Gordon Allport – Thuyết nhân cách cấu trúc cá tính

Gordon Allport
1. Tiểu sử

Gordon Allport sinh ra ở Montezuma, Tiểu bang Indiana năm 1897, em út trong số 4 người anh trai của mình. Là một cậu bé nhút nhát e lệ nhưng rất chăm chỉ, ông thường bị bạn bè chế giễu và có một tuổi thơ tương đối co cụm. Bố ông là một bác sĩ vùng quê, điều này đã cho phép ông chứng kiến về cảnh sinh hoạt của một bệnh viện nho nhỏ, với các bệnh nhân, các người y tá và cả những vật dụng đồ lề nghề thuốc trong đó. Mọi người làm việc cần mẫn. Ngoài những điều này, cuộc sống tuổi thơ của ông trôi qua khá phẳng lặng.

Một câu chuyện luôn được nhắc đến trong hồi ký của ông đó là năm ông 22 tuổi đi du lịch đến Vienna. Ông đã được hẹn để gặp Sigmund Freud. Trong văn phòng của Freud, chủ và khách cứ ngồi im lặng chờ người khác nói trước. Sau cùng không chịu được sự im lặng đó, ông bật ra những điều ông quan sát trên đường đến Vienna. Ông kể về một cậu bé trên xe buýt đã phụng phịu cự tuyệt không chịu ngồi xuống một cái ghế mà trước đó một ông già trông rất bẩn thỉu đã ngồi lên. Ông nghĩ rằng cậu bé đã bắt chước hành vi của mẹ mình - một người phụ nữ ăn mặc sạch sẽ và có vẻ là người nắm mọi quyền hành trong gia đình. Freud không coi đó là một quan sát đơn thuần, đi xa hơn qua việc trình bày một quan tâm sâu sắc hơn. Freud tin rằng đây là phản ứng trong cõi vô thức của Gordon khi ông hỏi: Phải chăng cậu bé ấy chính là bạn không?

Kinh nghiệm này khiến Allport nhận ra tâm lý phân tích đã đào quá sâu trong khi đó thuyết hành vi lại đào không đủ sâu.

Allport tốt nghiệp học vị tiến sĩ tâm lý năm 1922 tại trường đại học Harvard, theo chân người anh trai của mình là Floyd, một nhà tâm lý trường phái xã hội. Cả cuộc đời Allport đã nghiên cứu để xây dựng học thuyết của mình. Ông khảo sát những hiện tượng xã hội như tình trạng thành kiến bất công và xây dựng những trắc nghiệm cá nhân. Ông qua đời tại Cambrídge, Tiểu bang Massachusetts năm 1967.

2. Học thuyết của Gordon Allport

Allport cho rằng một động cơ quan trọng trong mỗi con người là xu hướng phấn đấu để thỏa mãn các nhu cầu sinh lý trên bình diện sinh học mà ông gọi là chức năng cơ hội. Ông cho rằng chức năng cơ hội này có những đặc tính phản ứng, có liên hệ với quá khứ, và tất nhiên được điều khiển bởi sinh học.

Tuy nhiên Allport cho rằng chức năng cơ hội tương đối không quan trọng trong việc tìm hiểu hành vi của con người. Ông tin rằng mỗi một cá nhân có những động cơ bởi những phạm trù rất khác nhau – vận hành qua nhiều kênh ứng xử để biểu đạt chính con người của họ. Ông gọi đây là khái niệm chức năng tuyên ngôn một chức năng có tầm quan trọng rất lớn đối với mỗi chúng ta. Đây là chức năng được ông coi là khả năng chủ động, có tính hướng đến tương lai, và thuộc phạm trù tâm lý.

Gordon Allport mượn khái niệm đặc tính chung propriate (đến từ chữ proprium) có nghĩa là những đặc tính của một nhóm nhưng không tạo nên định nghĩa của nhóm ấy. Allport cho rằng đây là một khái niệm quan trọng, đại diện cho bản thân cái tôi của mỗi chúng ta. Ông đã nghiên cứu hàng trăm định nghĩa về khái niệm bản thân con người và đã nhận ra rằng để hiểu về một định nghĩa con người (sát với khoa học), ta cần bỏ đi danh từ vẫn được sử dụng thuật ngữ một cách chung chung. Và ông thay thế với một từ mới – và ông đã chọn từ proprium nhưng từ này đã chẳng được mấy ai chú ý đến.

