mắc nợ cứ ỳ ra. Anh ta cố tình tìm cách quên đi món tiền phải trả.

Thay đổi cách nhìn: là quá trình tự thuyết phục mình để tình huống khó chịu giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực. Đây là cơ năng tự vệ khá gần gũi với phân tích lý giải trong học thuyết của Freud. Người mắc nợ có thể hy vọng rằng chủ nợ sẽ quên đến lấy tiền. Họ có thể hy vọng ông ta động lòng thương và xí xóa cho một lần. Có thể chủ nợ sẽ chết. Hoặc người mắc nợ sẽ trúng số. Hay tuy không hứng thú lắm nhưng tình huống cuối cùng là người mắc nợ sẽ chết. Vì thế tình huống phải trả nợ cuối tháng vì thế đã giảm bớt cường độ sức ép của nó.

Nếu cứ áp dụng cơ năng tự vệ hoặc lạm dụng sẽ càng khiến cho khoảng cách lệch càng xa hơn giữa bản thân con người thật và bản thân lý tưởng. Cứ thế, tình trạng lo lắng càng căng thẳng hơn, và họ sẽ cần nhiều hơn nữa những cơ năng tự vệ. Theo thời gian, tình trạng lẩn quẩn sẽ nhốt họ lại và nhiều người khó tìm cách thoát ra được.

Rogers đã có cách giải thích về bệnh tâm thần như sau: Khi cá nhân hoàn toàn bất lực và cơ năng tự vệ đã trở thành quá tải với họ, cảm giác về bản thân của họ trở nên vỡ nát thành những mảnh vụn nhỏ. Hành vi của họ trở nên thiếu nhất quán và có phần rất xa lạ. Chúng ta có thể nhận ra ngay họ có triệu chứng thần kinh những lần ứng xử rất khác thường. Họ nói chuyện kém thuyết phục, cảm xúc rất ngổn ngang, họ đánh mất đi khả năng phân biệt giữa khái niệm bản thân vả không thuộc về bản thân. Cuối cùng họ trở nên mất cân bằng và trở thành bối rối.

6. Người có chức năng hoạt động tốt

Rogers, giống như Maslow rất vui khi diễn tả về một con người khỏe mạnh. Ông sử dụng cụm từ chức năng hoạt động toàn diện bao gồm những tính năng sau:

a. Khả năng mở rộng ra đón tiếp kinh nghiệm: Đây là quá trình đối nghịch với cơ năng tự vệ. Là cái nhìn chính xác của kinh nghiệm cá nhân vào cuộc sống, bao gồm cả cảm giác của mình. Điều này có nghĩa là họ có khả năng chấp nhận hiện thực trong đó có cả cảm xúc riêng của họ. Theo ông, cảm xúc chính là một phần quan trọng trong quá trình mở lòng mình ra vì cảm xúc truyền đạt qua quá trình cơ thể đánh giá. Nếu ta không mở mình ra với cảm xúc của mình, ta sẽ không bao giờ nhìn thấy chính mình. Điều khó nhất ở đây là khả năng phân biệt được cảm xúc thực với những lo lắng đến từ những điều kiện của sự kiện.

b. Lối sống hiện sinh: Đây là lối sống tập trung vào hiện tại bây giờ và ngay trong lúc này. Đây là cách gắn liền với thực tế, thay vì cứ lẩn quẩn với quá khứ hoặc sốt ruột với tương lai không tưởng. Hiện tại là thực tế duy nhất chúng ta có thể điều tiết được. Điều này không có nghĩa là quên đi quá khứ hay bỏ mặc tương lai, tuy nhiên chúng chỉ nên giới hạn mình vào điều kiện trước mặt.

c. Tin vào chính cơ thể: Chúng ta cần để cho quá trình cơ thể tự đánh giá làm việc. Chúng ta cần tin vào chính bản thân mình. Hãy làm những việc chúng ta thấy là đúng. Hãy để cho cuộc sống đến thật tự nhiên. Nhiều người cho rằng như thế là tự do quá trớn vì không có một tiêu chuẩn giới hạn nào cả. Nghe có vẻ rất trái ngược với xu hướng những năm của thập kỷ 60 và 70 lúc bấy giờ. Tuy nhiên Rogers biện luận rằng tin vào mình tức là tin vào quyết định của chính mình, mở rộng mình ra với kinh nghiệm và sống hiện sinh trong thời khắc đối diện với hiện tại chứ không phải chỉ sống cho xong hiện tại. Nói khác đi, ta sống thật với mình chứ không phải sống theo những chiều hướng dễ dãi của tư vị cá nhân.