Một liên tưởng gần gũi của khái niệm chức năng chung là khi ta muốn làm một cái gì đó (hay trở thành gì đó) và chúng ta thật sự tin rằng ở trạng thái đó mình mới có thể diễn đạt được chính con người của mình. Allport cho rằng cảnh giới diễn đạt được mình mới là điều quan trọng nhất. Chẳng hạn như ta thường thích tham gia một lần đi cứu tế người bị bão lụt ở miền Trung và tự hào nói rằng: Đấy chính là con người thật của tôi! Hay bạn từ chối gian lận trong thi cử và tự hào về tính nghiêm túc của mình. Như thế bạn đã thật sự sống theo chức năng chung theo định nghĩa của Allport.

3. Đặc tính chung

Khái niệm đặc tính chung vốn là khái niệm phổ biến nơi con người nhưng không góp phần vào việc tạo ra định nghĩa con người. Allport muốn định nghĩa về khái niệm con người một cách cẩn thận ở mức cao nhất. Ông đã cố gắng tìm ra cho mình những lý giải trong việc đạt được một định nghĩa chính xác qua hai hướng: (1) Hiện tượng và (2) chức năng.

Đầu tiên, hướng định nghĩa hiện tượng là cái tôi đạt được qua kinh nghiệm. Theo ông, khái niệm con người là một tập hợp nhiều bình diện khác nhau mà cá nhân đã trải nghiệm khi họ nhận ra đâu là điểm quan trọng nhất (khác hẳn với tình cờ và bất khả kháng). Đây là những xúc cảm sâu sắc đáng quý và có tính trung tâm (khác hẳn với cảm xúc bên ngoài hoặc cảm xúc tản mác).

Hướng định nghĩa chức năng tập trung vào học thuyết phát triển của Allport. Theo ông, khái niệm cá nhân bao gồm 7 chức năng, và những chức năng này sẽ xuất hiện tại những thời điểm khác nhau trong hành trình phát triển đời sống con người. Dưới đây là 7 chức năng mà Allport đã đề ra:

1. Cảm giác về cơ thể.

2. Nhân định về khái niệm bản thân.

3. Lòng tự trọng.

4. Tự mở rộng chính mình.

5. Hình ảnh của chính mình.

6. Đối phó qua lý luận.

7. Phấn đấu đạt được tuyên ngôn của mình.

– Cảm giác về cơ thể phát triển 2 năm đầu tiên trong đời. Ai trong chúng ta cũng có một cơ thể và cảm nhận được sự ấm áp và sự liên hệ gần gũi. Cơ thể chúng ta có những giới hạn chịu đựng đau đớn và thương tích. Cơ năng xúc giác và những cử động khiến chúng ta ý thức được sự hiện diện của mình. Ví dụ mà Allport đưa ra để chứng minh về cảm giác cơ thể rất thú vị: Ta nhổ nước miếng vào ly nước. Sau đó chẳng ai trong chúng ta muốn uống lại nó, mặc dù đó cũng đã từng là một phần của cơ thể của chúng ta? Tại sao có hiện tượng này? Vì nước bọt đã đi ra ngoài cơ thể chúng ta và nó đã trở thành một vật thể hoàn toàn xa lạ với chúng ta.

– Nhận định bản thân cùng phát triển trong 2 năm đầu. Đến một lúc nào đó ta khám phá ra mình là một sinh thể có tính tiếp diễn, chẳng hạn như khái niệm quá khứ, hiện tại, và tương lai. Chúng ta nhìn lại mình như một chủ thể cá nhân, tách biệt và khác hẳn với những người khác. Chúng ta có một tên gọi. Ông sẽ hỏi chúng ta: Nếu bạn thức dậy vào ngày mai, liệu bạn sẽ vẫn là người như ngày hôm nay? Tất nhiên là chúng ta hình như chẳng bao giờ quan tâm đến điều này. Thật sự thúng ta luôn luôn trong một trạng thái thay đổi. Bạn vào thời điểm bây giờ và bạn sau khi đọc xong cuốn sách này là hai con người khác nhau, đó là cái nhìn của Allport.

– Lòng tự trọng phát triển trong khoảng từ 2 đến 4 tuổi. Có lúc ta nhận ra chúng ta có một giá trị nào đó đối với chính mình và với người khác. Điều này đặc biệt xảy ra với quá trình phát triển liên tục về khả năng thao tác của chúng ta. Đây là giai đoạn có thể so sánh với thời kỳ hậu môn trong học thuyết của Freud.

– Tự mở rộng phát triển từ 4 đến 6 tuổi. Sẽ có lúc chúng ta nhận ra những cá nhân xung quanh cùng với những sự kiện riêng rẽ từ môi trường (được chúng ta quan sát) là những điểm có tính trung tâm, gần gũi và cần thiết cho sự tồn tại của mỗi chúng ta. Túc từ tôi biến dần thành đại từ sở hữu của tôi. Khi lớn lên, khái niệm này vẫn được chúng ta đem theo vào cuộc sống. Nhiều người định nghĩa bản thân họ qua người thân, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, dòng tộc, cộng đồng và những giá trị tinh thần hoặc giá trị vật chất khác. Chẳng hạn như họ sẽ nói: Mẹ tôi là bác sĩ. Em tôi là nhà báo. Tôi là một phi công lái máy bay dân dụng. Nhiều người có con cái phạm lỗi thì trong lòng rất đau khổ. Có người, xe máy bị người khác làm trầy xước thì anh ta sẽ có cảm giác như thể mình bị trầy da vậy.

– Hình ảnh cá nhân bản thân phát triển từ tuổi 4 đến 6 tuổi. Có lúc ta sẽ nhìn lại mình qua người khác và có một cái nhìn từ bên ngoài. Đại từ nhân xưng tôi (I) trở thành túc từ tôi. Đây là ấn tượng, là hình ảnh của ta, vị trí của ta trong xã hội, bao gồm đẳng cấp và trình độ, kể cả nhân định tính dục. Ta lo lắng băn khoăn nếu mình có là người hấp dẫn và thu hút người khác? Đây là điểm khởi đầu của ý thức lương tâm, cái tôi lý tưởng, và mặt nạ vỏ bọc của mình.

– Đối phó qua lý luận, đây là giai đoạn phát triển thủ yếu học được từ độ tuổi 6 đến 12 tuổi. Trẻ em trong lúc này đã có thể phát triển khả năng của mình khi đối phó với những vấn đề trong đời sống một cách có phân tích và lý luận sao cho có hiệu quả nhất. Đây có thể so sánh với thời kỳ tĩnh trong thuyết của Freud và trong thời kỳ phát triển kỹ năng của Erikson.

– Phấn đấu đạt được tuyên ngôn bắt đầu từ tuổi 12 trở đi. Đây sẽ là cái tôi thông qua những kế hoạch, dự định, lý tưởng, tiếng gọi nghề nghiệp, cảm giác xu hướng phát triển cá nhân, mục đích và ý nghĩa cuộc đời. Đây là giai đoạn những ước mơ và hoài bão bắt đầu nhen nhóm. Khi đạt đến đỉnh cao của trạng thái này, Allport cho rằng đây chính là khả năng giúp chúng ta có thể làm chủ cuộc đời mình, một trạng thái thật sự là điều khiển chính cuộc đời của mình.

Nhận xét chung cho thấy có sự tương tự như ở các giai đoạn phát triển của Freud, tuy nhiên Allport cho biết chủ ý của ông là tạo ra một hệ khung bao gồm những khái niệm mô tả cách con người phát triển. Ông không có ý xây dựng một học thuyết phát triển.

4. Những cá tính hay thiên hướng

Ta thấy đặc tính chung phát triển từ những nền tảng căn bản cá tính riêng hay từ những thiên hướng cá nhân. Ban đầu Allport sử dụng từ cá tính, nhưng sau đó nhiều người ngộ nhận cá tính là những gì được người khác nhìn thấy, hay là những đại lượng có thể đo đạc được qua các trắc nghiệm cá nhân. Thực ra cá tính là những giá trị rất riêng biệt và đặc trưng trong một con người nên ông đã đổi sang khái niệm thiên hướng.

Một thiên hướng cá nhân được định nghĩa như là một cấu trúc tâm thức tinh thần đã được thông tục hóa đặc trưng cho từng cá nhân. Thiên hướng cá nhân là khả năng chế ngự các kích thích mang tính vận hành. Thiên hướng giúp chúng ta khởi động cũng như hướng dẫn những hình thái hành vi của chúng ta, nhằm đi theo một hướng riêng thích ứng với điều kiện hoàn cảnh của cá nhân ấy.

Thiên hướng của một cá nhân có những giá trị tương đương về mặt ý nghĩa chức năng với các giá trị khác như: niềm tin, cảm giác và hành động trong hệ khung tâm lý của họ. Tuy không nhất thiết phải tương đương với những hiện tượng thường gặp trong đời sống tự nhiên và trong hệ tâm thức của những người khác.

Một người với thiên hướng cá nhân rất sợ trạng thái hòa lẫn vào một hệ thống công xã hay chẳng hạn như một nhóm chung nào đó. Họ không muốn mình trở thành một thành viên của bất cứ một giai cấp hay một tổ chức nào. Họ thường có phản ứng thể hiện nỗi sợ hãi của mình chống lại qua lời nói, hành vi, trang bị vũ khí, giận dữ… Nhìn chung họ chống đối lại những mô thức tập thể.