d. Tự do kinh nghiệm: Rogers tin rằng ai cũng có những khát khao tự do. Chúng ta rất muốn được làm điều mình thích, tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta được tự do muốn làm gì thì làm. Theo Rogers, chúng ta chỉ thật sự có tự do khi các lựa chọn được phép xảy ra. Ông tin rằng người có chức năng hoạt động toàn diện sẽ là người hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.

e. Sáng tạo: Nếu bạn cảm thấy mình tự do và có trách nhiệm, bạn sẽ hành xử một cách linh động và uyển chuyển khi tiếp cận với thế giới. Một người thật sự có chức năng hoạt động sẽ cùng giúp người khác tìm ra con người họ như quá trình kinh nghiệm họ khám phá ra chính mình. Làm điều này có thể qua kênh nghệ thuật, khoa học, hoặc những kênh tinh thần khác. Ví dụ một tín đồ tin đạo sẽ truyền bá đời sống đức tin của họ với những người chưa tin đạo khác. Hoặc cha mẹ thật sự quan tâm đến con cái. Vợ chồng luôn quan tâm đến nhau. Tình bạn được thăng hoa. Những người này hăng hái vì những kinh nghiệm tích cực họ đã thu lượm được. Theo Roger, sáng tạo rất gần gũi với để lại dấu ấn đã dược Erikson nhắc đến.

7. Liệu pháp

Carl Rogers được biết đến nhiều nhất qua những đóng góp của ông trong liệu pháp. Tên gọi của liệu pháp được ông giới thiệu đã đổi tên vài lần. Ban đầu ông gọi liệu pháp của mình là không trực tiếp hướng dẫn, vì theo ông, nhà tư liệu không trực tiếp hướng dẫn thân chủ, mà nhà trị liệu chỉ là người đứng bên cạnh, chứng kiến và động viên thân chủ trong suốt quá trình tiến bộ của liệu pháp.

Sau đó ông đổi tên liệu pháp của mình thành tập trung vào thân chủ, ông vẫn tin rằng thân chủ là người duy nhất có thể nói: Đâu là vấn đề và tìm ra cách xử lý vấn đề ấy. Sau đó họ quyết định đi đến kết luận trong quá trình trị liệu. Và như thế vai trò của nhà trị liệu vẫn hiện diện. Tuy nhiên nhiều nhà học thuyết nhìn ông và nói: Liệu pháp nào mà chẳng tập tung vào thân chủ của mình?

Hiện nay, cả hai tên gọi không trực tiếp hướng dẫn và tập trung vào thân chủ vẫn được sử dụng, tuy nhiên nhiều người gọi chung lại đó là liệu pháp Rogerian. Một khẩu hiệu mà ông muốn các nhà trị liệu theo đường lối của ông là: Ủng hộ chứ không phải là cải tổ lại. Ông lấy ví dụ thân chủ cũng như trẻ em tập đi xe đạp. Các em phải là người đạp xe, và ta không thể bảo em đạp xe bằng cách nào. Các em phải tập thử cho mình để tìm ra chìa khóa của sự cân bằng. Và ta cũng không thể vịn xe cho em mãi được. Nếu ta không vịn xe, em sẽ ngã nhưng học được cách đạp xe. Nếu ta cứ vịn xe mãi, em sẽ không bao giờ học tự đạp xe được.

Trong trị liệu, trạng thái tự do và tinh thần trách nhiệm của thân chủ với cuộc đời là điều nhà trị liệu cần nhắm đến. Vì thế thân chủ không nên lệ thuộc vào nhà trị liệu quá lâu. Họ cần áp dụng những khám phá của chính mình đối với cuộc sống thực tế bên ngoài văn phòng của nhà trị liệu. Những cách trị liệu mang tính bao che hoặc độc đoán nhằm gây ra những lệ thuộc, tưởng như có kết quả trị liệu nhanh và kỳ diệu nhưng thực chất là đang tạo ra một vấn đề mới: Sự lệ thuộc của thân chủ vào nhà trị liệu.