Nói một cách khác, thiên hướng là những gì cụ thể, cứng nhắc, dễ nhận ra, và tương đối nhất quán trong những hành vi của một cá nhân.

Allport tin rằng cá tính là những nét đặc trưng quan trọng đối với mỗi cá nhân. Đó là nỗi sợ mình bị trộn lẫn vào cái chung của mọi người (mặc dù không ai giống ai cả). Allport khuyến cáo rằng chúng ta không thể thật sự kỳ vọng về khả năng hiểu biết về những người khác. Thật khó để mà hiểu rõ được tâm thức của bất cứ một người nào đó. Vì lý do ấy, ông mạnh mẽ giới thiệu những phương pháp riêng biệt, tập trung vào nghiên cứu từng cá nhân một, như phỏng vấn, quan sát, phân tích những lá thư hay từng trang nhật ký. Những phương pháp này hôm nay chúng ta gọi là những phương pháp thiên về tính chất chứ không phải thiên về phân tích những con số.

Allport nhìn nhận rằng trong mỗi một nền văn hóa có những tính cách hay những thiên hướng, vốn được coi là một phần của nền văn hóa đó. Những thành viên trong xã hội chấp nhận các tính cách đặc trưng của địa phương mình và cùng trao đổi bằng những tên gọi chung. Trong xã hội phương Tây, người ta thường phân biệt giữa hướng ngoại và hướng nội, tự do hay bảo thủ và họ biết rất rõ về những định nghĩa tên gọi cũng như giá trị của các khái niệm này. Nhiều xã hội khác có những khái niệm giá trị khác hẳn. Chẳng hạn phương Đông có những khái niệm chữ hiếu và chữ trung … Đây là những giá trị tính cách hầu như ai cũng nhận ra, trong khi đối với phương Tây chỉ một số người biết đến khái niệm hiếu và trung.

Allport tin rằng nhiều cá tính gần gũi hơn với đặc tính chung cài đặt một cách rất riêng trong mỗi chúng ta, so với đặc tính chung của những người khác. Những cá tính trung tâm (gần nhất với đặc tính chung của một cá nhân) là những nguyên liệu tạo ra nhân cách của người ấy. Khi chúng ta mô tả một con người, chúng ta thường sử dụng các tính từ thể hiện những cá tính trung tâm như: thông minh, khù khờ, xốc nổi, e dè, trầm tĩnh, tọc mạch, cáu bẳn, dễ dãi, thật thà, hiền lành, bặm trợn, bỗ bã, gây hấn… Allport tin rằng mỗi một cá nhân có từ khoảng 5 đến 10 các tính từ trung tâm như vậy.

Ngoài ra còn có những cá tính thứ yếu, vốn là những cá tính không bộc lộ rõ nhất, quá chung chung, hoặc không đạt được tính nhất quán. Chẳng hạn ta nghe nói rằng:

– Ông ấy bực khi bạn trêu con chó của ông ấy.

– Cô ấy hay cười khi tớ kể chuyện việc làm của cơ quan.

– Cậu chẳng rủ cô bé ấy đi chơi được đâu. Cô ấy có vẻ kén người lắm.

– Bà ấy hay cho người ăn mày tiền.

Allport cho rằng chúng ta còn có cả những cá tính đặc biệt, đó là những cá tính đã cung cấp một định nghĩa rất rõ về cuộc đời của một cá nhân. Ví dụ những người đã giành trọn cả đời mình để theo đuổi một phạm trù lĩnh vực đặc biệt nào đó. Có người cả đời đeo đuổi theo tiền bạc, danh vọng, đời sống tỉnh dục, và những đam mê khác. Thường là ít người có loại cá tính đặc biệt, và thường thì loại cá tính này chỉ phát triển sau khi một cá nhân đã trưởng thành hơn.

5. Sự trưởng thành tâm lý

Nếu một cá nhân đã phát triển một hệ đặc tính chung, có những thiên hướng để thích ứng với cuộc sống, họ là người đã trưởng thành về mặt tâm lý. Xét về mặt sức khỏe tâm thần, Allport liệt ra 7 đặc tính cho người trưởng thành:

1. Phải cụ thể, nhất là trong việc tự mở rộng mình, ví dụ như nhập cuộc.

2. Có kỹ thuật đối thoại nhằm tạo ra những quan hệ với người khác (tin cậy, đồng cảm, chân thành, chấp nhận).

3. Sự an toàn về mặt cảm xúc và biết tự chấp nhận chính mình.

4. Có những thói quen về cách nhìn thực tế (khác hẳn với thái độ nghi kỵ).

5. Tập trung vào vấn đề và phát triển những kỹ năng xử lý vấn đề.

6. Tự phê –nhận thức và hiểu về hành vi của riêng mình, thông cảm với lỗi của mình.

7. Có một triết lý sống độc lập, có giá trị tinh thần, biết gạn lọc những giá trị trong tôn giáo cũng như trong hệ lương tâm của mình.