Kỹ năng được Rogers giới thiệu là phản ảnh. Đây là cách đối thoại cảm xúc của riêng mình như một tấm kiếng. Ví dụ thân chủ sẽ nói: Tôi muốn đấm ông sếp của tôi quá. Nhà liệu pháp sẽ phản ảnh lại: Bạn có vẻ rất giận ông ta. Bằng cách này, thân chủ sẽ cảm thấy họ thật sự được lắng nghe, được quan tâm và được thông cảm. Từ đó, những động viên khi thân chủ đi đúng hướng sẽ giúp họ tìm thấy xác quyết trong đường hướng được động viên.

Qua cách này nhà trị liệu sẽ tạo được một cơ hội cho thân chủ biết về những gì họ đang thảo luận. Rogers gọi đây là quá trình phản hồi ý kiến. Khi người đang bực bội thường không nói chuyện với ai. Tuy nhiên nói chuyện chính là những kênh van xả rất hữu hiệu. Ví dụ một phụ nữ nói: Tôi ghét bọn đàn ông. Nhà trị liệu sẽ phản ảnh: Chị ghét tất cả đàn ông à? Có thể người phụ nữ sẽ chép miệng: Không hẳn là ghét mà tôi cảm thấy khó chịu. Nhà trị liệu sẽ phản ánh tiếp: Hình như chị đang bực bội về một người nào đó. Chị ta sẽ có thể nói: Chuyện là như vầy, ông ta tán tỉnh tôi không được quay ra nói xấu tôi. Như vậy cuối cùng từ một bức xúc chưa định hình (Tôi ghét bọn đàn ông) rất chung chung, cuối cùng đã có một cái nhìn tương đối rõ hơn về hiện trường của vấn đề: Người phụ nữ đang có một vấn đề là bị người khác nói xấu.

Phản hồi ý kiến cần phải được áp dụng một cách cẩn thận và nhiều nhà liệu pháp đầu tiên khi thể nghiệm thường có xu hướng nhắc lại từng câu từng chữ sẽ khiến cho liệu pháp trở nên thật tẻ nhạt. Đôi khi thân chủ còn nghĩ là nhà liệu pháp không quan tâm đến câu chuyện. Vì thế phản hồi ý kiến phải thật khéo léo và hội đủ 3 yếu tố sau đây:

1. Chân thành: Nhà liệu pháp cần chân tình, thật tâm với thân chủ.

2. Đồng cảm: Nhà liệu pháp cần hiểu vấn đề qua lăng kính của thân chủ.

3. Tôn trọng: Nhà liệu pháp cần tôn trọng, nhắm đến điều tích cực một cách vô điều kiện đối với thân chủ.

Rogers cho rằng đây là những tiêu chuẩn căn bản rất cần thiết để đạt yêu cầu đối với một nhà liệu pháp. Nếu hội đủ ba yếu tố này, nhà liệu pháp sẽ thật sự giúp thân chủ hiểu ra cội rễ của vấn đề mà không cần đến bất cứ kỹ năng nào khác. Nếu không có 3 kỹ năng này, thì dù nhà liệu pháp có áp dụng bao nhiêu kỹ năng khác sẽ chỉ đem lại hiệu quả trị liệu rất thấp. Áp dụng 3 kỹ năng này đôi lúc thật khó vì nhà liệu pháp cũng là con người. Họ cũng có những bất bình, những thành kiến và cả những yếu điểm cố hữu. Vì thế sẽ khó giữ mãi những đức tính xem ra có vẻ rất kiên nhẫn kia. Tuy nhiên ông khuyến cáo các nhà liệu pháp hãy kiên nhẫn với thân chủ trong văn phòng. Ra ngoài văn phòng thì hãy quay về với con người thật của mình.

Nhiều người đồng ý với Rogers, mặc dù những yêu cầu này đôi lúc có vẻ như vượt ra ngoài giới hạn chấp nhận của một nhà liệu pháp bình thường. Và như thế, liệu pháp này xem ra không phải khó vì cách thực hiện kỹ năng, mà rất khó áp dụng vì nhà liệu pháp cần phải có một nhân cách thích hợp với 3 kỹ năng này. Và vì thế, nhà liệu pháp phải là người có tố chất bẩm sinh chứ không phải chỉ cần trải qua huấn luyện trường lớp là đủ. Trong trường hợp này, tinh thần của cụ Nguyễn Du đã rất đúng khi ông nói: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (Truyện Kiều).

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Previous Post
Next Post