6. Độc lập trong chức năng

Allport không tin cách nhìn vào quá khứ của một cá nhân để hiểu được hiện tại của một cá nhân. Đây là một bằng chứng vững vàng trong khái niệm tự chủ ở các chức năng mà một cá nhân cần có. Ông cho biết những động cơ của bạn hiện thời luôn có tính độc lập so với động cơ nguyên thủy. Hoàn toàn chẳng có ăn nhập gì giữa động cơ ban đầu và động cơ hiện tại. Khi nhìn lại, nhiều người không khỏi giật mình khi nhận ra hiện tại và quá khứ của mình là hai phiên bản hoàn toàn trái ngược nhau.

Đạt được độc lập trong các chức năng của mình có hai bộ phận: (1) độc lập chức năng bảo tồn và (2) độc lập chức năng tuyên ngôn. Độc lập chức năng bảo tồn là nét chính quan trọng với thói quen, đây là những hành vi không còn phục vụ mục đích nguyên thủy của nó, nhưng vẫn được tiếp tục duy trì. Ví dụ có người hút thuốc lá từ lúc niên thiếu vì muốn làm người lớn, nhưng giờ họ hút thuốc vì không thể bỏ được nữa. Độc lập chức năng tuyên ngôn thiên về xu hướng phấn đấu, chẳng hạn như cố gắng tìm đến với những giá trị tinh thần. Ví dụ như bé bị phạt về tội không chia đồ chơi cho em của mình. Và khi lớn lên, bé làm nhiều việc thiện. Tất nhiên hai sự kiện này thường không có những liên hệ chặt chẽ nào cả.

Có lẽ khái niệm độc lập chức năng là thái độ chống đối mà Allport giành tho cả hai trường phái Freudian và phái hành vi.

Khái niệm độc lập chức năng tuyên ngôn (thuộc phạm trù giá trị tinh thần) đã khiến ông và những người cộng sự của mình là Vernon và Lindzey xây dựng một hệ thống phân loại những hệ giá trị. Trong một cuốn sách có tên Nghiên cứu Về giá Trị (A Study of Value) năm 1960 và những trắc nghiệm cá nhân đã liệt kê 6 khu vực giá trị mà ông cùng các cộng sự đã tìm ra:

1. Giá trị học thuyết: mẫu người nhà khoa học, đánh giá cao sự thật.

2. Giá trị kinh tế: mẫu người kinh doanh, đánh giá cao tính hiệu quả.

a. Giá trị mỹ học: mẫu người nghệ sĩ, đánh giá cao vẻ đẹp thiên nhiên.

4. Giá trị xã hội: mẫu người phục vụ, đánh giá cao tình cảm giành cho con người.

5. Giá trị chính trị: mẫu người chính khách, đánh giá cao quyền lực.

6. Giá trị tôn giáo: mẫu người ngoan đạo, đánh giá cao sự hợp nhất và siêu nhiên.

Phần lớn trong chúng ta luôn có vài trong số sáu giá trị vừa nêu trên ở những mức độ khác nhau. Chúng ta có thể sẽ có những cái nhìn tiêu cực về một vài giá trị khác. Hiện nay có loại trắc nghiệm góp phần giúp trẻ em chọn nghề, áp dụng cách đánh giá tương tự những trắc nghiệm tìm ra hệ giá trị nơi mỗi cá nhân đã được Allport giới thiệu.

7. Thảo luận

Allport là một nhà học thuyết có nhiều ý tưởng thiên hẳn về nhân văn học đã có những ảnh hưởng lớn đến vài nhà học thuyết sau này như Kelly, Maslow, và Rogers. Một điều không may là ban đầu ông đã sử dụng danh từ cá tính mà nhiều nhà hành vi học tỏ ra khá bất bình với cách nhìn của ông.

Tuy nhiên đây là trường hợp khá phổ biến cho ngành Tâm lý nói chung và tâm lý nhân cách nói riêng. Nếu như một nhà học thuyết phản bác lại các học thuyết trong quá khứ và bỏ mặc những tư tưởng và nghiên cứu đương thời khác, ông ta nhất định sẽ gặp phải nhiều chống đối và chỉ trích.

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Previous Post
Next Post